Lan Vy

ngây thơ

tò mò

chân thành

nhiệt tâm

0

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Lan Vy
Lan Vy
Lan Vy
Lan Vy
Lan Vy

ngây thơ

tò mò

chân thành

nhiệt tâm

Huấn Luyện Tâm Trí, Thuần Phục Ngôn Từ

Tâm trí và những con khỉ nhảy nhót

Tâm trí của chúng ta cần được huấn luyện tựa như cơ bắp của cơ thể. Các đường dẫn truyền thần kinh, lối mòn tư duy sẽ hình thành các nếp nghĩ và kiến tạo cuộc đời ta. Suy nghĩ lúc nào cũng như con khỉ, nó có thể bay nhảy khắp nơi và khiến cuộc đời ta trở nên rối loạn. Bằng các điều hướng và xây dựng các lối mòn tư duy có mục đích, cuộc sống của ta cũng dần trở nên tự chủ, ưng ý và bình an hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy các bệnh nhân chết não được trải nghiệm cảm giác thanh bình và tĩnh tại. Nguyên nhân là vì não bộ mang đến cho ta nhiều lo lắng, xung động, rối reng, bất an và khủng hoảng. Đây là bản chất tự nhiên của tâm trí, giúp ta sinh tồn và giải quyết vấn đề.

Nhưng sẽ thế nào nếu ta bỏ mặc tâm trí? Chúng sẽ không được sử dụng thuần thục, và sẽ càng ngày càng tạo ra nhiều vấn đề giữa vòng suy nghĩ lẩn quẩn không điểm bắt đầu cũng không có lối thoát. Mục đích sử dụng tâm trí là để tìm ra giải pháp hiệu quả cho các vấn đề hiện sinh. Nếu không thể, tâm trí sẽ mang đến nhiều nguy cơ khủng hoảng, nó chỉ có báo động mà không thể tìm thấy giải pháp. Đó là lý do có nhiều bộ môn/phương pháp tư duy tập trung vào giải quyết vấn đề, nhất là các bộ môn khoa học.

Thiền tập là một bộ môn huấn luyện tâm trí mạnh mẽ. Này, ngồi yên đấy, chú khỉ nhảy nhót kia. Bạn sẽ phát hiện ra tâm trí mình thực sự là một bầy khỉ lộn xộn, bay nhảy từ quá khứ đến tương lai, khiến bạn chẳng thể hiện diện trong hiện tại. Bạn không thể bảo tâm trí dừng suy nghĩ, bạn không thể bắt nó suy nghĩ đúng vào trọng tâm. Lúc bạn cần đến tâm trí thì nó bỗng biến đâu mất, trống rỗng. Lúc bạn muốn nó vắng lặng để có thể nghỉ ngơi và thư giãn, thì nó lại hú hét ồn ào với đủ thứ kế hoạch cho tương lai, hay các tiếc nuối bực dọc của quá khứ.. Bạn muốn quên thì nó lại nhớ. Bạn muốn nhớ thì nó lại bay biến đâu mất tiêu. Thật sự phiền phức. Bạn biết nếu tâm trí không được huấn luyện, bạn sẽ không bao giờ có thể sử dụng nó vào bất kì mục đích nào cả, nó vô dụng. 

Có một giai đoạn, mình thích câu chữ nên theo đuổi triết học. Trong quá trình miên man bám theo các khái niệm và vấn đề trên con chữ, bỗng cảm giác được thư giãn và chữa lành. Vì tư duy được định hướng và đưa vào khuôn, nên nó giảm dần sự rối loạn và hỗn độn. Đồng thời, các khái niệm trừu tượng bứt mình ra khỏi những dòng suy nghĩ cục bộ, hẹp hòi, giúp mình mở rộng và khám phá thêm nhiều các khả thể đa dạng của đời sống. Trong tiến trình đó, mình cũng bắt chộp được rất nhiều hệ thống tư tưởng được cài cắm từ giáo dục của tuổi thơ, thông qua sao chép đời sống của gia đình, học tập ở trường lớp, sinh hoạt trong các cộng đồng văn hoá, thông qua truyền thông giải trí,… và vô số những cách tiếp nhận thông tin thụ động khác. Lúc đó, mình nhận ra, nếu mình không cẩn trọng và chủ động kiểm soát, quản lý những gì mình tiếp nhận, người khác sẽ thao túng tâm trí mình bằng rất nhiều thông tin hỗn loạn. Và tâm trí sẽ dẫn đến hành vi. Bạn sẽ nhiều lần phát hiện ra bản thân đã có một hành vi nào đó không thể lý giải nổi vì tâm trí bạn đã mất kiểm soát rồi. Hãy cẩn thận với các tin tức giải trí, fakenews, các bài truyền thông bẩn, các xu hướng mới nổi, các video ngắn không cung cấp nội dung từ gốc rễ, những sản phẩm giải trí đó sẽ càng lúc càng tạo ra một bầy khỉ quấy phá hơn.

