Học Sinh – Sử – Địa cùng Jared Diamond

Categories:Sách
Vy Lan

Con mèo nhà mình cực kì thích sách, nó ngủ trên sách, gãi mặt bằng sách, ôm sách, lăn trên sách, cào sách…

Đặt cái tên nghe kêu thật sự đúng không? Nhưng đấy là cảm giác chính xác của mình, khi học 12 năm THPT không bằng những tháng ngày tự giam mình trong nhà đọc một lèo các cuốn sách của Jared Diamond được dịch sang tiếng Việt. Đây không gọi là một bài rì viu sách đúng chuẩn, nó chỉ đơn giản là cảm nhận và trải nghiệm học hành cá nhân. Mình đã từng ao ước, giá như có cách nào nhập môn lịch sử loài người một cách thú vị và hấp dẫn hơn lối học hành khô khan cục bộ hồi thời đi học thì thật tốt. Và mình đã tìm thấy Homo Sapiens-Lược sử loài người của Yuval Noah Harari để mà đọc ngấu nghiến, highlight và ghi chú thật sự dày đặc vì tính mới mẻ của nó. Mình đã mất 2 năm để tiêu hóa cho xong cuốn đấy, không phải vì khó hiểu, mà vì mình còn giữ khư khư quá nhiều định kiến trong đầu, chủ yếu mình mất thời gian để phá vỡ lớp vỏ mà giáo dục, gia đình, xã hội và môi trường định hình trong tâm trí. Nhưng ngay sau khi đã phá vỡ lớp vỏ cứng ngắt ấy đi, tâm trí mình trở nên mềm mại và non nớt, sẵn sàng tiếp nhận và thấm sâu những tri thức mới mẻ, mình lục lại cuốn Súng, Vi Trùng và Thép của Jared Diamond do NXB Tri Thức phát hành thì mới thật sự đỉnh huhu. Cảm giác thỏa mãn vô cùng tận những khao khát hiểu biết về loài người rộng lớn và cái nhìn đa chiều về thế giới đầy những mạng lưới kết nối. Mình đã sẵn sàng “đập đi xây lại tri thức”, và mình xem như bản thân đang nghiêm túc học hành như những học sinh THPT thứ thiệt. Vậy là ở đây, mình sẽ chia sẻ dần dần quá trình mình “học tập” cùng Jared Diamond như thế nào thông qua các khía cạnh:

  • Độ cuốn hút của tác phẩm
  • Độ hữu ích của tri thức
  • Độ cam kết của bản thân trong cuộc hành trình theo đuổi bài học của tác giả

Mà theo như chính tác giả chia sẻ, ông liên tục trao đổi và thảo luận với sinh viên trong suốt quá trình theo đuổi đề án của cuốn sách. Việc này giúp cho các cuốn sách của ông không hề khô khan, lý thuyết, đơn nhất, mà dường như chúng trở thành một tư liệu học hành bài bản, thú vị, tính phản biện cao và đặc biệt là rõ ràng, sáng sủa, rành mạch, khúc chiết và không hề có ẩn ý hay sự dông dài vô lý nào. Điều này có thể phù hợp với những bạn thích lý luận, ghét việc kể lể tốn thời gian và đặc biệt là mong muốn change my mind/change my view? Và đặc biệt là, những ai từng đau đáu câu hỏi “Liệu rằng con người có ý chí tự do?” thì những tác phẩm của Jared Diamond có thể khiến bạn “đau đầu” dữ dội haha, mình đã mất ngủ suốt mấy tháng nay, trăn trở với câu hỏi này, và có nhiều lúc phát khùng chỉ vì vỡ òa một định-kiến-cố-hữu-tinh-vi-lâu-năm nào đó. Ây da, cái sự học đôi khi không cục bộ trong cuốn sách của tác giả, song song với nó, mình chia sẻ thêm những nguồn tư liệu bổ sung để giúp mình củng cố, định hình khung sườn kiến thức trong tâm trí, có thể là tác phẩm văn học, văn chương lịch sử, phim tài liệu hoặc một số blog cá nhân góp phần thúc đẩy dòng chảy trong tâm trí mình. Mình biết ơn vũ trụ đã đều đều rót từng phần xuống bộ não non nớt này của mình. Vì nếu dòng chảy ào ào và mạnh mẽ quá có khi mình sợ hãi mà hóa rồ ?

