Đi qua nỗi đau, tự chủ tinh thần

Categories:BLOG
Vy Lan

Đây là tựa đề của một cuộc thi mà tôi đã tham dự, bằng cách viết về nỗi đau của bản thân, và hành trình sống cùng chúng.

***

Để kể về nỗi đau của tôi, 1000 từ là chưa đủ. Hầu như tôi cảm nhận được nỗi đau trong tất cả mọi khía cạnh của đời sống. Từ bé xíu, tôi đã tự hỏi, liệu có hạnh phúc nào không đi kèm nỗi đau?

Ngược lại với tôi, mẹ là người phụ nữ trông có vẻ lạc quan nhất trần gian. Bà luôn luôn cười với tất cả mọi người. Chưa ai nhìn thấy mẹ khóc. Nhưng tôi thì biết, mẹ có nhiều nỗi đau nhất hơn ai hết. Điều khổ tâm nhất là bà không thừa nhận nỗi đau của chính mình, vì bà nghĩ rằng cảm xúc tiêu cực chính là yếu đuối. Vậy nên bà đã cấm tôi biểu lộ cảm xúc trong nhiều tình huống. Ngày nhỏ, tôi trách bà đã cấm đoán tôi nhiều điều, nhưng mãi về sau, tôi mới hiểu ra: mẹ tôi không chịu đựng nổi khi nhìn thấy nỗi đau, bà chọn không nhìn thấy chúng. Ba tôi là người đàn ông giản dị và tình cảm, nhưng xung quanh không ai đánh giá cao những phẩm tính ấy. Ông bị áp lực phải trở nên giàu có và cứng rắn. Ba tôi tránh né hầu hết mọi sinh hoạt gia đình, sống đơn độc như một con sói. Ba luôn lúng túng trước những biểu hiện tình cảm. Ông hay trốn chạy và xa lánh, biểu hiện thường xuyên là phòng thủ và cáu bẳn. Sau này, nhìn cách ông vuốt ve, âu yếm con chó con mèo, tôi mới hiểu người đàn ông này khao khát tình yêu đến mức nào.

Gia đình tôi 5 người, không ai có kết nối với ai. Mỗi người đơn lẻ và lạc lõng đến mức kì lạ: mẹ luôn cười nói với mọi người, ba luôn tỏ vẻ phòng thủ và lạnh lùng, tôi luôn gắt gỏng và thờ ơ, em trai luôn tránh né và ủ dột, em gái luôn sợ hãi và tìm nơi bám víu. Tôi đã sớm tách rời, không quan tâm từng người sống thế nào. Tôi ghét cảm giác bất lực mỗi khi đứng trước các vấn đề của gia đình. Tôi ghét những cuộc hội thoại cụt lủn, lửng lơ. Tôi sợ cảm giác bất lực, tôi cảm thấy gia đình là gánh nặng, tôi tránh né hết mức khoảng thời gian về thăm nhà. Hầu như một năm về được một lần. Tôi tránh né các vấn đề của bản thân bằng cách làm việc điên cuồng, tìm kiếm sự công nhận mù quáng từ cộng đồng mạng, và đặc biệt là việc ăn uống. Đó là lý do mọi người nhìn thấy thân hình 75kg của tôi trong bức ảnh đính kèm. Về tâm lý, tôi mắc chứng rối loạn ăn uống, rối loạn mua sắm, tích trữ, chứng hưng trầm cảm. Sau này, vì nhiều vụ bắt nạt khác từ mạng xã hội, tôi còn một vài chứng rối loạn xã hội khác. Về cơ thể, hầu như không có cơ quan nào là tôi không có bệnh, tôi còn có cả khối u, nhưng may thay nó lành tính. Tôi luôn đau nhức khắp cơ thể (cảm giác như tắc nghẽn toàn bộ chuỗi năng lượng), không có đủ sức lực ngồi quá lâu, thời gian ra khỏi nhà cứ rút ngắn dần và tôi hầu như nằm mãi một chỗ.

Mãi sau này, tôi nhận ra cảm giác bất lực ấy bị thôi thúc bởi nỗi khao khát kết nối các thành viên với nhau. Trong một lần cùng mẹ đi từ thiện ở Buôn Mê Thuộc. Trước đống lửa do nhóm thiện nguyện đốt lên, tâm trí âm u của tôi bỗng le lói một ngọn lửa nhỏ. Tôi nảy sinh ước nguyện trước ngọn lửa thiêng liêng ấy, giá như mẹ con mình có thể hiểu nhau hơn.

Sự thay đổi bắt đầu từ đám tang của bà nội. Tôi nhìn thấy nỗi đau của bà trước khi mất, nó tích tụ nhiều đến nỗi trương phình như một đám mây tích điện. Nhưng bà không còn sức lực để tức giận, oán ghét hay bùng nổ. Tất cả thu gọn vào trong đôi mắt nhòe nhoẹt nước của bà. Tôi không muốn mình như thế, tôi muốn mình xử lý được cảm xúc của mình.

Việc đầu tiên tôi chọn làm, là chăm sóc lại cơ thể. Tôi tham gia chương trình cải thiện dinh dưỡng: thực hành ăn thực dưỡng số 7 trong hai tuần để xử lý nhiều chất độc cơ thể lẫn tinh thần, sau đó bổ sung bữa ăn giàu vitamin và khoáng chất. Trong quá trình chăm sóc cơ thể, tôi cảm nhận tình yêu với ba mẹ một cách rõ ràng. Tôi biết ơn ba mẹ vì đã trao tặng tôi cơ thể này, vì sao ngày xưa tôi lại ghét bỏ nó thế chứ? Tôi nhận ra mối quan hệ rõ ràng giữa tình yêu cơ thể với tình yêu ba mẹ. Tôi viết thư cho ba bảo rằng con yêu những phẩm tính giản dị của ba, ước gì ba có thể bày tỏ tình cảm với con. Tiến trình chữa lành của tôi hẳn nhiên rất dài dòng trong 3 năm qua, nhưng bước ngoặc đến từ việc tôi thay đổi kết nối với ba mẹ. Tôi thực hành lòng biết ơn, cố gắng bày tỏ tình yêu với ba mẹ, và ôm ba mẹ mỗi khi về thăm nhà. Ba tôi dĩ nhiên vẫn lúng túng trước cử chỉ bày tỏ tình cảm của tôi, nhưng ông có hồi đáp. Mẹ tôi thì không hề tự nhiên, ôm cứng tôi như thể không nói lên được tình yêu dành cho tôi mãnh liệt như nào.

Mọi thứ dễ chịu hơn hẳn, như một giấc mơ. Tôi về nhà thường xuyên hơn, có thể chia sẻ cảm nhận và quan điểm nhiều hơn. Ban đầu, bốn người còn lại chỉ im lặng, nhưng tôi không thấy ai khó chịu, tôi vẫn tiếp tục nói. Sau đó, bé em gái hưởng ứng, và đến mẹ tôi. Hai người đàn ông còn lại âm thầm hưởng ứng, nhưng tôi cảm nhận được kết nối. Tôi dành thời gian quan tâm gia đình, những vấn đề khác của bản thân cứ dần dần biến mất. Đến một lúc, tôi nhận ra đã thấy chính tôi đổi khác quá nhiều rồi. Tôi không nghĩ mình được nhiều thế, tôi chỉ đơn giản là nỗ lực vượt qua cảm xúc chối bỏ, ngại ngần và sợ hãi, để cất tiếng nói. Vì tôi yêu gia đình của tôi, và họ xứng đáng được nghe những lời yêu thương ấy.

Author:

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>