Lan Vy

ngây thơ

tò mò

chân thành

nhiệt tâm

0

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Lan Vy
Lan Vy
Lan Vy
Lan Vy
Lan Vy

ngây thơ

tò mò

chân thành

nhiệt tâm

Blog Post

Nữ quyền

Tháng Năm 15, 2024 Review
Nữ quyền

Những cột mốc nhận thức

Đây là bài viết đầu tiên trên blog này ngay khi nó được sửa sang. Hầu hết những bài viết khác đều là bài viết xa xưa từ blog cũ bưng về, sắp đặt lại. Bạn có thể hình dung đại khái, chủ đề này đang là mối bận tâm lớn của mình ở hiện tại.

Mình quyết định xếp bài viết này vào mục Review thay vì là Tâm tình, bởi vì xu hướng Nữ quyền này cũng chỉ là một thử nghiệm nhỏ của mình trong tiến trình tự ý thức và tự trao quyền cho bản thân, với cương vị là một người phụ nữ. Dù nó choáng hết tâm trí mình trong suốt nhiều tháng trời, mình không chắc nó vẫn sẽ còn là chủ đề mình có thể hướng đến lâu dài. Phần nữa, trong này có thể review một vài cuốn sách mình chịu ảnh hưởng và ấn tượng sâu sắc trong thân phận con người. Và một sự kiện xã hội xảy ra đồng thời khiến kích hoạt nhiều tâm lý uẩn ức ngủ ngầm trong mình khá lâu dài. 

Thân nữ là khổ

Mở đầu câu chuyện sẽ là sự kiện của NXB Nhã Nam, và vì sự vụ cũng đã được công khai đủ để mình tóm tắt đại ý về một kiểu quấy rối của người có địa vị, có học thức đối với một cô gái yếm thế hơn, khiến mình phẫn nộ sâu sắc. Nó cộng hưởng với toàn bộ trải nghiệm khó chịu trong chính mình xuyên suốt tiến trình xoay sở để sống tốt với cơ thể nữ này 28 năm qua. Từ nhỏ, mình vốn đã nhận thức sâu sắc có thân người là khổ, dù chưa biết đến bất kì lý thuyết Phật pháp nào. Nhưng ngay khi còn nhỏ và chưa hề ý thức gì về tài sản mang tên cơ thể cá nhân, mình vốn đã không được quyền tự quyết điều gì với cơ thể mình. Mình bị quấy rối, bị xàm sỡ, bị chê bai ngoại hình, bị đau ốm, bị dơ bẩn, bị yếm thế bởi các đặc điểm ngoại hình đặc thù… mình sớm nhận thức được nỗi khổ sở của cuộc sống này, và có một câu cảm thán trong cuốn nhật ký hồi lớp 4

Đời là gì mà sao quá nhiều đau khổ?

Mình vẫn thường đùa với các đồng môn cũng là thiền sinh rằng, nếu tao có một bà mẹ Vipassana thì tao sớm xuất gia. Nhưng mình vẫn còn ở đây, vì mẹ mình thích tô màu hồng cho mọi thứ trong đời, mà ít khi đủ can đảm nhìn nhận trực diện tính khổ sở vốn là bản chất của vạn vật. Thế là có một thời gian rất dài, mình quen với việc tìm vui trong các thụ hưởng trần gian, chẳng còn nhớ nhiều về ý thức khổ sở từ rất sớm.

Và bởi tâm trí trốn tránh đối diện những điều khổ sở đó, mình thậm chí chai lì với những hành vi sai trái rất rõ ràng từ những người xung quanh, như là cách lão người yêu cũ đề nghị quan hệ tình dục như là một cách chứng minh tình yêu của mình dành cho lão dù mình chưa hề sẵn sàng vì đó là lần đầu của mình, hay cách lão bóp vú mình theo kiểu rất quấy rối nhưng lại cho rằng đấy là hành vi nựng yêu của những người yêu nhau, hay là ông thầy dạy nhạc đặt tay lên đùi mình vì bảo là làm như vậy để nhắc nhở mình theo đúng điệu nhạc, hay là những lời đề nghị của khách hàng theo lối muốn có quyền lợi này thì em đi khách sạn với anh (may mắn là mình lười kiếm tiền theo lối chiều khách nên chưa bao giờ đi vào con đường này dù mình rất đau lòng khi biết bạn bè mình không hiếm người đã lấy cơ thể ra làm công cụ chỉ vì họ mất đi nhận thức sai đúng)…

Dĩ nhiên, mình thấy khó chịu, nhưng mình không biết đó là những kiểu thao túng tâm trí để chiếm dụng tài sản riêng – là cơ thể phụ nữ. Vì tâm trí là thứ nếu chính mình không tự kiểm soát, sẽ có thằng khác làm hộ. Và nó đã bỏ công ra kiểm soát tâm trí mày, dĩ nhiên phải có lợi cho nó. Đó là lý do mình bắt đầu tìm hiểu về nhân quyền, cũng như là nữ quyền.

Sau khi có một số hiểu biết cơ bản nhất định, lão người yêu cũ thành người cũ, dù mình đã đầu tư hẳn 7 năm cùng lão xây dựng kha khá thành tựu về vật chất, đủ để có một gia đình yên ổn lâu dài. Nhưng mình đã quá tổn thương để có thể rặn ra chút lòng từ bi cho những gì lão đã gây ra với cơ thể này, dù biết rằng đó cũng chỉ là những hành vi đến từ lịch sử bá quyền từ xa xưa mà lão chỉ đang vô tình thụ hưởng, hàm ý là, chính lão cũng thiếu hiểu biết để nhận ra lão đã gây ra cho mình những đau khổ như thế nào. Đó là lý do mình phải nói ra, để mong một ai đó đọc được, bỗng nhận ra một hành vi hiển nhiên của bản thân, một cách vô ý thức, có thể tạo ra hậu quả lớn đến chừng nào. Câu chuyện này lần đầu được kể ra, để hồi đáp cho câu hỏi rất chân thành cuối cùng mà sự lương thiện của lão đã đặt ra cho mình:

“Anh đã làm gì sai? Anh cần phải sửa đổi gì để không khiến người tiếp theo tổn thương như vậy?”

