Tự Chữa Lành

Categories:BLOG, Năng lượng
Vy Lan

“Hỡi thầy thuốc, hãy tự chữa cho chính mình” – Jesus

“Bản năng của người bệnh là thầy thuốc của họ, thầy thuốc chính là sự giúp đỡ của bản năng” – Hippocrates (460? – 377? TCN)

Cơ thể chúng ta có cơ chế tự chữa lành một cách mạnh mẽ, từ cơ thể, tâm lý, tinh thần lẫn năng lượng. Chúng ta chỉ cần tìm thấy phương pháp phù hợp, tự mình học nó và thực hành mỗi ngày, kết quả sẽ tốt nhất. Ta không nên dựa dẫm vào bác sĩ hay thầy chữa. Chẳng ai hiểu rõ ta ngoài chính ta, không phải là lời nói sáo rỗng. Bởi kẻ khác hiểu ta đều hoàn toàn dựa vào lý thuyết này, học thuyết nọ, họ không ở cùng ta từng giây từng phút, từ trong ra ngoài để mà có thể nắm bắt đầy đủ bộ điều kiện. 

Dưới đây là một vài phương pháp, cuốn sách hoặc tác giả mà mình đã theo đuổi trong con đường chữa lành. Nhiều bạn có cơ duyên quan sát mình đủ lâu để nhìn thấy sự thay đổi của mình, nên mong muốn được nghe chia sẻ từ mình “bắt đầu từ đâu?”, “cái gì là đúng sai?”, “làm sao biết điều gì là hợp với mình?”, “nên tìm thầy ở đâu?”… 

Tóm lại, đây không phải là hướng dẫn, mình chỉ đơn giản là chia sẻ những giải pháp mình tìm thấy được thông qua cuộc hành trình này. Bạn nên lưu ý đó có thể không hề phù hợp với bạn, tiến trình thời gian của bạn cũng khác biệt với mình. Mọi gò ép hay so sánh bản thân đều là cản trở cho tiến trình chữa lành và phát triển tâm linh của bạn. Hãy xuôi theo thông điệp từ chính mình nha ??

Làm bạn với cơ thể

Mình thường ví von cơ thể như chiếc xe máy, cho phép ta có thể đi tới bất kì đâu và làm bất kì điều gì ta muốn trên Trái Đất này. Do đó, nếu không bảo dưỡng cơ thể, cảm giác về sự tù túng bên trong nhà chứa mang nhiều bệnh tật sẽ khiến ta khó mà yêu đời được. Sự bất lực và khổ sở sẽ tăng cao. Ngoài ra, cảm xúc là tín hiệu phát ra cho phép mình hiểu cơ thể cần gì. Nếu chúng ta bỏ bê cảm xúc và cơ thể, mọi khổ đau cứ thể phát sinh và kéo dài không dứt. Nếu cần chữa lành, hãy bắt đầu với cơ thể. Nhiều người thậm chí cảm thấy cuộc đời khác đi, khi theo đuổi chương trình chăm sóc sức khỏe kéo dài, ngay cả khi họ chưa tác động vào bất kì yếu tố nào khác của đời sống cá nhân.

Trước khi có thể giải mã được thông điệp của cơ thể, hãy đơn giản là chú ý thực phẩm đưa vào người. Vì các tế bào được nuôi sống từ thực phẩm. Những thực phẩm bẩn, có hại cho cơ thể không khác gì đổ xăng hỏng cho xe máy. Lâu dần cỗ xe sẽ nhanh hư; khác với xe máy, ta có tiền cũng không thể mua được cơ thể khác. Ý thức càng sớm việc bảo dưỡng phương tiện sống này, ta càng tự do tự tại, càng có đời sống an lạc và thuận lợi.

Bạn sẽ nhận ra điều này, kể từ khi bạn mong muốn làm một việc nào đó kéo dài, nhưng cơ thể không đủ sức bền, vì thế bạn đành bất lực bỏ lỡ. Chuyện như thế xảy ra thường xuyên với nhiều người, gây nên bao uẩn ức và tiếc hận.

Có những điều dễ dàng để cải thiện sức khỏe thể lý, một trong số đó là sinh hoạt theo chu kỳ mặt trời và mặt trăng (đưa cơ thể gần hơn với chu kì tự nhiên).

  • Mặt trời lên thì sinh hoạt, vận động vào buổi sáng và thực hiện các nhiệm vụ khi năng lượng mặt trời dồi dào, ăn các món nhiều dầu mỡ vào lúc mặt trời lên đỉnh, và nhịn ăn khi mặt trời lặn, chuẩn bị không gian tĩnh lặng và tối để đưa mình vào giấc ngủ…
  • Mặt trăng có chu kì trăng non, trăng tròn và trăng tàn. Trăng non phù hợp với các ý định và dự định, trăng tròn phù hợp để hiện thực hóa ý tưởng (làm nhiều việc hơn vào ngày rằm) và trăng tàn hướng đến dọn dẹp và thu gọn lại.

