Tự Yêu Chính Mình

Categories:BLOG
Vy Lan

Nhân dịp lễ tình nhân, mình xin chia sẻ các dấu chỉ và cách thức để một người có thể thực hành tự yêu chính mình (self-love). Vì khi bạn tự biết cách yêu chính mình, thì bạn mới biết cách yêu người khác, không làm khổ mình khổ người. Vì đa số những đau khổ trong các chuyện tình đều xuất phát từ việc một trong hai (hoặc cả hai) không biết cách yêu thương tự thân một cách lành mạnh, do đó mà mang sự khổ sở dày vò vào mối quan hệ dẫn đến làm tổn thương lẫn nhau.

Những chia sẻ này đều học được từ thầy Ngô Toàn (http://nhomhoctamly.com) nếu bạn thấy hữu ích, hãy cho bản thân một cơ hội đến lớp học miễn phí của thầy để hiểu hơn về chính mình. Tuy nhiên, những phân tích dưới đây hoàn toàn là tự mình, nếu có sơ sót nào hoàn toàn thuộc về trách nhiệm tư duy của mình, không liên quan đến lời thầy chỉ bảo.

? Dấu chỉ cho thấy một người đã yêu bản thân đúng cách

– Khi mình cảm nhận được cái khổ

– Khi mình cảm nhận được niềm vui

⛳️ Các hành động cần thiết để tự yêu chính mình một cách lành mạnh:

1. Nhận thức được rõ ràng điều mình nghĩ, mình cảm xúc, mình ứng xử, mình hành động (mindful) – hàm ý là không vô tâm (mindless) với chính mình. Để thực hành bước này, nếu bạn chưa tìm thấy chỉ dẫn từ đâu, có thể tham khảo bát chánh đạo.

2. Chọn làm những điều mình cần (need) thay vì tự nuông chiều theo những điều khiến mình cảm thấy dễ chịu, dĩ nhiên đó gọi là không dễ duôi với bản thân.

3. Thể hiện những hành vi cụ thể, thực tế (practive) thay vì chỉ dệt những ảo mộng trên lý thuyết cao xa, hay chỉ lên kế hoạch mà nằm yên không thực hiện chúng.

4. Có thể đặt để các ranh giới (biết lúc nào là limit), tức là không để người khác chạm vào giới hạn của mình (giới hạn về khả năng chịu đựng, về năng lực công việc, về khả năng thực hành…), điều đó còn hàm ý biết lượng sức mà chọn việc, không ôm đồm gánh vác quá sức – cho phép người khác đặt yêu cầu hợp lý, và cho bản thân cơ hội đặt yêu cầu lên người khác một cách phù hợp. Tuy nhiên không có nghĩa là không tự nâng khả năng của bản thân lên, vẫn phải có kế hoạch nâng dần giới hạn một cách từ từ.

5. Ngăn chặn/thoát khỏi những người ngoài mặt là bạn nhưng là kẻ thù (frenemies). Kì thực trên đời có rất nhiều người có lối hành xử “bằng mặt mà không bằng lòng”, cho nên khi phát hiện ra một ai đó cư xử không tốt với bạn sau lưng, dù ngoài mặt họ rất tử tế thì cũng nên biết cách từ chối và rời khỏi họ trước khi họ khiến cho đời mình trở nên te tua. Và bằng chứng là nhiều mối tình đã bị hủy hoại trong tay kẻ thứ ba mà trên danh nghĩa là “bạn thân của chung hai đứa” ?

6. Tha thứ cho chính mình (forgive), rất nhiều khi, chúng ta khắt khe và khó khăn với bản thân đến mức chỉ cần lỡ phạm phải một sai lầm nho nhỏ là tự dằn vặt và đổ lỗi cho mình cho người đến nỗi không cho chính mình cơ hội nào để làm lại (vì sợ lại sai lầm lần nữa). Tha thứ cho chính mình nghĩa là cho phép bản thân thử lại lần nữa, dám chấp nhận sai sót và hiểu rằng nếu có sai sót xảy ra thì có thể đến từ nhiều nguyên nhân chứ chưa hẳn là từ chính mình. Thời gian thay đổi thì các loại điều kiện cũng sẽ thay đổi, biết đâu thử lại lần nữa thì lại thành công?