Đồng thời, mình cũng cắt đứt hoàn toàn liên hệ với lão và các mạng lưới mối quan hệ có liên quan đến lão, đủ để chuyện này chẳng ai quan tâm đến. Bạn có thể hiểu đây là câu chuyện làm quà cho một bài viết dông dài. Đồng thời bạn cũng có thể đọc lại những trăn trở non nớt của mình hồi 2022 khi người yêu cũ cưới vợ, để nhìn thấy từ dạo đó đến nay, mình đã nỗ lực phát triển năng lực quán sát và tư duy để hiểu thấu đáo nỗi đau hiện sinh này như thế nào.

Một status đầu năm

Nửa năm qua mình đã phơi nhiễm bản thân trước những lời nói khiếm nhã từ nhiều người, khi về lại Phan Thiết. Mình nhớ rõ nỗi đau sâu sắc ngày trước khi sống tại vùng đất này bởi những lời nói của họ. Ngày đó mình cứ nghĩ do có ngoại hình xấu xí mà mình bị body shaming, nhưng bây giờ khi ngoại hình đã khá hơn, mình vẫn bị body shaming và kèm theo bị tình dục hoá.

Nhiều khách hàng nam bước vào cửa hàng thể hiện rõ tư tưởng của họ là có tiền thì có thể mua được tình dục, nhiều lời nói họ nghĩ là giỡn vui nhưng nó xuất phát bởi cơn ham muốn tình dục của họ nên trở thành thô thiển và kém duyên. Nhưng chính vì họ không được giáo dục để thấy điều đấy là tệ hại, họ hành xử cùng nhau thành một đám đông, và hả hê rằng có một đám bạn hợp gu như thế là tuyệt vời.

Hình ảnh đi kèm cho bạn nào nghĩ là mình ăn bận thế nào mới bị quấy rối. Khi làm việc, mình mặc quần áo rộng rãi thoải mái, không khoe dáng, không make up và phong thái chỉn chu. Nhưng khi vị trí của mình bị mặc định cho rằng thấp hơn họ (mình cần tiền của khách hàng) thì họ cho rằng bản thân có quyền quấy rối mình như một phương tiện thoả mãn tình dục của họ, thay vì là một con người có cảm xúc riêng chỉ đang cố gắng làm tốt công việc của mình.

Công ty yêu cầu chăm sóc khách hàng, tụi mình hầu hết đều add zalo hoặc nhắn tin điện thoại nếu khách không có zalo. Việc bị quấy rối qua tin nhắn thậm chí trở nên khiếm nhã hơn vì không có người nhìn thấy. Ở CH họ còn e dè người qua kẻ lại, nhưng tin nhắn thì chẳng ai hay. Họ bắt thóp được tâm lý sợ mất khách của nhân viên, nên thoải mái bộc lộ phần thú tính.

Một điều kiện khác giúp nuôi dưỡng thói quen tình dục hoá phụ nữ ở những người đàn ông này, đó là chính các chị em cũng nhận xét về nhau và ganh đua nhau ở những điều kiện có thể giúp họ thu hút và tranh giành sự chú ý của đàn ông.

“Dú em lép quá có thoả mãn được người yêu không?”

“Cũng có mông đít quá ha, hèn gì bạn trai mê”

Thậm chí cả những phụ nữ có chồng con, vẫn có nhu cầu được đàn ông bên ngoài chú ý, câu chuyện chung thuỷ không thể bàn ở đây khi chúng ta trong một guồng máy khuyến khích bản năng động vật trong nhau trỗi dậy. Thế nên tạo cho hầu hết đàn ông một mặc định trong suy nghĩ rằng, phụ nữ làm đẹp là để gây chú ý với đàn ông. Thay vì họ thấy rằng đấy là nhu cầu thoả mãn sự cầu kì trong nguyên tắc ăn mặc, nguyên tắc về cái đẹp hay những hiểu biết về cách thưởng thức những điều tinh tế hơn.

Trong thế giới quan của mình, vú lép và đùi bự là tỉ lệ cân xứng và đẹp đẽ. Thế nên nếu một anh trai nào đó chê mình vú lép và cặp giò thô, có thể hiểu là anh trai không cùng hệ giá trị thẩm mĩ với mình, mình sẽ thẳng thắn mời anh cút ra khỏi tầm mắt, vì thậm chí làm bạn cũng không thể thô lỗ đến vậy. Thế nên không việc gì phải độn vú chỉ vì sợ bị chê lép, chừng nào bỗng một ngày mình cảm thấy bộ vú to thoả mãn nhu cầu thẩm mĩ đã thay đổi trong mình, rất có thể mình sẽ đi độn hẳn silicon cho tiện.

Lịch Sử Vú – Marilyn Yalom

Cuốn sách này thật sự, thật sự tuyệt vời, vì nó là hồi chuông cảnh tỉnh sự mù mờ trong tâm trí mình, về những gì mình đang sở hữu. Khi đọc cuốn sách này, mình sửng sốt nhận ra cặp vú của mình không thực sự dành cho mình, nó thuộc về cái nhìn của kẻ khác, thuộc về sở hữu của kẻ nào đó là người yêu hay là chồng của mình, tức là việc lão người yêu cũ tùy tiện bóp vú mình bất kể lúc nào lão thích, là bởi do mình cấp quyền cho lão làm người yêu mình. Và bởi vì nó thuộc về người khác như vậy, mình luôn sợ nó không hoàn hảo mà phải mang áo vú độn ngực cho tròn đầy hoàn hảo, phải che đi núm vú vì sợ  bị phán xét là hư thân mất nết, phải cố duy trì một kích cỡ phù hợp với tiêu chuẩn cái đẹp cơ bản,… cho dù trời nóng bức khó chịu, dù mình bị u nang vú hay thế nào đi nữa, mình vẫn không đủ can đảm giải phóng cho nỗi đau này.

