Chiron và lương tâm
Khám phá Chiron
Để bắt đầu cho loạt nghiệm lý về Chiron, một trong những cấu trúc có nhiều góc chiếu nhất lá số của mình, mình tạm dịch một đoạn sách của Celeste Teal, mà thực tế cuốn sách này của bà cũng chỉ có giá trị nhất ở đoạn này.
Khám phá Chiron vào 10h sáng ngày 01/11/1977 là mốc thời gian đặc biệt đánh dấu sự phát hiện tiểu hành tinh Chiron của Charles T. Kowai ở Pasadena (California). Chiron trong thần thoại được khắc họa như một bậc thầy thông thái, một chiêm tinh gia vĩ đại. Bên cạnh đó, nó còn đại diện cho hình ảnh một chiến binh dũng cảm với những phẩm chất cao quý vô ngần. Tuy nhiên, có lẽ đặc tính được nhấn mạnh nhất của nhân vật này là khả năng chữa lành kì diệu, đồng thời, ông cũng được xem là người khởi đầu tôn kính cho các thế hệ y, dược sĩ về sau.
Một điểm đặc biệt là ngay chính thời điểm phát hiện ra tiểu hành tinh này cũng đã tiết lộ cho chúng ta phần nào bản chất của nó. Đó là ngày Thánh lễ Halloween trong lịch của người Celt. Đây là lúc bức màn ngăn cách các thế giới mờ đi, nghi thức thắp lửa vào những chiếc ghế trống được thực hiện, u linh từ muôn ngả thông qua đó sẽ nhận được lời mời tham dự vào bữa tiệc.
Không phải từ sau khi Charles T.Kowai phát hiện, Chiron mới bộc lộ những tính chất của mình, mà thật ra, nó vẫn luôn quay theo trục quỹ đạo một cách khách quan giữa sao Thổ và sao Thiên vương từ trước khi được khám phá, đem đến khả năng chữa lành kì diệu và những quyền năng huyền bí của một cá thể được vũ trụ lựa chọn.
Ngày nay, chính chúng ta, những người có khả năng trải nghiệm chu trình quá cảnh của Chiron với đầy đủ tri thức và sự hiểu biết thông qua quá trình học tập, sẽ có thể khai thác tốt nhất những lợi ích mà nó mang lại.
Chiron có quỹ đạo hình elip, do đó, nó ở lâu hơn trong một số chòm sao hoàng đạo nhất định. Vào thời điểm nó được khám phá, rất nhiều những hoạt động thông linh, ngoại cảm, chữa lành và các lời khuyên rỉ tai nhau thực hành những chủ đề tương tự đang lan rộng, khuấy động nên một làn sóng chưa từng có. Chiron là hành tinh cai trị thuật chiêm đoán, sự thanh lọc và việc chữa lành thể xác/tâm hồn. Tuy nhiên, khi nhìn nhận một cách bao quát hơn, sứ mệnh của một Chiron là hàn gắn những vết nứt giữa thể lí và linh hồn. Chiron kết nối với đa dạng các cách thức hướng người ta đến sự thức tỉnh, giác ngộ, có thể là thông qua phương pháp Reiki, Hỏa xà (Kundalini) hay sự hợp nhất với tinh thần của Chúa. Nói tóm lại, Chiron là sự mở rộng về mặt ý thức, điều này tương tự như việc mang lại một khởi đầu mới. Đó là lúc nó kích hoạt nhận thức, làm ta tỉnh ngộ và hiểu sâu sắc hơn những gì đang cản trở chúng ta trên mỗi bước đường. Và do vậy, chúng ta trở thành những linh hồn mới mẻ với một hành trình phía trước đang chờ được làm mới hoàn toàn. Biết cách đương đầu với nỗi đau quả thật là một phần cần thiết trong tiến trình của Chiron.
Chiron trong vai nạn nhân
Các nhà chiêm tinh học phương Tây cho rằng Chiron có nét gì đó giống với sự thuần khiết của Xử Nữ, lực cộng hưởng và phản chiếu của Thiên Bình, nét cực đoan tột độ của Nhân Mã cũng như nỗi đau thấu tận tâm can của Bò Cạp.
Cảm giác mà Chiron mang lại khiến người ta phải tăng dần năng lực chịu đựng khổ sở, cho đến lúc nhận ra đời sống vốn là không thể tiếp tục chịu đựng, mà phải làm gì đó khác đi để chấm dứt nỗi đau, hành trình ấy được gọi là chữa lành.
