Cảm Nhận Khóa Thiền Vipassana 10 Ngày Do Thiền sư S.N.Goenka và các Thiền sư phụ tá giảng dạy

Categories:BLOG
Vy Lan

Mở đầu bài viết, mình xin nói rõ về tình trạng bản thân. Mình vốn là một người không có tín ngưỡng, chưa bao giờ tham dự những phương pháp cải thiện tâm lý hay tâm linh nào, và trên hết đây chính là lần đầu mình được trải nghiệm một phương pháp thực hành có sự ảnh hưởng đến tinh thần. Vì thế, những gì mình chia sẻ tại đây chỉ đơn thuần là sự quan sát chủ quan/sự cảm nhận cá nhân và không hề có kinh nghiệm hay kiến thức lý giải nào cho những trải nghiệm mình đạt được. Những chia sẻ này lại càng không phải là hướng dẫn thực hành để các bạn tự tu tập tại nhà, vì mình hoàn toàn chỉ nêu lên hành vi cá nhân của bản thân trong lần đầu tiên trải nghiệm, nên sẽ không thể tránh khỏi thiếu sót về mặt hệ thống. Nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn, xin hãy ghé website của chương trình >click here< và đọc thật kĩ các thông tin được trình bày tại đó. 

Và thật lòng mình khuyên bạn không nên vội tin vào những chia sẻ của mình, hãy cho bản thân cơ hội đến tận nơi, tham gia và chứng thực những gì mình đã chia sẻ. Chỉ có sự chứng thực mới mang lại chân lý tuyệt đối.

1. Thông tin chung về khóa Thiền Vipassana mà mình đã tham dự

Mình xin trích dẫn lại thông tin ngắn gọn từ website.

Phương pháp thiền Vipassana là một phương pháp đơn giản và thực tiễn để đạt được an lạc thực sự cho tâm hồn và đưa đến một cuộc sống hạnh phúc và có ích. Vipassana có nghĩa là “nhìn thấy sự việc đúng như thật”. Đây là một tiến trình hợp lý để thanh lọc tâm bằng cách tự quan sát. Phương pháp thiền cổ truyền này đã được Đức Phật Thích Ca truyền dạy hơn 2500 năm trước tại Ấn Độ như một phương thuốc chữa căn bệnh khổ chung cho tất cả, không mang tính tôn giáo hay tông phái.

Tuyệt đối không có sự cải đạo. Mặc dù Vipassana là phương pháp do Đức Phật tìm ra, sự thực hành không chỉ giới hạn cho Phật tử. Nhiều người từ nhiều tôn giáo khác nhau đã hưởng được những lợi ích nhờ thiền Vipassana và thấy không có gì xung khắc với tín ngưỡng của họ.

Đây là một khóa thiền nội trú 10 ngày hoàn toàn miễn phí. Phương pháp thực hành sẽ được hướng dẫn tuần tự, tỉ mỉ trong suốt khóa thiền. Mọi phí tổn ăn ở đều do sự đóng góp thiện nguyện của những thiền sinh cũ. Sau khi đã hoàn tất ít nhất một khóa thiền 10 ngày và hưởng được những lợi ích an vui từ khóa thiền, các thiền sinh cũ có thể đóng góp để giúp cho những người khác cũng có được cơ hội tương tự.

Trong suốt trong thời gian của khóa thiền:

  • Thiền sinh sống trong phạm vi của trung tâm, không liên lạc với thế giới bên ngoài.
  • Thiền sinh tránh không đọc hoặc viết, tạm ngưng những lễ nghi tôn giáo hoặc các phương pháp thiền khác.
  • Hằng ngày thiền sinh tuân theo một thời khóa biểu nghiêm túc gồm 10 giờ ngồi thiền, 1 giờ nghe pháp thoại, xen lẫn với những giờ nghỉ.
  • Thiền sinh phải giữ im lặng tuyệt đối và không liên lạc với những người đồng khóa (chỉ trao đổi những điều cần thiết với thiền sư phụ tá và ban quản lý).

Dĩ nhiên, có nhiều phương pháp thiền khác, cũng như có nhiều nơi khác cũng tổ chức phương pháp thiền Vipassana này. Nhưng như mình đã nói từ đầu bài viết, mình chỉ mới vừa tham gia duy nhất khóa thiền này, nên mình sẽ chỉ có thể chia sẻ trong giới hạn khóa thiền này. Điều đó không có nghĩa là khóa thiền này tuyệt đối, còn những khóa khác thì không đáng chú ý tới. Thật ra mà nói thì có nhiều người cảm thấy những khóa thiền/phương pháp thiền khác phù hợp với bản thân hơn, nên họ có lựa chọn khác mình. Xin hãy tự chứng thực bằng bản thân để có thể đưa ra quyết định sáng suốt nhất, và theo đuổi lâu dài bền vững.

2. Quy định và thời gian biểu cụ thể trong sinh hoạt và thực hành

Mặc dù thông tin khóa thiền đặt ra là 10 ngày, nhưng chính xác là bạn sẽ mất 11 ngày cho khóa thiền này. Ngày đầu, bạn sẽ cần phải đến trường thiền trước 5h chiều, đọc kĩ thông tin/nội quy và ký vào đơn cam kết về việc bạn hoàn toàn tình nguyện tham gia khóa thiền, sau đó bạn sẽ cần sắp xếp ổn định nơi ở và tập trung nghe thông báo tại nhà ăn trước khi bắt đầu chính thức vào khóa thiền. Và ngày cuối, khóa thiền kết thúc vào 6h30 sáng, nhưng bạn sẽ cần phải nán lại đến gần trưa để dọn dẹp, giặt giũ những món đồ cá nhân mà bạn đã sử dụng trong 10 ngày qua, nhằm trả lại hiện trạng sạch sẽ, tinh tươm đón tiếp những thiền sinh của khóa kế tiếp. Do vậy mà mình bảo là bạn sẽ cần phải sắp xếp lịch trình trong 11 ngày. Dù chính thức thiền trong 10 ngày, nhưng bạn sẽ nhận được một email thông báo rõ về lịch trình 11 ngày như mình đã phân tích.

Đầu tiên, bạn sẽ được thông báo rõ về việc phải ở lại hoàn toàn trong khuôn viên trường thiền, và sẽ không bước ra khỏi giới hạn đã được đặt sẵn. Tại đó, có 2 khu kí túc xá dành cho nam và nữ hoàn toàn tách biệt. 

Tiếp theo đó, bạn sẽ được thông báo về quy định giữ gìn 5 giới một cách nghiêm ngặt, bao gồm:

  • không sát hại bất kỳ chúng sinh nào,
  • không trộm cắp,
  • không tà dâm,
  • không nói dối,
  • không uống các chất gây say/nghiện.

Điều đó có nghĩa là, bạn sẽ cần phải giữ sự im lặng thánh thiện – tức là không giao tiếp với bất kì thiền sinh nào khác thông qua cả lời nói lẫn cử chỉ hành vi hay ra dấu hiệu. Vào đó, bạn sẽ cần phải cảm thấy bổn phận của bản thân là hạn chế tối thiểu các hành vi gây ra phiền đến thiền sinh khác, không soi mói tò mò về ai khác, và cố gắng tập trung vào bản thân để bỏ qua những phiền hà mà thiền sinh khác vô tình gây ra (thường là tiếng ho, tiếng khụt khịt vì sổ mũi, tiếng sột soạt khi chuyển đổi vị trí, tiếng động phát ra từ sinh hoạt cá nhân…). Điều này sẽ giúp bạn loại trừ được nguy cơ nói dối (vì nhiều khi cao hứng sẽ có thể bịa ra chuyện gì đó, hoặc cần phải che giấu những điều riêng tư mà nói chệch hướng đi??). Ngoài ra, bạn cũng không được phép sử dụng điện thoại, sách vở, báo chí, tranh ảnh, máy ghi âm ghi hình hay bất kì loại máy móc truyền tải thông tin nào khác, để giữ cho tâm trí không bị phiền nhiễu, giữ cho sự tập trung được trọn vẹn.

Có lẽ buổi đầu, khi nhận được thông báo, bạn sẽ không hiểu vì sao mình phải thực hành theo 5 giới này. Nhưng hãy yên tâm, vào các buổi pháp thoại hằng đêm, bạn sẽ được vị thiền sư giải thích rõ ràng và cặn kẽ nguyên nhân vì sao cần phải giữ gìn 5 giới đó trong suốt 10 ngày tu tập. Và đến cuối khóa, bạn sẽ nhận thấy được lợi ích của điều này (hoặc bạn có thể chịu khó đọc đến cuối bài viết, thì mình có chia sẻ về lợi ích mình đã đạt được).