Mình nhận ra mình chán ghét quá trời lối sống kiểu này, và mình giải phóng cho bộ ngực. Mình tập tành điên cuồng cho phần mỡ khu vực này giảm bớt, từ size M giảm xuống XS. Mình không mặc áo vú để được mát mẻ, thoải mái. Nếu những dịp trang trọng cần phải che núm vú, mình mặc một chiếc áo nịt ngực mỏng không gọng không mút độn để được thoáng khí. Và khi ai đó hỏi về lý do không mặc áo vú, mình chỉ thẳng vào những anh trai đang tự do để lộ núm vú lấp ló ngoài đường, thậm chí cởi trần ra đường và hỏi

“Tại sao mấy ảnh được như vậy, còn em thì không? Bộ em không hứng tình khi thấy núm vú của mấy ảnh hay sao? Mấy ảnh phải có trách nhiệm che đi mấy thứ nhạy cảm đó, hay là em phải có trách nhiệm xử lý cơn hứng tình trong em?”

Dĩ nhiên là, cách mình tự tin làm chủ tài sản cơ thể của mình đây, bất kể mình mặc quần áo như thế nào ra đường, cũng dừng hẳn việc bị quấy rối hay xàm sỡ. Vì dường như họ nhận ra mình có khả năng bảo quản tài sản của mình, nên khá là phiền phức nếu họ đụng vô thứ đang được canh quản chặt chẽ. Còn ngày xưa, khi mình thiếu ý thức về món tài sản này, dù mình mặc chiếc áo khoác dày sụ ra đường, mình vẫn thường xuyên bị mấy tên biến thái chạy đến bóp vú cười rú lên rồi bỏ đi. Mình hoàn toàn bất lực và khóc nấc trong sợ hãi.

Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới – Jane Pilcher & Imelda Whelehan

Cuốn sách này thực sự cho mình nắm được nhiều khái niệm để thao tác dễ dàng hơn khi đối diện với nhiều tình huống thực tế trong đời sống. Dù hơi khó nhằn để hiểu, nhưng mình vẫn cố gắng vừa đọc vừa research thêm để manh mún chút ý thức.

Có một lần khi cả nhà mình đang ngồi trên xe hơi cùng nhau đi đâu đó mình không nhớ chi tiết, mẹ mình kể về sự vụ dì mình là một người phụ nữ góa chồng, trong lúc đi ăn cưới đã bị một tên biến thái bóp mông, và khi dì phản ứng thì tên đấy quát vào mặt dì

– Thứ đàn bà không chồng là của chung, tao muốn làm gì tao làm. Giờ mày còn được thèm đến thì mừng quá đi chứ.

Và xung quanh không ai lên tiếng bênh vực dì, thực sự khổ sở và ấm ức. Dĩ nhiên, mình đã rất rất phẫn nộ khi nghe câu chuyện này, vì dĩ nhiên, vẫn là do cộng hưởng bởi những ấm ức cũ trong tâm trí về việc một thằng đàn ông nào đó khi muốn chiếm lĩnh ưu thế dễ muốn dùng đến thân phận phụ nữ, vì như thế dễ dàng hơn. 

Cá nhân mình cho rằng, dì lựa chọn sống độc thân sau khi chồng mất, là một lựa chọn can đảm. Khi một người phụ nữ thuộc về người đàn ông nào đó, họ mới được toàn thể đàn ông khác trên thế giới để yên cho, vì đa số các anh trai quyết định không quấy rối các phụ nữ có vợ chỉ vì một lý do duy nhất “Chồng nó giết anh thì sao?”. Một người phụ nữ độc thân phải chống chọi với rất nhiều khiếm nhã trong đời. Đó là lý do, có một thời gian dài, mình rất gấp rút muốn trở thành sở hữu của một người đàn ông nào đó, vì mình quá sợ hãi bị quấy rối. Nhưng như câu chuyện bên trên, các bạn sẽ nhận ra là mình chỉ đang hợp thức hóa việc quấy rối công khai vào một người đàn ông, bằng tờ giấy hôn phối. Nghĩ đến đó, mình dẹp luôn ý định lấy chồng, chuyển sang tập võ. Có thể chỉ là hình thức thôi, nhưng cái tâm tĩnh định sẽ giúp mình toàn quyền với cơ thể.

Nhưng phản ứng của ba mình mới khiến mình ngã ngửa bởi mình nhận ra đây không còn là vấn đề cá nhân, mà nó cần được xử lý bởi cả một hệ thống chung.

– Thôi. Hàng xóm với nhau có chút việc vặt, làm to chuyện chi cho mất tình nghĩa.

Cá nhân mình thì không có nhu cầu kết nối tình nghĩa với những người rõ ràng có ý gây hại cho mình. Nhưng ba mình là một đại diện cho mẫu hình đàn ông gia trưởng và nam tính bá quyền của xã hội cũ. Và mình nhận ra nếu không có sự chung tay từ phía đàn ông, chắc chắn các bi kịch của phụ nữ vẫn cứ mãi tiếp diễn. Chiến tranh đẫm máu và hiếp dâm phụ nữ cùng trẻ em gái luôn là mục tiêu  tàn nhẫn nhất mà các cuộc chinh phục từ thời xa xưa đã duy trì. Nó ăn trong máu những bộ gen thắng cuộc còn truyền thừa đến con cháu ngày nay. Lúc đó mình đã cay đắng nghĩ rằng, nếu ba không có ý thức bảo vệ người phụ nữ và con gái của mình, tại sao ba phải kết hôn? Xã hội thật tàn nhẫn, sao cứ phải ép một người không sẵn sàng cho vai trò nào đó vẫn phải bước vào. Có một vụ kiện khá nghiêm túc ở Ấn Độ là người con kiện người cha vì đã sinh con ra. Mình cũng muốn thế đấy, sao lại sinh con ra đời? Mà thôi vụ này để tự mình giác ngộ :)))

Nhưng rồi mình được gặp một câu chuyện để hiểu bên phía khó khăn ngược lại về thân phận con người.

