Tự Học TarotVy Lan

Kể từ hướng dẫn dùng bài Tarot vô cùng sơ sài hồi năm 2014, mãi đến nay, mình đã tự chỉnh sửa và bổ sung trong cuốn sổ tay be bé. Thông qua nhiều khoá hướng dẫn dùng Tarot với nhiều đối tượng học Tarot khác nhau, mình nắm bắt được mong muốn chung nhất và giản dị nhất trong mỗi người, nhưng mình chưa thể cô đọng lại vào một giáo trình chỉn chu.

Sau ngày sinh nhật vào 6/2021, một món quà gửi đến qua giấc mơ. Mình rút được lá The High Priestess vào sáng sớm, đến giấc ngủ trưa thì nhận được quà từ nàng tư tế này. Nàng ấy thì thầm với mình những bí quyết đơn giản giúp truyền thông điệp đến trái tim của mọi người. Và giáo trình mới được thực hiện trong vòng 2 tuần sau đó.

Giáo trình này mình dùng để hướng dẫn học viên, và giúp học viên có thể ôn tập lại bài học. 

Mình tặng bạn món quà này nhé!

1. Giới thiệu Tarot

Tarot là gì?

Tarot là một tập hợp các lá bài mang đến ý nghĩa, bởi vì nó truyền thừa qua nhiều thế hệ, với nhiều nền văn hoá và quan điểm của nhiều người, nên nó khá phong phú và thú vị, có thể là bí ẩn và thu hút nữa. Vì chẳng ai dám đảm bảo tôi có thể hiểu hoàn toàn bộ bài Tarot là gì.

Vì sao Tarot có ý nghĩa?

  • Chúng ta là loài vật tạo ý nghĩa, tìm kiếm ý nghĩa và có sự lo toan về đời sống.
  • Sự ngẫu nhiên từ việc rút các lá bài đến từ trường năng lượng của chúng ta.
  • Thông điệp từ vũ trụ có thể đến với ta theo bất kì hình thức nào, và Tarot chỉ là một trong các phương thức giàu tượng hình giúp ta nhận diện, đón chào và diễn giải các thông điệp ấy.
  • Tarot chứa đựng nhiều cổ mẫu, ý nghĩa phổ quát đủ để bao quát các chuyển động đời sống, giúp mang đến những gợi mở khám phá các khả thể đời sống.
  • Các hình ảnh từ bộ bài Tarot giúp ta dễ dàng đón nhận thông điệp hơn, thông qua các cảm xúc và tri giác.

Chúng ta học gì từ Tarot

  • Ý thức về sự giới hạn của thân phận làm người thông qua quan sát chuyển động của thế giới từ các hình mẫu trong cỗ bài.
  • Chú ý các yếu tố tác động đến chúng ta
  • Tìm kiếm các xu hướng quán tính, hành vi quen thuộc để điều chỉnh giảm tải hoặc tăng cường cho phù hợp với mục đích
  • Phát hiện các mẫu hình lặp lại ẩn dưới nhiều hình thức, từ đó khám phá các nút tắc nghẽn năng lượng, khiến cản trở năng lực tạo hình và không đạt được những điều như ý nguyện
  • Tìm hiểu về lựa chọn và chủ động đưa ra quyết định
  • Bài học về tính cân bằng và chữa lành cảm xúc
  • Thừa nhận sự hạn chế trong tri thức con người, hiểu rằng sự bất tri là nền tảng của tồn tại con người.

Tarot dùng để làm gì?

Bởi vì Tarot chỉ là một công cụ, phương tiện tìm kiếm ý nghĩa và thông điệp, việc ứng dụng Tarot vào đời sống vô cùng đa dạng và phong phú. 

Tham khảo một số ứng dụng dưới đây:

Thậm chí có thể sử dụng Tarot vào các mục tiêu nghề nghiệp:

Hoặc chỉ đơn giản là để giải trí, bởi vì nhiều bộ Tarot có hình ảnh bắt mắt, kích thích trí não và mang đến nhiều kiến thức thú vị.

Hãy viết ra giấy những điều mà bạn mong muốn làm cùng với bộ Tarot của mình nhé!

Hướng dẫn chọn bộ bài Tarot phù hợp

Hiện nay số lượng bài Tarot trên thế giới có khoảng hơn 1000 bộ bài khác nhau, và con số này đang tăng dần theo mỗi năm. Số lượng bài nhiều dẫn đến việc các bạn mới biết đến Tarot cảm thấy khó xử, loay hoay trong việc lựa chọn một bộ bài phù hợp cho bản thân. Vậy, việc chọn lựa một bộ bài cho bản thân, nên bắt đầu từ đâu?

1. Có 3 chuẩn bài Tarot thông dụng

Tất cả bài Tarot đều sẽ chọn tuân theo một trong ba tư tưởng từ ba bộ bài nổi tiếng nhất là Tarot de Marseille, Rider Waite Smith Tarot và Thoth Tarot. Trong số đó, dòng bài Marseille là cổ điển nhất, vì nó là gốc rễ và nền tảng của Tarot, cả Waite và Thoth cũng chỉ là phát triển lên từ Marseille thôi. Vấn đề phát triển thì nó sẽ có hai vấn đề lớn:

  1. Bắt kịp xu hướng đương đại
  2. Phá vỡ những ý nghĩa truyền thống

Việc Waite và Crowley phát triển bộ bài Tarot cho phù hợp với quan điểm đương đại sẽ giúp chúng ta dễ dàng tiếp nhận hơn, vì không phải ai cũng nắm rõ bối cảnh lịch sử – văn hóa, nhất là cái thời mà bộ Marseille thịnh hành. Đi cùng với việc hai nhà huyền học ấy phá vỡ những ý nghĩa truyền thống sẽ gây ra hai luồng tranh cãi:

  1. Khen ngợi sự linh hoạt và sáng tạo, bắt kịp xu hướng hiện đại, mở rộng tầm nhìn và thế giới quan, nâng cao giá trị ứng dụng
  2. Chê bai hai tư tưởng ấy không chính thống, không đáng tin cậy

Và cá nhân mình và nhiều tarot reader khác ủng hộ những bạn newbie học RWS hơn, sau đó khi đã có tư duy tốt về Tarot + nền tảng cơ bản về Tarot thì bắt đầu tìm hiểu qua Marseille để nghiên cứu chuyên sâu gốc rễ. Còn Thoth thì cảm thấy rảnh hẵng đá qua, không rảnh thì thôi haha. Lý do ủng hộ thì là như vầy:

  1. RWS có lượng tài liệu nhiều kinh khủng khiếp, tìm ở đâu cũng thấy, dễ dàng học hỏi và tìm người trao đổi, thuận tiện cho các bạn newbie mới vô, đỡ bị nản chí khi cảm giác cô độc. Hơn nữa, các bộ bài được chọn vẽ theo chuẩn RWS cũng nhiều dã man, chiếm 90% thị trường bài Tarot, các bạn dễ lựa chọn. Các tài liệu về RWS không hẳn đều đúng hết, nhưng nó nhiều đến mức được phân tích, mổ xẻ rõ ràng, chi tiết dã man, có thể tham khảo thỏa thích không có giới hạn. Thoth thì rất tiếc là không được phổ biến như thế, không nhiều người tìm hiểu, muốn tìm tài liệu cũng khó, tìm người trao đổi cũng vấp phải khó khăn.
  2. Hình ảnh bộ RWS, nhất là các lá đánh số, được vẽ minh họa rõ ràng, gần gũi với cuộc sống, dễ liên tưởng dễ trải nghiệm, dễ đánh giá, dễ ghi nhớ, dễ áp dụng, dễ lý luận, dễ đưa ra từ ngữ giải thích (lợi ích nhiều chưa?). Rất tiếc phải nói là Thoth và Marseille không được như vậy, các biểu tượng cực kì trừu tượng và khó hình dung, mô tả chúng cũng khá chung chung kiểu như “Một thanh kiếm đâm xuyên 2 thanh kiếm đan chéo, thể hiện tư duy bị chắn lối, bế tắc”, bạn đọc thế thì có hiểu được cụ thể bằng một hình ảnh minh họa rõ ràng về một người đang mệt mỏi trong suy nghĩ hem?
mua-bai-Rider-Waite-Tarot
Rider-Waite Tarot
  • Bài Tarot theo chuẩn Rider Waite Smith chiếm đến 90% số lượng những bộ bài Tarot hiện nay trên thị trường nhờ nét vẽ gần gũi và hệ thống hình ảnh, biểu tượng đơn giản dễ nắm bắt nhất trong các chuẩn Tarot.
tarot_marseille
Tarot De Marseille De Francois Chosson 1736
  • Bài Tarot theo chuẩn Marseille có hệ thống hình ảnh của các lá ẩn phụ khá đơn giản, chỉ bao gồm biểu tượng, và việc sử dụng nó phải dùng đến nhiều thuật toán, không đơn thuần là xem xét hình ảnh, biểu tượng.
thoth-tarot-deck-fortune-telling-IMG_1179
Aleister Crowley Thoth Tarot
  • Trong khi đó chuẩn Thoth lại rất phức tạp và nghiêng về huyền học, chiêm nghiệm học thuật hơn là sử dụng để phân tích, xem xét các vấn đề thông thường.