Trong mỗi phòng ngủ, sẽ có treo bảng thời gian biểu cụ thể cho sinh hoạt mỗi ngày, được duy trì cho đến ngày thứ 9. Bởi vì ngày thứ 10 sẽ có một lịch trình riêng nhằm giúp các bạn khởi động lại việc làm quen với thế giới (sợ rằng bạn im lặng lâu quá sẽ bị sốc khi bước ra ngoài đó mà hahaa). Thời gian biểu ấy sẽ bao gồm:

  • Thức dậy vào 4h sáng, khi tiếng chuông được gõ keng keng. Các bạn sẽ cần phải làm vệ sinh cá nhân, gắp chăn mền mùng gọn gàng rồi bắt đầu thiền vào 4h30. Từ 4h30 – 5h30 các bạn sẽ được nghỉ khoảng 5p, rồi tiếp tục thiền cho đến 6h30.
  • Khoảng thời gian 6h30 – 8h sáng là để bạn ăn sáng và nghỉ ngơi (thường là vì đêm không ngủ được/hoặc do phải dậy sớm mà các bạn sẽ nằm ngủ sau khi ăn sáng xong hihi). Từ 8h-9h là thời gian thiền chung, và sau đó được nghỉ 5 phút để tiếp tục thiền tự do cho đến 10h30 trưa.
  • 10h30 -13h sẽ là thời gian ăn uống và nghỉ ngơi, tùy ý bạn muốn ngủ nghỉ hay giặt giũ tắm rửa chi đó, vì đây là thời gian được nghỉ dài nhất trong ngày. Nếu bạn nào có thắc mắc cần được thiền sư giải đáp, thì bạn cần phải đăng ký tại bảng thông báo (viết tên mình vào tờ giấy được ghim trên bảng để đặt lịch hẹn riêng đó mà, thích chưa?), và cần tập trung trước thiền đường vào 11h55, ai đến trước thì sẽ được chị quản lý sắp xếp cho lên gặp trước. Có những buổi các bạn đăng ký đông quá nên cho đến 13h thì thiền sư vẫn chưa được về phòng riêng nghỉ.
  • Từ 13h-14h là thời gian thiền tự do. Tiếp theo đó bạn được nghỉ 5 phút rồi bắt đầu vào thiền chung tại thiền đường cho đến 15h30, rồi lại tiếp tục được thiền tự do đến 16h30.
  • Từ 16h30 – 17h30 là thời gian ăn chiều và nghỉ ngơi. Gọi là ăn chiều nhưng thường sẽ được ăn nhẹ món bánh, trái cây, bí luộc, và sữa đậu nành hoặc trà xanh. Từ đó đến tối sẽ tuyệt đối không ăn bất cứ món gì nữa, nhằm giữ cho bản thân sự tỉnh táo tuyệt đối. Đối với thiền sinh cũ thì hoàn toàn không được ăn nhẹ luôn, chỉ được uống một ly nước chanh.
  • Từ 17h30 – 18h30 thì sẽ có buổi thiền chung với thiền sư, sau đó sẽ là giờ nghe pháp thoại (giờ mà ai cũng mong chờ vì pháp thoại vừa hài hước, vừa hữu ích, lại có thời gian được ngồi thư giãn). Cuối cùng trong ngày sẽ được dành khoảng 30-45 phút để thực hành phương pháp vừa mới được giảng dạy trong giờ nghe pháp thoại cho quen, và 21h thì chính thức kết thúc hoạt động thiền. Nhưng trong thời gian từ 21h – 21h30 nếu bạn nào có thắc mắc cần được giải đáp thì hãy nán lại để hỏi thiền sư, dĩ nhiên không được hẹn riêng như giờ trưa đâu he.
  • 22h thì tắt đèn nghỉ ngơi, ai ngủ được thì ngủ, không ngủ được thì cứ nằm nhắm mắt và tập trung quan sát hơi thở.

Lịch trình vào ngày 10 thì có sự khác biệt. Các bạn ngồi thiền vào sáng sớm, ăn sáng rồi vào thiền chung đến 9h sáng. Sau đó là nghe một bài pháp thoại, rồi được xả giới và đi xuống sân trò chuyện, giao lưu với nhau. Nội quy vẫn là giữ sự tĩnh lặng cho thiền đường, thế nên muốn nói chuyện thì cứ lên phòng nghỉ hoặc xuống sân mà nói cho thỏa thích. Rồi đến giờ thiền thì lại im lặng bước vào thiền đường một cách nghiêm chỉnh.

Xin lưu ý giúp mình là giờ giấc mình chia sẻ tại đây có thể sai lệch đôi chút trong sự tiếp nối giữa các giờ thiền. Nhưng giờ thức dậy, giờ nghỉ ngơi và giờ đi ngủ là chính xác tuyệt đối. Giữa các canh giờ sẽ có tiếng chuông thông báo rất lảnh lót và rõ ràng, mưa to nhưng vẫn có thể nghe thấy được.

Đối với những giờ thiền tự do thì bạn có quyền lựa chọn về phòng riêng ngồi thiền tại giường của bạn, hoặc thiền tại thiền đường với các thiền sinh khác. Nhưng mình khuyên là bạn nên thiền tại thiền đường vì sẽ có động lực hơn khi xung quanh bạn ai cũng ngồi nghiêm túc, chứ về phòng thì lại có tâm lý lười nhác tự dễ dãi với bạn thân rồi lại nằm ườn ra. Trong phòng riêng thì chỉ có quạt, nhưng thiền đường thì có máy lạnh nên sẽ thoải mái hơn, vì trong quá trình thiền bạn sẽ cảm nhận được sự nóng lên của cơ thể, thậm chí có khi còn đổ mồ hôi trong căn phòng nhiệt độ 25-27 độ đó, về phòng riêng rất là bất tiện. Nên trong 10 ngày đó dù sống chết mình cũng cố bám trụ tại thiền đường để ráng đu theo các thiền sinh khác.

Mình hy vọng khi chia sẻ lịch trình thế này sẽ không dọa chết bạn. Thật ra mình cũng từng sợ hãi mà định hủy lịch hẹn khóa thiền này nhiều lần, nhưng đến cuối cùng, nhờ vào sự ủng hộ của bạn bè lẫn sự khao khát muốn vươn đến những điều tốt lành hơn, nên mình đã nhắm mắt đưa chân. Có thể những ngày đầu, khi bạn chưa quen với lịch trình dày đặc này (vì cơ thể vốn đã quen với lối sinh hoạt bừa bãi, với sự lười nhác vận động và lười nhác tư duy) nên bạn sẽ cảm thấy vô cùng kiệt sức. Nhưng sau đó vài ngày, bạn sẽ cảm nhận được sự quân bình do lối sống lành mạnh đều độ, chế độ ăn uống giản dị mà đầy đủ chất cùng không khí trong lành đến từ năng lượng của những thiền sinh và bao quanh thiên nhiên yên tĩnh. Và sau khi mình về nhà vài hôm, chỉ muốn dọn vào đó ở luôn haha đùa đấy! Thay vì thế, mình đã thay đổi toàn bộ lịch trình sinh hoạt và thực đơn ăn uống hằng ngày của bản thân.

3. Điều kiện sinh hoạt – cơ sở vật chất

Nhờ vào sự đóng góp của các thiền sinh cũ cả về vật chất lẫn sự cống hiến phục vụ, bạn sẽ nhận được một chuyến đi nghỉ dài ngày tuyệt hảo! Mình chưa bao giờ có được một chuyến du lịch/nghỉ dưỡng/học tập dài ngày nào thực sự chất lượng như thế này – tinh thần lẫn cơ thể đều sảng khoái, nhẹ nhõm và khỏe mạnh. Tất cả các khâu từ ban tổ chức, người phục vụ, người phiên dịch, người quản lý… đều là các thiền sinh cũ tình nguyện đăng ký cống hiến. Những con người tuyệt diệu ấy đã hy sinh tận 10 ngày dài đằng đẵng vào phục vụ các thiền sinh mới với mong mỏi duy nhất là các thiền sinh mới (trong đó có mình) sẽ đạt được những lợi lạc giống như họ đã từng được nhận! Họ không hề nhận được tiền lương hay phần thưởng nào từ những hoạt động ấy. Thật sự là những tinh thần tuyệt vời. Mình biết ơn họ không chỉ vì những lợi ích mà mình được nhận từ họ, mà còn vì họ đã truyền cho mình cảm hứng về những phẩm chất cao quý của những con người sẵn sàng phụng sự vì lợi ích của kẻ khác, mà không đòi hỏi lợi ích về bản thân. Nhờ có họ, mà khóa thiền được diễn ra suôn sẻ, trôi chảy và không hề có bất kì một sai sót nào.

Bạn sẽ được ở trong một ký túc xá gồm 3 tầng lầu. Thường thì những cụ ông cụ bà sẽ được sắp xếp cho ở tầng 1 – cũng là tầng có bố trí thiền đường, để thuận tiện cho việc di chuyển. Còn những bạn trẻ (cỡ 9x như mình) sẽ được sắp xếp cho ở tầng 3. Vì tuổi trẻ sức khỏe bền dẻo mà haha. Nhưng thú thật là ngày thường chỉ cần đi xuống một lầu thì mình cũng đã bấm thang máy vì lười. Nhưng sau 10 ngày này thì mình vẫn giữ thói quen leo cầu thang để rèn luyện đôi chân khỏe mạnh, tính ra mỗi ngày mình leo lên leo xuống cả chục lần ý haha, muốn lười cũng không ai bế xuống cho :)) vì không được dựa dẫm nên dĩ nhiên là phải tự lực thôi, và cơ thể sẽ tìm cách làm quen với hoạt động mới thôi. Cơ thể chúng ta kì diệu vô cùng, nó rất dễ dàng thích ứng với mọi loại hoàn cảnh đó, chỉ cần bạn cho nó cơ hội thay đổi thôi.

Thông thường, người nào lo việc sinh hoạt riêng của người nấy, không ai hỏi ai câu nào, hay nhờ vả ai điều gì. Nếu có khó khăn gì trong sinh hoạt thì có thể liên hệ quản lý, ra một góc riêng trao đổi để không làm phiền đến thiền sinh khác. Do đó mà đến cuối khóa, khi được nói chuyện trở lại, hai bạn thiền sư chung phòng ngủ đã kể là những ngày đó thấy mình có đầy đủ đồ dùng thì muốn mượn dùng một tí mà ngại không dám mở lời haha.

Về thực đơn ăn uống thì các món ăn đều là các món chay.

  • Buổi sáng thường có bún, phở, bánh mì, thỉnh thoảng có khoai luộc, thỉnh thoảng có sữa đậu nành.
  • Buổi trưa sẽ là món cơm, đặc biệt là có cơm trắng và cơm gạo lứt đậu đỏ tuyệt ngon. Có một món kho và một món canh hoàn toàn từ rau củ. Nêm nếm nhạt, không quá nhiều muối, hạn chế tối đa dầu mỡ và hoàn toàn không dùng bột ngọt hay đường. Nếu bạn muốn ăn mặn hay ngọt hơn, thì có thể dùng nước chấm hoặc hũ đường để sẵn trong góc. Điều mình thích nhất là hũ muối mè đậu phộng tuyệt ngon. Nên hầu hết các ngày mình chỉ ăn cơm gạo lứt đậu đỏ với muối mè đậu phộng, mà cơ thể vẫn thấy đủ và thấy khỏe cơ. Ở nhà ăn thịt cá thế mà lại mệt mỏi khổ sở dã man haha.
  • Buổi chiều thường sẽ có bánh quy, bí luộc, trái cây được gọt sẵn và các món uống như sữa đậu nành hay trà xanh. Thật ra trong góc lúc nào cũng có sẵn các bịch bột cafe, nếu bạn cảm thấy buồn ngủ quá sức thì có thể dùng cafe hỗ trợ. 

