Lan Vy

ngây thơ

tò mò

chân thành

nhiệt tâm

0

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Lan Vy
Lan Vy
Lan Vy
Lan Vy
Lan Vy

ngây thơ

tò mò

chân thành

nhiệt tâm

Blog Post

Khủng hoảng cái đẹp

Tháng chín 14, 2021 Tâm tình
Khủng hoảng cái đẹp

Hôm trước vào lại FB cũ, mình đã có dịp nhìn lại sự khủng hoảng của bản thân xuyên suốt hành trình thay đổi ngoại hình như thế nào. Nếu bạn theo dõi mình một thời gian đủ lâu trong 13 năm từ 2011 ~ 2024 (cũng là khoảng thời gian mình public FB hiện tại), bạn sẽ nhìn thấy sự thay đổi ngoại hình của mình, có thể chia ra ít nhất 3 giai đoạn:

1. Chưa có ý thức về việc chăm sóc bản thân, nhưng đang rất muốn mình là cô gái đẹp, hồi này là học cấp 3 nè huhu tự ti khủng khiếp í

2. Chăm sóc bản thân chưa đúng cách, đang điên cuồng chạy theo danh vọng nên thuờng xuyên bị căng thẳng và khủng hoảng. Do đó, mình vô cùng nuông chiều cơn thèm ăn và giải trí bằng đồ ăn rất nhiều

3. Đã ý thức đúng mức về việc chăm sóc bản thân, và đang trong giai đoạn tự hào với ngoại hình của bản thân

Ở giai đoạn 3 này, mình cho rằng bản thân tự hào, chứ không đơn giản chỉ là tự tin, là vì mình đi từ trạng thái đối cực với sự tự ti khủng khiếp về ngoại hình xấu xí của mình. Mình nghĩ rằng, việc có bước tiến dài như thế về ngoại hình là một thành tựu lớn, vô cùng tự hào, và rằng mình cần phải la ầm ĩ lên cho mọi người ngưỡng mộ và nể phục. Dĩ nhiên, với những ai đang còn loay hoay làm đẹp, nỗ lực này của mình đúng là một thành tích đáng nể. Nhưng với những kẻ chẳng hề quan tâm xấu đẹp? Họ thấy bình thường và dửng dưng “Có gì quan trọng à?”.

Chính thái độ dửng dưng này làm sự tự tôn của mình tổn thương. Và như thói quen, mình gắn sự tổn thương đó là mình. “Tao tổn thương! Lòng kiêu hãnh của tao bị mày làm cho tổn thương!”.

Nhưng nếu sự kiêu hãnh đó không phải là mình, thì thật ra, mình có tổn thương đâu?

À há! Trò này được phết. Mình hết cảm thấy tổn thương. Mọi thứ chỉ là trò đùa. Một chiếc game kéo dài suốt đoạn đường trước đó của mình, để mình có động lực học một bài học to đùng của đời này. Mình sẽ kể cho các bạn.

Ngày nhỏ, mình là đứa nhóc vô cùng tự tin, và mình luôn thẳng thắn trao đổi mọi vấn đề với tất cả xung quanh, mình có nhiều lợi thế cho việc này, bao gồm cả vụ chịu khó đọc sách để có kiến thức mà tranh cãi. Nhưng cho đến một thời điểm, khi bọn con trai bắt đầu sồn sồn, bọn con gái bắt đầu chú ý ngoại hình để nhận được sự quan tâm, thì mình dần mất ưu thế. Mình không hiểu tại sao, cho đến một ngày đẹp trời năm lớp 6, một thằng lớp kế bên khi đang bí thế trong cuộc tranh cãi với mình, nó bảo:

“Đứa mỏ hô như mày thì im đi, không xứng tranh cãi với tao!”

Và từ khi đó, mình nhận ra, hình như đấy là một đặc điểm khác thường, nó không giống như tóc dài với tóc ngắn, mà dường như nó mang tính miệt thị hơn. Mình đứng trước gương rất lâu, để nhe răng cười. Không hiểu vì sao mọi người bảo mình không xinh, mình thấy mình đáng yêu khủng khiếp. Mình vẫn yêu bản thân cho dù nhiều người chê mình hô hay xấu. Cho đến năm lớp 8, mẹ đưa mình vào trường nội trú ở thành phố. Từ dưới quê lên thành phố là cái gì đó rất khủng khiếp: sự sành điệu của xung quanh khiến mình xấu hổ. Và kể từ đó, mình dừng yêu bản thân. Mình ghét bỏ nó, và ghét bỏ người sinh ra nó. Mình kì cục với ba mẹ lắm, dù nếu không xét đến những giây phút chán ghét ngoại hình, thì mình vẫn rất yêu quý ba mẹ.