Chỉ đàn ông mới hiểu sao?

Có lần, mình đọc phải một tin tức về hiếp dâm tập thể, tinh thần bị xáo động khủng khiếp, và mình cảm thấy khó khăn để xử lý cảm xúc lúc đó. Mình đã cầu cứu một người anh mà mình đang cùng trao đổi khá thường xuyên về các khái niệm tâm trí. Sau khi giúp mình giảm bớt khủng hoảng, bỗng người anh này hỏi mình, rất tỉnh

– Trong lúc này, khi đang nói chuyện với em, anh đang cảm thấy rất muốn chuyện đó, em hiểu ý anh về chuyện đó đúng không?

Bỗng nhiên mình dứt ra khỏi cơn đau cá nhân, mà lo lắng cho người anh này.

– Anh thường tự xử hay có đối tác?

– Anh không có đối tác.

– Lần này khó khăn lắm không, anh vượt qua được không?

Và ngay giây phút mình thực sự quan tâm nỗi đau cụ thể của một con người hiện diện cùng mình, mình lại một lần nữa, cay đắng nhận thức sâu sắc vấn đề của cả một hệ thống là vấn đề của chung, không riêng cá nhân nào. Thực sự khó khăn trong việc quản lý các nhu cầu cá nhân để không ảnh hưởng đến người khác, và các anh nam nên giúp đỡ lẫn nhau trong các chỉ dẫn về vấn đề này. Một người cha có trách nhiệm cần phải thẳng thắn dạy dỗ con trai mình ý thức rõ ràng về tài sản của cơ thể nam, mang đến những cơ hội, quyền lợi, đồng thời cả thách thức và nguy cơ ra sao. Và từ đó, hướng dẫn các cách thức dẫn kênh năng lượng và quản lý năng lượng ra sao, để mình sẽ là người làm chủ cơ thể, chứ không phải nó làm chủ mình. Và ờ, nên dẫn dắt đối tác của mình ra sao để cả hai cùng được thăng hoa và hạnh phúc, thay vì là khủng hoảng và khổ đau. Bản lĩnh và ý chí của đàn ông sau khi tách hết các lớp vỏ, chỉ độc nhất hành vi truyền giống một cách có ý thức và trách nhiệm nhất. Mọi thông tin nên được minh bạch, có gì phải ngại khi nói về những điều rất thật, xảy ra như một lẽ thường tình?

Trong các thiết chế cũ, khi người ta nghĩ rằng đàn ông mới có quyền bày tỏ trực diện các nhu cầu tình dục, thì liệu cảm xúc của phụ nữ có bị xem nhẹ? Rằng hôm nay em rất hứng tình, liệu anh có hứng cùng em? Rằng hôm nay em chẳng có tí cảm hứng, anh mặc bộ này chẳng gợi em chút nào, anh làm như thế em chẳng thể tiếp tục,… liệu có bao nhiêu bạn nữ có thể thẳng thắn nói ra những điều này? Như cách Midori bày tỏ. Hay việc đưa ra nhu cầu và đòi hỏi chỉ là dấu hiệu của sự hư hỏng và trắc nết? Tại sao đàn ông có nhu cầu thì hiển nhiên, mà phụ nữ thì lại thành không đứng đắn khi bày tỏ trực diện tương tự? Dù cả hai cũng có cơ thể đầy đủ sắc dục như nhau?

Cơ thể không là một món hàng

Quan điểm cá nhân của ba (và hẳn cũng là của nhiều người) là không nên kể lể những điều tệ hại này trên mạng xã hội vì mình sẽ tự làm giảm giá trị của bản thân trên thị trường hôn nhân. Nhưng mình vốn không xem bản thân là một món hàng để một người đàn ông xem xét tính nguyên vẹn mà quyết định bỏ tiền ra mua về sở hữu. Đồng thời, mình tôn trọng sự thật và theo đuổi tiến trình tư duy của bản thân, nên mình vẫn kể ra đây toàn bộ sự thật. Vì nếu giờ đây, có một người đàn ông bước đến với mình, họ sẽ cần phải chấp nhận sự ngang hàng trong cương vị là một con người, bất kể giới tính và số điểm trong thang đo xã hội. Từ đó, trong giao tiếp rành mạch, cả hai có thể hiểu về nhu cầu và năng lực đáp ứng lẫn nhau, để cùng chia sẻ và nâng đỡ. Thế nên, kiểu gì đối phương cũng biết hết tất cả những sự kiện bên trên, vì mình không muốn che giấu thân phận rất con người của mình, với toàn bộ những sai lầm và tiến bộ. Mình sẽ không che giấu sự thật, chỉ vì để diễn tròn một vai trò giả tạo nào đó, do ai đó mong đợi hoàn thành.

Mình thích đoạn này từ Hoàng Tử Bé

Ông hoàng nhỏ đi thăm lại những đoá hoa hồng.

– Các cô chẳng giống chút nào với đoá hồng của tôi, các cô chưa là gì cả, em bảo các bông hồng. Chưa ai cảm hoá các cô, các cô cũng chưa cảm hoá ai. Các cô giống như con cáo của tôi trước kia. Nó chỉ là một con cáo giống như trăm nghìn con cáo. Song tôi đã làm cho nó trở thành bạn tôi, và bây giờ nó trở nên duy nhất trên đời.

Và các bông hồng hết sức lúng túng.

– Các cô đẹp, nhưng các cô trống rỗng, em nói với họ. Người ta không thể chết vì các cô được. Phải, đoá hồng của tôi, một người qua đường tầm thường tưởng là nàng giống các cô. Nhưng đối với tôi thì nàng quan trọng hơn tất cả các cô, bởi vì chính là nàng mà tay tôi đã tưới. Bởi vì chính là nàng mà tôi đã đặt chính dưới bầu kính. Bởi vì chính là nàng mà tôi đã che bằng tấm bình phong. Bởi vì là nàng mà tôi đã bắt những con sâu (trừ hai ba con dành để thành bướm). Bởi vì chính là nàng mà tôi đã ngồi nghe than thở, hay tán hươu tán vượn, hay đôi khi cả lặng im nữa. Bởi vì đó là đoá hồng của tôi.