Trong một khía cạnh khác, nhiều người quá bám chặt vào các hệ hình tư tưởng đến mức trở nên hẹp hòi. Các lý thuyết xa rời thực tế, các bộ nguyên tắc cứng nhắt, các hủ tục xã hội, các lý tưởng, các quan điểm cực đoan, các xu hướng gây chiến nhân danh mục đích nào đó… là những tác dụng phụ của một tâm trí bị bám chấp. Các suy nghĩ tạo nên cái tôi giả tạo, và đóng chặt ta giữa những giới hạn và sợ hãi, tách biệt con người với thiên nhiên và dòng chảy của vạn vật, trở nên thiếu cảm thông và chấp nhận người khác. Hiểu biết nếu không đi cùng lòng bi mẫn, sẽ tạo ra khắc nghiệt. 

Nỗi sợ tạo ra phản ứng

Can đảm cho phép tự do đối diện

Nếu bạn trung thực nhận diện, mỗi một định kiến luôn gắn chặt vào một nỗi sợ thâm căn cố đế nào đó. Nó có thể là nỗi sợ chung của một tập thể truyền thừa, hoặc nỗi sợ cá nhân rất riêng, rất con người. Nhưng cứ hễ có một nỗi sợ, tâm trí liền đóng băng suy nghĩ tại nơi nỗi sợ ấy hình thành, tạo nên rào chắn và phòng thủ, khép chặt cơ chế tiếp nhận thông tin, khiến bạn trở nên hẹp hòi và nhỏ nhặt. Ngay giây phút bạn đóng băng một suy nghĩ nào đó do nỗi sợ gây nên, bạn ngừng trưởng thành về mặt tâm trí trong khía cạnh đó. Vậy nên cũng không có gì ngạc nhiên khi một ông cụ 80 tuổi vẫn giãy đành đạch vì một quan điểm ấu trĩ nào đó chưa thể giải phóng.

Làm việc miên mật với các nỗi sợ cá nhân sẽ giúp một người huấn luyện tâm trí rốt ráo hơn. Một tâm trí sáng rõ là một tâm trí mang đến can đảm, không phán xét, không ác ý và chia cắt.

Một bài tập nho nhỏ mà mình hay thực hành là theo định kì (hàng tháng hay hàng quý), mình sẽ viết ra giấy ít nhất 5 hành vi ấu trĩ/phản ứng kì cục/thái quá của mình. Mô tả càng chi tiết càng tốt, bối cảnh dẫn đến loại hành vi/phản ứng đó, bao gồm không gian, những người có mặt, hành vi và lời nói của những ai có liên quan, đồ vật, màu sắc, thời gian… Sau khi gom đủ một thống kê những hành vi lặp lại, bạn sẽ phát hiện ra các suy nghĩ bị đóng băng trong nỗi sợ và đang phòng vệ ra sao. Tìm kiếm các lý thuyết phù hợp để thử nghiệm các giải pháp xử lý những nỗi sợ đó. Càng lúc bạn sẽ càng nhận thấy mình bình tĩnh hơn nếu trải nghiệm lại hoàn cảnh tương tự, ấy là dòng suy nghĩ đó đã được giải phóng, và được cơ hội trưởng thành.

Các chất gây say, nghiện, tạo ảo giác

Một tâm trí sáng rõ chắc chắn là một tâm trí không bị che mờ bởi bất kì chất kích thích nào. Có quá nhiều nghiên cứu từ khoa học và cả các truyền thống cổ xưa lên án mạnh mẽ xu hướng làm mụ mị tâm trí bằng các chất gây say, nghiện, tạo ảo giác rồi. Mình quá lười nói thêm, nhưng cần thiết có một đôi dòng để nhắc nhớ nếu ai lỡ quên.

Trải nghiệm cá nhân của mình thôi. Ngày trước mình cũng đã từng có rất nhiều cuộc vui kiểu như thế. Uống say bí tỉ không biết gì, thậm chí 30 tết vẫn ngủ lại nhà bạn vì say quá không thể về nhà. Mất lí trí và làm nhiều hành động không thể hiểu được. Cũng chẳng có gì mất mặt, chỉ là mình thấy thương bản thân khủng khiếp. Có lẽ cuộc sống hằng ngày, mình thiếu thốn niềm vui đến mức đã cần phải lăn vào những cuộc vui kiểu như vậy. Tấm hình bên trái là giai đoạn đó. Miệng cười nhưng đôi mắt rất mệt mỏi, và mình thường xuyên chuẩn bị các kịch bản tự tử, vì cảm thấy cuộc sống buồn bã triền miên, và đầu óc thiếu minh mẫn cũng khó xử lý tốt các vấn đề hằng ngày, rồi vấn đề cứ chồng chất vấn đề do không đủ tỉnh táo xử lý. Và do vậy mình lại bị hút vào các cuộc vui nhậu nhẹt để tránh né đối diện với vấn đề. Hình bên phải là kết quả của một thời gian giảm dần bia rượu và cắt hẳn. Mình chủ động hơn trong cuộc sống, và có thể sáng suốt bình tĩnh hơn trong nhiều vấn đề đời thường.