Vì mình đã không biết cách yêu thương bản thân, nên mình bắt đầu tìm người yêu hộ. Mình có bạn trai lần đầu vào năm lớp 10. Mình đoán bạn này cũng gặp vài vấn đề trục trặc với tâm lý, nên kể từ ngày quen mình, bạn bắt đầu học hành sa sút. Mẹ bạn ấy thay vì tìm giải pháp ở đứa con trai, lại sang nhà mình trút giận:

“Bà đừng mong cái đứa con gái da đen, mỏ hô như con gái bà được bước chân vào nhà tui! Nói nó tránh xa con trai tui ra!”

Và mình tránh xa tên đấy thiệt. Tránh xa mọi người khác luôn. Lúc này mình càng khủng hoảng hơn bởi rất nhiều phương tiện truyền thông đánh mạnh vào sự xấu xí như kiểu “Gái xấu không có quà”, “Khi bạn xấu thì đừng mong được ai yêu”…

Nhưng nếu bỏ mấy vụ quà tặng với yêu đương ra, thì hình như mình vẫn có nhiều bạn bè tốt? – Đấy là hiện tại mình nghĩ thế, hồi đó khủng hoảng quá không nghĩ nổi được gì :)))

Vì sao tâm trí mình chú ý vụ xấu đẹp dữ vậy?

Đây là câu hỏi đầu tiên khi mình nằm ngẫm nghĩ lại vụ này. Rõ ràng mình có một trí nhớ không được tốt lắm, mình cũng ít chú ý đến yêu cầu của xã hội. Riêng vụ xấu đẹp này khiến mình nhớ rất rõ, từng câu từng chữ những ai đã nhận xét về mình.

Vấn đề là, có nhiều bạn vẫn hoàn toàn bỏ qua vụ ngoại hình này, họ chọn giữ ngoại hình ở mức sạch sẽ là đủ, còn lại tập trung cho trí tuệ hay niềm vui giải trí theo nhiều dạng khác nhau. Xem lại ảnh hồi khởi đầu khủng hoảng, mình không thuộc dạng quá xấu xí, chỉ là không đi theo bộ nguyên tắc thẩm mĩ của những người xung quanh =))) Nếu mình thật sự không quan tâm, thì mình đã bỏ qua lời nhận xét của xung quanh một cách dễ dàng. Điều gì khiến tâm trí mình luôn hướng về những lời nhận xét đó?