Khi mua bài Tarot ở các shop bài, bạn nên tìm hiểu kĩ về bộ bài mình mua, hoặc hỏi chủ shop về chuẩn bài Tarot để có thể lựa chọn được cho mình một bộ bài phù hợp nhất đối với mục đích sử dụng.

2. Riêng mỗi chuẩn bài, lại có hàng trăm, hàng nghìn bộ bài đa dạng khác nhau, phát triển từ ý nghĩa, hình tượng của chuẩn bài gốc

Vì chuyên ngành, sở thích, mối quan tâm, nhu cầu của mỗi người một khác, nên chủ đề của các bộ Tarot được phát triển về sau này vô cùng đa dạng. Hầu như bất kì lĩnh vực nào trong đời sống cũng được biến thành chủ đề xuyên suốt cho bộ bài. Ví dụ: Bóng tối, Gothic, Thần tiên, Động vật, Thực vật, Hoa, Trẻ Em, Giới tính thứ ba, Sex, Kiến trúc, Thời trang, Các nền văn hóa, Manga, Truyện tranh, Phim ảnh, Thần tượng, Tôn giáo,… Chỉ cần bạn tìm, chắc chắn sẽ ra.

Việc lựa chọn bộ bài Tarot theo đúng chủ đề mà bạn quan tâm, yêu thích, đúng chuyên ngành, hiểu biết của bạn, sẽ giúp bạn có thêm kiến thức sử dụng nó hơn, giúp bạn dễ dàng tiếp thu, ghi nhớ và ứng dụng vào việc trải bài, thực hành giải bài Tarot hơn.

Ví dụ, mối quan tâm của mình là kiến trúc Gothic và nghệ thuật theo phong cách Bohemian nên đã chọn bộ bài Bohemian Gothic Tarot. Trong này có những hình ảnh, hoa văn theo chủ đề kiến trúc Gothic, cũng như quần áo, nhân vật mang hơi hướm Bohemian, giúp mình có thêm cảm hứng và kiến thức học tập.

DSC07733d
Bohemian Gothic Tarot

Để có thể tìm được bộ bài cùng lĩnh vực, bạn có thể gõ Google theo từ khóa “lĩnh vực bạn quan tâm + tarot”. Nếu có được bộ bài theo lĩnh vực của bạn, thì bạn có thể copy tên bộ bài ấy đưa lên Youtube để xem Review hoàn chỉnh của bộ bài, lên Pinterest để xem hình ảnh từng lá bài.

3. Nếu bạn là người mới học sử dụng Tarot, bạn nên chú ý các bộ bài vẽ theo hình ảnh chuẩn của bộ bài gốc Rider Waite Smith Tarot (RWS)

Mặc dù có nhiều bộ bài Tarot, nhưng không phải bộ nào cũng hoàn toàn tuân theo những hình ảnh gốc của RWS mà đôi lúc chỉ dựa trên ý nghĩa của lá bài. Việc này sẽ gây khó khăn cho những bạn mới học, khi chưa có kĩ năng cảm nhận hình ảnh, biểu tượng và những kiến thức về nó.

Untitled-1
Hình 1: Rider Waite Smith Tarot – Hình 2: Druidcraft Tarot – Hình 3: Alchemia Tarot – Hình 4: Necronomicon Tarot – Hình 5: Rabbit Tarot

Ví dụ ở đây ta thấy:

Lá thứ nhất là The Fool của bộ Rider Waite Smith Tarot, hình ảnh đơn giản, rõ ràng, dễ nhìn, dễ tìm hiểu thông qua nhiều tài liệu chia sẻ hoặc đi cùng bộ bài. Lá thứ hai là The Fool của bộ Druidcraft Tarot, được cách điệu bằng hình vẽ có chiều sâu hơn, mang hơi hướm của đạo Druid hơn, nhưng vẫn đảm bảo được các chi tiết hình ảnh tối thiểu của lá bài RWS gốc. Lá thứ ba là The Fool của bộ Alchemia Tarot, được cách điệu với những màu sắc rực rỡ, tươi sáng và thu hút hơn, nhưng vẫn giữ được hình ảnh chủ đạo của lá bài RWS, dù đã bị giảm bớt hình ảnh chú chó và cây gậy đi kèm.

Nhưng sang lá thứ tư và thứ năm, ta không nhìn thấy hình ảnh cơ bản của RWS đâu nữa, thay vào đó là hình ảnh khác hoàn toàn theo chủ đề của mỗi bộ bài với ý nghĩa hình tượng nhân vật, hay chuyển động nhân vật làm sáng tỏ lên ý nghĩa của lá bài đó. Ở lá thứ năm, ta có nhân vật Azathoth thay vì hình ảnh The Fool trong RWS. Đây là hình ảnh lá The Fool của bộ bài Necronomicon Tarot lấy cảm hứng từ thế giới không tưởng trong tiểu thuyết của H.P. Lovecraft, một nhà văn chuyên về huyền bí học. Azathoth là một nhân vật có đặc điểm tính cách, xu hướng hành động tương tự như The Fool của RWS. Ở lá thứ sáu, là lá The Fool của bộ Rabbit Tarot, ta có hình ảnh một chú thỏ con thay vì là nhân vật The Fool.

Rõ ràng trong 4 lá phía sau lá bài RWS, ta vẫn thấy được 2 lá bài đầu tuân theo hình ảnh cơ bản, vẫn dễ học hỏi và tìm hiểu hơn là 2 lá sau. Tuy nhiên, nếu chịu khó đọc cuốn sách kèm theo mỗi bộ bài, ta vẫn có thể nắm được ý đồ của tác giả khi thể hiện hình ảnh mỗi lá bài trong bộ bài, chỉ là nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và yêu cầu khó hơn đối với người mới thôi.

Như vậy, không có nghĩa là người mới không thể sử dụng được Necronomicon Tarot hay Rabbit Tarot, hay nhiều bộ bài khác nữa không có hình ảnh tuân theo bộ RWS, mà chỉ là nó đòi hỏi sự tập trung và kiên nhẫn hơn đối với họ.

4. Ngoài ra còn một số yếu tố khác ảnh hưởng đến việc lựa chọn bài

DSC08511rs
Gia đình nhà RWS với nhiều kích thước – phiên bản màu sắc khác nhau

Kích thước bộ bài: Kích thước chuẩn được đặt ra cho một bộ bài Tarot là 7 x 12 cm, ngoài ra sẽ có thêm những kích thước khác đáp ứng nhiều yêu cầu khác nhau cho khách hàng như size pocket 5 x 7 cm, size mini 4.4 x 7.4 cm, hoặc size lớn nếu bạn muốn nhìn rõ hơn hình ảnh 9.5 x 16.5 cm.

