Xây dựng phong cách thời trang
Mình từng viết một bài có tựa đề y hệt bên blog cũ, cách đây 5 năm. Nhưng bài viết đó không thể dùng lại cho căn nhà mới này, nên mình không mang qua. Giờ thì mình lại phải dụng tâm viết một bài mới theo yêu cầu của bé nhân viên. Nó cứ réo mình về việc hãy cho nó một chỉ dẫn về sự bối rối trong phong cách ăn mặc sau một khoảng thời gian theo dõi hình ảnh phù phiếm của mình. Thì đúng là nếu dõi theo những hình ảnh phù phiếm của mình, nó cũng chẳng thể học hỏi thêm được gì về nguyên tắc ăn mặc casual để mà đi ra đường, vì quần áo cho hình ảnh/sự kiện trang trọng nó khác quần áo ngày thường nhiều lắm. Thì bài viết này sẽ nói về cả hai.
Vỏ ốc có làm nên câu chuyện?
Lần gần đây nhất mình được nghe thổ lộ về hành trình xây dựng phong cách thời trang cho bản thân từ khởi đầu bối rối đến giai đoạn ổn định và duy trì là hồi đầu tháng, của một anh trai tinh tế, lịch sự và có gu ăn mặc nhận được đánh giá cao từ mình. Trong quá trình anh tỉ mỉ đánh giá từng item và thương hiệu mà anh trải nghiệm, mình đã cười lăn bò, ngặt nghẽo vì sự chi li, tỉ mỉ và khả năng nhìn nhận khá phức tạp những món đồ trông có vẻ đơn giản. Điều này phản ánh được thái độ nghiêm túc của anh đối với hình ảnh bản thân, khi trình hiện trước đối tác và trong cuộc sống cá nhân, vì đặc trưng công việc của anh phải tiếp cận những vị khách quan trọng. Mình rất ghi nhận. Anh có nói một câu mà xứng đáng để tóm tắt động cơ giúp bạn đọc cho hết bài viết dài dòng này: “Có những lĩnh vực dù không phải chuyên môn của mình, thì vẫn nên tìm hiểu ở một mức độ dùng được.”
Tóm lại, quần áo là ấn tượng đầu tiên mà một người dễ dàng tạo ra cho người khác. Đa phần mọi người rất thích giao lưu với những người có cùng tầng lớp, văn hóa với mình. Và quần áo là một đối tượng dễ làm cơ sở để đánh giá nhanh liệu người này có xứng để giao lưu. Một bộ film khá hài hước, và quan trọng là rất thỏa mãn gu thẩm mĩ của mình, mà bạn có thể tham khảo sức mạnh của quần áo là Anna tiểu thư dựng chuyện (Inventing Anna). Hãy chú ý lời thoại của từng nhân vật phụ khi kể về Anna, nhất là anh chàng designer sành điệu nhận diện đẳng cấp xã hội của Anna nhờ vào từng detail nhỏ nhất trên trang phục. Bạn có thể nhận ra sự hứng thú của nhiều người dành cho diện mạo đến mức đáng kinh ngạc, đủ để bạn bỏ công sức ra đầu tư cho vụ tìm hiểu đàng hoàng phong cách thời trang của bản thân. Nhất là nếu bạn còn ý định giữ một vị trí xã hội nhất định.
Đơn giản vs phức tạp – câu chuyện tự biết mình
Bạn có thể hiểu rằng, quần áo được bạn lựa chọn dựa trên nhận thức của bạn về nhân dạng cá nhân (identity), tức là cách bạn mong muốn mình trông như thế nào, cách bạn muốn người khác hình dung về bạn, cách bạn muốn nhận được đối xử tương xứng, cách mà bạn tự định vị mình trong mạng lưới xã hội, cách mà bạn đại diện cho nhóm/tầng xã hội bạn thuộc về, cách mà nó đại diện cho các hệ giá trị mà bạn xem trọng,… những yếu tố trên càng có độ nhất quán, tủ quần áo của bạn sẽ càng đơn giản và ít cầu kì. Đồng thời, quần áo và các loại phụ kiện còn phản ánh được rất nhiều thông tin về xuất phát điểm của bạn, văn hóa và học thức, nhóm tuổi và thời kì nơi xuất hiện các trend đặc thù, nghề nghiệp, thói quen, năng lực tài chính và độ ưu tiên của bạn dành cho dáng vẻ bề ngoài. Tóm lại, nếu bạn không chủ động thiết kế phong cách cho riêng mình, bạn sẽ bị các xu hướng xã hội chi phối ngược lại, và không khó gì để mình nhận diện nhanh rất nhiều thông tin đặc thù về background của bạn.