Mình đã thử đưa ra vài phỏng đoán

  1. Truyền thống làm đẹp của gia đình: gia đình mình, nhất là bên ngoại, rất trọng hình thức và sự chỉn chu. Sự dễ dãi và cẩu thả bộc lộ ra bên ngoài cho người khác thấy là một điều khó được chấp nhận, mà mình thì luôn ẩu tả vụ này: lười ủi quần áo, lười tắm rửa vệ sinh thân thể, dễ dãi trong chế độ ăn uống, sinh hoạt không đều độ, không ý thức được sự đánh giá của xung quanh dựa vào vẻ ngoài… Do đó, đây là điều mà mẹ mình đã nỗ lực dạy dỗ mình suốt nhiều năm trời, bà chỉ mong mình ý thức được ngoại hình của mình sẽ cho phép mình tiến xa đến đâu trong địa vị xã hội, và trong ánh nhìn thiện cảm của mọi người.
  2. Xã hội chạy theo hình thức: và mình là đứa cực kì thích xem quảng cáo, chính do vậy mà mình bị tẩy não theo một cách rất chung – ngoại hình đẹp là thước đo, là giá trị vô cùng quan trọng mà mày không nên bỏ qua, hãy làm đẹp, hãy khiến bản thân trông thu hút, hãy khiến các cô gái ghen tị và các chàng trai khao khát… đại loại vậy.
  3. Mong muốn được chú ý: mình cực kì sợ cảm giác bị bỏ quên, và đã có một trải nghiệm không vui tí nào hồi cấp 3, lúc học chuyên Văn. Mình không nhớ nổi sỉ số lớp là bao nhiêu, chỉ nhớ là, có lần Chủ tịch nước ghé thăm trường mình, Đoàn trường đã chọn tất cả đám con gái lớp Văn xuống chào đón, trừ mình 🙂 Cảm giác khi thầy cô bộ môn vào giảng dạy trong suốt buổi học ngày hôm đó, câu đầu tiên họ hỏi là “Ủa chỉ còn một bạn nữ ở đây thôi hả?”. Việc không được chọn chỉ vì ngoại hình, khiến mình khó chịu khủng khiếp. Và sau này, việc mình được chọn chỉ vì ngoại hình nổi bật, cũng đã khiến mình khó chịu không kém. Tóm lại, vụ giá trị bề ngoài chiếm phần lớn quyết định liệu có nên chú ý đến ai đó, dường như là một sự thật mà mình cần nỗ lực lắm mới chấp nhận được.
  4. Mong muốn giành chiến thắng: trải nghiệm tệ nhất của vụ vì ngoại hình mà thua cuộc, là những lần thi ca hát nhảy múa kể chuyện bla bla, mình đã rèn luyện kĩ năng rất nhiều, nhưng luôn thua bạn nữ xinh hơn mình. Thế là mình ghét bỏ những bạn xinh đẹp, cho đến khi mình xinh hơn thì mới có thể dừng được sự ghét bỏ này ?
  5. Tiêu thụ quá nhiều chuẩn mực về cái đẹp: cái này là hậu quả của truyền thông thôi, nhưng nó gây ảnh hưởng đến mình ghê gớm. Giả dụ nếu mình chẳng có ý niệm gì về bộ nguyên tắc của cái đẹp hay đại loại thế, thì thôi cho là có thể giả câm giả điếc trước những thứ không đạt chuẩn đi. Nhưng mình lỡ tiếp nhận quá nhiều bộ tiêu chuẩn của cái đẹp, vì vậy thật ngán ngẩm khi phải soi mình vào gương “chẳng đạt được tiêu chuẩn nào” mình tự nhủ thế, và đau khổ khủng khiếp. Do đó, mình đã điên cuồng đáp ứng các chuẩn mực đấy bằng đủ mọi cách có thể, và chính sự điên cuồng đó lại càng tích lũy thêm đau khổ, chứ nó không khiến mình giảm được xíu nào. Đoạn này vô cùng dễ hiểu với những ai tìm hiểu về cái ngã, cứ hành vi nào củng cố cho cái tôi, thì sẽ càng gia cố cho khổ đau.
  6. Từ nhỏ mình vốn đã chú ý mấy thứ cân xứng, đẹp đẽ, lung linh, hào nhoáng, có tỉ lệ tốt… Chính thằng em trai ruột sống cùng mình từ nhỏ đến lớn cũng có nhận xét về xu hướng “tốt nước sơn hơn tốt gỗ của mình” =))) Tóm lại, trí thông minh về hình ảnh có vẻ vượt trội so với những dạng thông minh khác. Và mình đoán, đây mới chính là điểm trọng yếu của vấn đề. Nếu bạn có trí thông minh ngôn ngữ tốt, bạn sẽ thấy tự tin hơn khi học ngôn ngữ. Nhưng sẽ thế nào, nếu bạn có ý thức từ sớm về hình dáng và nhu cầu về sự bắt mắt, mà bản thân thì không thể đáp ứng được mong cầu của mình?

Dĩ nhiên, có thể tồn tại nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng hiện tại mình chỉ mò dấu được đến chừng đấy. Nếu bạn đọc đến đây và có thể gợi ý thêm cho mình thêm điều nào, quả thật là thú vị.

Lợi ích của việc theo đuổi cái đẹp

Có hai lợi ích chính: mình bớt lười hơn, và mình tôn trọng nhiều thước đo chuẩn mực hơn

Và có vài lợi ích phụ: cải thiện mối quan hệ với gia đình và bạn bè, tìm thấy cách mà bản thân muốn được đối xử để xây dựng ranh giới cá nhân, có phương tiện kiếm sống (gọi là nghề nghiệp, nghiệp của mình đã dính với cái đẹp từ bé tí, vào năm lớp 5 đã vẽ truyện tranh kiếm tiền ăn vặt, sau đó thì thường xuyên làm đồ handmade bán có tiền…)

Động lực chế ngự tính trì hoãn

Mẹ mình nhận xét, mình là đứa có độ ù lì rất cao, khả năng duy trì bền vững một thứ gì đó mãi không thấy chán, và luôn trì hoãn đến sát nút deadline. Đây là vấn đề từ ngày nhỏ của mình. Và việc có ngoại hình luộm thuộm, thân hình tích mỡ nhiều là một biểu hiện của vấn đề này.