Súng, Vi Trùng và Thép

Phải nói về mối lương duyên với cuốn sách này. Kì thực mình đã từng mua nó trước khi mua cuốn Homo Sapiens-Lược sử loài người của Yuval Noah Harari, nhưng mình giở mục lục ra và bao nhiêu kí ức chán nản hồi THPT tràn về liên quan đến môn lịch sử, sinh học khiến mình gấp sách lại và nằm mãi trong góc tủ sách, có thể xét là mình chưa đủ can đảm để nhận thêm tri thức mới. Học hành cũng như mọi công việc khác, cần nỗ lực và can đảm rất nhiều. Thế nhưng bác Harari lại là tác giả tiên phong giúp mình vượt qua sang chấn này ? việc đọc Lược sử loài người một cách nghiêm túc, cho mình cơ hội nhẹ nhàng tháo dỡ nhiều định kiến. Kể ra cũng không nhẹ nhàng lắm, trong suốt hai năm sau đó, mình trải qua những cơn khủng hoảng sụp đổ niềm tin nghiêm trọng. Nếu đổ là do Lược sử loài người thì không mấy công tâm – và cũng quá là đề cao cuốn sách, vì trong cùng lúc đó mình còn một số hoạt động break the box khác cho tâm trí nữa. Sự khủng hoảng này không vui vẻ gì, nó kéo mình dập dềnh từ ngưỡng cửa trầm cảm đến anti-social, đến sợ hãi loài người nói chung, và thậm chí là chán ghét cả những người bên cạnh. Nhưng nhờ thế, mình như con rắn lột xác, mình sẵn sàng cho những sự thật to lớn hơn. 

Và giây phút con rắn vừa lột xong lớp da cũ, nó non nớt và yếu đuối nhường nào, nó cần có lớp da cứng cáp mới, dĩ nhiên là rộng hơn lớp da cũ, cho sự “lớn lên” của nó. Và cái mình cần lúc này là tìm hiểu lại về nguồn cội bản thân: loài người, gia đình, xã hội, chính trị, môi trường, trái đất. Súng, Vi trùng và Thép hoàn hảo với nhu cầu này của mình, ít nhất là nhập môn. Nhưng cuốn sách này mình đã để lại cho người yêu cũ, nên mình không có nó trong lúc cần nhất. May mắn là một ngày trước giãn cách, mọi người mau mắn đi siêu thị mua đồ ăn, mình tranh thủ lên tiki đặt bộ sách của Diamond chọn now ship. Nhưng mãi tới cuối ngày mới nhận được. Dù sao vẫn thật may mắn, vì nếu không cơn khủng hoảng sẽ càng thêm kéo dài. Nhưng mọi thời điểm đều phù hợp, nhỉ?

Từ đầu, nếu phải học lại lịch sử hồi cấp 2 thật sự rất chán. Nhưng nếu bỏ qua nó, mình sẽ không hiểu được sự tiến bộ của loài người và nền văn minh nhân loại tiến triển ra sao. Mỗi tội, lịch sử cấp 2 là thứ gì đó nặng nề và khổ sở. Học thuộc bài và trả bài, dẫu cho mình có thật sự hiểu những gì được giảng dạy hay không. Và có những lỗ hổng kì quặc mà mình đặt câu hỏi phản biện bị thầy cô gạt phăng, và bực bội cho rằng mình chống đối. Nhưng Jared Diamond sẵn sàng phản biện. Này, ê, hãy đặt câu hỏi nhiều vào. Tôi rất thích các câu hỏi của bạn. Bạn có thể tự tìm câu trả lời, hoặc mail cho tôi, hoặc như nào đó. Nhưng hãy đọc mà phát sinh thêm câu hỏi, đừng đồng ý với tôi hoàn toàn, thế giới vẫn còn rất nhiều bí ẩn. Nhưng chắc chắn là bạn chưa vội có được câu hỏi nào, vì bạn sẽ bị choáng ngợp bởi thế giới rộng lớn mà tác giả bày ra trước mắt bạn. Nhưng đồng thời, bạn cũng sẽ thỏa mãn vô cùng khi thấy tất cả kết nối với nhau như một mạng lưới chằng chịt. Không còn chúng tôi hay chúng nó, không còn phân chia đồng minh hay đối thủ, chúng ta nhìn thấy tất cả là một.