Giá cả bộ bài: Giá cả bộ bài tùy thuộc vào nhà xuất bản và công sức họa sĩ vẽ ra. Bộ bài càng đẹp, càng hiếm, thời gian sáng tác càng lâu, bộ bài càng có giá cao. Hơn nữa, giá bài còn phụ thuộc vào tiền vận chuyển, tiền thuế mỗi nước. Ví dụ những bộ bài vận chuyển từ châu Âu về sẽ có giá cao hơn những bộ bài từ Mĩ. Việc xem xét tài chính để lựa chọn một bộ bài phù hợp cũng là điều quan trọng.

Sách đi kèm bài: Sách đi kèm bài thường có 2 dạng là sách lớn (companion), sẽ có những hướng dẫn chi tiết, đầy đủ hơn, thậm chí là miêu tả từng hình ảnh chi tiết trong lá bài, giúp bạn dễ dàng, thuận tiện hơn trong việc học cách sử dụng bộ bài đó. Dạng thứ hai là sách nhỏ (booklet), thường chỉ có ghi chép vài dòng ngắn gọn, hoặc từ khóa (keywords), đòi hỏi bạn phải tự mò mẫm, tìm tòi nhiều hơn khi học cách sử dụng. Có nhiều bộ bài không có sách hướng dẫn. Đa phần các cuốn sách đi kèm các bộ bài đều là tiếng Anh, một số là tiếng Pháp, Nga, Nhật,… Mèo đang thực hiện dự án Việt hóa các cuốn sách đi kèm bộ bài cho các bạn dễ dàng hơn trong việc học cách sử dụng từng bộ. Dò tìm xem bản dịch tiếng Việt cuốn sách của bộ bài Tarot bạn đang sử dụng tại đây.

Để có thể biết rõ hơn về bộ bài, bạn có thể dò tìm Google, Youtube hay thậm chí là trang bán hàng của các shop bán bài. Những shop bài Tarot uy tín sẽ cung cấp cho bạn những thông tin rõ ràng về bộ bài như hình ảnh lá bài, hộp bài, sách hướng dẫn đi kèm, size bài, giá bài, thậm chí là những bài phân tích, cảm nhận của các reader có tiếng để bạn có cơ hội tìm hiểu kĩ hơn trước khi mua. 

5. Có nên mua bài Tarot handmade?

Bài Tarot handmade là thể loại bài Tarot được các bạn copy ảnh từ bộ bài gốc của nhà xuất bản rồi in lậu và bán với giá rẻ bèo vì họ không phải tốn nhiều chi phí cho chất lượng, tiền bản quyền hay thuế. Việc sử dụng bài handmade cũng giống như sử dụng quần áo, giầy dép, điện thoại… hàng nhái, hàng fake,.. chất lượng dĩ nhiên không bằng.

Ngoài ra, không bàn về chất lượng, thì một người có ý định nghiêm túc với Tarot không nên sử dụng bài Tarot handmade để thể hiện sự tôn trọng bản quyền tác giả. Để sáng tác một bức tranh cần một khoảng thời gian rất dài, tốn nhiều công sức sáng tạo, tiền bạc cho những vật dụng… Đằng này một bộ bài Tarot có ít nhất 78 lá, tức 78 bức tranh. Bạn có thể hiểu công sức, tâm huyết của tác giả dành cho bộ bài đáng quý như thế nào. Liệu có nên phụ lòng tác giả chỉ vì tiếc vài trăm nghìn đồng? Tôn trọng tác giả cũng giống như tôn trọng bộ bài Tarot và tôn trọng chính mình.

6. Có nên mua bài Tarot đã qua sử dụng (second hand)?

Việc mua lại món đồ đã qua sử dụng của chủ cũ khi họ không cần thiết, đã là một thói quen tốt đang được hình thành trong giới trẻ vì sự tiết kiệm đúng lúc. Việc sử dụng bài đã qua sử dụng không có vấn đề gì trong việc trải bài, xem bài. Nhưng bạn cần cẩn thận trong lúc mua bài, cũng như những món 2hand khác. Mình đã chứng kiến nhiều trường hợp, người mua bài mua nhầm bộ bài thiếu vài lá, bị hỏng vài lá, hoặc không đi kèm sách sử dụng.. rồi người bán chạy luôn không có cách nào đòi lại tiền được.

maxresdefault (3)
Celtic Lenormand – Druidcraft Tarot – Druid Animal Oracle
Tarot Of The Hidden Realm

2. Làm quen với bộ bài Tarot

Cấu trúc 78 lá bài Tarot

Bạn cần ghi nhớ cấu trúc bộ bài Tarot, bao gồm 78 lá bài được chia ra làm 2 phần

Ẩn chính (Major Arcana) và Ẩn phụ (Minor Arcana)

Bởi vì khi bạn sử dụng một công cụ nào đó, tốt nhất bạn nên nắm rõ từng thành phần của nó – còn ý nghĩa và chức năng thì có thể tìm hiểu sau cũng được.

Nghĩa là bạn phải ghi nhớ nằm lòng tên các lá bài đấy nhé!!! Thuộc đến mức mà khi ai đó hỏi tên 1 lá bài nào đó bất kì ví dụ The Fool, trong đầu bạn sẽ hiện ra ngay hình ảnh lá bài đó – một anh chàng tự do và cởi mở, trong đầu bạn sẽ hiện ra ngay hình ảnh lá bài đó, không lẫn lộn với lá bài khác.

  • 22 lá ẩn chính sẽ được đánh số la mã từ O đến XXI (nhiều bạn nhầm lẫn, bảo sao thiếu lá bài số 22?) 

  • 56 lá ẩn phụ sẽ được chia thành 40 lá phụ và 16 lá court cards

40 đánh số (pip card) bao gồm 10 lá wands, 10 lá cups, 10 lá swords và 10 lá pentacles đánh số từ ace đến 10.

16 lá court cards gồm 4 lá wands, 4 lá cups, 4 lá swords và 4 lá pentacles được đặt tên từ page – knight – queen – king.

3 bài tập giúp ghi nhớ hình ảnh lá bài Tarot

Dưới đây là 3 bài tập có thể giúp bạn ghi nhớ hình ảnh 78 lá bài Tarot mà không quá vất vả hay khổ ép. Điều cần lưu ý ở đây, bạn cần đều đặn mỗi ngày từ 10-15 phút sẽ hiệu quả hơn là tuỳ hứng hôm thì học cả mấy tiếng đồng hồ, hôm thì bỏ, tuần thì học 1-2 buổi, tuần thì không học buổi nào luôn.

Đều đặn mỗi ngày liên tục trong ít nhất 28 ngày, là giải pháp then chốt để não bộ hình thành thói quen tư duy mới.

1. Rút lá bài hằng ngày

Rút lá bài hằng ngày là một bài tập nhỏ giúp duy trì tính đều đặn cho tâm trí hình thành thói quen giải nghĩa lá bài mà không tốn quá nhiều thời gian trong ngày. Đây vẫn là một bài tập đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả cho người sử dụng bài Tarot tập sự, hay cả người lâu năm chuyên nghiệp. Vì những ý nghĩa mà lá bài mang đến là vô cùng rộng lớn và đa dạng cho nhiều hoàn cảnh khác nhau. Việc nghiền ngẫm ý nghĩa của lá bài Tarot mỗi ngày là cách mà ta tạo ra những diễn giải cá nhân riêng biệt và độc đáo, cũng như tiếp chạm được với đời sống thực tế bên ngoài, thay vì bay bay trong mớ ý niệm mơ hồ của câu chữ.

Hơn thế, việc rút lá bài hằng ngày còn là một phương pháp hỗ trợ việc tìm hiểu chính mình, tiếp chạm đến những vùng mù mịt và rối rắm bên trong để có kết nối tốt hơn với tâm hồn. Chúng ta mỗi ngày sẽ luôn có những trạng thái cảm xúc, tình huống, phản ứng phức tạp mà nếu ta không kịp ghi nhận, lâu dần sẽ rơi vào trạng thái mù mờ, thiếu hiểu biết về chính mình. Lá bài hằng ngày sẽ hỗ trợ ghi nhận những sự kiện, trạng thái cần lưu ý nhất trong ngày hôm đó như một dạng lưu trữ nhật kí vậy.