Mình đã tích lũy mong muốn làm đẹp đủ lớn để có động lực giảm từ 80kg xuống thân hình cân đối. Mình đã từng chia sẻ trên FB, đi mua những bộ đầm size S về treo trước mặt (chứ không phải cất trong tủ), để mỗi ngày nhìn vào nó mà giảm ăn một tí, và tập thể dục một tí. Rõ ràng đã có hiệu quả, các bạn cũng thấy nhiều hình ảnh khoe khoang nỗ lực này của mình như thế nào.

Và để có tiền mua quần áo, mình cũng phấn đấu trong năng lực kiếm tiền. Và khi có quần áo, mình có động lực bước ra ngoài, chứ ở nhà thì mặc đồ đẹp cho ai xem. Nhỏ bạn của mình ngạc nhiên lắm, “Ngày trước mỗi lần nhớ mày, chạy qua nhà mày thấy mày toàn ngồi ở một góc máy tính. Bây giờ thì thấy siêng ra đường gặp người này người kia hơn ha!”. Đi ra ngoài rồi thì tính rụt rè – xấu hổ – tự kỷ giảm bớt, năng lực xử lý tình huống cao hơn, và có kết nối thực với người khác giúp mình chữa lành nhiều vết thương tâm lý.

Điều kì lạ là trong quá trình giảm bớt sự trì hoãn của bản thân xuyên suốt hành trình làm đẹp, thì mình cũng bớt trì hoãn những lĩnh vực khác trong đời mình hơn. Mình trở nên hăng hái lạ kì, giải quyết gần như triệt để nhiều vấn đề khủng hoảng kéo dài lâu năm bị tồn đọng/kết tủa. Eo ôi phải nói là vụ này khá quyết liệt, nên kể ra trong 2 năm, nhiều biến động lớn xảy ra trong đời mình, như thể nếu kéo dài ra theo tốc độ bình thường thì hẳn phải mất chục năm. Sau đợt giải quyết này, mình khá kiệt quệ và đang nằm hồi sức hơi lâu ? nghe như nguyên tố đất mà mình hay giảng cho các học viên của mình, thông thường trông nó ù lì chẳng thay đổi gì, bỗng một biến chuyển rùng rùng thay đổi 360 độ như động đất hay nứt mặt đất, và rồi từ đó không có gì còn được như cũ nữa, mọi thứ khác đi hoàn toàn.

Hoặc việc làm đẹp cũng chỉ là một yếu tố trong rất nhiều yếu tố khác được tích lũy đủ về mặt số lượng, và đúng thời điểm, nó thay đổi về chất. Dù sao đi nữa, động lực rõ ràng nhìn thấy được cho vụ giảm bớt sự trì hoãn của mình là nhu cầu được trở nên xinh đẹp hơn.

Tôn trọng nhiều thước đo chuẩn mực

Vì mình đã đẹp hơn, mà mình vẫn gặp những rắc rối cũ, do đó mình đã có thể gạch bỏ lý do vì sao gặp rắc rối đó. Lúc mà tâm trí vẫn còn hướng đến một hệ giá trị nào đó quá mức, rất khó để nó có thể mở rộng tầm nhìn ra toàn thể rộng lớn hơn.

Ví dụ, khi bị một ai không thèm nói chuyện với mình, theo quán tính vẫn nghĩ là do mình xấu =))) nhưng nay hiểu rằng chủ yếu là do mình vô duyên nữa hihi. Kiểu ngày trước mình có lối nói huỵch tẹt, thô thiển, thiếu sự cẩn trọng, nên có vài người cảm thấy cực kì khó chịu mà không muốn tiến gần đến mình. Từ đó, mình có động lực tìm hiểu thêm nhiều hệ giá trị khác, nếu muốn một ai đó kết nối với mình không chỉ vì cái đẹp.