Điều thú vị là mỗi vùng đất riêng lẻ trên thế giới được tác giả trình bày theo phong cách tường thuật, tự sự và lập luận vô cùng hấp dẫn. Đủ để mình bám theo mà không bị lạc đường. Mình có động lực mở bản đồ thế giới để dò dẫm, và ghi nhớ tất cả những cái tên của những vùng đất xa lạ cách nửa vòng Trái Đất một cách dễ dàng. Mình không còn cảm giác cục bộ theo kiểu “ôi nơi đấy thì liên quan gì đến tao mà tao phải quan tâm”, tác giả thuyết phục mình quan tâm đến tất cả. Một khả năng thuyết phục tuyệt vời, và tác giả cũng thừa nhận đây là ý đồ của bản thân, rằng ông muốn mọi người hãy mở rộng cái nhìn để vì lợi ích chung của nhân loại. Nếu mọi thứ là quá muộn, ông đã không nỗ lực để viết nên những cuốn sách tâm huyết đến thế. Theo ông, mọi thứ vẫn còn cơ hội cứu vãn. Khả năng thuyết phục của ông không hẳn đến từ kho tri thức uyên bác, rộng lớn, mà nó đến từ sự quan tâm chân thành sâu thẳm trái tim ông khi ông viết về vùng đất, về thiên nhiên, về con người, về văn hóa, về dân tộc,.. bất kì điều gì mà ông chạm ngòi bút đến, đều phát sinh tình yêu và trí tuệ đi cùng.

Nhỏ bạn mình đã chia sẻ về tác phẩm: “Tao đọc nó hồi năm nhất ĐH, mượn được ở thư viện trường. Sau đó một thời gian, tao phải mượn đọc lại vì nó quá nhiều thứ cần thiết. Phải công nhận một điều là khi đọc xong cuốn này, dường như không cần đọc thêm những cuốn sách khác cùng chủ đề nữa. Nhưng mày nên cẩn thận với sự dẫn dắt, vì chưa biết nó đi về đâu.”

Trong cùng lúc này, mình xem hàng loạt series liên quan đến khảo cổ trên Netflix, cảm thấy rất hứng thú với sự mò mẫm và tìm tòi về nguồn cội. Chúng ta thật sự cần một cái nền vững, nếu muốn đi xa hơn nữa về tương lai. 

Cùng khoảng thời gian, mình tìm hiểu về Virus, Vacxin và chế độ ăn thô toàn phần. Mình chỉ tìm hiểu chứ chưa có động thái gì. Một trong số những tài liệu mình tìm hiểu là từ Ty Bollinger thông qua hiểu hơn sự thật về ung thư, lợi nhuận khổng lồ của big medicine, big pharma. Đồng thời là series sự thật trên Netflix về các xu hướng tẩy não và chi phối nhân loại trong nhiều thập kỷ qua, bao gồm thực phẩm, tôn giáo, xu hướng mua sắm, tỷ phú, kim cương… 

Trong quá trình đọc cuốn sách này, mình đã bắt đầu đối diện với dự án mang tên Hôn nhân hạnh phúc mà mình xây dựng suốt 7 năm qua, trung thực nhìn nhận các yếu tố chi phối tâm trí của mình từ gia đình, giáo dục, xã hội, và động cơ đến từ nỗi sợ mà xung quanh gieo rắc ở vai trò phụ nữ suốt nhiều năm qua. Từ đó, mình thoải mái chấp nhận sự thất bại của bản thân, và sẵn sàng cởi mở với những dự án khác tiềm năng và phù hợp với năng lực của bản thân hơn. Nếu một người thân không hiểu nổi vì sao mình có thể rời bỏ một cuộc tình kéo dài 7 năm, để đỡ phải chia sẻ sự phức tạp quá mức, có lẽ mình sẽ thuyết phục họ đọc blog này, hoặc Súng, Vi trùng và Thép của Jared Diamond để có ý niệm về sự lo lắng của mình đặt trong thế hệ tương lai. Thậm chí, nếu có thể, đọc thêm cuốn Quo Vadis của Henryk Sienkiewicz và Ngoại tình của Paulo Coelho để nắm bắt chút xíu về sự thô bạo lẫn hủy hoại mà người ta vẫn dùng để thao túng lẫn nhau, nhân danh tình yêu; và nếu muốn hiểu hơn về cách mình phức tạp hóa việc hôn nhân, Anna Karenina của Lev Tolstoi có thể thỏa mãn sự tò mò của bạn. Nhưng hiển nhiên, mọi người hỏi thăm dựa trên tinh thần tọc mạch và ưa soi mói, chứ không hẳn là muốn biết mình nghĩ gì. Cho nên, dẫu mình có phơi bày hết ruột gan đi nữa, cũng chẳng mấy ai hiểu vì sao mình có quyết định này. 

Sụp Đổ

Nếu điều quan tâm của bạn là làm thế nào đảm bảo sự thành công cho những quyết định, dự án mà bản thân theo đuổi; bạn không hiểu vì sao mình từng thành công hay từng thất bại điều gì đó; bạn cũng muốn có cái nhìn toàn cảnh về xu hướng chung của các quốc gia;… cuốn sách này sẽ hấp dẫn bạn.