Điều quan trọng tiếp theo là hãy chú ý các thực phẩm gây viêm (dẫn đến các bệnh viêm, nhiễm, ung thư, hoại tử…) cho cơ thể. Điều này mình để ý rõ nhất khi mình thay đổi thực phẩm cho con mèo nhà mình, nó sẽ trở thành một con mèo đúng với loại thực phẩm nó đưa vào người. Chúng ta cũng thế, các tế bào của chúng ta sẽ là những tế bào được nuôi dưỡng bởi loại thực phẩm mà ta ăn hằng ngày.

bạn có thể tham khảo ảnh dưới đây.

Hoặc xem video sau đây:

Lý tưởng nhất vẫn là tự trồng và tự ăn thuần thực vật để có thể biết rõ nguồn gốc xuất xứ món ăn đưa vào cơ thể. Nhưng một quán tính lâu đời khó có thể cắt đứt và dứt tận rễ. Nên mình nương theo quán tính mà dần đổi chiều, chứ khó có thể bẻ ngoặc một lần trở nên lý tưởng. Bước đầu, mình cung cấp nhanh cho cơ thể các loại dưỡng chất mà cơ thể thiếu hụt lâu ngày từ các thực phẩm chức năng, ưu điểm là cơ thể hấp thụ nhanh hơn dưỡng chất từ thực phẩm thô, nên nhanh chóng vượt qua nhiều bệnh tật hiểm nghèo – phù hợp với những cơ thể đã lão hóa, thiếu khả năng chuyển hóa vật chất, hoặc hệ đường ruột và nội tiết yếu không thể tự phân giải các chất dinh dưỡng.

Về sau, khi cơ thể dần yêu thích các dưỡng chất và đã có nền tảng khỏe mạnh hơn, mình chuyển qua ăn rau củ luộc, trái cây và ngũ cốc, giảm dần các chất từ thực phẩm chức năng – chủ yếu mình theo thực dưỡng Oshawa về chế độ cân bằng âm dương. Nhưng điều quan trọng vẫn là ý thức việc mình ăn gì, để giảm dần việc ăn vặt, các thức ăn bẩn, các thức ăn chết (không còn dinh dưỡng vì chế biến quá kĩ). Khi tìm hiểu tới cùng các cơn thèm ăn của bản thân, mình nhận ra nhu cầu sâu thẳm từ bên trong thôi thúc mình đưa vào cơ thể dinh dưỡng (vitamin, khoáng, chất béo, đạm và nước) thay vì chỉ là năng lượng rỗng.

Ngoại hình chỉ là phản ánh sức khỏe của cơ thể. Nếu chỉ theo đuổi cái đẹp đơn thuần, thì đến một lúc bạn có dáng vẻ ưa nhìn, nhưng thiếu sức sống, hoặc không đủ sức lực để tận hưởng món quà từ dáng vẻ ấy. 

Bạn có thể tìm hiểu về cách nhận diện nhu cầu của cơ thể khác nhau, có sự riêng biệt và cách thức thiết kế bữa ăn và thời gian biểu phù hợp thông qua triết lý Ayuverda.

Và cùng tìm hiểu sự diệu kì của khả năng tự chữa lành cơ thể mình thông qua series sách Cơ Thể Tự Chữa Lành. Nếu bạn không nhiều điều kiện, chỉ cần đọc tập 1 và sách về Gan của tác giả là đủ khám phá được nhiều bí quyết giúp giảm tải nhiều gánh nặng cho cơ thể chúng ta. Và thông qua đó, ta biết ơn mẹ Trái Đất, cha mẹ và dòng họ đã trao tặng cho ta cơ thể kỳ diệu và tràn đầy sinh lực này ❤️

Và một vài cuốn sách yêu thích khác của mình, mà bạn có thể tham khảo:

  • Y học dinh dưỡng, những điều bác sĩ không nói với bạn – Dr. Ray D.Strand
  • Ung thư, sự thật, hư cấu, gian lận và những phương pháp chữa lành không độc hại – Ty Bollinger
  • No more Heart Disease – Dr. Louis J. Ignarro
  • Ăn gì không chết – Michael Greger
  • Sự thật đằng sau bệnh ung thư – Dr. Morishita
  • 50 cách giải stress không cần thức ăn – Susan Albers

Ngoài ra, y học cổ truyền cũng là một lĩnh vực rất hay mà mình chưa tìm hiểu đến. Nhưng mình nhìn thấy tác dụng của các phương thức tự nhiên này. Mình có dõi theo chị Đoan Hà chuyên chữa lành tổn thương cơ thể bằng những bài thuốc dân gian rất đơn giản mà hiệu quả, bạn có thể tham khảo.

Nếu bạn có cơ duyên tìm hiểu thì rất là hay luôn. Và ba cuốn sách của Nishi Katsuzo có thể gợi mở nhiều phương án tự nhiên, đơn giản mà hiệu quả cho việc thực hành với cơ thể mỗi ngày.