Vào đây để xem lá bài hằng ngày của mình.

2. Sắp xếp lại 78 lá bài theo trình tự ban đầu

Việc sắp xếp theo trình tự ban đầu, sẽ giúp cho năng lượng bộ bài được làm mới lại, thông suốt hơn và năng lượng sẽ trở nên tích cực hơn. Trong quá trình tách nhỏ từng bộ ẩn và sắp xếp lại trình tự, ta có thể nhìn lại từng lá bài, và kiểm soát xem liệu vẫn còn đầy đủ 78, hay đang thất lạc một lá bài nào. Nhiều tình huống cho thấy một vài lá bài bị thất lạc lâu ngày sẽ khó tìm lại được.

3. Xem hình ảnh lá bài Tarot trên kênh Pinterest hoặc app trên điện thoại

Chúng ta hay có thói quen lướt điện thoại. Bạn có thể theo dõi các kênh Pinterest có nhiều hình ảnh Tarot, hoặc tải các app có chứa đầy đủ hình ảnh lá bài Tarot về ngắm nghía và quan sát. 

Phương pháp xào bài Tarot

1. Phương Pháp Của Người Chơi Bài Tây (Card Player’s Method)

ObIPJR0---Imgur.e

Phương pháp này thông thường được áp dụng để xào loại bài chơi hàng ngày. Mỗi tay cầm nửa bộ bài và trộn lẫn các lá bài với nhau bằng cách bẻ nhẹ cho bài rơi xuống mặt bàn. Kỹ thuật xào bài này giúp trộn lẫn các lá bài một cách trọn vẹn nhưng có thể sẽ gây khó chịu cho người xào vì hầu hết các bộ Tarot đều có kích thước lá bài to hơn lá bài thông thường. Ngoài ra phương pháp này cũng có thể gây tổn hại đến các lá bài vì chúng sẽ dễ bị cong ở phần giữa. 

2. Phương Pháp Chèn Bài (Insertion Method)

G9hEkFQ---Imgur.e

Mỗi tay cầm nửa bộ bài, chèn một phần hai vào phần bài tay bên kia theo kiểu rải tán các lá bài xuống. Có thể cầm bài theo chiều cạnh ngang hoặc dọc. Phương pháp này nhanh, hiệu quả và đề cao sự liên hệ phối hợp thao tác giữa tay và bài. Lưu ý cẩn thận với các cạnh bài vì về lâu dài chúng có thể bị tưa.

3. Phương pháp Cowie Push/Put

wrm7tyq---Imgur

Cắt các tụ bài và liên tục làm cho đến khi bạn cảm thấy đủ. Phương pháp này có thể chưa giúp bộ bài trở nên xáo trộn đều, mà dễ dính từng cụm bài với nhau. Tuy nhiên, các cụm bài đi cùng nhau vẫn có ý nghĩa riêng của nó.

4. Phương pháp xáo trộn (Scrambling Method)

PsdXbN9---Imgur

Phương pháp xáo trộn cực kỳ cơ bản. Trải toàn bộ các lá bài úp xuống trên mặt sàn hay bàn, và bắt đầu xáo trộn hoán đổi vị trí của chúng. Phương pháp xào bài này giúp tạo độ hòa trộn đều cho cỗ bài mà không tác động quá nhiều đến bản thân các lá bài. Điểm yếu duy nhất chỉ là bạn cần có không gian đủ để thực hiện. 

Lưu ý:

* Để tránh bài ra ngược: Bắt đầu quá trình xào bài với các lá bài được xếp cùng chiều, cùng mặt. Mỗi khi chia cỗ bài để chuẩn bị xào, nhớ rằng phải đảm bảo hai phần tụ bài được xếp cùng một mặt.

* Để tạo điều kiện cho bài ra ngược: Mỗi khi chia cỗ bài để chuẩn bị xào, hãy xoay 180 độ một trong hai cỗ.

Trình tự tìm hiểu các lá bài Tarot, theo kinh nghiệm dạy học của tôi, sẽ là:

Bộ Ẩn phụ: 40 lá đánh số -> 16 lá hoàng gia

Bộ Ẩn chính: Lá số O. The Fool và 3 tầng phát triển

Lý do:

  • Xác suất để xuất hiện 56 lá Ẩn phụ cao hơn 22 lá Ẩn chính.
  • Hơn nữa, khi bạn chưa đủ điều kiện để tập trung vào hành trình tâm linh hoàn toàn, vẫn còn vướng bận nhiều sự kiện đời sống thường nhật, 56 lá Ẩn phụ gần gũi hơn và hỗ trợ xử lý tình huống rất tốt.
  • Và cuối cùng, bộ Ẩn phụ dễ tiếp cận hơn Ẩn chính. Việc bắt đầu với bộ Ẩn phụ sẽ giúp bạn hình thành thói quen nắm bắt ý nghĩa biểu tượng và hình thành phương pháp giải nghĩa lá bài. Từ đó, tiếp cận bộ Ẩn chính nhẹ nhàng hơn.

3. bộ ẩn phụ (minor arcana)

3.1. Bốn nguyên tố

4 nguyên tố là nền tảng cho sự cấu thành vạn vật trong cách tiếp cận và nhìn nhận đời sống của người phương Tây. Việc nhận định về 4 nguyên tố trên khía cạnh biểu tượng có thể:

  • giúp bạn phân biệt rõ nét các lá bài giữa các bộ ẩn nhỏ với nhau: Lửa – Wands ; Nước – Cups ; Khí – Swords ; Đất – Pentacles.
  • giúp bạn tìm thấy ý nghĩa của đời sống, vượt qua những khổ đau, mất mát, để nhìn thấy bài học vũ trụ trao tặng, từ đó vươn lên trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Đồng thời, học cách quan sát và ghi nhận hành vi, lời nói của bản thân, trở nên tỉnh thức và sống tĩnh tại hơn.

Ghi nhận nguyên tố trên các khía cạnh

Việc quan sát, hình dung và liên tưởng mạnh mẽ từ đời sống thực tế đến các hình ảnh biểu tượng sẽ giúp tâm trí mở rộng, tăng cường năng lực diễn giải và dẫn kênh cho nguồn năng lượng sáng tạo trong bạn được thông suốt.

  • Đối với tự nhiên: Bốn yếu tố lửa, nước, khí, đất kết hợp với nhau tạo ra vạn vật, tạo ra tự nhiên bao gồm sông, núi, suối, ao, hồ, rừng cây, sa mạc,… 
  • Đối với con người: Ghi nhận các từ khoá mô tả phẩm tính giúp liên tưởng đến tính chất của nguyên tố. Ví dụ: Tính cách nóng nảy khiến liên tưởng đến nhiệt độ cao của ngọn lửa, tính cách mềm mỏng tự nhiên khiến liên tưởng đến  sự mát mẻ tĩnh lặng của nước..
  • Đối với hiện tượng: Ghi nhận các mô tả sự kiện, hành vi giúp liên tưởng đến tính chất của nguyên tố. Ví dụ: Sự khắc nghiệt của thương trường khiến hình dung đến các ngọn gió lạnh lẽo, sự đủ đầy của gian bếp khiến liên tưởng đến tính trù phú của đất.

Nguyên tố Lửa

Tương ứng với bộ Gậy, tập trung vào ý tưởng, động lực thôi thúc tạo thành năng lượng, hành vi, tốc độ, tiến trình, mục tiêu hướng đến, sức sáng tạo và chuyển động mạnh mẽ.

Nguyên tố Nước

Tương ứng với bộ Ly, biểu lộ cho cảm xúc, cảm nhận, sự nhạy cảm, trực giác, khả năng phản chiếu mong muốn, xuôi theo dòng chảy để mang đến những nhịp điệu hài hoà và dễ chịu.

Nguyên tố Khí

Tương ứng với bộ Kiếm, đại diện cho trí khôn, lý tưởng, tư duy, chủ định, ý chí, sức mạnh của tâm trí, cũng như những lợi ích luôn song hành cùng thử thách từ các giải pháp do tâm trí mang lại. 

