Lan Vy

ngây thơ

tò mò

chân thành

nhiệt tâm

0

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Lan Vy
Lan Vy
Lan Vy
Lan Vy
Lan Vy

ngây thơ

tò mò

chân thành

nhiệt tâm

Giải Mã Cảm Xúc

Cảm xúc là tín hiệu gợi ý cho các nhu cầu bên trong mình. Bằng cách quan sát chúng, ghi nhận và giải mã chúng, ta có cơ hội kết nối với những ước muốn sâu thẳm từ bên trong, và kiên nhẫn hơn với những đòi hỏi từ chính ta, và từ những người khác. Vấn đề xảy ra là khi ngày nhỏ, chúng ta không được hướng dẫn cách giải mã cảm xúc và kết nối với bản thân thông qua cầu nối này; ta chỉ được dạy cách đè nén cảm xúc, đánh giá nó, phân loại nó là tốt-xấu, nên-không nên, để rồi từ đó hình thành và tích tụ các tổn thương, phòng thủ và phản ứng với cảm xúc.

Thay vì thân thiện với cảm xúc, ta xem nó là phiền phức, là thù địch, và trốn tránh, không dám đối diện, thấu hiểu và xử lý nó. Nhiều hậu quả xoay quanh việc này có thể kể đến như là ta không hiểu nổi chính những hành vi và thái độ của ta, ta không kiểm soát được lời nói và phản ứng, ta làm tổn thương cả chính người ta thương yêu… Lâu dần, ta quên mất mình là ai, ta bị áp lực phải chạy theo các yêu cầu của xung quanh, ta lạc lối và cảm thấy thiếu điểm neo giữa sóng gió cuộc đời.

Mình đã đi qua ba bước với cảm xúc của chính mình:

1. NHẬN DIỆN CẢM XÚC

Bằng cách chú ý các dấu hiệu trên cơ thể/ngôn ngữ cơ thể, như là hơi thở gấp, toát mồ hôi, run tay, rung chân, nhịp tim gấp, mắt lờ đờ, căng cứng một vùng nào đó trên cơ thể,… mình nhận ra cơ thể đang phát tín hiệu/thông báo nào đấy dành cho mình, và cảm xúc sẽ xuất hiện rõ ràng hơn. Mình ghi nhận mong muốn phản ứng với chúng, hít một hơi thở sâu để giảm nguy cơ có phản ứng (hành vi, lời nói hay thái độ) không phù hợp. Bước đầu, mình chưa thể thực hành ngay phương pháp này, mà mình phải tham gia khoá thiền Vipassana 10 ngày để có môi trường lý tưởng hỗ trợ thiết lập thói quen mới. Về sau, mình cứ thế duy trì và linh hoạt chỉnh sửa phương thức cho phù hợp với đời sống thực tế hơn thôi. Bạn có thể tham khảo các phương pháp thiền nhẹ nhàng hơn cho người bận rộn từ các app thiền tập và nhiều dự án thú vị khác.

2. GỌI TÊN CẢM XÚC

Bằng cách gọi tên cảm xúc, chúng được thừa nhận và dường như ta vào tâm thế sẵn sàng để đối diện, nhìn nhận và giải mã chúng. Có nhiều bạn sưu tầm các từ ngữ gọi tên cảm xúc, mô tả cách mà cảm xúc hiện diện như một cách để kết nối lại với bản thân. Nhưng nếu không cẩn thận, ta dễ trở nên tiêu cực, đắm chìm vào thú đau thương ? lại là một hiệu ứng thái quá cho việc giải phóng năng lượng tiêu cực, ta bị nghiện cảm giác sảng khoái lúc vừa giải phóng được nhiều cảm xúc bị dồn nén đã lâu.

Mình có một bộ các thẻ bài được thiết kế hình ảnh và tên gọi cảm xúc khá hay, tên là Mixed Emotions Cards của một bác sĩ tâm lý Petra Martin. Mình đã thường xuyên xem nó và gọi tên các cảm xúc đang hiện diện với mình.