Mình đoán kể từ khi thực hành Yoga, mình đã kết nối với nhu cầu của cơ thể tốt hơn, làm bạn với nó và hiện diện cùng nó thông qua những chuyển động có mục đích. Tùy vào vấn đề của bạn thuộc về luân xa nào, để có thể lựa chọn các bài tập Yoga mang đến hiệu quả cao (vì thời gian là hữu hạn ý, chứ nếu mình có thời gian thì cũng muốn tập hết các tư thế yoga cho thích hihi). Bạn có thể thử bài test 7 luân xa này của mình cho vui.

Thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt chắc chắn là sự thay đổi khó khăn nhất, nhưng nó xứng đáng. Bởi vì khi bạn có sức khỏe, bạn có rất nhiều mơ ước. Nhưng khi bạn đau ốm và không khỏe mạnh, bạn chỉ có một mơ ước duy nhất là có sức khỏe. Hãy cẩn trọng với những gì đưa vào cơ thể.

Giải mã cảm xúc

Cảm xúc là tín hiệu gợi ý cho các nhu cầu bên trong mình. Bằng cách quan sát chúng, ghi nhận và giải mã chúng, ta có cơ hội kết nối với những ước muốn sâu thẳm từ bên trong, và kiên nhẫn hơn với những đòi hỏi từ chính ta, và từ những người khác. Vấn đề xảy ra là khi ngày nhỏ, chúng ta không được hướng dẫn cách giải mã cảm xúc và kết nối với bản thân thông qua cầu nối này; ta chỉ được dạy cách đè nén cảm xúc, đánh giá nó, phân loại nó là tốt-xấu, nên-không nên, để rồi từ đó hình thành và tích tụ các tổn thương, phòng thủ và phản ứng với cảm xúc. Thay vì thân thiện với cảm xúc, ta xem nó là phiền phức, là thù địch, và trốn tránh, không dám đối diện, thấu hiểu và xử lý nó. Nhiều hậu quả xoay quanh việc này có thể kể đến như là ta không hiểu nổi chính những hành vi và thái độ của ta, ta không kiểm soát được lời nói và phản ứng, ta làm tổn thương cả chính người ta thương yêu… Lâu dần, ta quên mất mình là ai, ta bị áp lực phải chạy theo các yêu cầu của xung quanh, ta lạc lối và cảm thấy thiếu điểm neo giữa sóng gió cuộc đời.

Mình đã đi qua ba bước với cảm xúc của chính mình:

1. Nhận diện cảm xúc

Bằng cách chú ý các dấu hiệu trên cơ thể/ngôn ngữ cơ thể, như là hơi thở gấp, toát mồ hôi, run tay, rung chân, nhịp tim gấp, mắt lờ đờ, căng cứng một vùng nào đó trên cơ thể,… mình nhận ra cơ thể đang phát tín hiệu/thông báo nào đấy dành cho mình, và cảm xúc sẽ xuất hiện rõ ràng hơn. Mình ghi nhận mong muốn phản ứng với chúng, hít một hơi thở sâu để giảm nguy cơ có phản ứng (hành vi, lời nói hay thái độ) không phù hợp. Bước đầu, mình chưa thể thực hành ngay phương pháp này, mà mình phải tham gia khoá thiền Vipassana 10 ngày để có môi trường lý tưởng hỗ trợ thiết lập thói quen mới. Về sau, mình cứ thế duy trì và linh hoạt chỉnh sửa phương thức cho phù hợp với đời sống thực tế hơn thôi. Bạn có thể tham khảo các phương pháp thiền nhẹ nhàng hơn cho người bận rộn từ các app thiền tập và nhiều dự án thú vị khác.

2. Gọi tên cảm xúc

Bằng cách gọi tên cảm xúc, chúng được thừa nhận và dường như ta vào tâm thế sẵn sàng để đối diện, nhìn nhận và giải mã chúng. Có nhiều bạn sưu tầm các từ ngữ gọi tên cảm xúc, mô tả cách mà cảm xúc hiện diện như một cách để kết nối lại với bản thân. Nhưng nếu không cẩn thận, ta dễ trở nên tiêu cực, đắm chìm vào thú đau thương ? lại là một hiệu ứng thái quá cho việc giải phóng năng lượng tiêu cực, ta bị nghiện cảm giác sảng khoái lúc vừa giải phóng được nhiều cảm xúc bị dồn nén đã lâu.

Mình có một bộ các thẻ bài được thiết kế hình ảnh và tên gọi cảm xúc khá hay, tên là Mixed Emotions Cards của một bác sĩ tâm lý Petra Martin. Mình đã thường xuyên xem nó và gọi tên các cảm xúc đang hiện diện với mình.