Hai vấn đề mà mình đoán tác giả muốn đặt ra cho mỗi người đọc riêng rẽ, cũng như tập thể hay xã hội bất kì, đó là:

  • Liệu chúng ta có thể từ bỏ một số giá trị cốt lõi khi chúng dường như đang dần không còn phù hợp với sự tồn tại của xã hội, ta thà giữ các giá trị đó cho đến chết, hay sẽ chủ động thích nghi với sự thay đổi để sống sót? 
  • Liệu chúng ta có thể đơn lẻ sống sót, hay cùng đoàn kết vượt qua vấn đề như cách mà loài người đã và luôn gắn kết cùng nhau. Điều này được tác giả minh chứng rõ nhất trong những xã hội sụp đổ vì sự ích kỉ của một số cá nhân, “Họ nhận được tấm vé chết cuối cùng trong xã hội sụp đổ”.

Mình lượn một vòng thì thấy là mọi người chỉ hứng thú với mỗi cuốn Súng, Vi Trùng và Thép vì nó được giải Pulitzer, những cuốn còn lại của tác giả lại bị bỏ qua vì dường như.. “dày quá lười đọc”, hay “tương lai của nhân loại thì liên quan gì đến tao đâu”, “sự nhỏ bé của tao thì làm được gì cho thế giới”… Nhưng cuốn Súng, Vi Trùng và Thép dường như chỉ là dẫn nhập cho những tư tưởng quan trọng của Jared Diamond. Sụp đổ là một gióng chuông mạnh mẽ, và là một niềm hy vọng lớn lao cho bất kì ai mong muốn tìm được giải pháp cho sự tiến bộ riêng lẻ của bản thân, song hành và dính chặt với sự tiến bộ của nhân loại. Cuốn Sụp đổ cũng dày nhất và tốn nhiều công phu nghiên cứu nhất trong số các tác phẩm mà Jared Diamond từng xuất bản. Có thể đó là lý do mà nó trao tặng mình cơ hội được mở rộng tầm nhìn đến mức sửng sốt.

Tuy nhiên, lý do chính yếu để mình tiếp tục đọc nốt những cuốn sách khác của tác giả, là vì theo mình, một khi đã cảm thấy hứng thú với tư tưởng của tác giả nào đó, cho dù đồng ý hay không, mình vẫn đọc toàn bộ những tác phẩm của họ cho đến khi không thể đọc nổi nữa: hồi cấp 3 là Victor Hugo, Jane Austen, Nam Cao, Nguyễn Ngọc Tư, Haruki Murakami, sau này là sư phụ Huong Kieu, Phật pháp, Kinh Thánh, Friedrich Nietzsche,… Nên việc tìm hiểu tư tưởng của Jared Diamond cũng không ngoại lệ. Tôn sư trọng đạo, mình nghĩ thế, là cách để mình nhận được nhiều lợi ích nhất từ người thầy của mình.

Từ cuốn Sụp đổ, mình bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến từng hành vi của bản thân có tác động như thế nào với môi trường. Jared Diamond nhắc nhở chúng ta về tỷ lệ tác động môi trường theo đầu người – các nguồn tài nguyên được tiêu thụ và các loại rác thải phát sinh của mỗi người. Tác giả cho thấy quang cảnh khủng khiếp về lượng rác thải mà nhu cầu tiêu dùng của ta đang xả ra ngoài môi trường đang khủng hoảng thế nào, sự tham lam không có điểm dừng khiến ta tự hủy hoại chính ta ra sao. Việc mua sắm của mình dường như trở thành tội lỗi, và mình đã ôm bạn mình nói rằng “Xã hội tàn nhẫn với chúng ta quá. Họ khiến chúng ta tự ti vì không sở hữu những món đồ thời thượng, và chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn để phục vụ con quay thị trường bằng cách làm việc cật lực và tiêu thụ cật lực để trốn chạy cảm giác tự ti đeo bám. Chỉ vì ta cần sự chấp nhận của tập thể.” Mình dường như đánh mất động lực kiếm tiền, tiêu thụ, thậm chí không muốn liên hệ với ai, khá giống với cách mà bài viết này mô tả.