Điều hay ho nhất là mọi món ăn đều được chế biến thơm ngon bày biện sẵn trên một cái bàn to. Mọi người sẽ xếp hàng bưng cái khay được đánh số sẵn của bản thân đến lấy từng món mình thích rồi về chỗ ngồi cố định để thưởng thức. Chỗ ngồi cũng như chỗ ngủ sẽ được giữ cố định trong 10 ngày, không ai chen lấn giành giựt của ai, không ai cần phải tương tác với ai làm chi cả. Sau khi ăn xong, bạn sẽ tự đi rửa chén bát, khay đựng của mình, tự lau sạch rồi bọc khăn vải lại để lần sau lại dùng tiếp. Những ngày đầu khi chưa quen với thực đơn giản dị này (mình vốn ham ăn mà, nên thân hình mập ù đây này) thì sẽ cảm thấy đói. Nhưng khi mình quan sát cơn đói nó đến rồi nó đi mà không phản ứng với nó, thì sang ngày thứ 3 và sau đó nữa, mình không hề cảm thấy bị cơn đói làm phiền nữa, mình cũng quen với lối ăn uống vừa đủ này luôn. Khi rời trường thiền thì mình đã giữ lối ăn uống đó cho đến tận hôm nay (mấy ngày rồi ấy nhỉ? Cũng được gần 5 ngày :)))))

Thiền đường là một căn phòng rộng rãi, cao ráo, được trang bị hệ thống đèn vàng, đèn trắng, máy lạnh và dàn loa cực xịn. Máy lạnh luôn được bật vào các giờ thiền, mình đoán là nhiệt độ tầm 25-27 độ (mình không rõ nhe) vì tầm nhiệt độ đó là tay chân mình bị lạnh cóng và tê cứng nên mình phải mang vớ. Đèn vàng sẽ được bật vào giờ thiền, ánh sáng dịu nhẹ như đèn ngủ để thư giãn (nên bạn nào mà không tập trung sẽ dễ ngủ gật lắm nhe). Đèn trắng sáng rõ sẽ được bật vào giờ nghe pháp thoại để các bạn tỉnh táo lắng nghe. Sau khi kết thúc mỗi giờ thiền, các bạn phụng sự viên sẽ chạy vào tắt máy lạnh, mở toang cửa sổ để căn phòng thông thoáng. Đó là lý do mà mình ngồi liên tục 10 ngày trong thiền đường mà vẫn cảm thấy thoải mái, còn về lại căn phòng nhỏ xíu, chật chội, nhiều đồ đạc và bụi bặm cùng lông mèo thì mình đã bị ho và sổ mũi.

Tại phòng thiền sẽ có bố trí số gối ngồi thiền vừa đủ với số thiền sinh, được đánh số của các thiền sinh. Ai thuộc số nào thì cứ tự động đi tới cái gối số đấy mà ngồi thôi, không cần phải hỏi han, làm phiền ai về chỗ ngồi của mình cả. Trong góc phòng sẽ có rất nhiều chiếc mền, chiếc gối kê chân nhỏ hơn được xếp gọn gàng. Ai có nhu cần choàng khăn vì lạnh, hay kê chân vì ngồi chưa quen thì có thể đến lấy thêm. Ai lấy khăn nào thì sau ngày thiền cứ để tại vị trí ngồi của mình, dùng cho đến hết 10 ngày rồi đi giặt giũ sạch sẽ tinh tươm mới cất vào góc lại. 

Bạn chỉ được trao đổi duy nhất với quản lý và thiền sư, nhưng cũng được khuyên là hãy hạn chế hết mức có thể, trong trường hợp thực sự cần thiết. Nhưng bình thường, bạn quản lý vẫn rất nhiệt tình leo lên cầu thang nhắc nhở bạn đừng ngủ gật, quan sát trong thiền đường nhắc nhở bạn ngồi ngay ngắn đúng chỗ (vì có nhiều bạn mỏi lưng quá bèn lùi dần vào tường để dựa haha), hoặc lưu ý bạn nếu có những hành vi sinh hoạt làm ảnh hưởng đến thiền sinh khác. Sự nhiệt tình của bạn quản lý và phụ tá quản lý khiến mình cảm động vô cùng, nhưng đến ngày cuối mới được nói ra điều ấy cơ :)))

4. Hướng dẫn và pháp thoại

Toàn bộ hướng dẫn trong các buổi thiền và buổi nghe pháp thoại đều được mở băng ghi âm, thông qua dàn loa xịn trong thiền đường yên ắng mà âm thanh thật sống động và mạch lạc. Thiền sư S.N.Goenka giảng giải bằng tiếng Anh và xen lẫn việc giải thích các thuật ngữ từ tiếng Pali thật rõ ràng rành mạch, và sẽ có phần phiên dịch lại bằng tiếng Việt của một giọng nam rất truyền cảm hứng cho những ai không nghe tiếng Anh tốt có thể theo dõi được. Người phụ trách giải đáp, quán xuyến công việc hành thiền của các thiền sinh trực tiếp xuyên suốt khóa thiền sẽ là một vị thiền sư phụ tá, vì hiện tại ngài S.N.Goenka đã qua đời.

Mình đặc biệt mong chờ các buổi pháp thoại hằng đêm vì bài giảng giản dị, gần gũi, cho ví dụ minh họa thực tiễn, hài hước, cùng với tiến trình dõi theo các diễn biến tâm lý của thiền sinh khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên “vì sao ông ý biết mình như thế vậy ta?” haha. Và bạn đừng lo nghĩ đến việc sẽ ghi chép lại những kiến thức trong buổi pháp thoại ngày hôm đó, vì vào cuối khóa thiền, bạn cũng sẽ được tặng cho một cuốn sổ nhỏ chứa đầy đủ nội dung các bài pháp thoại, và được cấp một tài khoản vào trang web có các đoạn băng ghi âm này để nghe lại.

Thật sự là nếu bạn thực hành theo đúng những gì hướng dẫn thì tiến trình tinh thần lẫn thể xác của bạn sẽ theo đúng với những gì mà thiền sư phân tích, giảng giải và cung cấp thông tin cụ thể. Do đó mà mình đã rất cố gắng bám theo sát những hướng dẫn được giao cho, vì sợ là sẽ bỏ lỡ mất điều gì quan trọng.

5. Tiến trình cá nhân

Đây là một phần dài dòng kể lể về cuộc sống, tâm tư, cảm xúc và diễn biến trạng thái của bản thân trong xuyên suốt 10 ngày trú tại trường thiền và sinh hoạt theo quy định. Nếu bạn không thích sự dài dòng kể lể thì có thể dừng tại mục 4 là đủ rồi nhen ^^

Buổi chiều nhập trường thiền

Mình đã đến nơi khoảng 4h chiều, đi thẳng vào phòng tiếp khách đọc kĩ nội quy, hướng dẫn và ký xác nhận một tờ đơn về việc tình nguyện tham gia khóa thiền này, và không mắc chứng bệnh tâm thần nào đặc biệt. Sau đó, mình sẽ được trao cho một con số và một chiếc chìa khóa có con số đó (số của mình là 43). Con số này sẽ gắn bó với mình xuyên suốt khóa thiền bởi vì người ta sẽ đánh dấu trên chiếc giường ngủ, trên vị trí bàn ăn và vị trí ngồi thiền để bạn tự giác đi vào đúng vị trí mà không làm phiền người khác. Chiếc chìa khóa nhỏ sẽ dành cho một cái tủ cất điện thoại, tư trang, tiền bạc, sách vở nếu có… nhằm đảm bảo là bạn không sử dụng chúng trong xuyên suốt 10 trú tại đây. Sau khi mọi người cất đồ đạc vào tủ được đánh số của mình, thì ban tổ chức sẽ bưng nó cất kĩ ở một nơi bí mật an toàn nào đó, và cho đến ngày cuối cùng thì bạn mới được nhận lại chúng. Điều này thực sự có ý nghĩa, bởi bạn sẽ cảm thấy yên tâm hành thiền hơn là cứ lo lắng liệu mình ngồi đây thiền rồi có ai lấy cắp tiền bạc điện thoại của mình trong vali không nhỉ? :))) Mình không rõ bạn thế nào, chứ moon Kim Ngưu của mình cực kì an tâm vì không có món tài sản đắt giá nào trong người cả, vì sẽ không lo bị mất :)))))

Sau đó mình ì ạch xách vali lên 3 tầng lầu, nhận giường của mình rồi nằm ngủ một lèo đến hồi chuông kêu thì chạy theo mọi người xuống phòng thông báo chung. Lúc này, người quản lý sẽ giới thiệu hai vị quản lý nam riêng nữ riêng, và dặn dò những nội quy như mình đã chia sẻ bên trên (dĩ nhiên chi tiết hơn là mình chia sẻ, vì có thể mình đã lỡ quên mất nội quy nào đó??).

Tiếp sau đó, mọi người được hướng dẫn đi đến thiền đường, ngồi vào vị trí đúng để làm quen, và bắt đầu nghe bài pháp thoại đầu tiên. Thật ra là một bài giới thiệu, và có giải thích về việc vì sao lại phải giữ trọn 5 giới trong quá trình hành thiền – giải thích sơ khởi thôi, nhưng buổi sau mới phân tích sâu sắc và thấu đáo hơn. Sau bài pháp thoại đó, mọi người bắt đầu tiến hành thiền Anapana trong khoảng 45 phút, rồi chuông thông báo đến giờ nghỉ. Ai nấy về phòng ngủ và sửa soạn nằm nghỉ.

Ngày 1

Vì ngày trước đó, mình đã đến trường thiền trước 5h chiều theo quy định, nên về chỗ ở đã được sắp xếp ổn thỏa. Và đêm hôm đó mình đã ngủ ngon thiệt ngon vì hai nhẽ.