Một lần xa hơn, là hồi đầu năm, khi được nghe thằng em kể về cách nó mạnh tay thanh lý nốt số quần áo không mấy phù hợp nữa, sau khi đã xác định rõ phương hướng tương lai và tập trung vào mục tiêu nhất quán, với một mạng lưới xã hội đặc thù chuyên biệt, và không có ý nhảy sang bất kì lĩnh vực nào khác thêm. Sau đó, nó ngạc nhiên khi lần dọn nhà này, nó chỉ cần một chiếc vali là có thể chứa đủ các món đồ cần thiết cho cuộc sống của nó. Khác với cách đây 3 năm, khi chuyển nhà cần phải có một chiếc xe bán tải thồ hết đống quần áo phụ kiện linh tinh của nó về, vì lần đó nó thậm chí còn chưa tự nhận diện bản thân là ai, và đang có mục đích gì trong cuộc sống, thậm chí còn không rõ mình đang thuộc về nhóm xã hội nào. Hiện nó cũng nhận được đánh giá khá cao của mình cho gu ăn mặc ổn định, mang đậm dấu ấn cá nhân của nó, và tạo ấn tượng tốt đối với mạng lưới xã hội mà nó thuộc về. Nó lựa chọn rất kĩ từng item trước khi quyết định mua, dựa vào độ bền, mức độ phức tạp trong bảo quản, tính ứng dụng linh hoạt, và khả năng biến tấu phối hợp lẫn nhau. Chất lượng hơn số lượng, bạn có thể lựa chọn định hướng này, nếu cuộc sống của bạn cũng có mục tiêu đơn giản.
Câu chuyện của mình thì phức tạp hơn, vì mình chưa xác định một tương lai cố định, và cũng chưa có ý định thuộc về nhóm xã hội đặc thù nào, nên hiện tủ quần áo của mình vẫn đang có nhiều phong cách trong đó. Hoặc bạn có thể hiểu là, mình có nhiều bộ mặt xã hội phức tạp, nên mình cần bảo quản số lượng quần áo tương đương để hóa thân cho phù hợp với nhiều mục đích khác nhau. Dễ hình dung thì, hiện trên mạng xã hội, mình vẫn đang duy trì ổn định một phong cách trưởng thành gợi cảm, nhưng thực tế bên ngoài mình chỉ vận những bộ casual đơn giản như áo ống x quần vải suông dài, áo croptop x quần jeans dài hoặc ngắn, đầm thun suông một màu và một chiếc áo khoác mỏng. Ít ai nhìn thấy mình mặc những bộ đồ trên mạng xã hội ra ngoài đường.
Điều này gây ra một số hiểu lầm thú vị. Có một vài anh trai khá hứng thú với hình ảnh trên mạng xã hội của mình, và tìm cách tiếp cận ngoài thực tế. Dĩ nhiên, thực tế của mình thì chán òm với những bộ đồ theo phong cách casual, mình lại còn ưu tiên sự thoải mái, dễ chịu, nên nó ít khi mang tính cầu kì, ấn tượng như trên hình ảnh. Vậy là có một anh trai còn thậm chí ca thán “Trông ở ngoài em xấu hơn trên ảnh” =)))))))))))))) Điều này khiến mình được an toàn khỏi sự quấy rối ngoài đời thực và gây ra bối rối đáng kể cho những ai muốn “đọc” thông tin về mình dựa vào vẻ bề ngoài, mình có phần thích thú đôi chút khi có thể dẫn dắt người khác hiểu về mình theo cách mà mình muốn họ hiểu, thông qua quần áo. Nhưng mình không thường xuyên dress up kiểu cầu kì. Những bộ quần áo mang tính cầu kì sẽ tiêu tốn khá nhiều nguồn lực cho cuộc sống thực tế của mình (cả quá trình dress up lẫn bảo quản), trong khi mình thường ưu tiên phát triển tâm linh và trí tuệ hơn. Vậy nếu bạn thấy mình dress up cẩn thận cho một dịp gì đó cùng bạn, hẳn là bạn rất quan trọng đủ để mình muốn gây ấn tượng tốt trong mắt bạn. Giống như một chiếc meme hài là Nếu một cô gái gội đầu trước khi gặp bạn, hẳn là bạn rất quan trọng.
