Lan Vy

ngây thơ

tò mò

chân thành

nhiệt tâm

0

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Lan Vy
Lan Vy
Lan Vy
Lan Vy
Lan Vy

ngây thơ

tò mò

chân thành

nhiệt tâm

Làm Bạn Với Cơ Thể

Cơ thể là một bình chứa, một phương tiện, nói chung là một thứ chúng mình không thể kiểm soát được sự hao hụt của nó trong quá trình sống, nếu không thực sự để tâm đến nó. Quản lý cơ thể là một câu chuyện mà, theo kinh nghiệm nỗ lực nâng cao ý thức cho những ai ở cạnh mình trong suốt thời gian vừa qua, không phải ai cũng để tâm vào. Chỉ khi nhu cầu phát triển tâm linh của họ thôi thúc rằng chiếc vỏ này đang quá xập xệ, nhếch nhác, không thể chứa đựng những luồng ánh sáng cao quý hơn, họ mới có động lực để nâng cấp, sửa chữa cơ thể. Vì câu chuyện thay đổi nó còn kèm theo câu chuyện về sự hao hụt tài nguyên, về các hệ thống niềm tin cố hữu định hình con người và về cái tôi của họ, nên nếu không có động lực từ bên trong, chẳng ai muốn thay đổi, cứ khư khư giữ nguyên hiện trạng. Phật bảo nghiệp theo ta như hình với bóng, chứ mình thấy là tự ôm rịt lấy nghiệp của mình có thèm nhả ra đâu.

Để dễ hình dung thì bạn cứ trông vào loại thôi thúc phải sửa sang nhà cửa chỉn chu, đầy đủ, chuẩn bị cho con trai của họ cưới vợ,  muốn rước một luồng gió mới vào nhà, tâm thế phải có sự chuẩn bị chu đáo. Còn mà chỉ đơn giản là nhận vào những đối tượng tệ tương đương mình của hiện tại, thì ờ, cứ thế duy trì thói quen cũ. Nhưng theo thời gian, thứ gì càng lầy sẽ càng lún thêm, chứ không có ngang của hiện tại đâu í.

Tóm lại là, mọi lời khuyên răn, thúc giục một ai đó tăng cường ý thức về cơ thể không hẳn là vô nghĩa, nhưng cần sự kiên nhẫn rất lớn. Bởi đây là câu chuyện rùng mình đổi mới từ linh hồn. Con ốc mượn hồn nó sẽ không có nhu cầu chuyển nhà nếu nó chẳng trưởng thành hơn. Và những ai theo dõi hành trình “đổi nhà” liên tục của mình có lẽ sẽ bước nào hình dung được hành trình chữa lành nhiều phần trong chính mình một cách rốt ráo. 

Nếu cần chữa lành, hãy bắt đầu với cơ thể. Nhiều người thậm chí cảm thấy cuộc đời khác đi, khi theo đuổi chương trình chăm sóc sức khỏe kéo dài, ngay cả khi họ chưa tác động vào bất kì yếu tố nào khác của đời sống cá nhân.

Thực phẩm

Trước khi có thể giải mã được thông điệp của cơ thể, hãy đơn giản là chú ý thực phẩm đưa vào người. Vì các tế bào được nuôi sống từ thực phẩm. Những thực phẩm bẩn, có hại cho cơ thể không khác gì đổ xăng hỏng cho xe máy. Lâu dần cỗ xe sẽ nhanh hư; khác với xe máy, ta có tiền cũng không thể mua được cơ thể khác. Ý thức càng sớm việc bảo dưỡng phương tiện sống này, ta càng tự do tự tại, càng có đời sống an lạc và thuận lợi.

Bạn sẽ nhận ra điều này, kể từ khi bạn mong muốn làm một việc nào đó kéo dài, nhưng cơ thể không đủ sức bền, vì thế bạn đành bất lực bỏ lỡ. Chuyện như thế xảy ra thường xuyên với nhiều người, gây nên bao uẩn ức và tiếc hận.