Trong Sụp đổ, tác giả rất nghiêm túc đúc kết 12 yếu tố, mà dường như bỏ sót yếu tố nào, cũng dễ dẫn đến nguy cơ sụp đổ xã hội, như là gót chân Achilles. Điều quan trọng khiến chúng ta không thể làm ngơ, là dự mắc míu giữa ta với toàn thể nhân loại, để mà ta phải trung thực thừa nhận rằng, nếu một xã hội nào đó sụp đổ, dù nhỏ bé tới đâu, cũng mang lại hệ lụy lớn cho toàn thế giới. Do đó, mình nghiêm túc nhìn nhận sự khổ đau của những ai đang chịu ảnh hưởng môi trường sống, chính là có công đóng góp của cá nhân mình vật. Mình thấy bản thân tệ hại ghê gớm. Và đáng lẽ thầy cô hồi THPT khi dạy môn Sinh môn Địa hay môn Sử đã phải dạy cho học sinh ý thức về sự nguy hại của những hành vi do con người gây ra, thay vì suốt ngày hối thúc hãy học thuộc làu mọi thứ và kiếm tấm bằng ngon nghẻ sau này mới có thể kiếm được nhiều tiền. Hmm, lịch sử có ý nghĩa gì nếu nó chẳng thể cho ta một lời cảnh báo về sai lầm của tương lai?

Kể đó, mình đã tham gia được hai buổi thảo luận ở dự án Quả Cầu, thảo luận về hai bài viết khiến mình có hướng xử lý thông tin trong tâm trí bao gồm

Cùng một số bài viết khác của blog, và được phản biện bởi góc nhìn của những thành viên dự án. Mình đã xử lý xong nốt những quan sát của bản thân liên quan đến Khủng hoảng cái đẹp. Bài viết này có thể được gọi là một bài luận tổng kết môn học về cách mà mình phá vỡ nốt những niềm tin cố hữu trong tâm trí, để có thể tư biện và tiếp thu thêm nhiều giá trị mới phù hợp hơn ấy nhỉ ?

Có hai câu nói này mình cần ghi nhận trong hành trình đọc cuốn sách và có chia sẻ đôi chút về phương hướng tư duy cá nhân, vì chỉ là dòng chat nên đã trôi tuột đi đâu, nay mình chỉ tạm ghi lại, không phải y chang từng lời từng chữ đâu nhé:

  • Sư phụ: Mỗi lĩnh vực như một con tàu, người ta có những nguyên tắc và chuẩn mực riêng để giữ cho con tàu của họ không chìm. Khi một đối tượng nào đó đi ngược lại các nguyên tắc của nhóm, mọi người sẽ phản ứng bằng cách tẩy chay, lên án, ghét bỏ thậm chí gán nhãn và ghê tởm, vì họ sợ những giá trị mà họ coi trọng bị sụp đổ. Nếu không thể sống cùng những nguyên tắc của nhóm đó thì chọn rời bỏ và tham gia vào nhóm nào phù hợp hơn thôi. Đoạn này thì cô từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần xuyên suốt những buổi học Fixed Star của tàu Argo nhưng do mình không chú ý thui. Mà mình cũng thấy nó hợp với lá 6 of Swords trong bộ bài Tarot nữa.
  • Chị Kit: Chúng ta được hưởng lợi nhiều từ xã hội, do đó cần có trách nhiệm đúng mức đối với các yêu cầu chung của xã hội. Câu này của chị đúng là gỡ rối những mâu thuẫn trong tâm trí mình bữa giờ luôn á.

Như tác giả khẳng định, cuốn sách này không hề bi quan, nó trung lập trong cách nhìn nhận bao quát các yếu tố khiến một xã hội nào đó sụp đổ, không phải để biện minh cho sự sai trái, mà đi cùng với sự thấu hiểu, là bài học kinh nghiệm cho thế hệ tương lai. Dựa trên giả định là chẳng ai muốn đi đến một kết thúc chẳng còn lại gì, ngay bây giờ cần thay đổi hệ thống giá trị, linh hoạt và thích ứng với các điều kiện cho phép trong hiện tại, thay vì cứ hoài niệm hay giữ khư khư một cách ích kỉ, những giá trị đã lỗi thời. Khả năng tiên đoán xu hướng sẽ nâng dần độ chính xác, khi một tâm trí đủ rộng mở cho phép tiếp nhận bất kì hệ giá trị đan cài nào. Chúng ta đang sống trong thời kì mọi thứ phức tạp và lẫn lộn, tách chiết từng yếu tốt quả không thật dễ dàng, chưa kể đến việc phân nhóm và xếp loại để có những gợi ý phù hợp. Jared Diamond nỗ lực hết sức trong vụ này, vì thế mà nhiều nhà lãnh đạo cần mượn đến bộ não của tác giả.