Các bước thiết lập phong cách thời trang
Hẳn là bạn sẽ kéo xuống mục này trước hết, nếu bạn không phải là người thích tận hưởng mạch logic dài dòng. Vậy thì bắt đầu từ việc trả lời từng câu hỏi dưới đây để quản lý tủ quần áo của bản thân một cách có hệ thống hơn. Mình vẫn thường làm việc với tâm trí trước khi làm việc với các yếu tố bên ngoài.
1. Bạn thường xuất hiện trong những không gian nào?
Chúng ta bị điều kiện hóa bởi môi trường là phần lớn, thế nên việc nhận diện bạn thường xuyên hiện diện ở không gian nào, có đặc điểm về môi trường và hoạt động nơi đó, cũng như con người và văn hóa là rất quan trọng. Bạn có thể mô tả chi tiết từng không gian mà bạn thuộc về, rồi tự hỏi liệu bản thân thường xuyên có xu hướng mặc những bộ quần áo như thế nào khi đi đến không gian đó?
Ví dụ, một người có 8h đi làm ở nơi công sở, 2h tập gym và thi thoảng hẹn cafe cùng bạn bè, sống ở TP.HCM, nơi mà hầu hết mọi địa điểm đều gắn máy lạnh. Thì họ có thể lựa chọn các bộ quần áo hơi hướm hiện đại, lịch sự, có thể trông chuyên nghiệp hoặc tối giản, chất liệu thấm hút mồ hôi tốt, thiết kế linh hoạt từ dài ngắn khác nhau, và kèm theo áo khoác để linh hoạt ra nắng hay trong mát. Và tủ quần áo của họ có thêm vài bộ đồ tập gym phù hợp.
Nhưng nếu đối tượng này là một người có hẳn 5h tập luyện các môn thể thao, chắc chắn tủ quần áo của họ sẽ nghiêng hẳn sang phong cách sporty, với các bộ quần áo casual mang thiết kế sporty để khoe vóc dáng năng động, và chắc chắn là tủ quần áo hơn một nửa sẽ là đồ chuyên dụng cho hoạt động thể thao của họ.
2. Bạn thường gặp gỡ những nhóm người/đối tượng như thế nào?
Việc xác định nhóm người bạn có tương tác thường xuyên sẽ giúp định hình trang phục của bạn, vì bạn không thể mặc đồ lệch pha với họ mà có thể gặp gỡ nhau lâu dài được, trừ khi bạn ở trong môi trường sáng tạo và có khuyến khích phá vỡ quy chuẩn. Chứ còn thông thường thì bạn vẫn là trung bình cộng của 5 người bạn gặp gỡ hằng ngày. Nếu nhóm bạn mỗi lần rủ đi chơi chỉ mặc mỗi áo thun quần jeans thì mình cá là bạn chẳng dám diện chiếc đầm thướt tha chạy đến ngồi cùng họ. Trừ khi bạn có một cá tính mạnh mẽ, như mình :v
3. Bạn tự đánh giá bản thân có gu thẩm mĩ ở mức độ nào?
Nếu bạn có gu thẩm mĩ tốt thì chắc đã không lạc vô cái blog này :v còn nếu đã đọc tới đây thì mình chỉ có một lời khuyên cho bạn là nếu muốn khởi sự có một phong cách thời trang nhất quán, thì hãy sắm sửa mọi món đồ tại một thương hiệu thiết kế, bạn sẽ nhận ra bất kể món nào bạn mua tại thương hiệu đó đều có thể tiện lợi phối hợp cùng nhau mà vẫn tạo ra phong cách nhất quán, đỡ hẳn vụ đau đầu khi mở tủ quần áo tạp nham ra xong không biết phối thứ gì với thứ gì rồi la làng em không có gì để mặc.
Ví dụ nếu theo phong cách streetwear mà kể đến một local brand thì mình vẫn high recommend Bad Habbit/Bad Rabbit. Cách họ làm thương hiệu bao gồm phong cách nhất quán, ngôn ngữ hình ảnh và thông điệp rành mạch giúp cho người mua dễ dàng định hướng bản thân thông qua mua sắm các món đồ tại thương hiệu đó. Cá nhân mình cho rằng, trách nhiệm của thiết kế chính là định hướng và giáo dục người tiêu dùng như vậy.