Nguyên tố Đất

Tương ứng với bộ Tiền, bộc lộ cho nhu cầu an toàn, đảm bảo đời sống vật chất, sung túc và mĩ mãn, từ đó hướng đến các hành động, công việc thực tiễn giúp đảm bảo sinh tồn và cuộc sống bền vững.

3.2. Số học cơ bản

Cuộc hành trình đi từ Ace đến Ten để đáp ứng những thôi thúc từ xung quanh, và rồi lại từ Ten buông bớt, chắt lọc lại những điều thừa thãi để quay về lại với cái tâm ban sơ ở Ace.. hành trình đi xuôi đi ngược cho đến cuối cùng cũng chỉ xoay quanh mục đích thông suốt nguồn năng lượng quanh mình. Các lá đánh số biểu hiện cho những sự kiện mang tính thời điểm như vậy.

Các bạn sẽ nắm vững các đặc tính của mỗi nguyên tố, và áp dụng nó vào số học như cách phân tích ngắn gọn của mình tại video dưới đây nhe. Mình cắt từ buổi giảng của mình cho học viên nên.. hơi cụt lủn hông đầu hông đuôi, các bạn chỉ tham khảo cách tư duy để tự học các lá khác.

Số 1 - Các lá Ace

Số 2 - Các lá Two

Số 3 - Các lá Three

Số 4 - Các lá Four

Một đoạn giảng của mình về lá 4 of Wands:

Số 5 - Các lá Five

Số 6 - Các lá Six

Số 7 - Các lá Seven

Số 8 - Các lá Eight

Số 9 - Các lá Nine

Số 10 - Các lá Ten

3.3. Cấp bậc hoàng gia

Khi các lá Hoàng gia xuất hiện, điều cần ghi nhận là sự kiện có liên quan và bản thân người xem chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi người khác (luôn luôn là như vậy, vì nếu không liên quan đến ai khác thì các lá hoàng gia sẽ không xuất hiện). Tuỳ vào việc ghi nhận năng lượng và mức độ phát triển giữa thực tế cá nhân đối ứng với lá bài, xét các điều kiện sau:

  • Nếu lá Hoàng gia đại diện cho querent: xem xét cách querent bộc lộ, hành vi, phản ứng và tự hỏi liệu những người xung quanh chịu ảnh hưởng như thế nào khi đối diện với một người mang năng lượng như lá bài?
  • Nếu lá Hoàng gia đại diện cho một người quen của querent: tự hỏi người ấy mang phẩm tính như thế nào, có lối hành xử, phản ứng, thái độ gây tác động đến querent như thế nào, querent bị ảnh hưởng mạnh mẽ ra sao?
  • Nếu lá Hoàng gia có mặt tại vị trí sự kiện/bối cảnh: xem xét liệu sự kiện hay bối cảnh này đang chịu sự chi phối/chịu ảnh hưởng bởi một nhân tố nào?

Để có thể nhận dạng và phân tách rõ ràng như trên, yêu cầu đầu tiên là có khả năng phân biệt rạch ròi giữa các lá Hoàng gia với nhau; yêu cầu tiếp theo là tăng năng lực quan sát chuyển động đời sống, đi kèm với tư duy rành mạch trong khả năng phân loại và sắp xếp; yêu cầu cuối cùng là bổ sung thêm nhiều từ khoá mô tả tính cách, hành vi, cảm xúc, phản ứng, thái độ của con người. Càng có nhiều ngôn từ, càng dễ dàng trong việc phân loại.

Sơ đồ 4 cấp bậc Hoàng gia

Chúng ta có thể tìm hiểu các lá Hoàng gia theo các trình tự:

  • Mức độ phát triển/kinh nghiệm: Page -> Knight -> Queen -> King
  • Từng cặp nhị nguyên: Tính nữ: Page -> Queen; Tính nam: Knight -> King
  • Cặp đôi: King và Queen, Knight và Page.

Việc phân chia cấp độ cho các lá Hoàng gia, ngày xưa dễ phản ánh chính xác cả ngoại hình, địa vị lẫn tuổi tác. Nhưng ngày nay, với nhiều sự pha trộn và học hỏi lẫn nhau, đôi khi một người nữ trẻ hoàn toàn có thể mang năng lượng của một ông King già; ngược lại, một bác trung niên hoàn toàn có thể mang năng lượng của một lá Page nữ tính khi bác ấy tiếp cận một lĩnh vực mới với tinh thần ngây thơ, ham học hỏi và vô cùng tuân thủ hướng dẫn.

Các lá Page

Các lá Knight

Các anh chàng này tóm lại là trẻ trâu, vì đang bị thôi thúc phải phát triển nhanh chóng và tìm kiếm cho mình một chỗ đứng xã hội, nhưng nếu không có giai đoạn này, sẽ chẳng có Queen hay King gì cả. Có thể chịu sai rồi sửa sai, sau tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, còn hơn là không làm gì. Tuỳ vào nguyên tố nào mà nó trải nghiệm gì. Ví dụ Knight of Cups là một chàng bạch mã trong mơ của nhiều người, vì anh dịu dàng, lãng mạn, chịu nâng đỡ và xử lý hộ cảm xúc của các nàng; nhưng sẽ là nỗi ám ảnh kinh hoàng của những ai đã bước qua đời chàng, khi cảm xúc với cô gái nào, anh cũng muốn nếm trải, cho nên anh mở rộng văn hoá, quen một lúc 7 nàng…

Các lá Queen

Mấy nàng Queen thì có khả năng giữ gìn, nhưng còn giữ cái gì thì tuỳ vào khả năng chứa đựng của họ. Nếu mà không đủ tốt bụng, thì “đèn nhà ai nấy sáng”, còn khi mà đủ tốt bụng rồi thì với ai cũng có thể yêu thương được. Cho nên đừng ngạc nhiên khi thấy Queen of Swords vô lý (khái niệm về sự công bằng là của tao, nên tao không nghe theo mày), Queen of Cups vô tâm (tôi bận quan tâm đến cái chân đau của mình), Queen of Pentacles kẹt xỉ tính toán từng đồng (tiền của tôi tôi xài), Queen of Wands thiếu tôn trọng thằng khác (mặt mũi ai nấy giữ)…

Các lá King

Lên tới cấp độ King rồi thì khả năng gây ảnh hưởng khá tốt (cả tiêu cực lẫn tích cực), nên mấy ông này thường chọn làm việc mình thích/mình giỏi (chuyên gia) chứ còn mấy việc lặt vặt, nhỏ bé khác thì sai khiến người khác làm. Nên đứng trước một chuyên gia thế này, mình vừa cảm giác như là con rối bị thao túng, nhưng đồng thời vừa mong muốn được trở nên như họ.

4. Bộ Ẩn chính (major arcana)

Việc phân tách các lá Ẩn chính có nhiều cách thức khác nhau. Tôi chọn tách lá O. The Fool như một nhân tố tự do, đúng với tinh thần của lá bài. 21 lá bài còn lại chia cho 3 tầng như mục 2 đã chia sẻ. Mỗi tầng sẽ đại diện cho một nhu cầu, thôi thúc phát triển khác nhau. 

Tuy nhiên, tất cả chỉ là ẩn dụ các hình thức, tính chất hay đặc thù cho cách mà loại năng lượng bộc lộ. Việc sắp đặt trình tự và phân tách như thế này dễ dàng cho ta nhận diện bài học, tập trung chú ý vào việc xử lý những khía cạnh cần thiết cho bài học hiện tại, vì nguồn lực là hữu hạn. Do đó, một người đang phải học bài học của lá XV. The Devil không có nghĩa là họ thanh cao hay phát triển tâm linh vượt mức hơn những bạn đang loay hoay với bài học ở lá III. The Empress.

Mỗi lá bài vẫn có các cấp độ bài học khác nhau, ở cấp độ thấp, bạn hoàn thành bài tập nhỏ là có thể “qua môn”, nhưng khi được yêu cầu ở cấp độ cao hơn, bạn cần lặp lại bài học ở lá bài y hệt, nhưng với bài tập có mức độ khó hơn nhiều. 

