Hôn nhân hạnh phúc

Categories:BLOG
Vy Lan

Một chiếc tựa đề mà có thể hình dung số lượng sách chiếm hơn 3 cái thư viện quốc gia cũng chưa mổ xẻ cho thấu đáo. Nhưng xin lỗi bạn, cũng như các bài viết không đầu không đuôi và vô cùng chủ quan khác trên blog, mình chỉ viết về thứ mình nghĩ, hoặc thứ mà người khác nghĩ hộ mình thấy ưng lòng. 

Đọc cuốn Súng, Vi trùng và Thép của Jared Diamond, lão đặt tên cho hẳn một chương “Ngựa vằn, những cuộc hôn nhân bất hạnh, và nguyên lý Anna Karenina”. Thật tình nhìn vào mục lục thì chỉ muốn lật ngay đến chương đấy để đọc, vì lý do gì thì xin mời đọc tiếp xuống bên dưới. Nhưng dĩ nhiên, mình chơi đúng luật. Cách tốt nhất để hưởng đầy đủ lợi ích của một hệ thống do ai đó tạo ra, là chơi đúng luật của họ. Mình đọc lần lượt từ phần mở đầu, chương 1, chương 2… đến chương 9 thì chạm đến tựa đề này. Và nếu bạn quan tâm, vâng, những phần trước đó vô cùng có ích, và đúng là mình được hưởng lợi lạc vô cùng lớn từ cách dẫn dắt bước vào hệ thống kiến thức khổng lồ của tác giả. Nếu được, mình nghĩ cần xếp blog này vào rì viu sách để sẵn tiện giới thiệu luôn bộ sách tuyệt đỉnh cú mèo của Jared Diamond:

“Bộ sách này làm thoả mãn thuỷ nhật tâm Bảo Bình của toi quá các bạn ơi huhu đọc trong mùa dịch này lại là quá phù hợp chứ lị ? hồi xưa đọc Lược sử loài người của Harari thấy không đã đã, hoá ra bác Harari lấy nhiều ý tưởng từ bộ sách này (mà bác ý cũng có giới thiệu bộ sách này đã cung cấp nhiều thông tin cho bác). Đọc hẳn bộ này sướng tê liệt người.

Không ngoa cho cái tên Lịch sử nhân loại mà nhà in gán nhãn cho bộ này. Lần đầu biết đến tác giả Jared Diamond là từ cuốn “Vì sao tình dục thú vị?” đọc xong là mình thoả mãn ngất ngây, vượt qua được nỗi đau bị xâm hại tình dục ngày nhỏ luôn ý. Vì mình hiểu được thôi thúc chung của loài người, và khổ đau không của riêng ai, và thế nào là sự nghiệt ngã của thiên nhiên, từng cá thể này phải tự tìm cách vượt qua chọn lọc tự nhiên thui, không thì bị đào thải không thương xót ??‍♀️

Hoá ra mình không thích dạng lịch sử theo lối thằng này đấm thằng kia vào năm bao nhiêu để chiến thắng thế nào =)) mình thích kiểu lịch sử bao quát và nhìn thấy được hướng dịch chuyển của nhân loại hơn. Dưới góc nhìn của một tác giả đa tài trải rộng từ ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá đến y sĩ, sinh lý học, sinh học tiến hoá và địa sinh học (hình như còn nữa mà mình hong rõ), hầu như mình được giải đáp 1001 câu hỏi vì sao suốt từ thời bé tí tí ??” – Trích một đoạn status nhảm mình post trên fanpage FB để chia sẻ niềm vui cùng bạn bè.

Cũng cần nói thêm, nếu bạn chưa quen với việc đọc một khối lượng thông tin quá đồ sộ thì thui quay về Lược sử loài người của Harari làm quen trước đã. Mấy năm trước mà bảo mình đọc bộ này của Jared thì mình anti luôn ngành xuất bản sách chứ đùa, quá nhiều thứ, nhức cả não, mệt mỏi con mắt cận thị 7.5 đi ốp của mình.

À thôi quay lại với chủ đề hôn nhân. Đầu chương, ông đã trích dẫn một đoạn của Lev Tolstoy để dẫn dắt vào việc lý giải vì sao chúng ta chỉ thuần hóa được số lượng rất ít các loài động vật trên Trái Đất. Đấy, mình cho các bạn một ví dụ dẫn dắt siêu đỉnh, đủ để tò mò về tác giả này ha. Không hề gượng ép, vô cùng mượt mà và thuyết phục. Dù sao, nhà văn vốn là những tâm hồn nhạy cảm luôn xoay sở đủ tốt để phơi bày những vấn đề khổ đau của nhân loại, và các nhà khoa học hưởng lợi từ việc sử dụng chất liệu từ các tâm hồn nhạy cảm này vào bộ óc vĩ đại của mình nhằm đi tìm giải pháp. Chúng ta cần nhau theo kiểu lắt léo mà thú vị thế đấy.

“Các gia đình hạnh phúc đều giống nhau; mỗi gia đình bất hạnh đều bất hạnh theo một cách riêng.” – Lev Tolstoy trong Anna Karenina

Sớm biết Tolstoy có một câu triết lý hùng hồn đánh vào nỗi bận tâm xuyên suốt cuộc đời mình thế này, mình đã đọc tác phẩm Anna Karenina sớm hơn. Không rõ vì sao mình không rung động với Chiến tranh và Hòa bình khi đọc vào năm 2012 cho lắm. Nhưng cá là sau mấy cuốn sách tuyệt diệu của Jared Diamond này, mình sẽ yêu Lev Tolstoy không kém. 