Một là trước ngày đi thiền, mình đã thức đêm hoàn thành nhiều việc, có nhiều vấn đề xảy đến với mình khiến mình bị stress và có bị sốt nhẹ sổ mũi nhẹ, và cùng lúc bị làm phiền liên tục bởi nhiều tin nhắn và cuộc gọi. Khi cất được cái điện thoại vào tủ, mình cảm thấy nhẹ nhõm như trút được cái gánh nhiều cân, nên đầu óc thật thảnh thơi thoải mái.

Hai là ở nhà mình vốn ngủ trên mặt đất cứng, nên khi được nằm trên cái nệm dù mỏng và không quá êm, nhưng mình vẫn cảm thấy êm ái hơn ở nhà, thế là ngủ khò luôn haha.

Vì ngủ ngon như thế ngay từ 22h, nên 4h sáng khi chuông điểm giờ thức giấc thì mình tỉnh dậy rất nhanh chóng và cảm nhận được sự sảng khoái, tỉnh táo. Cơn sốt và cơn sổ mũi cũng lùi đi đâu luôn, để lại một tâm thế rất sẵn sàng cho ngày trải nghiệm mới. Tuy vậy, mình đợi đến sát giờ là 4h30 mới đi đến thiền đường. Ngay hôm đầu do chưa lường trước được độ lạnh, mình đã không mang theo vớ, cũng không lấy chăn đắp người, nên đã chịu lạnh đến tận sáng, thật ra cũng muốn thử bản thân xem sao. Nhưng lần ngồi thiền này mình đã rất khổ sở, thay đổi tư thế liên tục vì đau lưng, đau bả vai, đau xương quai xanh (lạ ghê?), đau khắp vùng lưng, và vùng chân sau khoảng 10 phút ngồi. Mình đã vặn vẹo người, duỗi chân rồi co chân rồi lại xếp bằng rồi ngồi chồm hỗm, rồi quỳ… đủ loại mọi tư thế để tìm kiếm cảm giác dễ chịu tạm thời. 

Ngoài ra thì khi được khuyên rằng tập trung vào hơi thở, mình mới nhận ra tâm trí của mình thiếu khả năng tập trung đến mức nào. Cứ khoảng vài giây, tâm trí lại liên tưởng đến một sự kiện/công việc/ảo tưởng nào đó, rồi khi mình nhận ra sự phóng tâm vô thức đó, mình đã vội kéo lại sự tập trung vào hơi thở, nhưng được vài giây thì nó lại tiếp tục phóng đi đâu đó. Nhưng mình không thấy chán ghét bản thân như vị thiền sư giảng giải là “đừng chán ghét bản thân hay nản chí” – mình vẫn nghĩ là chắc khởi đầu là như vậy, bây giờ mục tiêu của mình là làm chủ nó.

Thế là hết cả ngày 1, mình đánh vật với cơn đau của thể xác, và sự thiếu tập trung trong tâm trí. Cũng may mắn là nhờ sự yên tĩnh, không bị ai làm phiền nên mình có cơ hội rèn cho bản thân sự tập trung cao độ hơn bình thường. Nếu ở ngoài, khi tâm trí liên tưởng đến điều gì, mình sẽ ngay lập tức làm một hành động gì đó để đáp ứng lại tâm trí.

Ví dụ ngay khi tâm trí nghĩa rằng mình cần phải nói với bạn A điều này, thì ngay lập tức mình sẽ liên hệ với bạn A để nói chuyện – nhưng trong lúc đang nói chuyện với bạn A, mình chợt nhớ ra mình cần phải làm việc Z, thế là mình bỏ bạn A đi làm cái việc Z đó. Thế là sự lan man khiến hành động của mình trở nên thiếu nhất quán. Còn khi ngồi trong thiền đường, mình muốn nói chuyện với bạn A – chịu thôi, không có điện thoại, không được rời khỏi nơi này để chạy đi tìm bạn A, vậy là đành ngồi yên đó kéo tâm trí lại vào giây phút hiện tại chứ không có hành động theo mong muốn đó – giây phút hiện tại là mình đang ngồi ở nơi đây, không có điều kiện để thực hiện hành vi mong muốn hihi. 

Ngày 2

Đêm vừa qua, mình vẫn ngủ ngon  vì sau một ngày rã rời với cơn đau nhức khi ngồi thiền, thì được đặt lưng trên chiếc nệm êm ái chính là điều thỏa mãn nhất. Và mình đã ngủ luôn một lèo đến 4h sáng dậy với tâm trạng cực kì tỉnh táo. Và đến thiền đường với chút uể oải bởi vì lại liên tưởng đến cơn đau hôm qua thì mình chỉ muốn vượt tường trốn về cho xong. Trong suốt ngày thứ 2 này, điều mà mình phải tranh đấu đó là mong muốn được về nhà, được cầm điện thoại chat chit, cập nhật thông tin bên ngoài, được đọc sách, được nghe nhạc, được nằm nghỉ bất kì lúc nào mình thích. Mặc dù trong tâm trí có nhiều mong muốn như vậy, nhưng mình vẫn nhớ lại mục tiêu từ hôm qua đó là làm chủ sự tập trung của bản thân, và chịu đựng cơn đau nhức. Thời gian tập trung của mình được kéo dài hơn một tẹo, ít nhất là ngay giây phút tâm mình phóng đi lung tung thì mình kịp nhận ra và kéo nó về với hơi thở. Và dù đau nhức đến mức nào, mình vẫn lì lợm bám trụ tại thiền đường mặc dù có nhiều bạn đã về phòng riêng. Bởi mình biết là nếu leo lên chiếc giường êm ái đó, mình sẽ chỉ có dung túng sự ham ngủ của bản thân thôi, chứ không tu tập được gì cả.

Ngày hôm nay thì mình có mang theo đôi vớ ấm áp siêu cấp vũ trụ, nên cảm thấy cơ thể có khả năng chịu đựng cơn đau hơn một tí xíu, hẳn là vì cũng đã quen với cơn đau, nhưng vẫn cảm thấy muốn chạy trốn. Tuy cơn đau không phải là nhức nhối ê buốt như hôm trước, nhưng nó có sự đau nhức dạng âm ỉ lâu lâu bùng lên nhói tận não. Những lúc mà cơn đau âm ỉ thì cơn buồn ngủ ập đến, mình lại phải chống chọi với cả cơn buồn ngủ. Cho đến buổi thiền cuối cùng của tối ngày 2, mình đã quyết định mình sẽ mặc kệ cơn đau nhức, mình sẽ ngồi im lìm và không thay đổi tư thế. Cảm giác lúc ấy thật kinh khủng! Cơn đau tăng dần, tăng dần, rồi nó đến tới một cái ngưỡng mà trước giờ mình chưa từng phải chịu đựng: từng cơn đau buốt rùng người kéo liên tục từ chân lên đỉnh đầu nhói buốt, tê nhức, gần như não của mình bị mụ mị đi vì cơn đau, và đỉnh điểm là cảm giác như bị ngàn mũi nhọn đâm chích cơ thể một cách đau đớn. Và… mọi cơn đau đi qua, như chưa bao giờ tồn tại??? Ồ thật kì lạ, cảm giác này mình chưa từng được cảm nhận, nó rời đi, nó không ở lại với mình nữa. Cái vị trí trên bả vai, nơi mà mình bị đau nhức suốt 3-4 năm nay, hoàn toàn bình thường, không có cảm giác gì cả, như chưa bao giờ mình phải chịu đựng cơn đau vậy. Và những ngày sau đó thì cơn đau nhức nó đến rồi rời đi khá nhanh chóng, mình không còn phải chịu sự ê buốt nhức nhối kéo dài như ngày hai ngày qua nữa. 

Sau này mình mới hiểu là, khi mình không có thói quen phản ứng với nó, nó sẽ đến rồi đi, không ở lại làm chi cả. Chừng nào chỉ cần một chút đau nhức đã vội đổi tư thế, thì mình sẽ vẫn cứ đau nhức hoài hoài. Còn nếu cứ ngồi im cảm nhận nó, nhìn nó đến rồi nó đi, thì cảm giác ấy sẽ trôi qua nhanh chóng.

Ngày 3

Nếu 2 ngày đầu, tâm trí mình chỉ phóng đến những sự kiện nhỏ nhặt đời thường (ví dụ quên làm nhiệm vụ gì đó, muốn nhắc nhở ai làm gì đó, hay những mẩu tin tức vụn vặt đã bắt gặp trên các tờ báo/mạng xã hội, hay những mẩu hội thoại vô thưởng vô phạt với ai đó) thì qua ngày thứ ba, tâm trí mình đã bắt đầu lạc vào một vùng đất sâu thẳm hơn. Nó dẫn mình đến những sự kiện to lớn, phức tạp, khó khăn mà vì nỗi sợ hãi, tâm tính dễ dãi, thiếu cẩn trọng và thiếu trách nhiệm nên mình đã cố giấu nhẹm đi, tự che mắt bản thân, không dám nhìn nhận và cố ý chối bỏ tội lỗi. Tức là những sự kiện này bản thân mình vẫn có ý thức về nó, nhưng vì tâm tính sợ khó sợ khổ, lười suy nghĩ giải quyết vấn đề nên đã chạy trốn chúng. Giờ đây chúng đã được phơi bày và bắt mình phải đối diện. Từng vấn đề một nó kéo đến lũ lượt, nó dồn dập thúc ép mình phải chấp nhận nó. Mình đã cảm thấy khổ quá mà bật khóc, nhưng ngay lập tức kịp nhận thức lại tâm trí đã bị đi lung tung, và việc ngồi khóc sụt sịt sẽ tạo ra tiếng ồn làm phiền các thiền sinh khác, nên mình đã cố gắng nín nhịn. Thậm chí có vài lần vì tâm trí phóng đi xa quá, nỗi sợ hãi không kiềm nén nổi, mình đã phải chạy ra tolet để khóc một hồi rồi rửa mặt tỉnh táo vào thiền đường ngồi lại.