Ví dụ về 2 cấp độ phát triển lá III. The Empress

Một người đang học bài tập cơ bản nhất ở lá III. The Empress là tự nuôi dưỡng bản thân, họ cần được nhận lời khuyên về việc yêu thương bản thân, chấp nhận bản thân, chăm sóc bản thân và lựa chọn những hoàn cảnh thuận lợi dễ dàng hơn cho chính mình. Nhưng nếu ta cứ “đao to búa lớn” cho họ những lời khuyên lý tưởng quá mức, như là “hãy yêu thương kẻ khác, hãy hào phóng cho đi, hãy nuôi dưỡng những người yêu thương” thì họ không thể làm nổi. Tình yêu bản thân còn chưa hiện diện bên trong chính họ, làm sao để có thừa mà san sẻ với kẻ khác? Chúng ta không thể cho đi thứ mà ta không có, đấy là bài học cốt lõi ở The Empress. Thế cho nên, nếu cấp độ đầu phải học ở lá bài này, đấy là mong muốn cho đi điều gì, hãy nuôi dưỡng thứ đấy trong chính ta trước tiên. Đấy là tôi chưa bàn đến năng lượng tính nữ cần được hiện diện phù hợp trong quá trình thực tập yêu thương chính mình…

So sánh bài học giữa cấp độ cao của III. The Empress với cấp độ thấp của XV. The Devil

Cấp độ cao của lá III. The Empress có thể nhận thấy một người học cách san sẻ nguồn lực, biến hoá nguồn lực trong tay trở nên trù phú, dồi dào hơn, cho một đồng có thể biến thành mười đồng để chia sẻ với những kẻ nghèo khó. Lá bài này xuất hiện ở một người luôn đủ đầy, sẽ thôi thúc họ học cách quan tâm, yêu thương kẻ khác, nuôi dưỡng đời sống vật chất những người xung quanh để hướng đến đời sống nữ tính mềm mại, thoải mái, dễ chịu, mát lành, không bon chen, tranh đấu.

Cấp độ thấp của lá XV. The Devil thậm chí còn biểu hiện cho một người thiếu năng lực tự chủ, họ bị lệ thuộc vào kẻ khác (được người khác nuôi thân) hoặc thứ gây nghiện nào đó (chạy trốn cảm giác yếu đuối). 

Do đó, bạn sẽ thấy, cho dù là một người đang học bài học thấp ở lá XV. The Devil cũng không có gì là ghê gớm hơn một người đang học bài học cao ở lá III. The Empress. Dù lá bài III. Empress nằm ở giai đoạn đầu, nhưng nó không hề đơn giản để học rốt ráo.

Rất khó để nhận biết một đối tượng nào đó đang ở cấp độ nào của yêu cầu bài tập vũ trụ. Nhưng điều tôi có thể khẳng định là, nếu bạn có mức độ trưởng thành cao hơn người khác, bạn có thể nhìn thấy con đường phát triển của họ. Còn nếu bạn vẫn chưa bắt kịp nhịp phát triển của đối tượng ấy, bạn sẽ chẳng biết họ đang ở đâu trên hành trình phát triển cả. Giống như ví dụ của sư phụ tôi “Một bạn học trung học phổ thông khi nhìn em bé học tiểu học làm bài tập toán, có thể nhận diện được trình độ của em bé ấy; nhưng ngược lại, em bé tiểu học không thể nào biết được bạn học sinh THPT kia đang ở trình độ nào, vì em bé không đủ năng lực.”

Vì thế, để giải nghĩa lá Ẩn chính không bao giờ là việc đơn giản, nếu bạn không có ý thức tự phát triển tâm linh của bản thân, bạn sẽ khó lòng đoán được khách hàng đang trong tình trạng như thế nào để đưa ra lời giải nghĩa. Điều này dẫn đến 2 lời khuyên tôi thường ra rả khắp nơi:

  1. Hãy tự xem Tarot cho bản thân để tập ghi nhận mức độ phát triển và chuyển động cá nhân đối với năng lượng lá bài. Điều này tốt cho chính con đường phát triển tâm linh của bạn nữa.
  2. Việc đăng trải bài lên mạng nhờ giải hộ thực sự là thử thách với mọi người, vì họ không biết mức độ phát triển của bạn đến đâu cả.

Vậy thì, đặt ra thêm một vấn đề ở đây, liệu bảng từ khoá này có thể dùng được? Dĩ nhiên là có thể rồi, vì những từ khoá tôi cung cấp chỉ đơn giản là mô tả năng lượng gốc (động cơ thúc đẩy, những thử thách và món quà), nhưng để liên kết thành sự kiện thường nhật, hay thành biểu hiện thực tế đời sống, thì chúng ta phải thực hành quan sát và ghi nhận. Không có ai có thể đi hộ bạn.

O. The Fool

Cho nên anh hay làm những trò mà những người bình thường, với đầu óc bị điều kiện hoá không thể hiểu nổi, nên họ gọi anh bị điên, làm trò hề, hay kẻ vô tổ chức.

Nếu chỉ một tíc tắc, bạn có thể dỡ bỏ hết mọi ràng buộc để enjoy hiện tại, bạn vừa trải nghiệm tinh thần của The Fool. 

Giai đoạn 1: Sinh tồn

Sống với nó, cùng với nó. Vượt qua nó, biến đổi nó.

Ở giai đoạn này, các bài học xoay quanh mục tiêu phát triển cá nhân, thông qua việc đối diện với những vấn đề cuộc sống, đáp ứng kỳ vọng xã hội, phản ứng với sự kiện và nhúng tay vào thay đổi mọi thứ xung quanh mang đến lợi ích cho mình. 

I. The Magician

II. The High Priestess

III. The Empress

IV. The Emperor

V. The Hierophant

VI. The Lovers

Sách có thể tham khảo thêm:

  • Siêu hình tình yêu, Siêu hình sự chết – Arthur Schopenhauer

VII. The Chariot

Giai đoạn 2: Nương dựa

Nhận ra nó, ghi nhận tính có đó. Nương vào nó, cho phép nó bộc lộ.

Giai đoạn tiếp theo, các bài học giúp ta nhận ra sự chi phối bởi những yếu tố hiển nhiên có mặt xung quanh, giúp ta gỡ bỏ lớp phòng thủ; chuyển đổi mong muốn chi phối kẻ khác hay sửa đổi thế giới – sang tự sửa mình (nhu cầu tu tập hiển lộ). Học cách buông lỏng và nương dựa vào những quy luật to lớn và vĩ đại hơn để vượt thoát.

VIII. Strength

Khi bắt đầu tầng 2, điều kiện tiên quyết cho năng lực phát triển nhìn thấu chân lý, ta cần học cách chấp nhận song hành cùng lòng bi mẫn. Vì nếu trí tuệ đi trước, dễ khiến ta trở nên khắc nghiệt, bất mãn với những sự thật trần trụi, không mấy tốt đẹp như kỳ vọng về bản thân lẫn cuộc đời. Từ đó trở nên thờ ơ, lảng tránh và không dám đối diện với sự thật, hoặc ta vẫn giữ nguyên quán tính của tầng 1: nảy sinh mong muốn biến đổi kẻ khác thay vì bước lên bài học của tầng 2.

Do đó, lòng bi mẫn chính là một loại can đảm cho ta sức mạnh tự nguyện đối diện với những khó khăn, thấu hiểu nỗi đau và phát sinh mong muốn hướng thượng. Nếu không thể vượt qua bài học của Strength, ta khó lòng an ổn học tốt giai đoạn kế tiếp.

? Patient Love – YÊU THƯƠNG LÀ KIÊN NHẪN ✨

Một video ngắn cảm động về cách người bố (Joel Mitchell) ở bên con gái mình khi cô bé có một cơn cáu giận.

Ở đó, chúng ta thấy hình ảnh một người bố đầy tình yêu thương, kiên nhẫn và hiện diện cùng cô bé nhưng cũng không kém phần kiên định, bảo vệ cô khi cô bé đang thể hiện cơn thịnh nộ của mình ?