Đồng thời, khi mình trở nên sành điệu hơn, những người ngày trước chê bai sự xấu xí của mình, chuyển qua công kích việc mình làm đẹp. Mình sớm nhận ra sẽ khó làm hài lòng mọi người, và mình ngạc nhiên chính mình cũng hay khó chịu những giá trị mà người khác theo đuổi. Từ cảm giác bị người khác chối bỏ các giá trị của bản thân, bỗng mình trở nên trân trọng các giá trị khác nhau trong đời. Mọi chuyện khởi đầu không suôn sẻ lắm, mình bị mâu thuẫn giữa thói quen ghét bỏ với mong muốn thấu cảm và hiểu cho đối phương, nên cơn khủng hoảng diễn ra liên tục. Về sau thì mọi chuyện dễ dàng hơn. Mình quen với việc tìm kiếm lý do cho các giá trị mà một ai đó theo đuổi: liệu họ có lợi ích gì, họ có nhu cầu gì cần được đáp ứng, liệu có cách nào tốt và khả dĩ hơn mà họ chưa nhìn ra… Thật kì lạ là sau khi theo đuổi một chuỗi dài những câu hỏi đó, mình khó lòng mà ghét bỏ một giá trị nào đó quá mức nữa, huống chi là nói ghét bỏ một ai đó cụ thể. Mình bỗng trở nên thoải mái hơn rất rất nhiều.

Yêu thương gia đình hơn, chấp nhận gốc rễ của mình

Hiểu đơn giản thì mình chính là kết quả của một bộ gen được duy trì qua bao nhiêu thế hệ. Khi mình ghét bỏ cơ thể, rất khó để kết nối với gia đình và tổ tiên. Nhưng nếu tự hào về cơ thể, bạn sẽ cảm nhận tính kết nối mạnh mẽ với nguồn cội của chính mình. Việc bỗng nhiên yêu cơ thể của mình hơn, mang đến cho mình cảm giác kì lạ đến như vậy. Nảy sinh lòng biết ơn với gia đình và cội nguồn, mình thờ cúng một cách nghiêm chỉnh hơn, từ đó mình cảm nhận sự vững chãi hơn trong gốc rễ của chính mình.

Ở khía cạnh mối quan hệ riêng tư với mẹ, mình cũng giúp mẹ hoàn tất thôi thúc phải cải thiện đứa con gái kém xinh nhất trong nhà. Mẹ sinh 3 đứa, mà mình thì có ngoại hình kém xinh nhất. Mẹ từng thổ lộ là mẹ cảm thây có lỗi với mình vô cùng, mặc dù việc bà ý đẻ ra một đứa con gái xấu hay đẹp… đâu phải là lựa chọn của bà =)) nhưng việc mình trông ưa nhìn hơn giúp giảm gánh nặng tội lỗi của mẹ phần nào, vì dường như mình có thể sao chép được các mẹo làm đẹp của mẹ một cách nhanh chóng, và tận dụng các thế mạnh của ngoại hình cá nhân thông qua nhìn thấy lỗi ăn mặc ở gia đình.

Và đâu đó, đây chỉ là giả định, việc cảm thấy tự hào về đứa con gái có ngoại hình giống ba, cũng khiến mẹ cảm thấy yêu chồng hơn. Có nhiều khó khăn trong mối quan hệ này, nhưng nay thì đã giảm được rất nhiều sự khủng hoảng.

Tìm thấy chính mình

Ngày trước, mình không rõ mình là ai, liệu mình thật sự cần gì và muốn gì. Nhưng thông qua những lần biến hóa với quần áo, mình nhận được những cách đối xử khác nhau. Vẫn là mình thôi, nhưng khi khoác một bộ suit lên, liền ra vẻ gì đấy chững chạc và nghiêm chỉnh; nhưng khi khoác lên mình một chiếc áo dây hờ hững, liền biến thành cô gái sexy điệu đà. Mỗi cảm giác mình gợi tả thông qua quần áo, sẽ mang đến cách đối xử khác từ đối phương. Bạn cũng sẽ cảm nhận được điều này, bạn có xu hướng đối xử với mỗi đối tượng khác nhau, tùy vào cách đối phương gợi cho bạn cảm giác gì. Đối xử tôn nghiêm với người trông nghiêm túc, đạo mạo và giỏi giang. Đối xử nhẹ nhàng với người trông dịu dàng, lịch sự. Đối xử lạnh lùng với đối tượng trông có vẻ nguy hiểm…

Dĩ nhiên, vẻ ngoài chỉ là bước đầu cho việc cosplay ra một phẩm tính gì đó. Và khi nắm bắt được cách mà một ai đó đối xử khiến mình thoải mái, mình liền ghi nhận và tự soi gương và hỏi đi hỏi lại nhiều lần “Ngôn ngữ mà bộ quần áo này truyền đi là gì, để đối tượng đấy lại chọn cách đối xử như thế với mình?”. Và khi mình giải mã được, mình đã nỗ lực theo đuổi phẩm tính đấy. Trong quá trình theo đuổi, mình sẽ có cơ hội xác định lại lần nữa, liệu cách đối xử đấy có đúng là phù hợp với mình?