Còn nếu mua sắm đồ 2hand hoặc quần áo ở chợ thì chắc chắn bạn phải rèn luyện khả năng đánh giá các bộ nguyên tắc thẩm mĩ cứng tay rồi, vào đó lựa chọn mới nhất quán với tủ quần áo của bạn được.
Hãy hình dung tủ quần áo của bạn nó sẽ giống y hệt cái nơi mà bạn chọn lựa món đồ mang về. Chưa đủ bản lĩnh thì đừng vào chợ, đừng ham rẻ í, trả chút tiền cho người khác giáo dục mình đi.
4. Bạn sẵn sàng đầu tư nguồn lực cho vụ quần áo này đến mức nào?
Mình đặt ra câu hỏi này để bạn chuẩn bị xuống câu hỏi bên dưới í. Vì mỗi phong cách nó sẽ đòi hỏi không chỉ quần áo mà còn là bộ phụ kiện đi kèm. Nhiều bạn tiêu dùng thông minh, thời còn là sinh viên, chọn style tối giản kiểu
- Một chiếc quần jeans form basic có thể phối với mọi kiểu áo
- Một chiếc sơ mi form rộng trơn màu có thể mặc sơ vin lịch sự, hay khoác ngoài xắn tay áo bụi bụi tùy bối cảnh đi học, đi làm hay đi chơi
- Một đôi sneaker kinh điển mọi thời đại như Converse hay nhái form kiểu đấy phù hợp với mọi loại quần áo theo phong cách casual
- Một chiếc túi tote bằng vải mang với quần áo, đầm váy kiểu ngây thơ hay lịch sự thì đều rất hợp
- Một chiếc balo trơn màu phù hợp cho mọi dịp học hành, du lịch, đi dạo phố…
Và cứ hễ bạn thêm vào tủ đồ bất kì loại phong cách gì, bạn không chỉ tốn tiền mua một cái đầm, mà còn là câu chuyện của đôi giầy, túi xách, thậm chí là đồ make up… và nhiều khi còn phải … thay đổi người yêu, bạn bè cho phù hợp khi đi cùng nữa. Vụ này nan giải à nha :v nên cân nhắc cẩn trọng.
5. Mô tả 4 tính từ về vẻ ngoài mà bạn muốn trở thành/trông thấy
Bạn cần biết chính xác bạn muốn người khác trông thấy bạn như thế nào, thì bạn mới có thể tận dụng quần áo mà tạo nên cảm giác đó được. Ví dụ mình luôn muốn bản thân trông dễ thương, đôi chút nghịch ngợm, tươi vui, nên ở dưới đây bạn sẽ thấy cách mình biến tấu trang phục theo định hướng này.
Ví dụ cũng là áo sơ mi quần cộc, người ta mặc basic tạo cảm giác đơn giản và lịch sự. Mình cách điệu tay áo phồng cho nữ tính hơn, mặc màu sáng tạo cảm giác vui tươi, và đội một chiếc mũ nghịch ngợm, cùng đôi oxford đế dày vẫn không kém phần lịch sự.
Hoặc là với phong cách streetwear, mình cố tình mặc chiếc áo croptop bên trong tạo cảm giác nhỏ nhắn đáng yêu, chiếc áo boomber lại có họa tiết nghịch ngợm, nhưng đôi boots không hề kém cạnh trong khả năng tạo ra sự cá tính. Đi kèm chiếc túi họa tiết graffiti và chiếc short túi hộp chất liệu vải nhung tăm trông rất bụi bặm.
Còn nếu bạn thích được nhìn thấy bản thân nữ tính, mềm mại, tủ quần áo của bạn chắc chắn không thể thiếu các món có chất liệu mềm mại, hai dây, có ren, nơ hoặc cột thắt eo, phụ kiện cũng không thể thiếu giầy cao gót hay vài chiếc túi điệu đà. Đó là lý do mà mỗi hình tượng bạn muốn theo đuổi, sẽ tiêu tốn kha khá nguồn lực mà bạn dành cho.