Lúc này mình nhận ra nhiều sự việc vì sự dễ dãi đối với bản thân, suy nghĩ đơn giản lạc quan thái quá cộng với việc thiếu khả năng suy xét hậu quả, mà mình đã gây ra quá nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn mình tưởng. Lúc này đây, mọi sự diễn biến trong tâm trí thực sự trung thực và mình đã không có cơ hội phản ứng trước chúng: bình thường mình sẽ phản ứng bằng cách đổ hết tội lỗi lên kẻ khác để biến bản thân thành nạn nhân hoàn toàn vô tội rồi khóc lóc ăn vạ như là thiệt thòi lắm vậy. Trong này không ai thèm quan tâm và lắng nghe mình kể lể, nên tự mình cũng không diễn vai nạn nhân nữa, do đó mà không đổ lỗi cho kẻ khác nữa. Lúc này mình mới tỉnh táo nhận thấy tội lỗi của bản thân to lớn như thế nào, nó diễn tiến đến tâm trạng tự dằn vặt bản thân. Và mình đã khóc vì tâm trí bị dằn vặt hối hận đầy tội lỗi, chứ không phải khóc để diễn vai nạn nhân như trước nữa.

Cả ngày thứ 3 này, cơn đau về thể xác không còn là vấn đề to lớn của mình nữa, cả cơn buồn ngủ cũng không còn tìm đến làm phiền nhiễu sự tập trung của mình. Mà lúc này đây, mình phải chiến đấu với sự hèn nhát của bản thân, để những sự kiện đó được diễn ra trong tâm trí một cách trung thực và sáng tỏ, sau đó thì mình mới có thể giành lấy sự tập trung vào việc thực hành chú ý vào cảm nhận của cơ thể cho ngày hôm sau. Bởi vì sang hôm thứ tư, mình sẽ chính thức bước vào thực hành thiền Vipassana, cần một tâm trí tỉnh táo và bén nhạy, nhưng nếu mình cứ phóng tâm đi vào các địa phận khổ đau thế này, mình sẽ gặp thất bại.

Ngày 4

Đêm ngày 3, mình đã trằn trọc không ngủ được bởi tâm trí bị choáng đầy do cảm giác tội lỗi. Mình đã suy tư rất nhiều về những lời xin lỗi mà mình sẽ gửi đến những “nạn nhân” trước đây. Mình suy nghĩ đến sự can đảm mà mình cần phải có khi đối diện với họ và nói câu xin lỗi. Mình nghĩ đến họ và sự thiệt hại mà họ đã phải chịu đựng vì tội lỗi mình gây ra. Từng người, từng người một đã xuất hiện trong tâm trí. Cũng có những giây phút mình trở nên yếu hèn, do vậy mà mình bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực, trách móc người khác và phẫn nộ với họ vì đã làm mình phải khổ sở thế này. Nhưng vì mình không có cơ hội được bày tỏ sự tức giận (vì xung quanh người ta ngủ cả rồi, có ai thèm quan tâm cảm xúc của mình đâu), nên chúng đến rồi đi nhanh như cơn đau lưng vậy. Mình nằm im quan sát hơi thở và quan sát diễn biến của từng luồng cảm xúc đến rồi đi như những vị khách ghé thăm tạm thời, và mình nhận ra sự tĩnh lặng bước đầu trong tâm trí. Lần đầu mình cảm nhận được sự bình tĩnh đến lạ, mình thôi không còn khóc nữa và không còn phản ứng với những sự kiện đó nữa. Mình chấp nhận chúng và biết rằng sau khi rời khỏi đây, mình sẽ làm mọi điều trong khả năng để sửa chữa sai lầm. Mình biết là mình sẽ làm, chứ mình không cần phải tự nhủ rằng mình nên làm như lúc ngồi thiền nữa. Và mình đã ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Lần cuối mình chú ý đồng hồ là 2h sáng.

4h sáng tiếng chuông đánh thức mọi người dậy, dĩ nhiên mình cảm thấy thiếu ngủ nên sự uể oải níu chân mình. Mình dồn mọi sự quyết tâm để ngồi bật dậy và làm mọi việc nhanh nhất có thể để tiến vào thiền đường. Một chút nán lại phòng ngủ cũng là không nên bởi cơn buồn ngủ có sức quyến rũ vô hạn. Mình quyết định nhỏ một xíu nước nhỏ mắt để đôi mắt không bị mệt mỏi, vậy là bỗng dưng cảm thấy tỉnh táo lạ lùng. Thật ra ngày hôm qua mình đã giải quyết được cảm giác tội lỗi của bản thân (không phải là mình bỏ qua chúng hay chạy trốn chúng, mà là mình đối diện với chúng và quyết tâm sửa đổi chúng chứ ngồi đấy hối hận mãi thì có cải thiện được gì?), do vậy mà sáng nay tinh thần nhẹ nhõm lạ thường.

Ngày thứ 4 được thực hành thiền Vipassana một cách thoải mái như thế. Tâm trí đã được thanh lọc. Những phiền muộn, hèn nhát, lo âu, tham lam, ngã mạn đã được hạ xuống một bước để nhường chỗ cho lòng can đảm và sự quyết tâm. Hôm ấy mình đã giữ được sự tập trung dài nhất từ ngày đầu tiên cho đến giờ. Mình thận trọng thăm dò từng vùng trên cơ thể, enjoy quá trình cảm nhận cảm giác từng vùng đấy và sự bình tĩnh giúp ngày thứ 4 trôi qua nhẹ nhàng hết mức. Chính ngày này đã giúp mình mài cho tâm trí trở nên sắc bén hơn, để bước qua ngày thứ 5, theo thiền sư giảng, mình sẽ bước vào một cuộc phẫu thuật tâm thức ở mức độ sâu sắc hơn.

Ngày 5

Mình bước vào ngày thứ 5 nhẹ nhàng và tĩnh tại. Tâm trí đã trở nên bén nhạy hơn trước từng hành vi và cảm nhận của cơ thể. Mình vốn là đứa thiếu tập trung, hay lơ đãng và vì thế dẫn đến sự thiếu cẩn trọng, nên trở nên vụng về và ẩu tả trong hành vi. Từ lúc tâm trí trở nên tập trung hơn, mọi hành vi của mình đều được ghi nhận, mình trở nên thận trọng và khéo léo hơn, di chuyển và sinh hoạt không gây ra tiếng động hay va chạm làm phiền người khác, và điều đó diễn ra tự nhiên mà không cần mình phải quá căng thẳng nỗ lực gì cả.

Trong buổi chiều thực hành, bỗng nhiên tâm trí bắt đầu bị chế ngự bởi những thứ cảm xúc kì lạ. Mình bắt đầu cảm thấy được những tổn thương mà mình chưa bao giờ cảm nhận được, mà có thể vì mình đã vô tâm với bản thân nên chưa bao giờ chú ý chúng, mà cũng có thể mình đã chối bỏ chúng một cách vô thức. Những tổn thương ấy sâu sắc đến nỗi nó hình thành nên cho mình những hành vi tự vệ như trở nên xa cách người khác, tự cô lập bản thân, trở nên nóng nảy và giận dữ khi ai đó có hành vi mang tiềm tàng nguy hiểm, thích thể hiện bản thân để che giấu sự tự ti và yếu đuối bên trong… Toàn bộ tiến trình diễn ra dồn dập và kéo dài đến tận giờ tối. Lại một lần nữa mình bật khóc và cảm thấy khổ sở vô cùng. Mình không chấp nhận những tổn thương đó, mình không muốn chấp nhận bởi vì những người gây ra tổn thương ấy cho mình lại chính là những người mình yêu quý nhất. Mình cảm thấy sự tổn thương lại càng gia tăng khi những suy nghĩ tiêu cực về việc mình sẽ nói những lời trách móc đến họ như thế nào để họ hiểu rằng họ đã làm tổn thương mình theo cách như vậy. Nhưng đồng thời, tâm can mình bị giằng xé bởi sự yêu thương và lòng tin tưởng mà mình vốn trao cho họ, nên mình không muốn làm tổn thương họ.

Chiều hôm ấy, trong giờ ăn nhẹ thì mình đã không thiết tha ăn uống nên về phòng nghỉ nằm thẫn thờ nhìn lên trần nhà. Bạn phụ tá quản lý đã leo lên tận 3 tầng lầu tìm mình và hỏi liệu mình có ăn chiều hay không, vì nhà bếp sắp dọn dẹp. Mình cảm thấy đã làm phiền bạn ấy nên lắp bắp xin lỗi và nói rằng trưa nay lỡ ăn quá no nên chiều không muốn ăn gì nữa. Bạn ấy gật đầu nhẹ rồi lùi đi cho mình tiếp tục nằm nghĩ vẩn vơ.

Ngày 6

Tối ngày 5 mình đã thức trắng vì những suy nghĩ tiêu cực vây bủa lấy bản thân: tại sao mình phải chịu những tổn thương này? Tại sao những người mình yêu quý lại đối xử với mình như vậy? Tại sao họ không nghĩ cho mình? Mình nên làm gì họ đây? Mình sẽ từ mặt họ sao? Mình sẽ chạy trốn sao? Mình sẽ không bao giờ cho họ cơ hội làm tổn thương mình nữa, mình sẽ đi thật xa, chạy trốn những nỗi khổ này. Mình đã suy nghĩ như thế, nhưng vẫn còn chút hy vọng là những nỗi đau mình đang cảm nhận chỉ là sự suy diễn trong lúc ngồi rảnh rỗi quá mà thôi (vớ vẩn thật :))))

Trưa hôm ấy, mình đã đăng ký gặp thiền sư, mình chỉ muốn hỏi một điều đơn giản:

– Tôi cảm thấy nhiều nỗi đau, tôi sợ rằng mình đã suy nghĩ những điều không đúng?

Vị thiền sư đã bình tĩnh trả lời (tạm dịch):

– Nỗi đau là nỗi đau, làm gì có đúng hoặc sai trong này. Hôm nay bạn chỉ nên hỏi về cách hành thiền, đừng quan tâm chuyện này nữa, hãy giữ cho tâm trí tập trung nếu không bạn sẽ không thu được những lợi lạc lẽ ra bạn có thể thu nhận được. Nếu ngày thứ 9, bạn vẫn bị làm phiền bởi những điều này, hãy đến gặp tôi lần nữa.