Ngôn từ là cửa sổ

(hoặc chúng là bức tường)

“Tôi cảm thấy bị kết án bởi lời bạn nói,
Cảm thấy bị phán xét và xua đuổi,
Nhưng trước khi đi, tôi muốn biết,
Đó có phải là điều bạn muốn nói không?
Trước khi tôi trở nên phòng thủ,
Và nói trong sự sợ hãi và tổn thương,
Trước khi tôi dựng lên bức tường bằng lời nói,
Cho tôi biết, tôi đã thực sự lắng nghe?
Ngôn từ là cửa sổ, hoặc chúng là bức tường,
Chúng giam cầm, hoặc giải phóng chúng ta.
Khi tôi nói và khi tôi nghe,
Hãy để ánh sáng tình yêu rọi chiếu qua tôi.
Có những điều tôi cần phải nói,
Những điều rất có ý nghĩa với tôi,
Nhưng nếu lời tôi nói không rõ ràng,
Thì bạn có thể giúp tôi không?

Nếu bạn cảm thấy tôi đang công kích,
Nếu bạn cảm thấy tôi không quan tâm,
Hãy cố gắng nhìn xuyên qua những ngôn từ đó
Để nghe thấy những điều hai ta cùng sẻ chia.”

Một đoạn thơ của Ruth Bebermeyer được chia sẻ trong cuốn sách Giao tiếp phi bạo động-Marshall B. Rosenberg đã khiến mình được chạm. Mình đã sống trong một môi trường với quá nhiều câu chữ bạo lực, và luôn khao khát có một đời sống khác đi. Mình nhạy cảm với từ ngữ, nhưng mình cũng vô thức mang theo rất nhiều từ ngữ bạo lực. Để rồi mỗi khi cảm thấy bất an, liền thốt ra nhiều ngôn từ hỗn loạn. 

Nhiều người bảo lỡ lời, nhưng ngôn ngữ gắn liền với tâm trí. Một tâm trí sáng suốt và rõ ràng, sẽ luôn mang đến cách diễn đạt sáng sủa và minh bạch. Ngược lại, một tâm trí rối reng và dính mắc vào quá nhiều định kiến, và bị chi phối bởi nỗi sợ, sẽ giải phóng những ngôn từ cứng nhắc, tối nghĩa, mâu thuẫn, rối loạn,… nhằm mục tiêu đóng băng, tự vệ hơn là để kết nối. Do đó, khi bạn có thể chế ngự được tâm trí, chắc chắn bạn có thể kiểm soát những gì bạn nói, và bạn sẽ thấy ngôn từ chính là món quà để bạn nhận được tin yêu từ xung quanh.

Có các chuỗi bài tập viết giúp cải thiện ngôn từ hiệu quả, mà chính các bạn đọc lại những blog cá nhân từ cách đây chục năm của mình cũng nhìn thấy được sự cải thiện kha khá trong ngôn từ mình dùng. Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể tham khảo The Artist’s Way của Julia Cameron. Viết các trang nhật ký sáng tạo mỗi ngày là một thói quen tốt cần được duy trì. Dù sao ngón tay cái cũng giúp kích thích vùng não trước rất trực diện. Viết tay luôn được khuyến khích hơn đánh máy.

Mình vẫn có những cơn phản ứng do nỗi sợ ngự trị tâm trí, và những lúc đó lời nói của mình thực sự khó nghe. Sau mình cố gắng lựa chọn thư từ như một cách cẩn trọng sắp xếp câu chữ trước khi gửi đối phương đọc. Nó cũng là một giải pháp hiệu quả để thông suốt những dòng suy nghĩ nhảy nhót lung tung. Này, hãy xếp hàng, những con khỉ quấy phá.

Bạn hướng sự chú ý vào đâu, nơi đó sẽ có thành tựu. Đó là sức mạnh của tâm trí. Hãy thử khám phá loại sức mạnh này, bằng cách thuần phục và sống trong hiện tại. Thật sự khó khăn bước đầu, nhưng rồi bạn sẽ thấy xứng đáng.