Rồi em trở lại chỗ con cáo:

– Từ biệt, em nói.

– Từ biệt, cáo nói. Đây là cái bí mật của tớ. Nó đơn giản thôi: người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim. Cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy.

– Cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy, ông hoàng nhỏ lặp lại, để mà ghi nhớ.

– Chính thời giờ cậu đã mất, cho đoá hồng của cậu làm cho đoá hồng của cậu trở nên quan trọng đến thế.

– Chính thời giờ tôi đã mất cho bông hồng của tôi… ông hoàng nhỏ nói, để mà ghi nhớ.

– Loài người đã quên mất chân lý này, cáo nói. Nhưng cậu không được quên. Cậu trở nên mãi mãi có trách nhiệm về những gì cậu đã cảm hoá. Cậu có trách nhiệm đối với hoa hồng của cậu.

Thật khó để chuyển đổi hệ hình tư duy kiểu, gái không xinh thì không có quà, mình cũng từng bị khủng hoảng nghiêm trọng về vụ này chẳng qua tâm trí vẫn tự xem cơ thể này như một món hàng cần được gia tăng thêm giá trị để có thể trao đổi, thay vì hiểu rằng giá trị cá nhân của mình hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng trong tương tác cụ thể với ai đó, không riêng gì là một giới tính khác. Bởi khi tự định hình giá trị của mình dựa vào sự ham muốn của đàn ông, vô tình chúng ta đã tự biến mình thành những món hàng. 

Sự thống trị của nam giới – Pierre Bourdieu

Mình đã rất ngạc nhiên khi từ sớm, các chị em phụ nữ đã ngồi lại với nhau để xét nét, tị nạnh nhau về kích cỡ bộ vú, về chiếc eo mỏng hay cặp mông nảy nở. Lúc đó là năm mình học lớp 8. Trong lúc mình còn loay hoay đọc Harry Potter vì năng lực văn chương dở ẹc của mình cản trở kha khá nhiều hứng thú đối với niềm ham thích học hỏi. Thì một người bạn nữ cùng phòng nội trú sờ nắn vú mình và hỏi:

– Bà làm sao để vú to vậy? 

Mình ngơ ngác. Vì mình thậm chí còn không biết vú to hay nhỏ để làm gì mà cần phải quan tâm đến vậy? Sau lần đó, mình thậm chí còn thấy khó chịu khi bỗng dưng phát hiện ra bọn con trai trong lớp xếp hạng mình có bộ vú to thứ 2 toàn khối, trong khi mình cảm nhận rất rõ rệt bảng xếp hạng đó chẳng hề đáng tự hào như cách mà mình xếp hạng thành tích điểm số, mà nó chỉ càng tăng thêm tần suất/nguy cơ mình bị quấy rối bởi những tên con trai đang thời kì động dục (mà mình chưa tới thời kì đó để quyết định xem nên đồng thuận với tên nào). Mình còn rất bực bội khi từ ngày vú to, mình không thể nằm ngủ sấp như trước. Tóm lại, thời điểm đó mình đã rất cáu bẳn với sự phiền hà do cặp vú mang lại, chẳng qua là mình đã bị quấy rối không chỉ bởi đàn ông, mà bởi tâm trí của những bạn nữ đã bị đàn ông xâm chiếm. 

Nếu muốn hiểu hơn về Chính trị tình dục (Sexual Politics), có lẽ cuốn sách này của Pierre Bourdieu tạm gợi mở nhiều điều. Vì mình lười đọc tiếng Anh nên đọc tiếng Việt cho nhanh, thì trong số đó tìm thấy cuốn này khả dĩ cho nhu cầu tìm kiếm hiểu biết của mình. Trong sách có nhiều nhận định về cách mà đàn ông khẳng định quyền lực của bản thân thông qua tình dục,

Nếu quan hệ tình dục xuất hiện như một quan hệ thống trị mang tính xã hội, đó là vì nó được kiến tạo thông qua nguyên tắc phân chia căn bản giữa cái nam tính, hoạt động, và cái nữ tính, thụ động, và vì nguyên tắc này tạo ra, tổ chức, biểu lộ và điều khiển ham muốn, ham muốn nam giới như là ham muốn chiếm hữu, như là sự thống trị mang tính chất nhục dục, còn ham muốn nữ giới như là ham muốn sự thống trị của nam giới, như là sự phục tùng mang tính chất nhục dục, hoặc thậm chí, đến cực hạn, như là sự thừa nhận mang tính nhục dục đối với quyền thống trị.

Mình đã chẳng thể hiểu, qua những câu chuyện mà ông bà kể lại. Hồi thời đó (cách mình chỉ vài chục năm thui), chỉ cần ông chồng mà hứng tình là sẽ có quyền đè vợ mình ra xâm nhập bất cứ khi nào, bất kể cảm xúc của vợ là gì, hay thậm chí các bà còn không dám nhận định liệu bản thân có đang sẵn lòng hứng thêm một vài con tinh trùng vào rổ trứng của mình, chứ còn chưa dám nói đến là các bà có cảm thấy được trân trọng như là một con người. Việc một người phụ nữ liên tục sinh ra chục người con là chuyện ai cũng thấy bình thường, nhưng mình thực sự không thể đồng thuận. Với bao nhiêu làn sóng đấu tranh nữ quyền, thì giờ đây mình đã được thụ hưởng quyền tránh thai và phá thai một cách minh nhiên. Và do đó, mình tự cho rằng bản thân nên có lòng biết ơn và có trách nhiệm tiếp nối di sản này.

Không hẳn chỉ là phụ nữ, bất kì ai cũng nên được toàn quyền quyết định cách sử dụng mọi chức năng trên cơ thể mình. Với cái rổ trứng là quyền đẻ hay không đẻ. Với bộ não là quyền được học tập hay cứ ngu như vậy. Với cái miệng là quyền được lên tiếng hay im lặng. Việc của mạng lưới hỗ trợ là cung cấp tất cả những gì cần thiết cho một cá nhân được thực hiện toàn quyền của mình. 