Vậy là mình ra về với quyết tâm không để tâm trí phóng đi lung tung vào những điều thế này nữa. Nhưng rồi nó vẫn phóng đi, và mình lại cố gắng kiềm chế mong muốn khóc lóc cho nhẹ lòng, vì nếu bật ra tiếng khóc, kèm sự sụt sùi của nước mũi, sẽ tạo ra một tập hợp các tiếng động làm phiền các thiền sinh nghiêm túc khác. Nên mình đã cố gắng níu kéo tâm trí lại vào sự tập trung mỗi lần phát hiện ra nó đã bị phóng đi. Sự mất tập trung vào ngày thứ 5 này diễn ra mạnh mẽ hơn ngày đầu, bởi nó bị hút vào những sự kiện sâu thẳm trong tiềm thức, chứ không đơn giản là lan man trên những sự kiện hời hợt của bề mặt tâm trí nữa. Cảm giác như kiểu có cái hố đen vũ trụ trong lòng nó kéo sự tập trung xuống vậy đó, sức hút kinh khủng! Và để kéo nó lên lại trên bề mặt cơ thể thì mình đã phải tốn nhiều sức lực. Cơ thể mình toả ra sức nóng và tim đập nhanh liên hồi như thể mình đang tập thể thao vậy. Dù chỉ ngồi yên một chỗ, nhưng cả cơ thể đã vận động bằng tâm trí như thế.

Ngày 7 – Ngày 8

Mình gộp chung 2 ngày này lại là bởi vì mình chẳng có chút tiến triển nào trong tâm trí cả. Tâm trí mình vẫn bị hút vào những nỗi đau trong sâu thẳm tiềm thức. Nhưng có một tiến trình rõ rệt đã diễn ra đó là tâm trí đã hồi tưởng lại những kí ức thầm kín mà mình đã giấu nhẹm vì không dám đối mặt: những lần bị xâm hại tình dục lúc nhỏ, những lần bị bạo hành và thao túng về tinh thần, những cơ hội dễ dãi mà mình đã tạo ra cho kẻ khác lạm dụng công sức/thời gian/tiền bạc, những phản ứng cảm xúc thái quá khiến kẻ khác muốn trêu đùa, lòng tham của mình đã được bày tỏ để kẻ khác lợi dụng, nỗi bất an vì những tâm tưởng bất định luôn nảy sinh trong từng khoảnh khắc… tất cả những trải nghiệm không hay ho đó mình đã cố tình chôn vùi đi, không bao giờ dám đối diện thì nay nó lộ diện rõ ràng và sắc bén hơn bao giờ hết. Mặc cho mình đã đọc nhiều kiến thức về tâm lý học thì mình cũng không thể nào mổ xẻ và đào xới tâm thức của bản thân sâu sắc đến vậy được. Nhưng cũng nhờ những kiến thức tâm lý ấy mà mình đã hiểu rằng vì sao mình đã có những tổn thương sâu sắc đến như vậy. Và mình đã chấp nhận chúng: chấp nhận là mình đang bị tổn thương. Như Phật giảng thì là “nhận ra dukka (cái khổ) của bản thân”. Tiến trình ấy diễn ra nhẹ nhàng hơn ngày 6, bởi vì mình không còn từ chối chúng nữa, mình đã dần chấp nhận chúng và chấp nhận tình trạng không hoàn hảo của bản thân. Mình đã từng nghĩ bản thân rất mạnh mẽ và không hề có tổn thương nào, nhưng hoá ra tâm thức lại yếu ớt và chứa đầy những tổn thương sâu sắc đến vậy. Từ lúc nhận diện được chúng, mình bắt đầu khởi lên trong lòng sự quyết tâm chữa lành những tổn thương. Nhưng mãi trước khi nghe bài pháp thoại đêm ngày 8, thì mình vẫn chưa biết cách chữa lành tổn thương như thế nào.

Bài pháp giảng đêm thứ 8 nói về tâm từ: lòng từ bi sẽ chữa lành tổn thương của bản thân và tạo ảnh hưởng tốt đến người khác. Đây là bài pháp giảng giúp mình tìm thấy hướng đi, nhưng rõ ràng là tự mình phải khởi sinh trong lòng mong muốn tìm thấy nó, thì khi nghe giảng mình mới có thể tiếp nhận được. Mình đã lắng nghe say sưa và phấn khởi. Như một đứa trẻ đang tập giải bài toán đơn giản đầu tiên và đã tìm ra được phương án. Thật đơn giản, thật kì diệu. Chỉ cần tha thứ cho người khác thì vết thương sẽ dần được khép miệng, vì khi mình vẫn còn trách móc kẻ khác, hận thù kẻ khác, thì khi ấy vết thương vẫn bị bới móc và nỗi đau lại thêm sâu sắc hơn.

Bài pháp thoại đã có kể về Chúa Jesus, một tấm lòng bác ái tuyệt vời “Ôi những kẻ đã làm hại ta, họ không biết họ đang làm gì, cầu mong họ sẽ không bị trừng phạt!”. Và mình đã nhớ đến lời sư phụ chia sẻ “Mình cũng cần phải cảm thông với kẻ khác bởi vì mỗi người còn phải lo loay hoay với mớ nghiệp quả riêng, và trong tiến trình đó, họ vô tình gây ảnh hưởng không tốt đến người xung quanh nhưng không hề hay biết.” Mình đã hiểu hơn về những lời khuyên này, nếu chưa có khoảng thời gian tự vật lộn với mớ cảm xúc tiêu cực này (mà vì sống bên ngoài cuộc sống cứ vài phút là tâm trí lại tập trung vào việc khác nên chưa bao giờ cho bản thân cơ hội được nhìn lại tâm thức đủ lâu để nhận thấy), thì mãi mãi những lời khuyên về lòng từ bi ấy chỉ nằm trên lý thuyết suông, và không bao giờ mình có thể thực hiện được.

Kể từ lúc đó, mình đã thay thế bộ mặt cau có, cáu kỉnh, khổ sở suốt mấy hôm nay bằng một nụ cười nhẹ nhõm, hài lòng. Mình nghĩ về từng người với tấm lòng thương yêu vô hạn. Mình thật lòng thương họ và có thể hiểu được vì sao họ đã có những hành vi đó. Thậm chí mình còn lo lắng rằng nếu họ vẫn tiếp tục có những hành vi sai trái đó thì sẽ khiến người khác thêm tổn thương. Thế nên mình suy nghĩ những câu từ thật dịu dàng để khuyên nhủ họ đừng thực hiện những hành vi sai trái nữa, hãy nhìn lại bản thân và hành xử đúng đắn hơn. Lúc này, tình yêu thương và lo lắng cho người khác đã ngập tràn tâm trí mình một cách tự nhiên như thế, không hề miễn cưỡng hay cầu ép.

Đêm hôm ấy mình đã ngủ thiệt ngon, vì như cởi được chiếc gông cùm mình đã tự đeo vào cổ bấy lâu nay. Mình đã nếm được hương vị đầu tiên của sự giải thoát.

Ngày 9

Ngay vừa khi thức dậy vào sáng sớm, cả cơ thể mình cảm nhận được một luồng rung động vi tế lan toả đến từng ngóc ngách tế bào. Luồng rung động này đã được vị thiền sư nhắc đến trong các bài pháp thoại từ 2 ngày trước nhưng mình chưa cảm nhận được nó. Mình đã không tìm kiếm nó, nó tự đến với mình ngay khi mình đã chấp nhận được sự thật và chấp nhận rời bỏ chiếc gông cùm nặng nề. Cảm giác thật kì diệu, thật nhẹ nhõm, thật “phê” :)) nếu bảo là hút cần hay ma tuý để có được cảm giác này thì hẳn là giống đấy, cảm giác như tinh thần này không còn bị giam hãm trong thứ thân xác cục mịch chắc đặc này nữa, mà nó là một tập hợp những phân tử tí xíu luân lưu thuận lợi từ nơi này đến nơi nọ. Cảm giác đó chỉ đến trong tích tắc rồi mình không bao giờ cảm nhận được nữa, nhưng mình vẫn nhớ như in không quên được. Thật ra thiền sư cũng sợ rằng khi cảm nhận được cảm giác “sung sướng” ấy, thiền sinh mới sẽ cảm thấy nghiện (như nghiện cần sa hay chất kích thích ý, không phải là chúng ta nghiện những thứ ấy, mà là chúng ta nghiện cảm giác chúng mang lại), nếu việc nghiện cảm giác vi tế này xảy ra, thì việc hành thiền sẽ ngưng tiến triển. Bởi vì mục đích của hành thiền chỉ đơn giản là chứng nghiệm sự thật. Cảm giác thoải mái đó cũng có chung tính chất với cảm giác đau đớn: tính bất định, có sinh sẽ có diệt. Nên ta chỉ nên đơn giản là quan sát và cảm nhận nó, nó đến rồi nó đi, không nên bấu víu vào nó, càng không nên tìm kiếm nó. Mình cũng hiểu điều đó nên trong thời gian còn lại của khoá thiền, mình hoàn toàn bình tĩnh cảm nhận từng giây phút hiện tại, chúng đến rồi đi, không hề mong đợi hay tìm kiếm điều gì.

Trưa ngày 9, mình vẫn tìm đến thiền sư, dù vấn đề đã được dỡ bỏ. Mình xin lỗi vì đã làm phiền thiền sư bởi những vấn đề không nghiêm trọng vào ngày 5, và hỏi thiền sư về luồng rung động vi tế mà mình đã cảm nhận được vào lúc mới thức giấc.

Thiền sư đã hoan hỉ trả lời (tạm dịch):

– Ồ thật tốt quá! Bạn đã chấp nhận sự thật, không còn cố chấp và phản ứng với chúng, nên bạn cảm nhận được sự lưu thông (không nhớ rõ dùng từ gì, đại khái là không bị mắc kẹt nữa) trong cơ thể. Tôi không bị phiền đâu, tôi rất sẵn lòng giúp đỡ bạn.