Có vài chế độ dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ toàn diện, bao gồm đi kèm cả triết lý sống, bạn có thể tham khảo,

  • Ayurveda – mình có thử tham khảo nhiều nơi và hữu duyên được theo chị Sophia Ngo, đọc sách chị chọn dịch và các lớp học có hệ thống chặt chẽ mà giản dị dễ thực hành của chị giúp mình cải thiện kha khá các vấn đề sức khoẻ

  • Thực dưỡng theo George Oshawa 
  • Ăn thô
  • Nhịn ăn gián đoạn

Điều các bạn cần lưu ý trước hết là nhóm thực phẩm có calo ảo, tức là lượng calo cao nhưng chỉ số dinh dưỡng gần như = 0. Các thức ăn đóng hộp, đồ ăn nhanh, snack, kem, trà sữa,… thường thuộc về nhóm thức ăn này. Cung cấp quá nhiều nhóm thực phẩm này dễ khiến cơ thể thèm ăn liên tục vì hai lý do chính, một là củng cố tâm tham bám chấp vào những cảm giác thoải mái giả tạm, hai là thiếu dinh dưỡng trầm trọng và nguồn sinh lực từ thực phẩm.

Lý tưởng nhất vẫn là tự trồng và tự ăn thuần thực vật để có thể biết rõ nguồn gốc xuất xứ món ăn đưa vào cơ thể. Nhưng một quán tính lâu đời khó có thể cắt đứt và dứt tận rễ. Nên mình nương theo quán tính mà dần đổi chiều, chứ khó có thể bẻ ngoặc một lần trở nên lý tưởng. Bước đầu, mình cung cấp nhanh cho cơ thể các loại dưỡng chất mà cơ thể thiếu hụt lâu ngày từ các thực phẩm chức năng, ưu điểm là cơ thể hấp thụ nhanh hơn dưỡng chất từ thực phẩm thô, nên nhanh chóng vượt qua nhiều bệnh tật hiểm nghèo – phù hợp với những cơ thể đã lão hóa, thiếu khả năng chuyển hóa vật chất, hoặc hệ đường ruột và nội tiết yếu không thể tự phân giải các chất dinh dưỡng. Về sau, khi cơ thể dần yêu thích các dưỡng chất và đã có nền tảng khỏe mạnh hơn, mình chuyển qua ăn rau củ luộc, trái cây và ngũ cốc, giảm dần các chất từ thực phẩm chức năng. Nhưng điều quan trọng vẫn là ý thức việc mình ăn gì, để giảm dần việc ăn vặt, các thức ăn bẩn, các thức ăn chết (không còn dinh dưỡng vì chế biến quá kĩ). Khi tìm hiểu tới cùng các cơn thèm ăn của bản thân, mình nhận ra nhu cầu sâu thẳm từ bên trong thôi thúc mình đưa vào cơ thể dinh dưỡng (vitamin, khoáng, chất béo, đạm và nước) thay vì chỉ là năng lượng rỗng.

Mình thực sự không ủng hộ các thực đơn ăn chay giả mặn, chế biến quá nhiều gia vị hoá học và kích thích vị giác mạnh. Mình ưu tiên tiêu thụ ngũ cốc để ủng hộ nông nghiệp bền vững, đồng thời cơ thể cũng khoẻ mạnh hơn với nhóm thực phẩm này. Giảm thiểu tối đa các gia vị hoá học, và cố gắng chỉ ăn trước giờ ngọ. Một thời gian mình nhận được vài lợi ích thấy rõ

  • Tâm trí sáng suốt hơn, bởi mình không tốn quá nhiều năng lượng cho bộ máy tiêu hoá, thay vào đó nó được dùng cho não bộ. Nói chung đường ruột nhẹ nhàng thì đầu óc cũng sáng suốt, nên mới có cụm từ sáng dạ.
  • Mình giảm tối đa thời gian cho việc ăn uống, bao gồm suy nghĩ hôm nay ăn gì, thời gian chế biến cầu kì và thời gian dọn rửa phức tạp. Mình cứ đơn giản là có một thực đơn cơ bản nhất với ngũ cốc và trái cây theo mùa, không nghĩ ngợi gì về nó. Do đó, tiết kiệm được thời gian để ưu tiên cho nhiều việc quan trọng hơn.
  • Mình có một ngoại hình nhanh nhẹn, thanh thoát và ưa nhìn hơn, vì thế có nhiều suôn sẻ hơn trong các tương tác với người khác.

Ngoại hình chỉ là phản ánh sức khỏe của cơ thể. Nếu chỉ theo đuổi cái đẹp đơn thuần, thì đến một lúc bạn có dáng vẻ ưa nhìn, nhưng thiếu sức sống, hoặc không đủ sức lực để tận hưởng món quà từ dáng vẻ ấy. Một trong số xu hướng chú ý ngoại hình quá mức là tăng cơ đến mức giảm tối đa lượng mỡ cơ thể, mình cũng không đồng ý với xu hướng này.