3. Lý giải cảm xúc và thấu hiểu nhu cầu từ bên trong

Thông qua việc giải mã cảm xúc, nguyên nhân của nó, nhu cầu ẩn bên dưới thôi thúc bộc lộ cảm xúc, mình đã dần dần hiểu hơn về bản thân, bao gồm cả yếu điểm và nỗi sợ mà mình đã dồn nén bao lâu nay. Để từ đó, mình tìm kiếm các giải pháp xử lý những nhu cầu đó, thay vì trốn tránh bằng cách phản ứng với những cảm xúc tiêu cực của bản thân lẫn người khác. Khi mình hiểu được mình cần gì, có yếu điểm nào và mình chấp nhận được chúng, toàn bộ cuộc sống của mình thay đổi. Mình dám nói không với những yêu cầu không phù hợp từ người khác (mình không đủ năng lực để làm, hoặc mình không an toàn nếu thực hiện điều đấy), biết cách đưa ra những yêu cầu chính đáng để nhận được hỗ trợ, dám vạch ra ranh giới cá nhân, và bắt đầu thẳng thắn chia sẻ cảm xúc thật từ trong mình. Mình bắt đầu làm những việc khiến mình thấy yêu thích và thoải mái, từ đó mình có động lực cho mọi việc mình làm và mình làm tốt mọi việc hơn. Mình đưa ra lựa chọn vì chính mình cần như thế, không phải vì để chiều lòng người xung quanh, nên mình có trách nhiệm hơn đối với cuộc sống của riêng mình.

Một điều không ngờ là giới hạn/năng lực chấp nhận bản thân càng mở rộng, mình càng có thể chấp nhận nhiều yếu điểm từ người khác hơn. Trong chỉ số cảm xúc (EQ), chúng ta có thể thấu hiểu, quản lý cảm xúc của bản thân, thì ta cũng có thể nâng đỡ và hỗ trợ cảm xúc của những người xung quanh ý.

Kênh Youtube chia sẻ các hiểu biết về cảm xúc một cách dễ thương và giản dị mà mình yêu thích là Psych2Go. Mình có thể lý giải sơ khởi một số nguyên nhân dẫn đến các biểu hiện cảm xúc của bản thân, và từ đó dễ dàng chấp nhận và tìm kiếm giải pháp cải thiện những vấn đề liên quan đến loại cảm xúc tiêu cực ý.

Ngoài ra, mình được học Chiêm tinh từ sư phụ Kiều Thị Thu Hương là một cơ hội cho phép mình lý giải các động cơ hành vi và cảm xúc mâu thuẫn trong chính mình. Từ đó, mình giảm phán xét, can đảm đối diện và hình dung được đại khái những giải pháp cần thiết cho các vấn đề cá nhân của mình. Cô cũng là người khuyến khích mình tìm hiểu Phật pháp, ngồi thiền, dưỡng sinh và cải thiện các mối quan hệ thân thiết trong gia đình để nhận diện cảm xúc bị đè nén.

Một điều đặc biệt mà mình may mắn biết đến trong đời này, đó là Kinh Phật Nguyên Thủy, nhất là Vi Diệu Pháp/Thắng Pháp (Abhidhamma). Sơ đồ tâm của Pháp như một phương án dẫn đường cho mình dần dần sáng tỏ hơn về các chuỗi cảm xúc xuất hiện. Mình hay nghe bài giảng của Sư Cô Tâm Tâm, đọc những giải đáp từ Thiền Sư Nguyên Tuệ. Các cuốn sách diễn giải mình được sư phụ chia sẻ thì mình chưa đọc hết nổi. Nhưng đọc ít thực hành ít cũng đã thấy nhiều biến chuyển nên mình chụp ảnh chia sẻ với mọi người.

4. Chủ động thiết kế thời gian biểu xử lý cảm xúc phù hợp

Chúng ta thường bận rộn đến mức bỏ quên việc quan trọng là xử lý cảm xúc, xả giận hay bằng nhiều cách thức để giải hòa với mớ hỗn loạn từ bên trong. Việc chủ động dành thời gian riêng cho bản thân được phép xử lý và xả van cảm xúc là điều cần thiết. Vì khi bạn bỏ mặc chúng, các cảm xúc mãnh liệt và dữ dội tràn ứ bên trong sẽ đột ngột phun trào trong những tình huống bạn không lường trước, gây ra nhiều hậu quả không ngờ. Đây cũng là một trong những điều quan trọng trong chương trình quản lý cảm xúc.

Sử dụng tâm trí và ngôn ngữ

Tâm trí của chúng ta cần được huấn luyện tựa như cơ bắp của cơ thể. Các đường dẫn truyền thần kinh, lối mòn tư duy sẽ hình thành các nếp nghĩ và kiến tạo cuộc đời ta. Suy nghĩ lúc nào cũng như con khỉ, nó có thể bay nhảy khắp nơi và khiến cuộc đời ta trở nên rối loạn. Bằng các điều hướng và xây dựng các lối mòn tư duy có mục đích, cuộc sống của ta cũng dần trở nên tự chủ, ưng ý và bình an hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy các bệnh nhân chết não được trải nghiệm cảm giác thanh bình và tĩnh tại. Nguyên nhân là vì não bộ mang đến cho ta nhiều lo lắng, xung động, rối reng, bất an và khủng hoảng. Đây là bản chất tự nhiên của tâm trí, giúp ta sinh tồn và giải quyết vấn đề. 