Trong ngày hôm ấy, mình còn cảm nhận được một điều kì lạ, là khi mình chú tâm vào cảm nhận một vùng bất kì nào trên cơ thể, vùng ấy toả nhiệt và nóng lên như thể mình cầm một ngọn nến nhỏ đưa gần đến vùng ấy vậy. Và khi mình di chuyển sự tập trung đến vùng da khác theo tuần tự, thì nhiệt độ ấm áp đó được di chuyển theo sự tập trung của mình. Mình cảm thấy rất kì lạ nhưng tạm thời chưa lý giải được là vì sao. Hihi.

Đến tối ngày 9, bài pháp giảng hướng dẫn thực hành thiền tâm từ. Phần thực hành được diễn ra sau bài pháp giảng để làm quen với cách thiền đó, và qua ngày thứ 10, các thiền sinh sẽ được thực hành nhiều hơn.

Ngày 10

Vì mình bị cảm giác nôn nao mong chờ đến giờ xả giới, để được trò chuyện và hỏi han những bạn thiền sinh cùn phòng (vì các bạn ý rất đặc biệt, mỗi người một vẻ rất là kì lạ nên khiến mình chú ý), nên sáng hôm ấy mình có hơi mất tập trung. Mình ngồi không nghiêm túc và liên tục thay đổi tư thế. Do đó có thể nói ngày thứ 10 mình đã không thu nhận được lợi lạc gì đáng kể.

Sau khi kết thúc buổi thiền chung vào 10h sáng, kết thúc sau khi thiền tâm từ, thì mọi người được xuống sân để giao lưu và trò chuyện. Mình đã đợi mọi người đi hết mới lững thững bước xuống. Thật sự lúc đó mình hơi sốc với tiếng ồn mà 9 ngày qua mình đã tạm bỏ qua, mọi thứ thật lạ lẫm: mọi người cười nói làm quen với nhau. Mình hơi sợ nên đã leo lên phòng ngủ nằm thở, cảm nhận hơi thở và trở nên bình tĩnh hơn. Sau đó bước xuống sân để cảm ơn chị quản lý, rồi cảm ơn cô đầu bếp.. rồi tiếp đó là làm quen với những người bạn cùng phòng. Lúc đó sự bình tĩnh giúp mình cảm nhận được xung quanh một cách sâu sắc và kì lạ hơn. Mình vẫn là mình thôi, nhưng có vẻ đã có cách nhìn khác về thế giới xung quanh mình.

Đêm hôm ấy, vì đã được xả giới cho trò chuyện sau 9 ngày dài đằng đẵng, các chị em rủ nhau thức thâu đêm để trò chuyện dưới sân. Các chị đùa nhau là trong tù cũng không kỉ luật đến mức như thế ? ít ra thì tù nhân vẫn được nói chuyện và giao tiếp kia mà. Thật là những ngày đầy kiên nhẫn.

Ngày 11

Ngày này mới chính thức kết thúc khoá thiền, và các thiền sinh mới chính thức trở thành thiền sinh cũ, được hưởng các quyền lợi chính đáng như đăng ký phục vụ tình nguyện, đăng ký các khoá thiền ngắn hạn 1 ngày…

Ngay khi kết thúc, mọi người được lấy lại điện thoại và tư trang cá nhân. Ôi cảm giác cầm lên tay chiếc điện thoại mỏng nhẹ mà có năng lực giao tiếp với cả thế giới khiến mình bị lạ lẫm. Mình cứ mân mê nó rồi bấm bấm vào nó y hệt cái lần đầu tiên được dùng smartphone vậy. Khi mở điện thoại lên, mình nhận được nhiều tin nhắn. Mình nhận ra là khi mình đang bận rộn trong khuôn viên nhỏ xíu này, không chỉ có mình nhớ đến một ai đó, mà người ta cũng bị nỗi nhớ dày vò.

Hôm ấy, sau khi rời khỏi trường thiền, mình đến quán cafe tham gia khoá học. Khi ra ngoài đường, cảm giác nhạy bén khiến mình hơi rụt rè với tiếng ồn, nhưng một tẹo thì lại quen trở lại. Mình nhận thấy bản thân đã trở nên thận trọng hơn trong cả hành vi lẫn suy nghĩ và lời nói.

Ngay chiều hôm ấy, mình đã nhận được một tin dữ, nhưng thay vì cáu bẳn và khổ sở như trước khi tham gia khoá thiền, mình đã bình tĩnh không ngờ. Mình đã nhẹ nhàng bảo với đối phương “thôi đừng khóc nữa, bình tĩnh mới suy nghĩ được” và rồi mình bình tĩnh thật, mình nhìn thấy bản chất vấn đề là gì, và dù chưa có hướng giải quyết thật thấu đáo, nhưng mình đã không phản ứng theo thói quen cũ. Mình từ từ giải quyết từng vấn đề một, rồi sắp xếp thật thoả đáng các công việc đang ngổn ngang, hỗn loạn.

“Thứ gì đến cũng sẽ đến thôi, nếu sau này không muốn nó đến thì từ bây giờ phải thay đổi hành vi và thái độ.”

Mình nghĩ thế nên đã bình tĩnh phân tách rạch ròi, rõ ràng mọi việc, và tiến hành thực hiện chúng trong tâm trạng cực kì bình tĩnh và thư thái. Từng việc một được phơi bày ra ánh sáng, được mổ xẻ và xem xét các khả năng thấu đáo bởi tâm trí bình tĩnh đến kì diệu mà mình đang sở hữu.

6. Những lợi lạc mà mình đã đạt được

Kể từ ngày rời trường thiền đến bây giờ là 6 ngày, mình vẫn duy trì thói quen ngủ sớm dậy sớm, hành thiền mỗi sáng và mỗi tối, giữ bình tĩnh trước mọi sự kiện để quan sát và phân tích. Trong 6 ngày qua, có người đã tức giận với mình – mình bình tĩnh nhắc nhở họ không nên hành xử như thế thay vì nổi cáu ngược lại như trước kia; có người đã dồn dập thúc ép mình phải làm thế này thế noi – mình bình tĩnh bảo rằng nên kiên nhẫn từng chút một mới có thể hoàn thành;… sự bình tĩnh còn khiến cho mình có một lòng can đảm và quyết tâm mạnh mẽ: những kế hoạch phát triển bản thân được xây dựng rõ ràng và rành mạch hơn, mình không còn chán ghét bản thân vì sự yếu kém này nọ mà do vậy không còn cảm giác tự ti kéo dài thường trực, không còn cáu bẳn hành vi phiền toái từ kẻ khác vì đã hiểu được vì sao họ hành xử như vậy, mình giữ được sự thông cảm và nhắc nhở nhẹ nhàng. Cảm giác này thật sự tuyệt diệu, mình đã tìm kiếm từ rất lâu, nhưng mãi đến bây giờ mới được trải nghiệm.

Mẹ mình đã kể vào năm mình học lớp 5, mình đã viết trong cuốn nhật ký đầu đời những dòng tâm tư sau “Cuộc đời là gì? Tại sao lại đau khổ thế? Tại sao con phải chịu nhiều bất công thế hả ông trời?”

Vậy mà mãi đến hơn chục năm sau, mình mới có thể tìm được câu trả lời cho chính mình. Bao nhiêu lời giải đáp từ người khác đều không giúp mình thoả mãn sự hiếu kì và nguôi ngoai những tâm tư trong lòng. Và mình đã tìm được câu trả lời bằng tự sự chứng nghiệm cá nhân, mình không tin vào câu trả lời của ai cả.

Lợi ích về mặt tinh thần là chính, còn những lợi ích về mặt thân thể chỉ phụ theo sau nhưng nó đã giải quyết kha khá vấn đề về sức khoẻ mà mình đang gặp phải. Những ngày ở đó dù chỉ sụt vài cân thôi, nhưng cơ thể có cảm giác nhẹ nhõm thực sự. Cái hồi mà cơ thể có số cân nhẹ nhất là 49kg, thì cơ thể cũng không có cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát và linh hoạt thế này. Sức chịu đựng và hiệu suất lao động cũng tăng lên đáng kể trong các hoạt động thường ngày. Mình cảm thấy bản thân dồi dào năng lượng hơn, liên tục di chuyển từ nơi này đến nơi nọ mà không dễ mệt hay cảm thấy nặng nề khổ sở nữa, mình rất sẵn lòng nhận công việc để làm mà không cảm thấy lười nhác hay miễn cưỡng nữa. Sự năng động của ngày nhỏ đã được tìm thấy sau 10 năm vắng bóng, thật tuyệt vời!

Mình có cảm giác cuộc sống độc lập, năng động và nhiều màu sắc đang mở ra trước mắt. Quả thật bỏ ra 10 ngày để thu nhận được tất cả những điều này hoàn toàn là đáng giá! Dù cho mình chưa thực sự cư xử đúng đắn, dù cho mình chưa thực sự chữa lành được tất cả vết thương lòng, nhưng mình đã bước đầu ý thức được nó, dám đối diện và đủ năng lượng, đủ mạnh mẽ để sẵn lòng tìm cách giải quyết, không trốn chạy và lừa dối bản thân nữa.

7. Lời cảm ơn

Con đặc biệt xin cảm ơn ba mẹ đã sinh con ra để con có cơ hội được tiếp nhận những lợi ích tuyệt vời từ phương pháp thiền này. Và đặc biệt biết ơn Đức Phật Gotama với lòng từ bi vô hạn đã chia sẻ phương pháp thiền tuyệt diệu này đến với chúng sinh.

Em xin chân thành cảm ơn sư phụ Huong Kieu đã giới thiệu em đến với khóa thiền cách đây 2 năm, nhưng vì sự vô minh mà em đã bỏ lỡ nó, nhưng cô vẫn khéo léo chia sẻ úp mở vài điểm thú vị xen lẫn trong các buổi giảng dạy chiêm tinh khiến em tò mò mà cho bản thân cơ hội tìm hiểu nghiêm túc hơn. Tất cả những phẩm hạnh em tích lũy trong quá khứ đã giúp em có cơ hội được gặp cô, được cô nhận làm học trò, và đã được cô hướng dẫn từng bước chân đúng đắn.