Bạn cũng có thể lưu ý xu hướng dùng thức ăn để giải trí, giao lưu và xu hướng nghiện cảm giác chuyển động cơ hàm. Bạn thử tham khảo cuốn 50 cách giải stress không cần thức ăn của Susan Albers nếu cảm thấy bản thân dường như có xu hướng tìm niềm vui từ thức ăn nhé.

Giờ giấc sinh hoạt

Có những điều dễ dàng để cải thiện sức khỏe thể lý, một trong số đó là sinh hoạt theo chu kỳ mặt trời và mặt trăng (đưa cơ thể gần hơn với chu kì tự nhiên).

  • Mặt trời lên thì sinh hoạt, vận động vào buổi sáng và thực hiện các nhiệm vụ khi năng lượng mặt trời dồi dào, ăn các món nhiều dầu mỡ vào lúc mặt trời lên đỉnh, và nhịn ăn khi mặt trời lặn, chuẩn bị không gian tĩnh lặng và tối để đưa mình vào giấc ngủ…
  • Mặt trăng có chu kì trăng non, trăng tròn và trăng tàn. Trăng non phù hợp với các ý định và dự định, trăng tròn phù hợp để hiện thực hóa ý tưởng (làm nhiều việc hơn vào ngày rằm) và trăng tàn hướng đến dọn dẹp và thu gọn lại. 

Sau khoảng thời gian tham gia các khoá thiền Vipassana 10 ngày với thời gian biểu rất tốt cho sức khoẻ cơ thể lẫn tinh thần, thì hiện mình đang thiết kế cho cuộc sống của mình sát nhất có thể với thời gian biểu tại trường thiền. Hiệu quả không chỉ tốt cho sức khoẻ, mà còn tối ưu được nhiều thời gian dành cho công việc, học tập.

Vận động

Việc theo đuổi một chuỗi bài tập duy trì toàn diện sự dẻo dai của cả cơ thể là cần thiết. Cho dù bạn bơi lội, chạy bộ, đi bộ, các môn phối hợp, aerobic, yoga, võ thuật, khiêu vũ, múa tự do,… hay bất cứ hình thức vận động có chuỗi bài tập được thiết kế nào cũng đều quan trọng. Nên chủ động thiết lập cho bản thân ít nhất 30p-1h tập luyện đều mỗi ngày. Nhất là với những bạn có cơ chế trao đổi chất kém, ít ra mồ hôi và hay ngồi máy lạnh. Việc cơ thể được thoát mồ hôi liên tục trong 30-45p giúp da dẻ hồng hào, cơ thể linh hoạt, các chức năng vận động được củng cố, tư tưởng khoáng đạt, tâm thế rộng mở,…

Lý tưởng vẫn là theo đuổi các môn thể thao có triết lý cao đẹp. Đưa nó trở thành một phần con người mình, chứ không đơn thuần chỉ là cải thiện mỗi cơ thể vật lý. Điều đó sẽ phối hợp nhịp nhàng với phương pháp cải thiện tâm trí-tinh thần-tâm linh hiệu quả.

Mình đoán kể từ khi thực hành Yoga, mình đã kết nối với nhu cầu của cơ thể tốt hơn, làm bạn với nó và hiện diện cùng nó thông qua những chuyển động có mục đích. 

Tư thế sinh hoạt

Vụ này chắc ít ai để ý tới. Nhưng từ những vận động mang tính cá nhân kiểu cách bạn đi đứng ngay ngắn, ngồi thẳng lưng, ngủ nghiêng về bên phía nào,… đến những cử chỉ, hành vi trong giao tiếp ứng xử cũng liên quan mật thiết đến cơ thể của bạn. Nghe khó hiểu hen. Nhưng cột sống luôn quan trọng. Đi thẳng lưng, đứng thẳng lưng, ngồi thẳng lưng, ngủ thẳng lưng sẽ giúp cột năng lượng (pranayama) được lưu thông, máu tuần hoàn tốt, lục phủ ngũ tạng được ngay ngắn làm việc hiệu quả, tóm lại cơ thể cũng từ đó khoẻ khoắn, thanh thoát, nhẹ nhàng. 

Mấy bạn chọn tập yoga theo phương pháp truyền thống (chứ hong phải chạy đua theo mấy tư thế khoe hình thể nhe) thì cũng dần nhận ra tầm quan trọng và cách thức thực hành các tư thế sinh hoạt đúng đắn. 