Cùng khoảng thời gian này, mình cũng đã xem lại phim Run, Lola Run. Và để kêu gọi bạn bè vào cùng thảo luận phim, mình đã tạm viết vài ý như sau:

Bạn có phải là người hoàn toàn cam chịu những sắp đặt của số phận; hay bạn luôn muốn nỗ lực hết sức nhằm đạt được mục tiêu của mình? Liệu bạn tin rằng những quyết định của bản thân là hoàn toàn ngẫu nhiên và độc lập; hay nó đang bị chi phối bởi thói quen trong tâm trí và luôn có ảnh hưởng đến xung quanh?
Bạn có từng ước ao giá như một lần được làm lại, bạn sẽ lựa chọn sửa đổi điều gì? Liệu thay đổi đó có mang đến kết quả như ý muốn của bạn? Liệu thành công đạt được có phải là ngẫu nhiên, hay nhờ nỗ lực đặt vào đúng hướng, đi cùng với kinh nghiệm và cẩn trọng cần thiết?
Toàn bộ những câu hỏi này có thể sẽ phát sinh trong khi xem Run, Lola Run.
Hoặc không.
Dù sao đi nữa, hãy thử xem bộ phim này. Bạn sẽ cảm nhận nhịp tim đập mạnh theo từng bước chân của nhân vật. Cảm xúc giận dữ và thúc giục lan tỏa. Nỗi lắng lo và cay đắng cho thân phận trôi vụt qua bởi ý chí tồn tại mạnh mẽ của một cá nhân dường như có thể lôi kéo và biến chuyển toàn bộ đời sống của những người xung quanh – như cách một viên đá ném xuống mặt hồ phẳng lặng, hòn đá đã khuất khỏi tầm mắt nhưng những gợn sóng mà nó tạo ra vẫn còn lan ra và còn mãi…
Là một bộ phim hay nhất của điện ảnh Đức trong năm 1998, Run Lola Run được chỉ đạo bởi đạo diễn nổi tiếng người Đức Tom Tykwer. Với câu chuyện hấp dẫn và tiết tấu mạnh mẽ, bộ phim đã chạm vào trái tim nhiều khán giả.

Ngay khi mọi thế giới quan của mình bị sụp đổ hoàn toàn, mình khá là hoang mang và dường như có sự vô vọng. Mình đã đọc lại cuốn Ngầm, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, 1Q84 của Haruki Murakami, các tác phẩm cho phép mình có thêm cái nhìn đa chiều, thậm chí sâu sắc hơn đối với những giáo phái xây dựng nên thế giới khép kín của những con người đang bị sụp đổ niềm tin với các giá trị xã hội mà chưa kịp gầy dựng hệ thống niềm tin mới. Điều này quả thực có thể dẫn đến sự cực đoan, và có những hành vi phá hoại xã hội. Mình trở nên cẩn trọng với chính mình, bởi thật sự nguy hiểm nếu mình bỗng dưng chán ghét mọi thứ, và phản ứng bằng cách xóa sổ nhân loại thì chẳng khác gì chống đối Creator. May mắn là mình vẫn còn tin vào Đấng Sáng Tạo và nguồn sáng vĩnh cửu. Ây dà. Để vượt qua giai đoạn “Núi không còn là núi, sông không còn là sông” này, mình đọc thêm về cách lý giải của Phật pháp thông qua Đại Đức Nguyên Tuệ, chẳng hiểu sao comment của thầy hiện trên newfeed FB và mình cứ thế follow.

Thế Giới cho đến ngày hôm qua (chúng ta học được gì từ những xã hội truyền thống)

Để mở đầu cho cuốn sách này, mình trích một đoạn mà không biết hữu ý hay vô tình, đã đọc được cách đây vài hôm khi tìm hiểu về cuốn Nhiệt đới buồn do NXB Tri Thức giới thiệu:

Claude Lévi Strauss đã đưa ra luận thuyết, rằng không phải nền văn minh đương đại là cao hơn nền văn minh dã man, mà đó chính là sự thay đổi các thang giá trị khác nhau. Vì vậy, hủy diệt nền văn minh hoang dã là một hình thức hủy diệt chính chúng ta – những con người tự nhận mình là thời đại văn minh cao nhất.
Ông cảnh báo rằng, khoa dân tộc học sẽ biến mất vì không còn thực địa mà khai phá, nó sẽ là “một cái ruột rỗng” để ở đó các nhà khoa học rót vào những ảo tưởng khổng lồ. Hiện tượng tàn lụi 90 bộ lạc ở Brésil (từ năm 1900 đến năm 1950) và sự biến mất của 15 ngôn ngữ, là một minh chứng sinh động cho nguy cơ hủy diệt của văn minh nhân loại.

Mình cảm nhận đây chính là mục đích của Jared Diamond, đưa ra những lời cảnh báo về hậu quả của sự chối bỏ cội rễ của loài người. Xem tổ tiên mình như thể những loài hoang dã, và áp đặt lên đó loại ý chí hủy diệt chính mình cùng đồng loại. Ông trình bày mạch lạc tư tưởng về các yếu tố khác biệt đan cài nhau là rất phức tạp, nhưng đủ rạch ròi, thay vì chỉ đơn thuần là cấu trúc gen, để lý giải cho việc dân tộc hay xã hội nào là áp chế/có ưu thế hơn phần còn lại.