Nhưng trước khi nhận ra bản chất của chữa lành chính là không muốn chịu đựng thêm đau khổ, phần đông nhân loại vẫn đong đưa giữa hai thái cực tại nơi Chiron, hoặc trở nên quá tốt đẹp và được cộng hưởng với những nét cá tính rất tốt đẹp nơi người khác mà trở nên tham đắm và bám dính lẫn thói ngạo mạn, chủ quan; hoặc trở nên tệ hại mà khiêu khích tâm tính xấu xí nơi kẻ khác để trở thành nạn nhân trong chính đời sống mà họ tạo dựng. Lẽ dĩ nhiên, nếu không thể nâng dần sức chịu đựng, mà cũng chưa thể giảm bớt vô minh để hiểu về Nhân duyên và Nghiệp quả, các tình huống phát sinh luôn xoay quanh loại cảm xúc chìm đắm trong vai trò nạn nhân, và đổ lỗi cho người khác, tạo nên một vòng tròn nghiệt duyên dây dưa kéo dài từ đời này sang kiếp nọ. Đó là lý do vị trí này thường có từ khóa là oan oan tương báo. Có một lý thuyết tâm lý cổ điển rất thuận tiện để xử lý loại hiểu biết này, cũng như kèm theo các chỉ dẫn phù hợp nhằm gia giảm các tình huống khổ sở tạm thời tại khu vực Chiron là The Karpman Drama Triangle.
Lương tâm
Chiron là nơi ta nhạy cảm với cái thiện lẫn cái ác từ bên ngoài, bởi vì trong chính ta sẵn có những hạt giống tương tự. Và khi có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với những ai có cùng loại quán tính, cả hai sẽ dành cho nhau những hành xử tương ưng. Đây có thể là nơi ta nhận được rất nhiều điều tốt đẹp tột cùng, cũng là nơi ta có thể tổn thương đến không thể chịu nổi. Và nếu chưa quen với việc tỉnh thức và dừng phản ứng, chính ta cũng gây cho người khác những nỗi đau khôn cùng, vì cách ta phản ứng mỗi khi nỗi đau từ bên ngoài tác động vào mỗi khi vượt quá ngưỡng chịu đựng của ta. Và mỗi khi cơn đau chạm ngưỡng, chúng ta thường có ba lối xử lý, hoặc là vô cảm với nỗi đau, hoặc là nâng dần ngưỡng chịu đau, hoặc là bị thôi thúc phải dừng lại các quán tính cũ để chấm dứt nỗi đau.
Và trong toàn bộ câu chuyện cân nhắc gây hại hay không gây hại khi sống cùng sống với người khác, chúng ta gọi đây là lương tâm. Bởi lẽ có thân người là cơ hội tốt để tu tập, và Chiron chính là nơi nhạy cảm nhất để cùng nhau trải qua những va chạm, tương tác rất người. Nếu Chân, Thiện, Mỹ chính là tính người thì không thể tìm đâu khác ngoài điểm Chiron trong các lá số người nghệ sĩ. Nỗi đau đáu về thời cuộc luôn tạo ra những tác phẩm để đời.
Giá trơ như đá thì đâu khổ
― Nguyễn Khuyến
Còn chút lương tâm mới khó nguôi
Ranh giới giữa thiện và ác
Bất kì cấu trúc Chiron nào cũng có thể là một trong ba trạng thái dưới đây, tùy vào quá trình tiến hóa trên con đường tâm linh của mỗi cá nhân, không phải do góc chiếu hay đặc thù cấu trúc lá số. Bởi lá số nào cũng có tiềm năng đạt thành đạo quả nếu đi đúng thiết kế. Mặc dù mỗi lá số sẽ có riêng biệt những cơ hội và thách thức nhất định, dường như không ai là giống ai.
Vô lương tâm
Nếu một cá nhân không đủ bản lĩnh và ý chí để chịu đựng nỗi đau, thường là trường năng lượng, tâm trí và trái tim họ cũng không cho phép cá nhân ấy cảm nhận nỗi đau quá sâu đậm. Mặc dù có cùng một trải nghiệm tồi tệ, không phải ai cũng cảm thấy đau đớn. Nhiều người sẽ cảm thấy lãnh cảm, cảm thấy dửng dưng, sự vụ đau lòng kia chẳng hề liên quan đến mình và cho rằng nỗi đau và các hình thức an ủi là ủy mị, thay vì phát sinh dòng cảm xúc rất mang tính người. Điều này là một lợi thế cho những ai đang điên cuồng theo đuổi mục tiêu và cần sử dụng bản thân lẫn người khác như phương tiện đạt thành mục tiêu đó, tức là dehumanize kẻ khác, và chính họ cũng đang trở nên phi nhân tính, kiểu người như vậy gọi là vô lương tâm. Giai đoạn này tạo cho họ khả năng quên mình, trở thành công cụ đắc lực cho các ý tưởng được thành hình. Nhưng đa phần là tệ hại vì bất kỳ lý tưởng nào không lấy sự an ổn của con người làm gốc, thì nó đi ngược lại tiến hóa, mang tính phá hoại và gây ra nhiều lần đau khổ.