6. Các đặc điểm về ngoại hình của bạn
Cần thiết ý thức về vóc dáng của bản thân để lựa chọn trang phục giúp tôn dáng dựa vào các nguyên lý thị giác. Chứ còn nếu muốn mặc hợp và đẹp trong hầu hết mọi style trên đời thì phải cố gắng tập luyện, gò ép cơ thể vào tỉ lệ chuẩn của ma nơ canh í nó là câu chuyện của mục trên, liệu bạn muốn đầu tư bao nhiêu nguồn lực cho vụ này.
Nếu bạn cảm thấy quá thích một style nào đó thì có thể cân nhắc chỉnh sửa ngoại hình cho fit với style đó, thích thì phải nhích thui. Như kiểu cơ thể mình vốn dễ tăng cơ và trở nên đô con, làn da lại nâu nâu dễ bắt nắng. Nếu mình thích sporty thì hẳn là rất dễ tạo được vẻ ngoài mạnh khỏe rám nắng, thế thì tiện quá vì cứ nương vào bộ gen sẵn có. Nhưng mình lại thích hình ảnh mỏng manh, đáng yêu, dễ thương, nhẹ nhàng thì làn da rám nắng với cơ bắp cuồn cuộn thì có vẻ hong hợp lắm. Rốt cuộc mình phải cắt giảm mạnh thịt động vật, không tập tành hùng hục mà chỉ dãn cơ để làm mảnh các cơ bắp, dùng glutathione để da trắng dần và chịu khó che chắn kĩ trước khi ra ngoài. Dĩ nhiên khung xương của mình vốn dĩ không mảnh mai mỏng manh như một số bạn bẩm sinh đã thế, da các bạn í lại còn trắng xanh trông rất hợp style vậy. Nhưng mình vẫn tạo được ảo ảnh đó thông qua các lựa chọn trang phục đánh lừa thị giác.
Dáng người
Mình nhớ hồi học cấp 2 có môn Công nghệ hình như cũng được hướng dẫn một tí về cách chọn trang phục dựa vào vóc dáng cơ thể. Đại khái như sọc dọc tạo cảm giác gầy, sọc ngang tạo cảm giác đầy đặn hơn, hoa nhí tạo cảm giác mảnh mai hơn hoa to, pattern dạng rải rác ngẫu nhiên tạo cảm giác thướt tha mềm mại, pattern có tỉ lệ và lặp lại thường tạo cảm giác cứng cỏi, caro nhí tạo cảm giác nàng thơ cổ điển kiểu thập niên 70s, còn caro to tạo cảm giác lực lưỡng (nên nhiều áo sơ mi nam hay làm caro to), màu trơn tạo giảm giác formal chuyên nghiệp, có hoa văn tạo cảm giác gần gũi thân thiện, màu tối giúp che khuyết điểm tốt hơn,…
Rồi váy ngắn và dạng cạp cao tạo cảm giác chân dài, áo croptop tạo cảm giác eo thon lưng dài, áo hai dây tạo cảm giác cổ mảnh mai hơn, áo có tay cụt tạo cảm giác cánh tay đầy đặn hơn, áo sát nách tạo cảm giác tay thon hơn, váy suông giúp cơ thể trông dài ra hơn,… cùng với các chi tiết kiểu thắt nơ ở eo tạo cảm giác nhỏ eo, chất liệu thô cứng giúp đứng form và đầy đặn, chất liệu mỏng tạo cảm giác thanh mảnh hơn.
Mình có giữ ảnh này để tham khảo các item phù hợp cho mỗi shape người, mình nghĩ các bạn có thể lên Pinterest search cũng có nhiều hướng dẫn tương tự.
Tone da
Vụ màu sắc này thấy mấy bạn trên tiktok bày mẹo là hãy đưa da bạn lên các mảnh vải ngoài chợ để biết liệu bản thân hợp với màu nào. Kiểu ai thích trắng trẻo thì ưu tiên các màu vải giúp tôn da, ai thích rám nắng khỏe mạnh thì ưu tiên các màu vải dìm da. Mặc dù mình thấy có nhiều bài test sắc độ da cho biết các bảng màu phù hợp với chi phí cao, nhưng mình nghĩ để tiết kiệm thì cứ ra chợ thực chứng, mà lại nhanh nữa.