Và khi nó đã trôi qua, chỉ còn lại những cái ôm giữa bố và con gái ?

Sách có thể tham khảo thêm:
  • Power and Force – Dr. David R. Hawkins

IX. The Hermit

Học cách sống một mình.

X. Wheel of Fortune

XI. Justice

Sách có thể tham khảo thêm:

  • Bàn về khế ước xã hội – Jean-Jacques Rousseau
  • Chánh kiến và nghiệp – Sayadaw Ledi và nhiều tác giả khác

XII. The Hanged Man

XIII. Death

XIV. Temperance

Giai đoạn 3: Toàn thể

Nhìn thấy các kết nối, liên hệ chặt chẽ. Tính thế giới, tính toàn thể

Giai đoạn cuối cùng, học cách chấp nhận mối liên hệ giữa mình với toàn thể, hiểu rằng mình không thể sống đơn lẻ, bất kì rung động nào từ ta cũng gây ảnh hưởng chặt chẽ đến kẻ khác và ngược lại. Phát triển tư duy phân tách trở nên toàn thể. Hướng đến bản thể hoàn thiện.

XV. The Devil

Trước khi nhìn thấy các kết nối ngoài kia thì phải nhìn thấy rõ ràng các mối ràng buộc với chính mình. Vì trong khi mình sống hoàn toàn với chính mình, thứ gì đang dính míu với mình, mình còn không ý thức được thì nhận diện nổi gì mấy kết nối mập mờ ảo diệu ngoài kia…

XVI. The Tower

Trước khi hoà mình với thế giới thì cần đập vỡ bức hàng rào đi đã. Chướng ngại to nhất là cái tôi này đây. Nhiều người chọn bỏ mạng (tự tử) chứ thà không bỏ cái tôi cao ngạo này ấy mà.. 

Sách có thể tham khảo thêm:

  • Thực nghiệm tâm linh – Rabindranath Tagore
  • Giảng kinh Vô ngã tướng – Anattalakkhana Sutta

XVII. The Star

Nếu chưa thể nắm bắt được tín hiệu, ta dễ cảm thấy trống rỗng / trống trải.

XVIII. The Moon

XIX. The Sun

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim”

– Tố Hữu

XX. Judgement

XXI. The World

Hành trình của The Fool là một cách kể chuyện liên kết nhanh 22 lá Ẩn chính để ghi nhớ nhanh các lá bài. Hai video này mình quay từ năm 2015, chưa hoàn thiện, nhưng mình thấy Lan Vy hùi đó đáng yêu quá, lại rất nỗ lực nữa, nên share với mọi người vào xem để nhìn thấy hai điều:

  1. Mình đã tiến bộ như thế nào trong suốt nhiều năm qua, chỉ cần không rời bỏ đam mê và cố gắng đọc sách song hành trải nghiệm.
  2. Mình luôn nỗ lực làm tốt hết khả năng, và nhận được nhiều ủng hộ, không xấu hổ hay tự ti thua kém người khác mà trở nên rút lui, thụt lùi.

5. Phương pháp giải nghĩa lá bài

5.1. Đặt câu hỏi tốt

Đặt câu hỏi vào đúng nơi thì mới tìm thấy câu trả lời. Một câu hỏi lạc hướng sẽ không đưa bạn đến mục đích bạn mong muốn.

Câu hỏi tốt là câu hỏi như thế nào?

Để phân biệt một câu hỏi tốt và một câu hỏi chưa tốt, ta xét trên khía cạnh “Liệu câu hỏi ấy có dẫn đến một giải pháp cải thiện vấn đề?”“Hay câu hỏi ấy chỉ nhằm thoả mãn cái tôi? Mang đến nhiều chia cắt và khổ đau hơn?”

Bởi vì tâm trí con người với mục tiêu giải quyết vấn đề, hướng đến đời sống an ổn, dấu chỉ cho thấy nó hoạt động tốt là khi nó đáp ứng được mục tiêu đó. Đôi khi tâm trí chúng ta bủa vây bởi nhiều loại mong muốn khác nhau, kì cùng, tất cả đều chỉ đáp ứng cho nhu cầu được ổn thoả và hạnh phúc. Có ai kiếm tiền mà không mơ ước mình được hạnh phúc? Có ai đạt được danh tiếng và quyền chức mà không mong mình được thuận lợi an toàn? 

Do vậy, nếu câu hỏi không mang đến giải pháp, ngược lại, nó chỉ củng cố thêm các khẳng định mang tính cực đoan, hoặc bám chấp vào nỗi đau, thì câu hỏi ấy chưa tốt, và có nguy cơ khiến ta càng thêm rối trí, gia tăng khủng hoảng. Sau buổi trải bài, dường như ta cảm thấy kiệt quệ, rối bời và lo lắng nhiều hơn.

Câu hỏi mang tính trấn an

Nếu bạn chưa có năng lực phân tích sắc bén, khả năng nhìn nhận vấn đề, hay kĩ thuật gợi mở câu chuyện phù hợp, bạn có thể tham khảo các câu hỏi mang tính trấn an. Nghĩa là một loạt câu hỏi hỗ trợ người xem bài nhìn nhận lại vấn đề một cách tổng thể, giúp họ tự quan sát chính họ trong quá trình trải lòng.

Những câu hỏi này cần được đặt ra trong bầu không gian an toàn, không phán xét, không ác ý hay mang tư kiến của reader, đồng thời, nếu có thể, hãy đưa vào câu hỏi năng lượng của tình yêu thương, nâng đỡ và nhiệt tâm muốn hỗ trợ người xem bài. 

Vì nếu chúng ta chưa thể giúp đỡ người khác, ít nhất không mang đến cho họ nguồn năng lượng tiêu cực như nỗi sợ hãi, lo lắng, hổ thẹn, dằn vặt, oán hận… Vì những cảm xúc này mang tần số rung động rất thấp, khiến một người trở nên lẩn quẩn, rối loạn và khó được bình an.

Cho dù là chủ đích của bạn không dùng Tarot để healing (giả dụ thế), thì mình tin là bạn cũng không có nhu cầu gây hại đến người khác bằng lời nói. Ý thức được sức ảnh hưởng của bản thân lên người xem là việc đầu tiên cần làm trước khi mở lời.

Tái định hướng câu hỏi của người xem bài

Có nhiều tình huống, người xem (querent-Q) hỏi một câu hỏi chưa tốt, nếu ta cứng nhắc trả lời, sẽ mang đến khổ đau cho họ. Dù là cái tôi của họ được thoả mãn, nhưng nỗi khổ trong họ không được vơi bớt. Tình huống khó ở đây là ta cần tái định hướng câu hỏi, và giúp họ có được câu trả lời cần thiết trong giai đoạn khó khăn. Để ít nhất, sau buổi xem bài, họ thấy nhẹ lòng, hoặc an tâm hơn khi tìm thấy một giải pháp phù hợp.

Ví dụ:

Q: Người yêu của tôi có ngoại tình không?

Mình tự hiểu ở đây, Q muốn được hạnh phúc. Nhưng vì họ có nhiều nỗi bất an, chưa tự tin vào bản thân, và chưa biết cách tương tác với người khác, nên mối quan hệ có trục trặc. Người thứ 3 chỉ là cách để Q trút lỗi, nhằm trốn tránh cảm giác bất lực của bản thân. Nhưng nếu chúng ta tập trung vào câu hỏi này cùng với Q, cảm giác bế tắc kéo dài rất lâu. Q tiếp tục giữ vai nạn nhân, không có gì thay đổi trong năng lực xử lý tương tác quan hệ, và điều này có thể sẽ gây ra vài bế tắc khác trong những mối quan hệ khác. Cuối cùng, Q có thể sẽ “sút bay” tên người yêu được cho là “bội bạc”, mà không cải thiện bất kì kĩ năng nào ở mình, khóc than cho số phận hẩm hiu, rồi lại lao vào cuộc tình khác và nguy cơ lặp lại tình huống là rất cao. Rốt cuộc, Q vẫn không thể hạnh phúc với câu hỏi thế này. Do đó, tôi chủ động đặt ra câu hỏi hỗ trợ đi vào trọng tâm hơn:

R: Bạn cảm thấy có điều gì không ổn từ mối quan hệ này?