Dành sự chú tâm miên mật cho cơ thể của mình sẽ giúp bạn chữa lành kha khá nhiều vấn đề mà bạn không hiểu vì sao bạn mang theo nhiều năm trời như thế. Kiểu như ngày xưa mình từng đau cổ vai gáy kinh niên. Đau đến nỗi không thể ngồi quá lâu mà mọi hoạt động sinh hoạt đều chuyển qua tư thế nằm. Mình dùng salonpad rất nhiều, xoa bóp đủ kiểu vẫn không thuyên giảm. Cho đến một ngày mình dành sự chú tâm đủ cho nó, vỗ về nó và ở cùng với nó đủ sâu sắc, cơn đau biến mất như chưa từng hiện diện. Kể từ đó đến nay, mình luôn chú tâm giữ cột sống và cổ vai gáy ngay ngắn, thẳng thớm, ngẩng cao đầu và không chúi mình về phía trước nữa. Mình để ý thấy bạn hay chúi về phía trường, thường do dùng điện thoại quá nhiều, hoặc kèm theo việc đi đứng hấp tấp vội vàng, là kiểu người nôn nóng muốn hướng đến một mục tiêu gì đó trong tương lai mà không hiện diện ở hiện tại. Thường cơn đau nó giựt ngược sự chú ý của mình về lại hiện tại. Cho nên thi thoảng, mình hiểu rằng một cơn đau nào đó trên cơ thể như lời nhắc nhở hãy quay về với thực tại chút xíu, trước khi nhảy bổ vào một điểm tương lai nào khác.

Nhiều bạn thích chinh phục các thử thách khó nên chơi thể thao nhiều, nhưng lại bỏ qua/coi thường những điều cơ bản từ thân thể dạng này. Nên lại gây ra nhiều chấn thương đến khung xương, thì mang một dấu ấn kéo dài nhiều đời nhiều kiếp chứ không chỉ là hậu quả nhìn thấy ở mỗi một đời này đâu. Vụ này mình sẽ nói nhiều hơn bên bài về năng lượng.

Không gian sống

Một không gian thoáng đãng, gần với thiên nhiên, có gió trời, ánh sáng tự nhiên tràn ngập, không ô nhiễm âm thanh và ánh sáng nhân tạo, đồ đạc gọn gàng sạch sẽ luôn là một không gian sống lý tưởng.

Đời sống thành thị dễ chia cắt cục bộ không gian sống thành các khối vuông khép kín, cùng hơi lạnh nhân tạo và thiếu trầm trọng sinh khí từ cây xanh. Nếu bạn chưa thể sắp xếp một không gian sống lý tưởng, việc tối giản nơi ở và nơi làm việc sẽ giúp sức khoẻ cơ thể tốt hơn là một căn phòng đầy ngập đồ đạc và rác. Xem việc dọn dẹp thường xuyên nơi ở cũng là một bài tập hiệu quả cải thiện sức khoẻ thể chất kinh điển.

Ngày xưa mình thường xuyên có các cơn đau đầu muốn bổ đôi hoặc đâm vào xe tải để chấm dứt cơn đau í trong những năm ở Sài Gòn. Mình đã dùng rất nhiều loại thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc ngủ liều nặng vẫn không thuyên giảm. Thậm chí mình cũng đã dành một khoản tiền kha khá để thiết kế một căn nhà thoáng mát, với dàn cây xanh trước nhà và không dùng máy lạnh ở khu ngoại ô TP nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. 

Cho đến khi dọn về Phan Thiết sống ở căn nhà hướng Đông, nơi đón ánh nắng mặt trời tươi mới mỗi sáng, đón gió biển lồng lộng, và tiếng sóng biển giúp các cơn đau đầu của mình chấm dứt. Mình đã không cần đến thuốc trong cả một năm 2023 vừa qua. Nhưng thi thoảng tham gia các buổi tiệc tùng hoặc đi làm cả ngày ở siêu thị, tiếng ồn quá mức từ âm thanh tự nhiên lại kéo các cơn đau đầu, choáng váng quay trở lại. Do vậy, mình thấy tầm quan trọng của không gian sống trong sức khoẻ là rất to lớn.

Thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt chắc chắn là sự thay đổi khó khăn nhất, nhưng nó xứng đáng. Bởi vì khi bạn có sức khỏe, bạn có rất nhiều mơ ước. Nhưng khi bạn đau ốm và không khỏe mạnh, bạn chỉ có một mơ ước duy nhất là có sức khỏe. Hãy cẩn trọng với những cách bạn đối xử với cơ thể của mình