Ví dụ, mình mặc trên người một bộ đầm đáng yêu, và mọi người liền đối xử với mình theo cung cách nhã nhặn, cưng chiều và yêu quý. Nó khác với lúc mình mặc bộ đồ sexy rõ ràng là khiêu khích, khiến đối phương trở nên háo thắng cả nữ lẫn nam – nữ thì có ý ghen tị, nam thì có ý chinh phục nên ai cũng ra sức thể hiện và bày tỏ sự mãnh liệt. Tinh thần của mình rõ ràng không chịu nổi cảm giác mãnh liệt và bạo lực, nên mình lựa chọn phong cách nhẹ nhàng, đáng yêu để thử nghiệm nhiều lần hơn. Đa số vẫn là cung cách đối xử nhẹ nhàng, nâng đỡ và yêu thương, nên mình khá chắc loại trang phục này đã phát ra tín hiệu về những phẩm tính khiến đối phương khó lòng đối xử bạo lực với mình. Tiếp đó, mình tìm hiểu nhiều hơn về sự đáng yêu này, thông qua xuất xứ trang phục, màu sắc, kiểu dáng và chất liệu. Rất nhiều khi, những thương hiệu tốt sẽ cung cấp cho bạn thông điệp mà hãng hướng đến. Khi mua sắm những món đồ nhẹ nhàng, đáng yêu này, mình biết được, liệu thương hiệu giúp mình truyền thông điệp như thế nào đến với người khác.

Tiếp đó, mấu chốt là gì? Dường như từ khóa trẻ trung, xinh xắn, thoải mái, đáng yêu hay tươi tắn không dành cho những ai mang quá nhiều tâm lý ủ rũ nặng nề hay cực đoan quá mức. Vậy là mình có động lực để “thải độc tâm hồn” – cụm từ vui vui mà sư phụ hay nói với tụi mình, ý chỉ việc thanh lọc tâm, không để cho cảm xúc tiêu cực nhấn chìm bản thân như trước nữa. Eo ôi, chỉ có thích quần áo thôi mà có động lực để tu tập ghê gớm. Việc thanh lọc tâm nó là mục đích của bất kì hành giả nào, thế là mình nghiêm túc hành thiền và đọc Phật pháp. Có hẳn một phần gọi là “Thanh Tịnh Đạo” trong Phật pháp để mà tìm hiểu và theo đuổi. Rất nhiều khi, mình bị quán tính cũ kéo chân không thể tiếp tục, nhưng nghĩ đến phẩm tính tươi trẻ, đáng yêu cho xứng với bộ quần áo yêu thích thôi là lại hừng hực quay về thực hành ? đùa được đâu, đam mê chứ bộ. Đam mê chính là ngọn lửa đốt cháy lười nhác và trì hoãn mạnh mẽ.

Khủng hoảng nhân dạng – nạn nhân của thời trang (Fashion Victim)

Những khủng hoảng khi theo đuổi cuộc hành trình này, chỉ phản ánh cho khủng hoảng chung của cuộc đời mình. Hầu hết, chúng ta nghĩ một người chỉ gặp một số vấn đề nhất định, và chỉ tập trung vào giải quyết cục bộ ở vấn đề đó. Nhưng nếu vấn đề ấy chỉ là đại diện cho một góc khuất trong khía cạnh tâm lý/tinh thần/tâm linh của ta, và may mắn là khi ta chuyên chú theo đuổi một mục tiêu nào đó, ta cho phép vấn đề được hiển lộ, vì ta quá đam mê nên khó dứt bỏ, do đó ta phải đối diện với vấn đề của mình. Với những lĩnh vực không đủ đam mê, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, buộc phải đối diện với một mặt trái nào đó trong mình, ta đã sớm bỏ cuộc. Ơ kìa, đáng lẽ dòng này nên được chia sẻ ở phần lợi ích. Nhưng thôi, nếu bạn đọc đến dòng này, thì xem như nó là đoạn bonus cho phần trên, sẵn dẫn nhập vào phần tiếp theo. Eo ôi, hình như đây mới là phần chính của blog này, những phần trước chỉ là mở bài thôi. Nhưng nếu không đi lòng vòng thì mình chẳng biết bắt đầu câu chuyện như nào, vì cuộc đời vốn là vở kịch nhiều phần đan xen rối rắm lung tung kì cục vô cùng. Chúng ta xuống đây để diễn kịch cho tròn vai rồi lại quay về với tình bằng hữu..