Tôi không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền anh được nói điều đó.

– Voltaire

Lust, Caution (2006)

Một bộ phim mang đến sự bực bội và khó chịu khôn tả đối với mình khi bản thân chưa thể chấp nhận sự thật là chính trị tình dục chẳng khác gì chính trị quốc gia và sự thôn tính, chinh phục một đối tượng mới mẻ nào đó luôn bắt đầu bằng bạo lực để phá vỡ lớp hàng rào phòng thủ. Từ đó, sự xâm chiếm xảy đến không phải từ câu chuyện thân xác, mà nó nhấn chìm tâm trí lẫn tâm hồn người phụ nữ vào câu chuyện tình yêu với kẻ chinh phục. Có một sự thật hiển nhiên mà ai hiểu về tình dục cũng sẽ dễ dàng chấp nhận, ấy là nếu không có tình yêu thực sự, nam giới tràn ngập nhu cầu chinh phục hướng ra bên ngoài nên đối với họ, câu chuyện chung thuỷ duy nhất một đối tượng là loại thử thách không đáng để bỏ nỗ lực vào. Duy trì lâu dài và vun vén bồi đắp, mới là câu chuyện về quyền lực của phụ nữ, nên các chị mới có những mẹo giữ chồng truyền tai nhau, và mình có một đứa bạn thậm chí bị mẹ chồng trách mắng là “đồ thứ đàn bà không biết giữ chồng” khi con trai bà ngoại tình nhiều lần – hàm ý là thiếu khả năng giữ gìn mối quan hệ với một người đàn ông chính là thiếu quyền lực. Câu chuyện này tương ứng với hình ảnh đế quốc thì có thể có nhiều thuộc địa, nhưng một thuộc địa chỉ được thuộc về một đế quốc. Đàn ông tự cho họ cái quyền trở thành the One như vậy.

Thế nên mới có chuyện tình giữa chàng triết gia Jean-Paul Sartre cục mịch và nàng Simone de Beauvoir thanh tao. Mặc dù cả hai trong một mối quan hệ đến cuối đời, nhưng cô nàng Beuvoir vẫn cởi mở đối với các cuộc chinh phục thân xác ngoài luồng của anh chàng Sartre. Dù người không tự kiểm soát xung năng tình dục là mình, anh chàng Sartre vẫn bị ám ánh giữa hai nỗi sợ lớn suốt cuộc đời: vừa sợ đánh mất nàng Beuvoir, lại vừa sợ mất tự do nếu gắn bó quá bền chắc với bà. Rốt cục, tất cả tình nhân khác của Sartre đều ghen tuông với Beuvoir vì muốn sở hữu Sartre, riêng nàng Beuvoir – cụ tổ của Nữ quyền, lại chưa một lần bày tỏ lòng chiếm hữu người đàn ông duy nhất trong đời bà, vì thế chưa từng có một động thái ghen tuông nào. Ở nơi bà chỉ có tình yêu chân thành và tận tuỵ, rất nữ tính nhưng vẫn hết sức can đảm. Cảm tưởng ông Sartre chưa từng có niềm tin vào bản thân nên chinh phục bao nhiêu người cũng là không đủ. Trong khi Beuvoir lại tin ông tuyệt đối, vì thế với bà, một người là đủ.

Tình yêu thực sự tràn ngập niềm tin, do đó không dùng đến quyền lực, như câu chuyện của Hoàng Tử Bé. Chính trị chỉ dành cho những kẻ cô đơn và lòng tràn ngập sợ hãi, như cách mà nam chính trong phim Sắc, Giới biểu lộ rất rõ ràng. Họ cho rằng nam giới là phái mạnh, nhưng chiếc vỏ bên ngoài không che giấu được nội tâm yếu ớt.

11 Phút – Paulo Coelho

Yes, cuốn này rất rất tuyệt vời và ấn tượng hơn hẳn cuốn Nhà giả kim. Mình rất trân trọng cách mà ông tác giả lấy lại phẩm giá cho một cô gái làm điếm. Cách mà cô gái lấy lại tâm trí của bản thân sau hàng ngàn lần bị dẫn dắt và thao túng bởi sự thiếu hiểu biết. Và cho mình hiểu sâu sắc giá trị của một người hoàn toàn nằm ở quá trình vượt qua tổn thương và hướng đến những điều tốt đẹp để trưởng thành ra sao.

Trong truyện có những đoạn dẫn dắt tương phản giữa hai kiểu đàn ông rất đặc thù, mà chỉ có thể được mô tả tinh ý bởi một tác giả nam. Thật sự mình gợi mở được rất nhiều từ các phân cảnh trong cuốn truyện rất mỏng này. Về một thế giới mới mẻ và khó khăn để hiểu.

Mình là một người thẳng thắn và thường minh bạch thông tin. Mình có các nhóm bạn cả nam lẫn nữ, và đối với những bạn nam, mình vẫn có những cuộc hội thoại kiểu như thế này.

– Tụi mày có đi karaoke bia ôm đồ không?

– Có chứ, ngoại giao mà

– Rồi tụi mày có thấy vui vẻ gì không?

– Tao thì không, nhưng sếp tao thích, thì tao đi cùng. Cứ ngồi vậy thôi, không thấy hứng thú gì. Nhưng chuyện này thường tình mà. Chính bọn con gái cũng biết cách lấy nhan sắc ra thao túng đàn ông, đòi hỏi và yêu sách. Chứ có phải mỗi đàn ông xem cơ thể phụ nữ là món hàng hóa đâu.