3. LÝ GIẢI CẢM XÚC VÀ THẤU HIỂU NHU CẦU TỪ BÊN TRONG

Thông qua việc giải mã cảm xúc, nguyên nhân của nó, nhu cầu ẩn bên dưới thôi thúc bộc lộ cảm xúc, mình đã dần dần hiểu hơn về bản thân, bao gồm cả yếu điểm và nỗi sợ mà mình đã dồn nén bao lâu nay. Để từ đó, mình tìm kiếm các giải pháp xử lý những nhu cầu đó, thay vì trốn tránh bằng cách phản ứng với những cảm xúc tiêu cực của bản thân lẫn người khác. Khi mình hiểu được mình cần gì, có yếu điểm nào và mình chấp nhận được chúng, toàn bộ cuộc sống của mình thay đổi. Mình dám nói không với những yêu cầu không phù hợp từ người khác (mình không đủ năng lực để làm, hoặc mình không an toàn nếu thực hiện điều đấy), biết cách đưa ra những yêu cầu chính đáng để nhận được hỗ trợ, dám vạch ra ranh giới cá nhân, và bắt đầu thẳng thắn chia sẻ cảm xúc thật từ trong mình. Mình bắt đầu làm những việc khiến mình thấy yêu thích và thoải mái, từ đó mình có động lực cho mọi việc mình làm và mình làm tốt mọi việc hơn. Mình đưa ra lựa chọn vì chính mình cần như thế, không phải vì để chiều lòng người xung quanh, nên mình có trách nhiệm hơn đối với cuộc sống của riêng mình.

Một điều không ngờ là giới hạn/năng lực chấp nhận bản thân càng mở rộng, mình càng có thể chấp nhận nhiều yếu điểm từ người khác hơn. Trong chỉ số cảm xúc (EQ), chúng ta có thể thấu hiểu, quản lý cảm xúc của bản thân, thì ta cũng có thể nâng đỡ và hỗ trợ cảm xúc của những người xung quanh ý.

Kênh Youtube chia sẻ các hiểu biết về cảm xúc một cách dễ thương và giản dị mà mình yêu thích là Psych2Go. Mình có thể lý giải sơ khởi một số nguyên nhân dẫn đến các biểu hiện cảm xúc của bản thân, và từ đó dễ dàng chấp nhận và tìm kiếm giải pháp cải thiện những vấn đề liên quan đến loại cảm xúc tiêu cực ý.

Ngoài ra, mình được học Chiêm tinh từ sư phụ Kiều Thị Thu Hương là một cơ hội cho phép mình lý giải các động cơ hành vi và cảm xúc mâu thuẫn trong chính mình. Từ đó, mình giảm phán xét, can đảm đối diện và hình dung được đại khái những giải pháp cần thiết cho các vấn đề cá nhân của mình. Cô cũng là người khuyến khích mình tìm hiểu Phật pháp, ngồi thiền, dưỡng sinh và cải thiện các mối quan hệ thân thiết trong gia đình để nhận diện cảm xúc bị đè nén.

Một điều đặc biệt mà mình may mắn biết đến trong đời này, đó là Kinh Phật Nguyên Thủy, nhất là Vi Diệu Pháp/Thắng Pháp (Abhidhamma). Sơ đồ tâm của Pháp như một phương án dẫn đường cho mình dần dần sáng tỏ hơn về các chuỗi cảm xúc xuất hiện. Mình hay nghe bài giảng của Sư Cô Tâm Tâm, đọc những giải đáp từ Thiền Sư Nguyên Tuệ. Các cuốn sách diễn giải mình được sư phụ chia sẻ thì mình chưa đọc hết nổi. Nhưng đọc ít thực hành ít cũng đã thấy nhiều biến chuyển nên mình chụp ảnh chia sẻ với mọi người.