Nếu bạn sắp có một cuộc cách mạng
Cần thiết hiểu rằng không có cuộc cách mạng nào mà không đánh đổi nhiều nguồn lực. Việc bạn đưa ra quyết định rằng tôi sẽ có một diện mạo chủ động hơn sẽ giúp bạn thay đổi đáng kể vị trí xã hội và cách thức mọi người tương tác với bạn. Các cơ hội mới đến với bạn phù hợp với mong muốn, ý định và hệ hình tư tưởng của bạn hơn bởi vì ít nhất là trông dáng vẻ bạn đã nhất quán với những gì bạn mong muốn thu hút vào.
Bạn có thể bắt đầu bằng việc trả lời các câu hỏi bên trên của mình, và tiếp theo là
- tìm kiếm pinterest và instagram những fashionista đang theo đuổi nhất quán phong cách mà bạn hướng đến,
- lượng shopee hoặc vẫn là instagram các shop quần áo khả dĩ cho phong cách bạn mong muốn,
- tham khảo giá cả và chất lượng thông qua các review từ các kênh bán hàng
- mạnh dạn thanh lý các món đồ không phù hợp với định hướng của bạn để dọn tủ cho những cơ hội mới, nếu bạn cứ giữ lại những gì cũ kĩ, chi phí cơ hội sẽ nhấn chìm bạn
- mỗi khi quyết định mua 1 món đồ nào đó, cần cân nhắc thật kĩ khả năng phối hợp của nó với các món đồ bạn đã sẵn có, nếu nguồn lực là hữu hạn, có thể xét xem liệu bạn đã có món nào tương tự có thể thay thế chức năng mà không cần mua mới
- hỏi xin/mua lại những món đồ của những người bạn xung quanh bạn đã thay đổi phong cách
Một chút nâng cao
Thực sự mình không khoái fast fashion lắm, dù mình cũng nương nhờ kha khá vào ngành công nghiệp này. Bạn sẽ thấy là bảng size của quần áo nó sẽ lấy ma nơ canh làm chuẩn mực cho size S, sau đó nhảy size xuống XS, nhảy lên M, L, XL, XLL… theo cấp số nhân. Tức là trừ khi cơ thể bạn có tỉ lệ hoàn mĩ theo số đo ma nơ canh thì bạn mặc quần áo may sẵn mới thực sự là vừa vặn và tôn dáng. Còn nếu không thì bạn sẽ luôn rơi vào tình trạng bị chật nách, dư chiều dài, hụt chiều lưng, thùng thình vùng hông mà lại quá ních vùng đùi…
Đa phần các brand từ Âu Mỹ vào VN đều khiến cơ thể người VN mặc vào trông kì quặc kiểu vậy, à trừ Pull & Bear nhe, mình vẫn có một độ ưu ái mỗi khi nhắc đến brand này mặc dù hiện mình không còn đi theo style của nó nữa. Nên từ sớm mình khá là khoái mấy local brand của Trung Quốc, họ có vóc dáng khá tương đồng với mình rập của họ được thiết kế khá sát với dáng người Việt. Nhiều local brand ở VN cũng customize cho vóc dáng người Việt khá tốt, trong đó có thể kể đến Libé hay Ouah. Nhưng có nhiều brand sao chép bảng size của Âu Mỹ nên mang danh là local brand lại chẳng hoàn thành tốt vai trò của mình tẹo nào.
Một giải pháp khác là có các shop may đo trên instagram cũng khá tốt trong vai trò giúp mỗi bộ quần áo đến tay người mặc được vừa vặn xinh đẹp. Trong số đó có Daisy and Rose mình cực cực iu. Hoặc các shop chỉn chu cũng có dịch vụ chỉnh sửa theo số đo vừa vặn với khách hàng mà mình đánh giá cao nỗ lực của họ là The Country Boutique.
Nhưng nếu bạn vẫn bế tắc trong việc tìm ra một shop quần áo vừa vặn với vóc dáng cơ thể đặc thù, hãy tin rằng thợ sửa quần áo giỏi sẽ là người bạn tuyệt vời nhất của bạn :v Hãy kết thân với một thợ may mặc giỏi, và nhờ họ chỉnh sửa các bộ quần áo của bạn cho vừa vặn. Thì dù bạn chọn phong cách nào, độ chỉn chu của trang phục vẫn giúp bạn trở nên xinh đẹp.
Và, yes, đây là một việc tốn thì giờ, nhưng bạn có một cơ hội khám phá bản thân kĩ lưỡng hơn, đồng thời hiểu hơn về một góc thế giới đang vận hành. Cũng vui mà nhỉ? Cùng tận hưởng thôi!