Đúng là vậy, mình vẫn biết có nhiều bạn gái dùng cơ thể mình như một con gà đẻ ra tiền, bao nhiêu tiền một lần bóp vú, bao nhiêu tiền một đêm phục vụ; thậm chí tự xem mình như một chiếc máy đẻ, để giữ chân người đàn ông mình muốn chiếm hữu, để yêu sách những món tài sản lớn, để có địa vị tốt trong gia tộc, để từng bước đạt được các mục tiêu cá nhân. Điều đó dễ dàng cho sự đổi chác về vật chất, nhưng về lâu dài sẽ thui chột về tâm trí, rất khó để tiến lên một cuộc sống tự do và nhẹ nhàng hơn. Rất cần thận trọng với kiểu sử dụng cơ thể như thế này. Mình đã từng viết về các nguy cơ của việc quan hệ tình dục vô độ và bừa bãi.

Bí ẩn nữ tính – Betty Friedan

Đây là một cuốn sách khá thú vị với các mô tả sinh động, lối lập luận quyết liệt, có phần cực đoan và hẹp hòi, nhưng vẫn có nhiều phần dịu dàng và mềm mại về làn sóng nữ quyền thứ 2. Tác giả là một người phụ nữ tuyệt vời. Mình được truyền cảm hứng khá nhiều từ cô nàng, trong việc củng cố thêm các quan điểm tự mình tranh luận trong tâm trí mình, về nhu cầu lập gia đình hoặc không. Bởi nàng vốn là một nhà báo có tiếng nói trong xã hội, nhưng lại lui về làm hậu phương cho chồng, và rồi vẫn có thể duy trì vai trò một người vợ đảm, song hành là một tiếng nói tiên phong cho những người phụ nữ yếm thế. Rất khó để chèo một lúc 2 con thuyền dường như trái ngược nhau như vậy, nhưng cô nàng làm được, lại khá mượt mà. Một đoạn khá hài hước mà mình đọc xong cũng không cười được nhiều lắm, trong sách

Bà nội trợ, người đơn thuần có ý nghĩ về bản thân, là kẻ kế tiếp cần dẹp bỏ. Nhân vật nữ chính trong truyện “Em không muốn nói cho anh biết” (McCall’s, tháng 1/1958) được mô tả đang tự cân đối sổ séc và tranh cãi với chồng về một việc nhỏ nhặt trong nhà. Câu chuyện tiến triển khi cô mất chồng về tay một “goá phụ nhỏ bé yếu đuối”, một cô nàng hấp dẫn bởi cô ta chẳng thể “nghĩ ra ngô ra khoai” về hợp đồng bảo hiểm hay khoản thế chấp. Cô vợ bị phản bội nói: “Ả ta ắt phải gợi tình, mà một bà vợ có vũ khí gì để chống lại điều đó chứ?”. Nhưng cô bạn thân nhất của cô bảo: “Cậu nghĩ chuyện này quá đơn giản. Cậu quên là Tania có thể tỏ ra yếu đuối, và biết ơn gã đàn ông giúp ả à…”

“Mình có mấy cũng chẳng thể làm dây leo ăn bám được”, bà vợ đáp. “Mình có công việc hơn mức trung bình sau khi rời đại học và luôn là người khá độc lập. Mình không phải phụ nữ nhỏ bé yếu đuối và không thể giả bộ làm thế.” Nhưng tối đó cô học được cách. Cô nghe thấy tiếng động y như có trộm trong nhà; dù biết đó chỉ là chuột, cô yếu đuối cầu cứu, và giành lại chồng. Khi anh an ủi cơn sợ hãi vờ vịt của cô, cô thì thầm bảo, dĩ nhiên, anh đúng trong cuộc tranh cãi của hai vợ chồng hồi sáng. “Cô nằm im trên chiếc giường êm ái, mỉm cười hài lòng một cách bí mật, ngọt ngào, hầu như không hề thấy tội lỗi.”

Cuối con đường ấy, gần như theo nghĩa đen, là sự biến mất hoàn toàn của nhân vật nữ chính, với tư cách cái tôi riêng biệt và chủ thể câu chuyện về mình. Cuối con đường ấy là sự cùng nhau, nơi phụ nữ không có cái tôi độc lập để giấu giếm ngay cả là giấu trong tội lỗi; cô ta tồn tại chỉ vì và nhờ vào chồng con.

Mình có một trải nghiệm dễ thương với một anh trai tư tưởng tiến bộ (hẳn là nhờ cha mẹ anh làm về giáo dục khai phóng). Tuy mình chỉ tìm hiểu anh ấy vỏn vẹn chưa tới 2 tháng, nhưng anh vốn thích mình từ trước đó đã lâu, và có nhiều lối tiếp cận tinh tế thông qua việc theo dõi các bài viết, tâm tư, trăn trở của mình. Trong khoảng thời gian có cơ hội tiếp cận mình gần hơn, anh đề nghị tặng mình một số món quà với động cơ rất trong sáng

– Anh không muốn những con số giá cả và những ảo ảnh trong tâm trí cản trở tự do của em. Anh muốn tâm trí em được giải phóng khỏi những ham muốn, nhưng đồng thời vẫn thích nhìn em xinh đẹp tự tin. Anh sẵn sàng đầu tư cho sự xinh đẹp của em, nhưng anh không nhất định phải sở hữu nó.

Và tinh thần đó của anh được thực hiện triệt để. Anh hoàn toàn vui vẻ khi mình đề nghị dừng mối quan hệ vì mình không thể dành thời gian cho anh. Từ đầu, anh biết em có trái tim tự do và không thể chỉ quanh quẩn cạnh anh, anh vui với quyết định này, miễn sao điều đó mang đến sự tự tin và độc lập cho em. Và cách nâng đỡ của anh, không hẳn chỉ đến từ những con số mà bởi do tinh thần của anh, đã mang đến cho mình cơ hội được tự do và là bàn đạp cho mình tự tin hơn với những gì cơ thể mình sẵn có. 

Nữ du khách bị cưỡng hiếp khi đi cùng chồng tại Ấn Độ

Khi đọc sự vụ này, mình đã rất khổ sở nghĩ ngợi về một xã hội mà mọi người có thể chung sống an toàn cùng nhau, bất chấp sự đa dạng trong đặc thù cuộc sống và lựa chọn trình hiện.