Nhưng sẽ thế nào nếu ta bỏ mặc tâm trí? Chúng sẽ không được sử dụng thuần thục, và sẽ càng ngày càng tạo ra nhiều vấn đề giữa vòng suy nghĩ lẩn quẩn không điểm bắt đầu cũng không có lối thoát. Mục đích sử dụng tâm trí là để tìm ra giải pháp hiệu quả cho các vấn đề hiện sinh. Nếu không thể, tâm trí sẽ mang đến nhiều nguy cơ khủng hoảng. Vì tâm trí khiến tạo ra nguy cơ cản trở ta quan sát và hiện diện trong thực tại, tâm trí kéo chúng ta về quá khứ bằng những nếp tư duy cũ (patterns), và hướng đến những lo lắng cho tương lai. Đó là lý do có nhiều bộ môn/phương pháp tư duy tập trung vào giải quyết vấn đề, nhất là các bộ môn khoa học.

Khi đọc Deepak Chopra, ông liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tâm trí tự do (thoát khỏi lối mòn tư duy và các sang chấn cũ) có thể mang đến trợ thủ đắc lực như thế nào. Khi ấy tâm trí không gây hại/làm phiền đến ta nữa, nó thực sự trở thành một món quà mà Chúa ban tặng cho loài người.

Mình thấy có hai bộ môn hỗ trợ phương pháp tư duy hiệu quả là toán và triết học. Vì ngày trước mình lỡ mất gốc môn toán, và cũng không hứng thú với những con số và phép tính, nên mình cố gắng tìm kiếm cách theo đuổi triết học. Chính mình và nhiều anh chị khác cùng theo học thầy Bùi Văn Nam Sơn, trong quá trình miên man bám theo các khái niệm và vấn đề trên con chữ, bỗng cảm giác được thư giãn và chữa lành. Vì tư duy được định hướng và đưa vào khuôn, nên nó giảm dần sự rối loạn và hỗn độn.

Tuy nhiên, nhiều người quá bám chặt vào tâm trí đến mức bỏ qua nhiều phương pháp tiếp cận thực tế khác. Các lý thuyết xa rời thực tế, các bộ nguyên tắc cứng nhắt, các hủ tục xã hội, các lý tưởng, các quan điểm cực đoan, các xu hướng gây chiến nhân danh mục đích nào đó… là những tác dụng phụ của một tâm trí bị lạm dụng quá mức. Các suy nghĩ tạo nên cái tôi giả tạo, và đóng chặt ta giữa những giới hạn và sợ hãi, tách biệt con người với thiên nhiên và dòng chảy của vạn vật, trở nên thiếu cảm thông và chấp nhận người khác. 

Xu hướng gần đây, chúng ta lại quay về với tư duy hệ thống, thay vì tách riêng biệt vấn đề để xử lý như trước kia, điều này mở ra rất nhiều phương hướng tự do và thi thú trong đời sống. Nhưng hãy chú ý tất cả những nguồn thông tin hay kênh giải trí mà chúng ta tiếp nhận, chúng sẽ khiến ta trở nên thiếu tập trung, mơ hồ, kích hoạt nỗi sợ và củng cố nhiều thói quen tư duy thiếu lành mạnh.

Đặc biệt là ngôn ngữ. Mỗi từ ngữ có một tần số rung động riêng biệt, nó có thể nâng đỡ người nghe để họ trở nên tự tin, vui sướng, hạnh phúc hơn – đồng thời vẫn tồn tại nhiều từ ngữ khiến một người bị gục ngã. Một đoạn thơ của Ruth Bebermeyer được chia sẻ trong cuốn sách Giao tiếp phi bạo động-Marshall B. Rosenberg đã khiến mình được chạm 

Ngôn từ là cửa sổ

(hoặc chúng là bức tường)

“Tôi cảm thấy bị kết án bởi lời bạn nói,
Cảm thấy bị phán xét và xua đuổi,
Nhưng trước khi đi, tôi muốn biết,
Đó có phải là điều bạn muốn nói không?
Trước khi tôi trở nên phòng thủ,
Và nói trong sự sợ hãi và tổn thương,
Trước khi tôi dựng lên bức tường bằng lời nói,
Cho tôi biết, tôi đã thực sự lắng nghe?
Ngôn từ là cửa sổ, hoặc chúng là bức tường,
Chúng giam cầm, hoặc giải phóng chúng ta.
Khi tôi nói và khi tôi nghe,
Hãy để ánh sáng tình yêu rọi chiếu qua tôi.
Có những điều tôi cần phải nói,
Những điều rất có ý nghĩa với tôi,
Nhưng nếu lời tôi nói không rõ ràng,
Thì bạn có thể giúp tôi không?

Nếu bạn cảm thấy tôi đang công kích,
Nếu bạn cảm thấy tôi không quan tâm,
Hãy cố gắng nhìn xuyên qua những ngôn từ đó
Để nghe thấy những điều hai ta cùng sẻ chia.”