Xin lỗi lại dài dòng

Thiếu kết nối với chính mình

Có một bài tập khá hay về personality (nhân cách/tính cách), hãy mở tủ quần áo ra, và xem thử có bao nhiêu nhân cách của bạn được hé lộ? Mỗi phong cách quần áo có thể tiết lộ một chiếc mặt nạ mà bạn đeo trong hoàn cảnh nào. Ví dụ một cô sinh viên nghiêm túc với bộ quần áo chỉn chu, một người bạn hòa đồng với bộ quần áo giản dị, một cô nàng nóng bỏng với bộ đồ tắm hai mảnh sexy, một người con dịu dàng nết na với bộ váy mềm mại tha thướt… Tóm lại, có thể bạn sẽ có nhiều mặt nạ hơn bạn nghĩ.

Từ bài tập này, mình khá khủng hoảng khi nhìn vào tủ quần áo: phong cách nào trên cuộc đời này cũng xuất hiện =))))) ôi mẹ ơi, cứ nhìn vào một đối tượng nào đó, mình liền nghĩ “hay là thử bộ quần áo thế này, có khi phù hợp với chính mình?”. Và rồi bộ quần áo đấy chỉ được mặc đúng một lần, khi những người xung quanh không có lối hành xử khiến mình thoải mái. Với phương pháp thử sai mà mình chia sẻ ở phần trên, mình sớm tích lũy một đống quần áo không phù hợp và không cần dùng tới. Dẫn đến một cơn khủng hoảng mới là quản lý tiêu dùng và quản lý tài sản. Mình sở hữu một đống thứ mình không thật sự cần, mà mình lại thiếu không gian chứa nó, kết cục là nơi ở thường xuyên trở nên lộn xộn, chật chội, mỗi lần dọn nhà ôm đống quần áo qua lại thật sự rất nặng nề mệt mỏi. Việc bảo quản nó cũng vượt sức lực của mình.

Tóm lại, nếu mình không bị mất phương hướng đến cỡ đó, mình đã có thể hiểu rõ bản thân cần gì để nhất quán với các trang phục mà mình lựa chọn. Việc trải nghiệm đủ chiếc mặt nạ thế này, có thể gọi là một cuộc khủng hoảng tìm hiểu bản thân thật sự là ai. Rất may là mình đã vượt qua cơn khủng hoảng này an toàn. Nếu nhìn ra bên ngoài, nhiều người cũng đang gặp phải cơn khủng hoảng thiếu kết nối với bản thân, lạc lối và không biết mình là ai. Nhưng họ không có giải pháp, hoặc cũng chưa dám lựa chọn giải pháp nào để đi đến cùng. Cơn khủng hoảng liên quan đến việc thiếu kết nối với bản thân sẽ gây ra nhiều hậu quả liên quan đến trầm cảm, thiếu động lực sống, loay hoay tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời… Nếu không thông qua việc theo đuổi thôi thúc làm đẹp, mình khó nhận diện và chấp nhận điều này ở bản thân.

Lòng tham

Mình đối diện với lòng tham của bản thân rõ rệt nhất là khi có cơ hội sở hữu. Mình chỉ muốn liên tục tích lũy, muốn có thêm và có thêm nữa, và cảm xúc thật sự khủng khiếp khi phải chia tay một món đồ nào đó, dù mình không thật sự cần đến. Mình hài lòng với thứ nào đó, chỉ tham lam muốn duy trì mãi sự hài lòng này bằng cách có thêm mười lần. Thật sự điều này chỉ mang đến một cuộc khủng hoảng tăng cao chứ không có xu hướng giảm bớt, vì cảm giác thỏa mãn nhanh chóng biến mất, để lại sự chán ghét và thèm thuồng thêm nữa sự hài lòng vĩ đại hơn.

Sẽ không bao nhiêu là đủ. Giai đoạn đầu, khi chỉ có vài bộ quần áo, mình rất hứng thú bước ra khỏi nhà. Nhưng dần dần, sự chất chồng của đống quần áo không được quản lý, khiến căn phòng trở nên ngập ứ, chật chội và rối loạn. Mình ngán ngẩm khi phải lội vào đấy phối đồ mà bước ra ngoài. Rốt cuộc, quần áo thì nhiều, mà ra đường chỉ miễn cưỡng mặc cho có một chiếc váy suông che thân đúng nghĩa, chẳng còn chút hứng thú nào khi cơn khủng hoảng lên đến đỉnh điểm. Lúc này, mình chỉ muốn dứt bỏ mọi thứ, vì cảm giác không dừng được cơn ham muốn này, nó bị gia cố đến mức khủng khiếp. Như một quán tính, mình cứ điên cuồng shopping để tìm kiếm cảm giác dễ chịu, ngay khi xách món đồ ấy về, cắt tag của nó xong, là mình thấy không còn chút thiết tha gì với nó nữa. Sự hài lòng đã bị thu hẹp đến mức như thế.