Mình là đứa tràn ngập sự trăn trở về những khó khăn của cuộc đời. Giai đoạn mình mới đứng bán hàng tại siêu thị và trải nghiệm những lần bị quấy rối, cũng như chứng kiến và được nghe kể về những vụ quấy rối, mình đã ca thán và mệt mỏi khi nghĩ về sự vụ. Với lớp vỏ ngoài lạnh lùng che giấu trái tim ấm áp, một người chị dửng dưng bảo,

– Vậy thì đừng làm công việc đó nữa

Mình hiểu về lý thuyết rằng khi bản thân tự đưa mình vào các hoàn cảnh nguy hiểm, xác suất xảy ra tai nạn cao hơn. Lý thuyết phòng thân cá nhân thì mình hiểu, và cũng đã thực hành để tự vượt qua các vấn đề cá nhân từ rất lâu rồi. Điều mình trăn trở ở đây là chỉ mỗi mình an toàn, vậy còn những cô gái không có điều kiện tốt để lựa chọn nơi trình hiện thì sao? Tức là nếu mình không đứng bán hàng nữa, mình được an toàn, vậy mình cứ mặc kệ sự nguy hiểm và tính dễ tổn thương của vị trí nữ giới trong xã hội hay sao? Vào lúc 10h đêm, mình an toàn trong căn phòng ấm áp của mình, vậy mình cứ mặc kệ những cô gái vì tăng ca phải đi đường về khuya, những cô dọn rác quét đường đêm, hay các bạn trực công việc buổi đêm hay sao. Mình có phương tiện di chuyển cá nhân an toàn, vậy mình cứ mặc kệ các cô gái khó khăn phải đi bus bị quấy rối hay sao?

Các bạn thật may mắn khi có nhiều lựa chọn tốt, nhưng làm ơn đừng coi thường cuộc sống của người khác theo kiểu mày xứng đáng với những nơi mày thuộc v. Rằng nếu mày chọn công việc đứng bán hàng, thì hãy chấp nhận bị quấy rối đi vì đó là lẽ thường tình. Ê mình thực sự không thể chấp nhận mấy cái lẽ thường tình vô lý đó, mình vốn không phải là một cục đá vô tri. Vậy nên mình đau đớn mong mỏi hệ thống quản lý, giáo dục và công tác xã hội có thêm thật nhiều nguồn lực dành cho nhu cầu xây dựng một xã hội an toàn hơn cho nữ giới và nhóm người thiểu số.

Không cần phải đổ lỗi cho sự trình hiện của họ ở những nơi nguy hiểm, hay cho những bộ quần áo không phù hợp với quan điểm thẩm mĩ của một nhóm bộ phận thanh cao ích kỉ chỉ nghĩ cho riêng cuộc sống cá nhân mình. 

Tóm lại,

Hôm trước, trong một buổi họp ở nơi làm việc, mình đã đề xuất hệ thống nên có những hướng dẫn phù hợp cho các bạn nữ tại nơi làm việc, trong tình huống bị quấy rối. Bởi vì mình chẳng thấy có chỉ dẫn nào về điều này cả, trong khi buổi training về nội quy và cách làm việc thì rất chi tiết, rõ ràng. Điều mình ngạc nhiên là ông giám đốc rất nhiệt tình ghi nhận và có hành động cụ thể. Có lẽ đôi khi người ta cần một lời gợi ý hướng về những điều đã bỏ lỡ. Và buổi họp này, cùng với tinh thần cởi mở lắng nghe của ba mình dạo gần đây trong các vấn đề tương tự, khiến mình có thêm hy vọng về cơ hội hợp tác giữa các cá nhân ở các hệ giá trị đa tầng với nhau, để chung tay kiến tạo một mạng lưới hỗ trợ cuộc sống trở nên an toàn, và đáng sống.

Mẹ mình là một người phụ nữ tân tiến, rất độc lập và tự cường, đã luôn đấu tranh cho quyền phụ nữ của các chị em gái quanh bà, trong khả năng của thế hệ trước. Mình được nương nhờ rất nhiều về ý thức độc lập này. Có thể bỏ qua nhiều nhu cầu riêng tư khác, dù mẹ không thực sự hình dung rõ ràng về một đời sống ung dung, tự tại của một người phụ nữ độc thân là như thế nào, nhưng mẹ sẵn lòng hỗ trợ mọi khó khăn mà mẹ có thể nhìn thấy được nếu con gái của mẹ chọn đời sống độc thân. Cũng như cách mà những người bạn nữ đang hiện diện độc lập cạnh mình, như nhỏ Sơn, bé Hoà, chị Sophia, cùng những hình mẫu cho mình học tập như sư phụ Hương Kiều, Sư cô Tâm Tâm, chị Minh là dịch giả của vài cuốn sách nữ quyền mình có review bên trên. Điều đó mang đến cho mình cơ hội được tái xác lập giá trị bản thân một cách độc lập, tự do tách khỏi các dính mắc phiền toái, để có được ý thức ở mức tư duy tại bài viết này. 

Ở bài viết này, vì nói về nữ quyền, nên mình không tiện kể những câu chuyện về các bạn nam bị quấy rối rất phiền phức. Nó phiền phức hơn cả nữ vì nó như double hạ thấp danh dự của thân phận người nam. Cho dù thế nào, mình vẫn luôn cực lực chống đối mọi hành vi quấy rối trong mọi hình thức, khía cạnh và mọi đối tượng có thể xảy ra.

Quan điểm của mình chỉ có một, đối với vấn đề này: Nếu bạn có lời nói/hành vi/thái độ khiến một ai đó không sẵn lòng hợp tác, thậm chí cự tuyệt, mà bạn vẫn tiếp tục cho dù động cơ là gì, bạn đang trở thành kẻ quấy rối. Hãy dừng lại ngay lập tức, hãy giữ tự trọng và tìm cách xử lý nhu cầu của bản thân theo cách an toàn và hiểu biết hơn.

Write a comment