Em xin chân thành cảm ơn chị Thương đã tích cực chia sẻ nhiều bài giảng/trích đoạn thú vị, dễ hiểu và truyền cảm hứng từ các bài Pháp giải mà chị tiếp nhận được trên FB của chị, từ đó khiến em có hứng thú hơn với các triết lý Phật giáo mà em đã từng cho là khô cứng. Đó là những điều tốt lành nhất mà em đã được thụ nhận từ kênh mạng xã hội này.

Em xin chân thành cảm ơn chị Kit, chị Trang, chị Chi luôn tạo động lực và cảm hứng cho em, ủn mông em xách vali lên đi. Có thể mấy chị hem biết chứ em rất là nản lòng trước ngày đi bởi có quá nhiều điều tồi tệ cùng lúc ập đến mà em đang loay hoay chưa biết giải quyết có kịp ngày nhập trường thiền không, và em đã tính bỏ cuộc vài lần, thậm chí đến sát giờ tham dự mà em vẫn rất uể oải cất bước.

Em xin chân thành cảm ơn 2 anh sếp dù mỉa mai sự tu tập của em (vì bình thường em rất là lầy lội và lười nhác), nhưng vẫn tạo điều kiện cho em đi thiền tận 10 ngày, bỏ bê công việc trễ nải nhưng các anh vẫn sắp xếp chu toàn giúp em.

Tui vô cùng cảm kích và biết ơn sự nhiệt tình của Hậu – người bạn thân đang có quyết tâm cùng tiến :))) mặc dù bạn rất là muốn được tham gia khóa thiền này, nhưng vì chưa thể sắp xếp được nên chưa tham dự. Nhưng bạn vẫn rất khuyến khích và truyền cho mình động lực mạnh mẽ để duy trì sự cố gắng trong từng ngày tu tập, vì lời hứa sẽ cùng tiến bộ trong Dhamma mà mình đã quyết không nản lòng.

Cảm ơn con bạn thân tên Diệp :))) đã thông cảm cho sự vô tâm vô tình của tao khi trong ngày đăng ký khóa thiền đã quên béng sinh nhật mày :))) xin lỗi mày và xin mang quà đến tạ lỗi sau khi giải quyết xong một mớ vướng mắc lằng nhằng hiện tại.

Mình xin cảm ơn tất cả những người bạn đã thông cảm vì sự bận rộn này của mình mà ưu ái hẹn lịch cho phù hợp hơn <3 sự ưu tiên này của các bạn khiến mình có động lực rất mạnh mẽ để tu tập nghiêm túc vì biết là mình đã hy sinh thời gian của các bạn để cho 10 ngày quý báu này, mình nhất định không được bỏ lỡ.

Mặc dù mình đã đi lang thang cảm ơn từng người trong trường thiền, nhưng mình vẫn muốn nhắc lại lần nữa là mình muốn cảm ơn chị quản lý, chị phụ tá quản lý đã nhắc nhở mấy lần mình ngủ gật, lơ đãng làm sai quy tắc; xin được cảm ơn các bạn phụng sự viên vì sự cống hiến tận tâm của các bạn đã giúp mình có được khóa thiền trọn vẹn; cảm ơn những bữa chay quân bình, giản dị mà vô cùng dinh dưỡng của các cô đầu bếp; xin cảm ơn ngài thiền sư và phụ tá của ngài cùng tổ chức đã duy trì hình thức thiền tinh khiết suốt bao nhiêu thế kỷ; cảm ơn các vị ni, tăng đã giữ cho mình trách nhiệm duy trì, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được hưởng những lợi lạc này. Và con đặc biệt cảm ơn các cụ ông cụ bà dù lớn tuổi vẫn rất minh mẫn và quyết tâm ngồi hành thiền từ 4h30 sáng đến 9h tối mà không một chút nản lòng, điều đó khiến con tự cảm thấy tủi hổ mà tự nhắc nhở bản thân chấn chỉnh hơn. Xin cảm ơn các bạn đồng khóa đã luôn giữ không khí trật tự và bỏ qua những bất tiện của mình trong suốt 10 ngày ở cùng nhau <3

Mình xin phép được cảm ơn cả những người đã từng gây tổn thương đến mình, từng cố ý gây hại đến mình để mình có động lực tìm hướng thoát khổ. Mình mong mỏi những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với các bạn, và sẽ nhận được những an lạc như mình.

Mình xin được cảm ơn tất cả, nếu có thiếu sót ai, ấy là do mình, mình xin chân thành xin lỗi nếu có thiếu sót.

8. Một vài vấn đề xoay quanh cột mốc

Khó khăn đầu tiên là việc đăng ký lịch đi thiền, mình đã bỏ qua nhiều đợt đăng ký vì tính lơ đãng không chú ý thời gian. Mãi cho đến tháng 5, khi quyết tâm lắm rồi mới ngồi canh đúng 0h ngày mở lịch đăng ký thì nhảy vào điền thông tin liền luôn. Vậy là vượt qua được trở ngại đầu tiên. 

Khó khăn tiếp theo đó là anh người yêu cũ (mà mình từng nghĩ là chồng sắp cưới) xuất thân từ gia đình Công Giáo thuần lâu đời. Tức là cả nội ngoại anh ý đều theo Công Giáo. Ba mẹ anh ý vốn dĩ đã muốn con trai mình cưới được một người vợ Công Giáo thuần, nhưng gặp một đứa vô đạo như mình thì đã miễn cưỡng lắm rồi. Nay mình lại càng quyết tâm tu tập theo lời hướng dẫn của Phật, thật ra mình cũng chẳng đi chùa, cũng không cúng bái hay hành lễ gì với Phật cả, chỉ đơn giản là một cô học trò tự đọc sách và tìm hiểu tại nhà, nhưng điều đó vẫn không ngăn khỏi nỗi bất đồng quan điểm. Không phải là mình không cho bản thân cơ hội tìm hiểu những lời Chúa Jesus giảng đâu, có một thời gian dài mình đi nhà thờ mỗi chủ nhật, nhưng thú thật là hình như Chúa không chọn mình, do vậy mà nghe giảng mãi vẫn chẳng hiểu gì cả. Thế mà khi tìm đến những lời giảng của Phật, mình cảm thấy thấu suốt và tìm được hướng đi đúng đắn hơn. Có lẽ mỗi người sẽ phù hợp với một vị thầy khác nhau vậy. Nhưng anh ý đã bảo mình “không biết sau này sẽ dạy dỗ con cái thế nào?” ý muốn bảo rằng mỗi người theo một tôn giáo khác nhau sẽ không phù hợp trong việc dạy con. Mình nhận thấy đỉnh điểm là khi mình đi thiền về và viết ra những lời cảm ơn trên Fb cá nhân thì anh ấy lộ rõ vẻ bất an như vậy. Thế nên mình quyết định giải thoát cho nhau, để bản thân được tự do trong con đường tu tập theo vị thầy phù hợp. Còn anh ý sẽ có cơ hội tìm được một cô gái xuất thân từ gia đình phù hợp hơn. Vậy là quyết định chia tay được đưa ra nhanh lẹ, cả hai đều đồng ý vì thật ra nhẹ nhõm vô cùng. Công việc được nhanh chóng giải quyết, lại thêm một chiếc gông cùm được dỡ bỏ. Mình được giải phóng khỏi nhiều lo lắng sợ hãi và khổ đau từ mối quan hệ này. Vì thật ra ngày trước anh ý xuất hiện trong đời mình như một vị cứu tinh, giúp đỡ mình rất nhiều trong lúc khó khăn nhất, nhưng dần dần sự dựa dẫm và tham lam của mình đã biến anh ấy trở thành kẻ thao túng, cuộc sống của mình dần đi vào bế tắc và mệt mỏi, mình càng bế tắc lại càng trở nên tự ti và cáu bẳn, và nhiều lần đã làm anh ý tổn thương khi nói những lời thô bạo cùng những hành vi mù quáng thiếu suy nghĩ. Do vậy mà khi giải thoát cho anh ấy, mình đã tự giải thoát cho bản thân khỏi những hành vi sai trái ấy. Khi nghe mình thông báo tin này, điều đầu tiên mẹ mình bày tỏ chính là sự nhẹ nhõm trên khuôn mặt. Mẹ bảo miễn sao con vui là được, yêu đương mà khổ quá thì thôi đừng yêu. Mình hiểu ra cho đến bây giờ, mình mới thực sự có hành vi đúng đắn.

9. Kết

Thật ra tiến trình phát triển của mỗi cá nhân là khác nhau, tuỳ thuộc vào việc phương pháp này có phù hợp với họ không, họ đã đủ nghiêm túc và nỗ lực hay chưa, tình trạng sức khoẻ và tinh thần đang như thế nào, trong lòng liệu đã sẵn sàng cởi mở để tiếp nhận một phương pháp mới mẻ này chưa… cho nên mong là bạn đừng so sánh tiến trình của người khác với chính bản thân bạn. Mỗi người là một cá thể hoàn toàn độc lập, hãy tỉnh táo và sáng suốt dõi theo từng thay đổi nhỏ của bản thân và tự đánh giá xem như thế nào là phù hợp với mình nhất.

Nhưng cho dù là bạn thử nghiệm bất kì phương pháp nào, xin hãy thực sự nghiêm túc trong quá trình thử nghiệm. Chỉ khi đó bạn mới thực sự công bằng trong việc đánh giá xem chúng liệu có hiệu quả với bạn hay không. Giả sử nếu bạn thiếu nghiêm túc và chưa thực sự nỗ lực bám theo hướng dẫn của người hướng dẫn, thì có thể bạn đã bỏ sót một điểm thắt nào đó khiến cho tiến trình thử nghiệm trở nên không hiệu quả.

Chúc bạn luôn an lạc, và cầu cho mọi chúng sinh luôn bình an.

Author:

3 Comments

  1. Công ĐạiTrả lời
    3 Tháng Tư, 2020 at 4:59 sáng

    Vào đó mình mặc đồ của mình hay đồ của trường ạ???

    • 20 Tháng Ba, 2022 at 10:01 sáng

      Dạ mình tự mang theo quần áo để mặc và tự giặt giũ ạ.

  2. Nguyễn Chí CôngTrả lời
    27 Tháng Năm, 2020 at 7:25 sáng

    Chào bạn,
    Cảm ơn bạn về những chia sẻ hữu ích này!
    🙂

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>