7. Sống có ý định, mục đích (live intentionally), điều đó bao hàm cả việc hành vi và tâm trí nhất quán với ý định và mục đích đó, chứ không phải chỉ là những ảo tưởng. Đọc lại bài viết về cách thức theo đuổi mục tiêu mà mình đã chia sẻ ở đây >click here< . Khi bạn có những ý định và mục tiêu để tập trung vào, bạn sẽ cảm thấy bản thân có giá trị và cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn. Từ đó bạn sẽ giảm bớt thời gian rảnh rỗi soi mói, nói xấu, chỉ trích người khác, vì sự tập trung và thời gian thì có hạn, mà bạn đã dồn cho bản thân rồi.

Khi đã biết cách tự yêu chính mình, thì bạn trở thành một tình nhân tốt như thế nào?

1. Nhận thức được nhu cầu và hành vi của bản thân, từ đó có lối ứng xử đúng đắn, chừng mực với người khác, không nói ra những lời làm tổn thương đối phương, không vô tình làm những hành vi tội lỗi, không vô cớ bộc lộ cảm xúc thất thường khiến người yêu khổ sở. 

2. Tự giác thực hiện bổn phận và trách nhiệm của một người tình, giúp duy trì ngọn lửa tình cảm không bị nguội lành mà không đợi người yêu phải đòi hỏi, phải yêu cầu, phải nhắc nhở (những điều đó chỉ mang lại sự nặng nề và ngột ngạt)

3. Thể hiện sự quan tâm bằng hành động thực tế, không chỉ là những lời hứa hẹn suông.

4. Không xâm phạm sự riêng tư cá nhân của đối phương, và không cho phép đối phương bước quá ranh giới nhằm không làm tổn thương lẫn nhau. Chỉ khi hiểu rõ ranh giới của mình là gì thì mới có thể thực hiện được điều này.

5. Không khiến kẻ thứ ba có dịp tung hoành, phá rối mối quan hệ.

6. Khi bạn học được cách không đổ lỗi nữa, thì bạn thậm chí không đổ lỗi cho chính mình và không đổ lỗi cho người khác luôn. Thiệt sự kì diệu vậy đó. Không tin hả, thử đi 😉 ví dụ khi bạn hiểu là nỗi sợ hãi rụt rè của bạn đến từ hệ thống phòng thủ trong cảm xúc, thì việc bạn không dám làm điều gì đó hoàn toàn không phải do lỗi của bạn, chỉ là vì chưa có hoàn cảnh phù hợp để bạn “dỗ dành/ru ngủ/đánh lừa” hệ thống phòng thủ thôi.

7. Khi bạn tập trung vào chính mình, bạn sẽ bớt thời gian gây hấn với đối phương, đòi hỏi đối phương, hay soi mói xét nét đối phương, vì lúc đó bạn sẽ rất quý trọng thời gian của bản thân và người khác đó.

Vậy đó, liệu bạn có thể thực hành theo các bước chỉ dẫn rất cụ thể, rõ ràng như thế này không? Mình đã từng là một đứa tự làm khổ mình khổ người vì không biết cách yêu bản thân đúng mức. Nếu bạn muốn biết tình trạng trầm trọng của mình ra sao, xin hãy cho phép bản thân lượn vào trang Facebook của mình, các bài viết từ năm 2012 đến giữa năm 2018 rất rất nhiều tiêu cực, chỉ trích, trách móc, đổ lỗi, khổ sở và đau đớn của bản thân và trút lên người khác. Nhưng từ khi thực hành theo các dấu chỉ này, mình đã cảm nhận sự nhẹ nhõm và thư thái hơn từng ngày, do đó mà mình tin chúng thực sự hữu ích. Bạn cứ thử làm theo một cách nghiêm túc để chứng thực, chưa cần phải tin vội đâu. Mong cho mình, cho bạn và cho tha nhân luôn an ổn và tỉnh táo làm chủ cuộc đời.

Author:

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>