Và mọi thứ trong đời mình dường như cũng dễ trở nên chán nản y hệt. Mình chán công việc, chán nơi ở, chán tất cả các mối quan hệ xung quanh, chán sống. Và khi một ai đó gây áp lực, mình bỏ đi luôn, chẳng còn sự kiên nhẫn dành cho họ.

Ban đầu, quần áo cho mình động lực để kiên trì theo đuổi một điều gì đó, nhưng lòng tham của mình đã đẩy nó đi quá xa. Và mình bị trượt ngã. Mình buông mọi thứ, thay vì chấm dứt lòng tham. Vì mình không dừng cỗ xe lại được, chỉ có thể cắt nguồn nguyên liệu của nó. Mình đẩy bản thân vào tình huống không có bất kì cơ hội nào để lòng tham được phát tán, những người xung quanh tranh thủ cơ hội chiếm đoạt mọi thứ có thể, khi đó, mình đồng thời nhìn thấy lòng tham của họ, nỗi khổ của họ khi tay họ vừa chiếm đoạt mà miệng họ vừa sỉ nhục mình – những ấn tượng tốt của mình về họ hoàn toàn vỡ tan tành, họ phản ứng chỉ vì họ sợ mình sẽ gây thiệt hại cho họ. Điều này cộng hưởng với đau khổ trong mình, khiến mình tỉnh ngộ nhanh chóng. Mình bắt đầu sợ hãi và ghê tởm lòng tham, như một cực đối nghịch với sự quá mức của cơn bám chấp cũ. Giống như con lắc vậy, rất khó để trở lại vị trí cân bằng, mình bị lực cũ đẩy mạnh qua phía đối diện, và mình trở nên cực đoan với những biểu hiện của lòng tham. Cơn khủng hoảng này kéo dài khoảng vài tháng, khiến mình rơi vào trầm uất và mất động lực sống, nhưng may sao nó trùng với thời điểm giãn cách, mà mình vẫn còn đủ tiền tiết kiệm để vượt qua cơn khủng hoảng này.

Kết

Rất khó để nói mình đã sai hay đúng trong vụ theo đuổi này, nhưng thành quả thì thấy rõ ràng: mình hiểu bản thân hơn, ít nhất là biết rõ bản thân không cần gì; và mình xây dựng ranh giới cá nhân rõ ràng hơn để nhận được cách đối xử phù hợp. Nhỏ bạn mình bảo, mẹ Trái Đất rất là hào phóng, bà cho phép mình sai và thử sai, cứ sao chép rồi sai số chút lại thành ra câu chuyện khác, như cách mà tiến hóa vận hành, thế có giống với Earth chủ tinh cung 3 của Song Tử không? Nhưng dù sao, có cơ hội được hóa thân làm người trên Trái Đất thì mình có cơ hội thực hiện hóa các yêu cầu của linh hồn để biết cách xử lý năng lượng hơn, có phải không?

Hiện mình đang chuyển sang tìm hiểu về lĩnh vực Thời trang bền vững liên quan đến môi trường, và rất có thể, đào sâu hơn về sự liên quan giữa Identity với cách lựa chọn quần áo của mọi người chăng?

Mình cũng vượt qua kha khá cơn khủng hoảng chia sẻ bên trên, và không còn cảm giác uất hận hay chán ghét đối với loại giá trị cụ thể nào nữa. Mình đã bình tĩnh trở lại để xem xét xu hướng và các yếu tố liên quan trong mỗi hệ giá trị hay thế giới quan của ai đó. Mình cảm thấy mình đang hồi phục vết thương dần dần, và chắc chắn là mình sẽ tươi vui và đáng yêu như những bộ quần áo còn lại trong tủ đồ của mình vậy.

Và cuối cùng, mình cần phải quote lại câu chốt status của sư phụ Huong Kieu trong hôm nay:

Nói chung, con đường đi tới năng lực thấu cảm có thể đi qua bệnh viện tâm thần, nhưng là phải đi qua, chứ dừng lại trong bệnh viện là rất dở!!!
Write a comment