Lừa dối?

Categories:BLOG
Vy Lan

Mình nhận ra xu hướng của bản thân khi nhận diện được việc người khác lừa mình một cách chủ ý. Mình ngay lập tức nhận diện được nỗi lo lắng, đau khổ và thiếu thốn của họ, nên mình không có ý đòi lại quyền lợi. Mình chỉ thông báo rằng mình biết là bạn đã không tử tế với mình đấy, nhưng nếu bạn cần thiết phải làm như thế thì ok mà, bạn không cần giải thích thêm đâu vì mình hiểu bạn cần quyền lợi đó để thấy ổn hơn. Nhưng khổ nỗi người ta còn có nhu cầu giải thích nữa ? nên để làm tốt cho trót thì mình cần phải nghe nốt lời giải thích của họ, hoặc có người xấu tính hơn, sẽ chê bai dịch vụ của mình như thể tệ như mình thì họ không cần mình đâu, chẳng qua tiện tay thì lừa tí thôi. Nên về sau mình chẳng nói ra luôn, vì đôi khi cầm một cục tiền cũng không giúp đúng người đúng lúc như thời điểm mà ai đó lợi dụng mình, người ta làm sai thì đi kèm nỗi sợ hãi bị phát hiện lắm, mình chọt trúng thì lại kích phải một đống năng lượng tiêu cực nơi họ.

Sáng nay mình vừa nhận một cuốn sách với phí 380.000đ, giá này là rất cao cho một cuốn sách đó. Nhưng khi khui hàng thì lại thấy đó là sách photo. Mình nhớ lại cách bạn bán sách rụt rè hỏi mình còn cần sách không, phí như này nhé bạn đồng ý không, trước khi chạy đi ship sách thì còn gọi điện hỏi đường đi như thể xác nhận lại lần nữa. Mình đoán chắc bạn cần xíu tiền, nên lục lại tin nhắn từ lâu lắc rồi, khi mình hỏi bạn có bán sách không. Dù sao thì cuốn này photo cũng cẩn thận lắm, mình hiểu bạn đã cố gắng lắm rồi nên mình làm ngơ như thể không biết gì luôn.

Trong mùa dịch thì cũng nhiều người inbox đề nghị cung cấp dịch vụ đểu để mình chuyển tiền cho họ theo dạng như này (treo đầu dê bán thịt chó ý), mình nghĩ để mở miệng xin tiền chắc khó hơn là lừa người hay thế nào nhỉ? Hoặc họ ngại vì nếu xin tiền thì lại cảm giác không có ích như là cung cấp một dịch vụ nào đó.

Đôi khi mình chỉ thấy tức giận vì nó nghĩ mình ngu nên nó lừa mình, nên muốn làm cho ra nhẽ mọi chuyện thôi. Nếu hiểu một tí cho nỗi khổ của họ thì thấy chả muốn làm lớn chuyện lên nữa. Dù sao mình vẫn còn tiền để sống ít nhất vài tháng nữa. Mà biết đâu ngày mai xui xẻo chết luôn thì có phải là không cần dùng tới không ?

Người ta quyết tâm sống sao để không bị lừa thêm nữa, mình lại không ngăn cản việc này xảy ra. Khi một ai đó mang đến yêu cầu, mình có thời gian thì làm, có tiền thì đưa, nếu không có thì từ chối, đó không gọi là lừa, chắc chỉ là không rõ bối cảnh cung cấp dịch vụ/quyền lợi thôi. Đồng thời mình tin là mọi vật chất trên mặt đất này đều thuộc quyền sở hữu của mẹ Earth, sự trao đổi vật chất từ người này qua người kia cũng chỉ đơn giản là dịch chuyển quyền sử dụng tạm thời. Khi chết đi, mẹ Earth đòi lại đủ, mình có mang được gì về Nước trời đâu, cho dù có chôn cùng xuống đất, thì nó vẫn nằm lại, nên ta mới có ngành khảo cổ =)))

Cho nên điều mình tập trung phát triển ấy là khả năng thấu cảm thông qua đọc hiểu thông điệp của những đòi hỏi/yêu cầu từ xung quanh, và khả năng chịu đựng thiếu thốn/nghịch cảnh. Ví dụ mình đang sở hữu thứ gì đó, tức là mình có phương tiện thuận lợi trong đời sống cá nhân; khi mất đi, tức là giảm bớt độ thuận lợi. Vậy thì là dấu hiệu của việc sống linh hoạt với sự thiếu thốn hơn (thích nghi), hoặc có động lực để lao động nhiều hơn mà tạo ra thêm của cải. Nếu vì một ai đó mà mình cho là đối xử không tốt với mình, để lấy cớ cho sự tức giận và căng thẳng, đau khổ, thì vẫn chỉ là cái cớ trốn tránh bài học thôi. Vì cho dù giữ khư khư cả đống vật chất và không vượt qua bài học nào, linh hồn khi về lại Nguồn, vẫn chỉ như dậm chân tại chỗ, vì đâu được mang theo tài sản đi cùng.

Cho nên mình học cách không tức giận và xem thường người khác, cho dù theo quan điểm xã hội, là họ đang lừa đảo.

Đây là lý do lớn nhất khiến mình chưa thể kinh doanh tốt, vì kinh doanh nghĩa là tối đa hóa lợi nhuận. Việc làm tối thiểu là không để ai lừa mình, việc nâng cao hơn có thể là cần phải đi lừa người khác, lợi dụng sức lao động của người khác nữa cơ. Dĩ nhiên nếu tập trung vào bài học linh hồn, đây có thể là môi trường tốt để nâng cao ý chí, sức bền, năng lực phân tích tình huống, mở rộng tầm nhìn, tính kỉ luật và tính trách nhiệm,… còn nếu không thì chỉ chúi mũi vào tài sản thôi, sau đó kết thúc một đời, nhìn lại chỉ thấy linh hồn dậm chân tại chỗ, chẳng tiến hóa được bước nào. 

Nhiều người bảo thế này thật là ngây thơ và sẽ luôn phải chịu thiệt. Ô, mình không hề. Mình không vì đáp ứng yêu cầu của người khác mà bỏ quên giới hạn của bản thân. Việc gì trong sức của mình thì mình mới đồng ý cho họ lợi dụng. Việc gì ngoài khả năng thì mình không ngần ngại từ chối. Vì mình luôn trân trọng cảm xúc, và nếu việc gì đó khiến mình thấy không ổn thỏa chính là không nên nhận làm. Điều này vừa tốt cho mình, mà cũng tốt cho đối phương. Vì nếu mình cứ miễn cưỡng và bức ép bản thân, lâu dài sẽ chẳng ai nhìn nhau như con người nữa, chỉ thấy đối tượng đấy như kẻ thù nguy hiểm đến sự tồn tại của mình. Ngoài ra, sự thiệt hại chính là môi trường tốt trui rèn ý chí và sức mạnh, nên tính ra cũng không tệ lắm đâu. 

Cách sống này của mình trông hèn như phái Khuyển nho =))) cái hồi mà mình phát hiện ra có thể dùng tay để vốc nước mà đánh răng, mình bèn không cần đến cốc đựng nước nữa luôn, nghe như câu chuyện “Diogenes chỉ sống một cái thùng và chẳng có gì ngoài một cái áo choàng, một cây gậy và một cái bát gỗ, mà sau đó ông cũng quẳng luôn cả cái bát đó khi thấy 1 thằng bé vục nước uống bằng tay không. Do vậy chẳng ai có thể ăn trộm hay cướp đi hạnh phúc của ông.” ?? 

Author:

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>