Q: Vâng, …. và Q sẽ kể ra tình huống.

R: Bạn nghĩ chúng ta nên tìm hiểu một chút về các nguyên nhân gây ra điều bất ổn này không? 

Và nếu bạn chưa biết cách đặt câu hỏi như thế nào để khơi gợi sự hiểu biết ở Q và mối quan hệ, chúng ta sẽ cùng bước sang mục trải bài để tham khảo rất nhiều câu hỏi tuyệt vời từ những reader/nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm khác.

5.2. Trả lời tốt câu hỏi

Để trả lời tốt câu hỏi, chúng ta cần nắm bắt mong muốn của Querent là gì, một xíu mấu chốt thôi cũng được – đó có thể là bài học xuyên suốt cuộc đời Q, có thể chính Q cũng không nhận ra được (nên gặp tình trạng lạc lối).

Chúng ta vẫn thường lo lắng về việc đúng-sai. Nhưng nếu bạn hiểu, “hiện thực” cũng chỉ là sản phẩm của tâm trí, chẳng có gì là đúng tuyệt đối ngoài sự thay đổi liên tục của các luồng vật chất/năng lượng. Sự lo lắng đúng-sai của bạn chỉ phản ánh nỗi sợ không được Querent công nhận năng lực của bản thân, chứ không phải vì bạn thực sự muốn tốt cho Querent. 

Thế nào là trả lời tốt câu hỏi?

Vậy thì, nếu muốn tốt cho Q thì chúng ta nên lưu ý điều gì khi tìm kiếm một câu trả lời tốt?

  • Cho dù Q có yêu cầu bạn đưa ra một câu trả lời mang tính đúng-sai tuyệt đối, thì bạn hãy tin là nhu cầu trong sâu thẳm Q không cần câu trả lời dạng đó, họ đang cần một giải pháp thay đổi sự bất ưng trong đời họ. Và giải pháp không đến đâu khác ngoài chính họ. Tâm trí họ được đối diện với vấn đề, chuyển hóa, vấn đề thay đổi.
  • Sự bất ưng, chúng ta tạm hiểu là khổ, một từ ngắn gọn thể hiện cho trạng thái bên ngoài diễn ra không đúng với ý muốn trong tâm trí ta. Do đó, một câu trả lời đúng hay sai đi nữa, càng làm gia tăng trạng thái khổ của Q, vì nó không giúp Q vượt qua cái khổ, nó càng củng cố thêm lớp phòng thủ của Q, khiến Q thêm phản ứng.
  • Nếu bạn có thể nhận diện ý nghĩa lá bài đang phản ánh cho biết Q ở trong tình trạng khổ nào, và phương thức chủ động diệt khổ. Bạn đã tích được một điểm công đức cho việc hỗ trợ Q vượt qua bài học của Q.
  • Cho dù Q có thực hiện theo lời khuyên của lá Tarot hay không, không quan trọng. Bạn đã hoàn thành sứ mệnh của bạn – giải mã thông điệp của lá bài giúp Q hiểu hơn về bài học của bản thân thông qua quá trình thoát khổ.

Phân tích câu hỏi

Cho dù câu hỏi là gì, thường một người bị thôi thúc đi tìm câu trả lời khi họ cảm nhận sự bất ưng, thậm chí khổ sở, và họ mong muốn vượt qua cảm giác đó. Chỉ khác nhau ở chỗ

  1. Họ muốn xử lý triệu chứng trên bề mặt bằng các giải pháp tạm thời
  2. Hay họ muốn học rốt ráo bài học để vấn đề được xử lý gọn gàng, triệt để từ gốc rễ?

Mỗi người chúng ta đều sẽ có những bài học riêng, và ý chí tự do để lựa chọn liệu ta đối diện với nó thế nào: trì hoãn hay quyết liệt?

6. Trải bài Tarot

Để có được câu hỏi tốt, không hề đơn giản. Đó là lý do những người mới được khuyến khích tham khảo các trải bài Tarot từ những Reader giàu kinh nghiệm. Một trải bài được thiết kế dựa trên phân tích tình huống, đào sâu vào nhu cầu của Querent, từ đó thiết lập nên một loạt các câu hỏi mang tính gợi mở vấn đề. Các câu hỏi được sắp xếp theo bố cục/đồ hình tương tác năng lượng, hỗ trợ kết nối năng lượng rất sâu sắc. Đôi khi, bạn nhìn vào một trải bài được thiết kế tốt, đọc to những câu hỏi, bạn thậm chí còn có thể tự tìm thấy câu trả lời bên trong mình.

Những trải bài càng nổi tiếng, càng được biết đến và sử dụng bởi nhiều người, lực cộng hưởng của số đông càng mạnh. Năng lượng tập trung/kết nối của trải bài hỗ trợ tìm kiếm thông điệp rất mạnh mẽ. Đó là lý do khiến nhiều bạn cảm thấy thích các trải bài cổ điển.

7. Thiết lập nguyên tắc xem Tarot

Mục tiêu hỗ trợ/giúp đỡ nhằm hướng đến an ổn cho chúng ta. Do đó, dù là thiết lập nguyên tắc gì, cũng nên xoay quanh mục tiêu

“KHÔNG HẠI MÌNH-HẠI NGƯỜI”

Nguyên tắc là cần thiết cho sự an toàn. Việc bảo vệ bản thân trước hết, sẽ mang đến năng lực cống hiến lâu dài hơn. Tùy vào ranh giới cá nhân của mỗi bạn, sẽ cần có những nguyên tắc an toàn cho việc xem Tarot của họ. Vì ranh giới an toàn chính là phương thức cá nhân hiểu rõ giới hạn và đặt ra phương án tự vệ phù hợp.

Ví dụ một nguyên tắc của mình

Ngày còn đi học, mình thường xuyên bị nói xấu sau lưng, và bị tọc mạch chuyện riêng tư. Đây là bài học mà mình chưa vượt qua được, nên nó để lại nỗi đau trong mình. Từ sang chấn này, mình tránh né những cuộc nói chuyện về người vắng mặt, dù nói xấu hay là lời nhận xét chân thành.

Ngay từ đầu, mình đã đặt ra nguyên tắc trong các buổi xem Tarot của mình, là không nói về người vắng mặt, không tò mò thắc mắc về câu chuyện của người khác dù trên danh nghĩa là quan tâm, giúp đỡ. Nếu đối tượng ấy cần được xem Tarot, hãy giới thiệu cho họ đi xem trực tiếp.

Nguyên tắc này giúp mình đỡ bị khơi gợi những sang chấn cũ, đỡ tạo nên lớp phòng vệ đối với Querent, từ đó mới thoải mái kết nối và giải mã thông điệp đến với Querent một cách bình tĩnh và thấu suốt.

Nếu bạn chưa biết đặt nguyên tắc từ đâu



8. Nghi thức thì sao?

updating…

Trên đây là toàn bộ tiến trình học Tarot dựa trên kinh nghiệm tự phát triển cá nhân, và trong quá trình hướng dẫn/tổ chức dạy học cho rất nhiều học viên ở nhiều phương thức tương tác.

Đây là hướng dẫn nhập môn Tarot hiệu quả và dễ tiếp cận nhất hiện tại, và mình sẽ cập nhật thêm nếu cảm thấy cần bổ sung điều gì. Các thiết kế tóm tắt của mình cắt từ slide và giáo án mà mình dạy trong các lớp Tarot. 

Đây đồng thời sẽ là một bảng tóm tắt tiện lợi và hữu ích cho các bạn học viên của mình ôn lại bài học.

Nếu bạn muốn có lời giảng nghĩa kĩ lưỡng hơn, hoặc có file chất lượng hơn, hãy đăng ký khoá học trực tiếp với mình để được thực hành và hỗ trợ cá nhân.