Không phải tự nhiên mà chúng ta có những câu manifest, những dòng kinh kệ, những câu bùa chú để gia tăng năng lượng tập trung và tích cực. Sức mạnh của lời nói và ngôn từ là không nên xem nhẹ. Mình nghĩ bạn sẽ thích đọc cuốn sách này, để có thể nhận ra bản thân đã tổn thương và gây ra tổn thương cho rất nhiều người chỉ bằng lời nói ra sao. Và chắc chắn là, bạn sẽ được chữa lành ngay từ việc cẩn trọng trong lựa chọn ngôn từ.

Mình chia sẻ đến bạn một bài kinh có tần số rung động rất cao, mình đã cảm động như thể nhận được sự chấp nhận trọn vẹn, và được nhẹ nhõm khi có thể trút bỏ nhiều gánh nặng phán xét và chỉ trích từ xung quanh, để thực sự hiện diện là chính mình.

Đây là bài dịch từ chị Giang mà mình rất thích

Aham amero homi
May I be free from enmity and danger
Nguyện cho tôi được tự do khỏi hiểm nguy và hận thù
Abyapajjho homi
May I be free from mental suffering
Nguyện cho tôi thoát khỏi những đau khổ về tinh thần
Anigho homi
May I be free from physical suffering
Nguyện cho tôi được giải thoát khỏi đau khổ về mặt thể xác
Sukhi-attanam pariharami
May I take care of myself happily
Nguyện cho tôi chăm sóc chính mình một cách hạnh phúc
Mama matapitu
My parents
Cha mẹ tôi
Acariya ca natimitta ca
Teachers, relatives and friends
Thầy cô, người thân & bạn bè
Sabrahma-carino ca
Fellow dhammafarers
Tăng đoàn/ bạn đồng tu
“Avera hontu
Be free from enmity and danger
Được thoát khỏi hận thù và hiểm nguy
Abyabajjha hontu
Be free from mental suffering
Giải thoát khỏi đau đớn về tinh thần
Anigha hontu
Be free from physical suffering
Tự do khỏi những đau đớn về thể chất
Sukhi-attanam pariharantu
May they take care of themselves happily”
Nguyện cho họ tự chăm sóc bản thân 1 cách hạnh phúc
Imasmin arame sabbe yogino
May all yogis in this compound
Nguyện cho tất cả yogi trong khu vực này
“…”
Imasmim arame sabbe bhikkhu
May all monks in this compound
Nguyện cho tất cả những nhà sư
Samanera ca
Novice monks
Những sadi
Upasaka-upasikayo ca
Laymen & laywomen disciples
Nam và nữ cư sĩ tại gia
“…”
Amhakam catupaccaya-dayaka
May our donors of the four supports (clothings, food, medicine and lodging)
Nguyện cho những vật phẩm cúng dường của chúng tôi ( quần áo, thực phẩm, thuốc men, nơi ở)
“…”
Amhakam arakkha devata
May our guadian devas
Nguyện cho những vị thần hộ mệnh của chúng tôi
Ismasmim vihare
In this monastery
Trong tu viện này
Imasmim avase
In this dwelling
Trong nơi cư ngụ này
Imasmim arame
In this compound
Trong khu đất này
Arakkha devata
May the guardian devas
Nguyện cho những vị thần hộ mệnh
“…”
Sabbe satta
May all beings
Nguyện cho tất cả chúng sinh
Sabbe pana
All breathing things
Tất cả những gì đang thở
Sabbe bhutta
All creatures
Tất cả sinh vật
Sabbe puggala
All dividuals (it means all beings, too)
Tất cả các chúng sinh
Sabbe attabhava-pariyapanna
All personalities (it means all being with mind & body)
Tất cả mọi người (tồn tại với cơ thể và tâm trí)
Sabbe itthoyo
May all females
Nguyện cho mọi người đàn bà
Sabbe purisa
All males
Tất cả đàn ông
Sabbe ariya
All noble ones (saints)
Tất thảy những vị thánh cao quý
Sabbe anariya
All wordlings (i.e those who have not attained sainthood)
Những người trần mắt thịt
Sabbe deva
All deities
Các vị thần
Sabbe manussa
All humans
Mọi con người
Sabbe vinipatika
All those in the four woeful planes
Tất thảy trong 4 cõi khổ
“…”
Dukka muccantu
May all beings free from suffering
Nguyện cho tất cả chúng sinh giải thoát khỏi khổ đau
Yattha-laddha-sampattito
May whatever they have gained not
Nguyện cho tất cả những điều dù họ đạt được
Mavigacchantu
Be lost
Hay đánh mất
Kammasaka
All beings are owners of their own kamma
Tất cả chúng sinh tự chịu trách nhiệm cho nghiệp quả của họ
Purathimaya disaya
In the eastern direction
Theo hướng đông
Pacchimaya disaya
In the western direction
Hay tây
Uttaya disaya
In the northern direction
Phia Bắc
Dakkhinaya disaya
In the southern direction
Phía nam
Purathimaya anudisaya
In the southeast direction
Đông nam
Pacchimaya anudisaya
In the northwest direction
Tây bắc
Uttaya anudisaya
In the northeast direction
Đông bắc
Dakkhinaya anudisaya
In the southwest direction
Tây nam
Hetthimaya disaya
In the direction below
Theo hướng bên dưới
Uparimaya disaya
In the direction above
Theo hướng lên trên
“…”
“…”
Uddham yava bhavagga ca
As far as the highest plane of existence
Theo bình diện cao nhất của sự tồn tại
Adho yava aviccito
To as far down as the lowest plane
Hay xuống thấp nhất của hành tinh này
Samanta cakkavalesu
In the entire universe
Trong toàn bộ vũ trụ
Ye satta pathavicara
Whatever being that move on earth
Tất thảy những gì đang di chuyển trên trái đất
Abyapajjha nivera ca
May they be free from mental suffering & enmity
Nguyện cho họ được thoát khỏi khổ đau và hận thù của tâm trí
Nidukkha ca nupaddava
& from physical suffering & danger
Và khổ đau, nguy hiểm của thân thể vật lý này
Uddham yava bhavagga ca
As far as the highest plane of existence
Theo bình diện cao nhất của sự tồn tại
Adho yava aviccito
To as far down as the lowest plane
Hay xuống thấp nhất của hành tinh này
Samanta cakkavalesu
In the entire universe
Trong toàn bộ vũ trụ
Ye satta udakecara
Whatever being that move on water
Tất thảy những gì chuyển động trong nước
Abyapajjha nivera ca
May they be free from mental suffering & enmity
Nguyện cho chúng sinh được thoát khỏi khổ đau & hận thù của tâm trí
Nidukkha ca nupaddava
& from physical suffering & danger
Thoát khỏi hiểm nguy và khổ đau của thân thể vật lý này
Uddham yava bhavagga ca
As far as the highest plane of existence
Bình diện cao nhất của hành tinh này
Adho yava aviccito
To as far down as the lowest plane
hay thấp nhất
Samanta cakkavalesu
In the entire universe
Trong toàn bộ vũ trụ
Ye satta akasecara
Whatever being that move in air
Tất thảy những gì di chuyển trong không khí
Abyapajjha nivera ca
May they be free from mental suffering & enmity
Nguyện cho chúng sinh thoát khỏi khổ đau & thù hận của tâm trí
Nidukkha ca nupaddava
& from physical suffering & danger
Thoát khỏi khổ đau và nguy hiểm về thể xác