Những người ở giai đoạn này có loại thú vui lấy nỗi đau của người khác ra làm trò tiêu khiển. Bởi họ vẫn cần cảm giác kết nối với kẻ khác, nhưng những va chạm nhẹ nhàng không thể chạm đến trái tim họ, vì đã trơ lì trước các cảm nhận. Mà đã trơ lì với nỗi đau, tức là cũng không thể cảm nhận được cái đẹp của đời sống. Một cuộc sống không có Chân, Thiện, Mĩ chẳng khác gì một con robot, tức là rất tẻ nhạt và nhàm chán.
Thế gian này mang đến bao đẹp đẽ,
nhưng đâu chỉ có thế, vì còn cả những niềm đau.
Rồi ngày sau
bạn nhận thêm một bài học vô giá:
niềm đau cũng là một món quà.
― Bianca Sparacino
Thế là họ triền miên cảm thấy cần những kích thích giật gân để thêm hương vị cho cuộc đời. Tùy vào mức độ vô cảm của một cá nhân mà các hành vi tội ác có thể ở mức độ nào. Một điển hình có thể kể đến là đánh bom liều chết hay phạm tội diệt chủng.
Ví dụ chiron h3 khoái trá khi lời nói của mình làm người khác đau khổ, chiron h5 khoái trá khi có thể làm người khác tụt mood, chiron h9 khoái trá khi thấy một ai đó hụt chân, chiron h11 khoái trá khi nhìn thấy ai đó khổ sở vì bị cô lập,…
Nhạy cảm
Khi một cá nhân bắt đầu một chân trên tiến trình thành nhân, đối diện với nỗi đau là bước đầu tiên, là điều kiện tiên quyết. Bởi nếu chối bỏ nỗi đau trong mình, bạn sẽ không thể nào trắc ẩn với đau đớn nơi kẻ khác, và bạn cứ thế thản nhiên giẫm đạp lên họ một cách vô nhân tính. Đến chính nỗi đau của mình, bạn có thể xem thường, thì làm sao có thể nhẹ nhàng với tổn thương của tha nhân.
Dù ở giai đoạn này dễ trở thành
“Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất…”
― Nam Cao
Nhưng đây là giai đoạn rất tốt để dần dần phát triển tâm phân biệt đúng sai phải trái. Làm nền tảng phóng đến nhu cầu tu tập để gia tăng lòng trắc ẩn, tự nhiên phát sinh nhu cầu gia giảm nỗi khổ đau trong mình và ở người. Tuy vậy, những bước đầu chẳng hề đơn giản, bạn cứ liên tục lắc lư qua lại giữa hai trạng thái hả hê và tội lỗi khi vô tình gây tổn thương cho kẻ khác, mong đợi nhưng lại nghi ngờ lòng tốt của kẻ khác dành cho mình. Và thực sự là khi đối diện cùng những ai đang ở trạng thái nhạy cảm này, chúng ta cần phải hết sức thận trọng, như thể đang đối xử với những người bị bỏng. Vì họ đang gom hết can đảm để phơi trần những tổn thương nhằm đối diện và chữa lành. Do đó, nếu bạn nhận ra bên cạnh bạn là một người nhạy cảm, hãy trân trọng và kiên nhẫn với họ, cần thiết hiểu rằng một số phản ứng thái quá của họ chỉ là những cơ hội vượt lên trên những quán tính khó khăn cũ. Vì để đi đến tiến trình này chẳng hề đơn giản, nó là cả một chuỗi ngày dài dồn hết can đảm và nỗ lực một cách âm thầm trong ý chí cá nhân của họ.
Ví dụ chiron h4 cảm thấy khổ sở khi sự xa cách của mình làm người khác buồn, nhưng chính nó cũng chưa thực sự thoải mái khi bày tỏ cảm xúc quá thân tình, chính nó trách lòng người sao lạnh giá nhưng khi ai đó cần một lời an ủi nó cũng thấy bối rối khó mở lời. Chiron h7 cảm thấy khổ sở khi đối phương không hợp tác với mình, nhưng chính nó lại không sẵn lòng nhượng bộ lúc cần.
Lấy ân báo oán
Khi một người gia tăng tâm từ và dừng được xu hướng đề cao một số trải nghiệm thoải mái và loại bỏ những trải nghiệm khó khăn. Lúc đó, các sự kiện được ghi nhận đúng mức độ và không để cho các thôi thúc phản ứng chi phối, họ dần có được thái độ phù hợp cho tiến trình chữa lành. Thái độ này chính là chấp nhận mọi sự kiện diễn ra đúng như chúng vốn vậy, nó sẽ tạo tiền đề cho việc hành động đúng, thay vì phản ứng để tránh né nỗi đau. Lúc này, bạn nhận ra mình có nhiều khả năng hơn để biết mình phải làm gì khi bạn có một bức tranh rõ ràng hơn về điều đang thực sự xảy ra. Nhận thức của bạn không còn bị bóp méo bởi những phán xét và ham muốn ích kỷ do nỗi sợ chi phối.