Nếu bảo cuốn này là một phần tiếp theo từ những cuốn sách trước đó của tác giả thì cũng đúng mà chưa đủ, bởi vì nó là sản phẩm của chuỗi tư duy liên tục và kiên trì của tác giả, nhưng đồng thời nó được khu lập trong một giai đoạn trưởng thành rất riêng tư của tác giả. Nó hoàn toàn có thể trở thành một cuốn sách độc lập, không cần biết đến Súng, Vi trùng và Thép, cũng không cần quan tâm các xã hội Sụp đổ như thế nào, vẫn hoàn toàn có thể đọc hiểu. Điều quan trọng nhất mà cuốn sách này có thể mang đến cho mình, đó là đánh thức trách nhiệm của một công dân, chủ động có các quyết định và hành vi bé nhỏ trong năng lực, để góp phần và chung tay khiến Trái Đất trở thành nơi đáng sống hơn. Ấy là ngay từ những trang đầu của Thế giới cho đến ngày hôm qua, một đoạn ngắn ngủn đánh thức ý chí của mình:

“Tuy vậy, chúng ta cũng không nên đi đến thái cực đối lập là lãng mạn hóa quá khứ và trông đợi một thời đại đơn giản hơn. Với nhiều tập tục truyền thống mà chúng ta có thể xem mình như có phước mới loại bỏ được – như cúng tế bằng trẻ em, bỏ rơi hoặc giết người già, đối mặt với rủi ro của nạn đói định kỳ, gia tăng rủi ro từ các hiểm họa thiên nhiên và bệnh dịch, thường xuyên chứng kiến con nhỏ qua đời và sống trong nỗi sợ hãi triền miên về việc bị tấn công. Tìm hiểu về các xã hội truyền thống có thể không những chỉ cho chúng ta một số tập tục sống tốt hơn, mà còn giúp chúng ta trân trọng những lợi thế của xã hội mà chúng ta cho là hiển nhiên.”

Mình nhận ra tâm trí của bản thân đã bị cầm tù và xiềng xích quá lâu, đến độ khi nhận được cơ hội giải thoát, mình chỉ nhìn thấy nỗi sợ ngập tràn, và giãy giụa như thể mình chính là nạn nhân của thời cuộc, của sự hiện tồn này. Mình bực tức vì tại sao mình không thể sống bình thường như những công dân xã hội khác, ngoan ngoãn và chịu đựng mọi nỗi khổ đến với mình, trong sự an toàn giả tạm của những giới hạn và luật lệ một cách thụ động, mà không có nhu cầu phải làm gì đó khác đi, phải thay đổi hay vươn tới ý chí tự do. Mình không chắc những ai sống toàn bộ cuộc đời cam nhẫn đó có thể hoàn toàn hài lòng hay không, nhưng mình được một giọng nói trong tâm trí bảo mình cần phải làm gì đó khác đi, làm gì đó mạnh mẽ và tự chủ hơn, không thể cứ sống một cuộc đời hèn nhát và lờ đờ như vậy mãi. Hiểu về xã hội mình đang thuộc về sẽ là một cách giúp mình dần tự chủ, trưởng thành, sáng suốt và có trách nhiệm với chính mình và xung quanh hơn. Mình sẽ không chối bỏ nó, như là một thái cực của việc để nó xiềng xích và thao túng. Mà mình cần phải biết nó là như thế nào, để chủ động sống chung với nó.


Biến động

Vì sao tình dục lại thú vị?

Cuốn sách này thì mình đọc trước cả những cuốn còn lại, là cuốn sách đầu tiên Jared Diamond chiếm được cảm tình của mình. Bởi vì từ cuốn sách này, mình đã có được vài lời giải đáp sơ khởi cho nỗi đau của bản thân, ví dụ:

  • Tại sao lại có quấy rối tình dục? Mọi người không thể bớt sồn sồn đi được à?
  • Tại sao một người cao tuổi vẫn còn ham muốn tình dục?
  • Tại sao ông già đấy phải lén lút quấy rối mình? Ý là không thể công khai sao?
  • Tại sao ông già đấy là họ hàng, tuy không gần lắm, nhưng vẫn có hành vi trái đạo đức như vậy?
  • Tại sao mình lại tổn thương khi bị quấy rối tình dục?
  • Tại sao người yêu cũ lại nói với mình “Nếu em không cho phép anh quan hệ tình dục nghĩa là em không yêu anh”. Ý là, tại sao mặc định yêu đương là phải quan hệ tình dục? Như thế này có được gọi là không tự nguyện không, như một dạng chứng minh niềm tin? 
  • Tại sao đàn ông có cảm giác tự tin hơn khi đã chinh phục được bạn tình thông qua khía cạnh tình dục?
  • Tại sao con người cứ phải lấy tình dục làm trò giải trí? Cần 1 đứa con thì quan hệ để có 1 đứa thôi?
  • Tại sao người nữ, đa số, ít có nhu cầu tình dục hơn, hoặc ít đạt khoái cảm hơn?
  • Tại sao xã hội chỉ lên án phụ nữ chửa hoang, còn cho rằng sự vô trách nhiệm với tinh trùng của đàn ông là đương nhiên?
  • Tại sao người nữ có thể dùng cái thai/đứa con của mình mà đòi hỏi, yêu sách đàn ông?
  • Liệu một người đàn ông đến với một người phụ nữ có thể vì điều gì khác tình dục hay vì đứa con không? Tức là nếu một người phụ nữ không có tiềm năng sinh con cho anh ta thì liệu anh ta có cảm thấy thu hút? Vì người yêu cũ đã hỏi mình một câu rất ích kỷ, khi mình từ chối quan hệ tình dục vì chấn thương cũ vẫn chưa hồi phục, “Tại sao thằng khác làm, mà anh phải chịu?”, điều này hẳn liên quan đến cảm giác công bằng về mặt đạo đức và xã hội nữa, nhưng nó phản ánh bản năng nếu cô không sinh con cho tôi hoặc không mang đến khoái cảm cho tôi thì tại sao tôi phải ở lại mối quan hệ này?

Eo ôi ti tỉ câu hỏi vì sao nảy sinh suốt nhiều năm tháng tuổi trẻ của mình. Nhưng lần đầu đọc, mình cảm thấy thích thú và xúc động với môn Sinh học hơn hẳn 12 năm THPT, nên mình đọc như thể giải trí. Lần thứ hai mới có thể nghiêm túc nhờ cậy những kiến thức này mà đối diện với những bài học của chính mình. Mình gần như tê liệt và chối bỏ quan hệ tình dục, cảm thấy đau đớn và không có tí gì là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Mình chỉ thấy đó là điểm yếu nhất mà đàn ông có thể đánh vào khi muốn hạ gục tính nữ. Cuốn sách này cho phép mình nhẹ nhàng chấp nhận thực tế rằng chúng ta bị chi phối bởi bản năng sống của cơ thể – một điều mà khi quá tự tin vào trí tuệ, mình chợt quên mất. Và vì thế, chính xu hướng này khiến ta và những người xung quanh có những hành vi mà chính ta không lý giải nổi, cho dù đạo đức xã hội có thầm nhuần đến đâu.

Nhiều người quen của mình phát khùng khi mình cứ nhai đi nhai lại những câu chuyện cũ, nhưng quá khứ là gì nếu không thể rút ra được bài học hay hiểu biết nào đó? Mình cứ như con bò nhai cỏ, rồi lại ợ lên và nhai tiếp những dưỡng chất còn sót lại cho đến khi sạch sẽ mới thôi. Hoặc như con thỏ, ăn lại cứt có màu xanh lá để hấp thụ cho hết sạch dưỡng chất. Thế mới không phí hoài chứ, những nỗi đau là sự đánh đổi để nhận thông điệp từ Chúa trời kia mà. Đối với mình, dần dần sai đúng không quan trọng nữa, chỉ có bài học và thái độ phù hợp để tiến hóa hơn. Do đó, nếu ai đó đọc những chia sẻ của mình mà có cảm giác mình đang trách móc hay xem thường họ, chỉ phản ánh là chính họ cũng chưa tiêu hóa xong bài học này.

Cùng lúc đọc lại cuốn sách này, series Sự thật của Netflix có mấy chủ đề khá hay ho của mùa 1 mà mình mới lục lại xem như Tại sao phụ nữ được trả ít hơn, hay Cực khoái nữ, Chế độ một vợ một chồng. Giúp mình mở rộng thêm hiểu biết về chủ đề này, và để giải trí những khi tâm trí căng thẳng với những câu hỏi vây bủa.

Và mình tìm được những bài viết từ nàng Đoan Hà cực kì hữu ích cho các bạn nữ nói chung để chăm sóc tốt hơn cho tính nữ của mình, và đặc biệt là với những ai đã từng tổn thương cô bé của mình.

Loài tinh tinh thứ ba

Author:

One Comment

  1. 25 Tháng Chín, 2021 at 9:11 chiều

    Sách là cần thiết và hữu ích vì nữ hoàng cần quan tâm chăm lo cho dân chúng và non sông ở vương quốc của mình.

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>