Viết nhật ký hay ghi chép lại những dòng suy nghĩ trong tâm tưởng cũng là một trong những phương pháp cổ điển, đơn giản và dễ dàng thực hiện, nhưng hiệu quả thì tuyệt vời. Trong cuốn The Artist’s Way của Julia Cameron, ghi chép mỗi buổi sáng là nghi lễ giúp khai phóng nguồn năng lượng sáng tạo, vượt qua nhiều bế tắc trong tâm trí. Cuốn sách này đã từng một thời hot ở VN, để thực hành các phương pháp tâm linh rất hiệu quả. Bạn cũng có thể tham khảo. Cá nhân mình thực hiện bài tập này thông qua Tarot Journey, cách thức rút lá bài mỗi ngày để có từ khóa kích hoạt các dòng suy nghĩ trong tâm trí, và viết chúng ra giấy để nhận diện, sắp xếp, xử lý và chuyển hóa chúng tốt hơn.

Năng lượng và trực giác

Bộ não con người rất bé nhỏ, nó chỉ đủ khả năng xử lý những thông tin thô thiển do 5 giác quan mang lại. Những thông tin vi tế và cao cấp hơn, cần đến những năng lực khác. Ví dụ phương tây gọi là giác quan thứ sau, phương đông gọi là tâm linh, thông thiên học hay Ấn độ gọi là thể thượng trí… Và cách chữa lành “thuận tự nhiên” nhất mà con người có thể khám phá ra, đấy là tận dụng nguồn năng lượng từ xung quanh.

Để bắt đầu với năng lượng, bạn có thể tham khảo các phương pháp nối đất (Google sẽ xuất hiện nhiều), trong đó có thể kể đến thực hành quán tưởng luồng năng lượng của ta quấn lấy lõi trái đất, đi chân đất, ôm thân cây, nằm trên phiến đá… Việc này mang đến lợi ích là dòng năng lượng của Trái Đất sẽ cộng hưởng/chảy qua bạn, và cơ thể sẽ được chữa lành từ nó. 

Tiếp đó, có thể tham khảo phương pháp quán tưởng trụ ánh sáng kết nối từ lõi trái đất lên nguồn ánh sáng vàng kim từ trên vũ trụ để giúp định vững cơ thể. Và phương pháp tạo quả cầu năng lượng bao bọc bản thân giúp nhanh chóng tái tạo năng lượng và chữa lành những lỗ hổng (có thể phình ra từ luân xa tim, hoặc quán tưởng nguồn năng lượng dồi dào màu vàng kim từ trên đổ tràn xuống).