Lúc này bạn nhận ra, nếu bạn đối xử tệ với người khác vì họ đã làm như thế với bạn, nghĩa là bạn tạo ra tiền đề cho họ lại tiếp tục đối xử tệ với bạn lần nữa, và lần nữa. Cho đến khi bạn dừng phản ứng, bạn đối xử tốt với họ hơn, tiến trình này trở nên kì quặc, họ bối rối, và tình huống thường thấy là họ tránh né bạn bởi loại kịch bản mới này họ chưa quen dự phần. “Này ê, tao đối xử tệ với mày thì mày cũng phải đáp trả lại tương đương thì mới nhiều vui thú chứ?”
Một tình huống hiếm có hơn là bạn thậm chí có thể cảm hóa được kẻ tội lỗi bởi đặc tính thanh tẩy nơi Chiron. Khi bạn không còn bất kì hạt giống bất thiện nào khởi sinh khi đối diện với một ai đó, họ sẽ không có điều kiện để hành xử tệ hại với bạn. Tự nhiên trong tâm họ sẽ khởi phát lòng yêu thích cái thiện, cái đẹp. Lúc ấy, họ sẽ sẵn lòng quay lại làm người.
Nói thì dễ, gõ đôi ba câu chữ í mà. Nhưng lúc thực hành, bạn sẽ nhận ra sức chịu đựng của bạn là có giới hạn. Và khi đó, đừng nói đến việc có thể cảm hóa lòng người, bạn còn phải lo mà quay về giữ lại sự nhạy cảm trong chính mình. Bởi nếu không cẩn trọng mà để người khác gây tổn thương vượt ngưỡng chịu đựng, bạn có thể đánh mất tính người trong mình. Một trải nghiệm rất thật của mình về vụ ảo tưởng tại chiron h4 này.
Chữa lành tại Chiron chính là tìm lại cái tâm thiện
Ngày trước, mình từng được nghe một người anh lặp đi lặp lại nhiều lần về việc nhìn vào con sâu khiến ông ý khó chịu ra sao, và nếu có thể, ông ý sẽ diệt chủng loài sâu này. Đây thực sự là một giải pháp tệ hại nơi Chiron. Khi bạn có một cái tâm bất tịnh, nếu không phải là đối tượng này, cũng sẽ luôn có đối tượng nào đó ngoài kia khởi phát, cộng hưởng và làm bạn ngứa ngáy, khó chịu, khổ sở… Việc bạn cần làm không phải là tác động đến thế giới bên ngoài, mà là đấu tranh với những tối tăm trong lòng mình.
Công việc chữa lành lại chẳng hề thanh tao hay nhẹ nhàng, vì đây là một trong những công việc ngổn ngang nhất mà bạn từng biết. Việc chữa lành tựa như đào hết đất đá ra khỏi tâm hồn để cơi nới thêm không gian cho bạn trong chính cơ thể mình. Việc chữa lành tựa như một tia sáng le lói hiếm hoi trong hang động tối tăm mà cuộc sống đã đào sâu trung ban, tựa như bạn đang chăm chủ nhật nhanh từng mảnh vỡ.
― Bianca Sparacino
Nhưng trừ khi bạn tiến lên làm Thánh, tâm thanh tịnh sạch sẽ của bạn chẳng còn gây phiền hà. Nếu không, hãy hiểu rằng, giống như nỗi đau của bán thần Chiron, còn thân người là còn đau khổ. Học cách sống cùng nó, sống với người, và dần trở nên trắc ẩn với nỗi đau chung của nhân loại, thay vì hạn hẹp cho riêng mình. Đó là cách Chiron xoa dịu vết thương lòng.
Giờ đây, việc bạn có thể làm là mỗi khi đứng trước các tình huống có nguy cơ phát sinh đau khổ, hãy nhìn thật sâu vào tình huống, nhận ra rằng đối phương đã quá chừng khổ sở nên mới phát sinh hành vi và lời nói tràn đầy mùi khổ đau như vậy. Thế thì ta nên làm gì để giảm bớt khổ đau cho bản thân và cho đối phương? Khi bạn có ý thức giảm bớt khổ đau trong lòng và cho nhân loại, bạn đã quay về làm người. Còn chừng nào có thể làm Thánh, my god, hãy tích lũy dần các phẩm hạnh tốt hơn ở những cấu trúc khác, Chiron chỉ có thể nhắc nhở bạn đến vậy thôi.