Quay lại, đoạn đầu chương, Jared có ý spoil một phần cuốn tiểu thuyết vĩ đại của Tolstoy

“Bằng câu đó Tolstoy muốn nói rằng, để được hạnh phúc, một cuộc hôn nhân phải thành công ở nhiều phương diện: sự hấp dẫn tính dục, thỏa thuận về tiền nong, giáo dục con cái, tôn giáo, cha mẹ hai bên và các vấn đề đạo đức cốt yếu. Chỉ cần một trong các phương diện hệ trọng đó mà trục trặc là hôn nhân sẽ có nguy cơ tan vỡ dù nó có tất cả các thành tố cần thiết khác để có hạnh phúc.

Nguyên lý này có thể mở rộng nhằm thấu hiểu rất nhiều điều khác nữa về cuộc sống chứ không chỉ hôn nhân. Chúng ta hay tìm những lập luận dễ dàng, chỉ dựa trên một nhân tố để lý giải sự thành công. Tuy nhiên, đối với hầu hết những điều hệ trọng, thành công thực tế phụ thuộc vào việc tránh được những nguyên nhân riêng biệt có thể khiến ta thất bại”.

Mình đọc xong đoạn này, gửi cho lão bạn mới quen, và kèm một câu

– Người ta có hẳn bộ môn quản lý rủi ro để lường trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn nhất có thể nhằm đi đến thành công thuận lợi còn gì.

Lão lặn đâu mất tăm, mãi mới hồi âm

– Hmm từ việc sợ mình bó buộc mà đi tới bộ môn quản lý rủi ro thì quá hay :)))

– Đó chẳng phải là động lực cho trí tuệ của con người sao, giống như những đứa đi tìm chết chẳng qua là vì muốn sống nghiêm túc quá còn gì, không thể tạm bợ.

Mình đã có nói sơ bộ về bối cảnh của mình cho lão già này. Mình đang ở độ tuổi của hôn nhân (26 tuổi) và thêm nữa là năm 2020 vừa rồi, mình đã chia tay đối tượng mà mình nghĩ sẽ làm chồng mình. Sau 7 năm đầu tư cho mối quan hệ, vì mình nghĩ là con đường duy nhất của phụ nữ chỉ có thể là hôn nhân, nên mình hoàn toàn nghiêm túc với vụ này, nhưng như mọi khoản đầu tư khác, tỉ lệ thành công so với rủi ro thất bại thì thật dễ nhìn ra. Để đảm bảo cho một cuộc hôn nhân thành công, mình đã nghiên cứu đủ thứ, trong đó có cả bộ môn quản lý dự án và quản lý rủi ro. Cho dù là vậy, mình vẫn thất bại. Lúc nghe mình huyên thuyên vụ này, lão hỏi

– Em có nghĩ việc này khiến em gặp khó khăn với tình yêu không?

– Không, em là đứa có tâm hồn bay bổng, yêu đương không khó với em. Nhưng hôn nhân thì em không dám chắc, nó là một dự án phức tạp.

Và nó phức tạp theo kiểu vậy đó. Người ta đâu thể cứ yêu nhau rồi đổ ập vào mà cưới nhau, vô cùng rủi ro. Vì mình không thể sống tạm bợ, mà trong các giá trị có thể lựa chọn, tình yêu là thứ tạm bợ nhất. 

Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi?

Nếu bảo mình chán ghét hôn nhân thì không đúng, mình chính là sản phẩm của hôn nhân từ ba mẹ mình, và mình tự hào về điều này. Do thế, mình vô cùng nghiêm túc với dự án này. Mình có rất nhiều ý tưởng cho nó, và lý tưởng về cuộc hôn nhân hạnh phúc khiến cho chẳng ai có thể hợp tác cùng mình. “Đưa mọi thứ về đơn giản được không?” – “Không”. Thứ gì càng mang dáng vẻ đơn giản bề ngoài, bên trong lại càng được vận hành bởi vô vàng nguyên tắc phức tạp, đảm bảo không để cho bất kì yếu tố rủi ro nào len lỏi vào. Nếu chỉ một thỏa hiệp với một yếu tố nguy cơ nào đó, khiến cho cuộc hôn nhân sau này trở thành bất hạnh, mình thà không theo đuổi nó vẫn hơn. Điều cần chú ý là mình hoàn toàn thoải mái với mọi yêu cầu khác trong đời, trừ hôn nhân. Bởi một cuộc hôn nhân bất hạnh, không chỉ có đôi vợ chồng bất hạnh riêng rẽ, mà nó là mầm mống của sự lan truyền bất hạnh ra khắp xung quanh, và là một con virus bất hạnh của xã hội. Người ta chả bảo mỗi gia đình là một phần tử của xã hội còn gì. Nếu cảm thấy điều gì vượt quá khả năng chịu trách nhiệm của mình, chẳng phải bản lĩnh chính là nói lời từ chối sao? Đâm đầu vào thứ mình biết rõ là mình không đủ năng lực, có lẽ mình dễ trở thành đứa gây hại hơn chỉ đơn thuần là vô trách nhiệm.

Không khó để nhìn thấy, năm 2020 là một năm mình thất bại với tất cả dự án đã được xây dựng trước đó. Chỉ duy có một thành tựu mà mình không ngờ: mình tìm thấy phiên bản tốt đẹp mà mình muốn trở thành. Trước đó hoàn toàn mù tịt vụ này, thậm chí còn chẳng có kế hoạch cho nó. Mình luôn phải làm cái gì đó, luôn đâm bổ vào những mục tiêu mà người khác thiết lập sẵn, quên mất mục tiêu đầu tiên khi xuống trái đất này.

Tóm lại, những đứa đi tìm chết chẳng qua là vì muốn sống nghiêm túc quá còn gì, không thể tạm bợ.

Hôn nhân cũng vậy.

Author:

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>