Mình đã được học từ khóa Năng lượng này, bạn có thể tham khảo. Khóa học diễn ra hơi nhanh, nếu bạn chưa có kinh nghiệm làm việc với cơ thể, sẽ hơi vất vả để bắt kịp tiến độ của lớp.

Tiếp đó, bạn làm quen với khái niệm về các luân xa, và hiểu rằng mỗi căn bệnh trong bạn cả về thể lý hay tinh thần, đều là dấu hiệu cho phép bạn khám phá ra các vùng năng lượng tắc nghẽn trong bạn, mà nó ngăn chặn luồng năng lượng dồi dào của tự nhiên tuôn chảy qua bạn, khiến bạn trở nên kiệt quệ, xung đột với chính mình lẫn xung quanh, bế tắc, làm gì cũng không như ý… Bạn có thể thử bài test 7 luân xa này của mình cho vui.

Trong quá trình theo đuổi con đường này, bạn sẽ khai thác được những năng lực tâm linh xịn sò tương ứng, nhưng nó chỉ là sản phẩm phụ, đừng lấy nó làm tiêu điểm. Mục tiêu chính vẫn là khám phá dòng chảy năng lượng, hiểu mình đứng đâu trong dòng chảy đó, và cần làm gì để hoàn thành bài học đang dang dở.

Bạn có thể tìm kiếm idol của mình là Barbara Ann Brennan để đọc thêm, may mắn làm sao, sách của cô đã được dịch chỉn chu tại VN. Mình vẫn mơ ước một ngày được đến NY để tham gia khóa học của cô hic.

Bạn cũng có thể tham khảo dòng chảy năng lượng dưới góc nhìn cổ xưa từ người ấn độ thông qua Prana và Pranayama.

Hoặc nếu lười đọc sách quá dài dòng thì hãy thử theo đuổi một khóa học thực hành nào đó, với người thầy mà bạn yêu thích. Ví dụ, nhỏ bạn thân của mình đã theo học nữ thần Vân Anh này, và đã trở nên thư giãn hơn rất nhiều. Mình quan sát sự tiến triển của nhỏ mà thấy hạnh phúc.

Có một món thú vị khác mà bạn có thể tham khảo đấy là khám phá năng lượng biến dạng trong mình thông qua các Thiên thần của thầy Kaya và giao tiếp với giấc mơ. Với những ai quá nghiêm túc sẽ không thấy hấp dẫn lắm, nhưng với mình thì đã hưởng lợi từ phương pháp này rất nhiều, dù chỉ mới đọc sách chứ chưa tham gia bất kì khóa học nào của thầy (đang gom tiền để học ạ ?). Theo cách tư duy của thầy, chúng ta còn có thể chú ý thêm về nghiệp quả một cách nhẹ nhàng và dễ tiếp nhận, cùng những lựa chọn chủ động của chính mình. Dù là, nói về nghiệp quả, vẫn trực diện hơn khi tìm hiểu về Phật pháp.

Nhưng có nhiều bạn, chỉ bằng cách ngồi thiền Vinpassana cổ điển, đã có thể thấu rõ năng lượng bên trong mình, mà không cần phải tìm kiếm nhiều phương pháp như trên. Bạn có thể tìm hiểu thêm về con đường trực tiếp và hiệu quả này.

Tóm lại,

Mình nhận ra, vấn đề mấu chốt của chữa lành không phải là giải quyết rốt ráo những điểm mà mình cho là “vấn đề” hay “bệnh tật” bên trong mình, mà là nhận diện được hiện thực (tỉnh thức) và biết cách tin tưởng vào trật tự vũ trụ, để từ đó trở nên buông lỏng, nương tựa và trở thành một với thực tại. Không còn chia cắt, phán xét, chối bỏ, đè nén hay vờ vịt. Tất cả những phương pháp trên chỉ giúp mình quay về điều này. Thậm chí, nếu bạn có thể nhảy múa, hát hò, vẽ vời, trồng cây, nặn tượng, điêu khắc, ballet, sáng tác nhạc,… hay bất kì hình thức đa dạng nào trên Trái Đất này mà vẫn có thể khám phá chính mình, thì đấy vẫn là phương pháp đúng dành cho bạn. Giống như việc mình đã thông qua thời trang/quần áo mà khám phá vô số nhân cách giả của bản thân, để từ đó tìm lại cái tâm ban sơ và an ổn hơn rất nhiều. Không phải cứ tu tập là ngồi một chỗ nhắm mắt đâu ạ hic.

Cầu mong cho mình, cho bạn và tất cả mọi người được an vui, hòa hợp.

Author:

One Comment

  1. Lê Ngọc SangTrả lời
    23 Tháng Ba, 2022 at 5:42 sáng

    Hi!

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>