Cái Tôi Này

Categories:BLOG
Vy Lan

Ngày trước, khi mình đặt cái tôi lên đầu, lối phản ứng của mình sẽ thường là “thằng này làm thế vì coi thường mình, thiếu tôn trọng mình, muốn hạ bệ mình, muốn dìm chết mình mới được đây mà”, “mình không xứng đáng bị đối xử tệ như thế/bị coi thường như thế”… cho nên thường thì mình sẽ có loạt hành vi trả đũa, đối kháng, chỉ trích, trách móc, thậm chí trốn tránh và hủy bỏ mối quan hệ để nâng cao quan điểm.

Nay dường như mình đặt trọng điểm khác, mình nhận ra trong sâu thẳm, linh hồn của mình mong mỏi giữ được kết nối với những người xung quanh, ít nhất là với những linh hồn thú vị khác, muốn được tương tác và chia sẻ tinh thần đại đồng (hẳn là do sun trong lá số nhật tâm ở Song Tử hợp góc 60 với mercury Bảo Bình). Do đó, mỗi khi có mâu thuẫn, ban đầu thì mình vẫn có suy nghĩ như thói quen cố hữu là tên này đang muốn thách thức/làm hại mình, nhưng khác trước là mình cố gắng nghĩ tiếp xem nếu nó làm thế để hại mình thì liệu nó có vui vẻ hơn không, nó có được ích lợi gì không. Hóa ra nó cũng chẳng được lợi gì, lại càng không vui khi khiêu khích mình như thế vì hai đứa là bạn bè mà, vậy thì nó cũng là nạn nhân. Ơ thế thì ai là kẻ gây án trong này? Lúc này thì cả mình và nó đều là nạn nhân, kẻ gây án ở đây là cảm xúc. Hmm, vậy thì mình nên đối diện với cảm xúc mà xử lý chúng, không phải là đối đầu với bạn của mình. Đổ lỗi sai chỗ sẽ gây nên một tá các hệ lụy khó lường khác.

Kể từ khi moi ra được nguyên nhân, mình bắt đầu tìm hiểu vì sao nguyên nhân đấy xuất hiện, điều gì cho nó cơ hội xuất hiện – vì khi giảm bớt các điều kiện đấy thì nguyên nhân đấy ngừng xuất hiện thôi chứ có gì phức tạp đâu. Trên lý thuyết là thế, nhưng trò này vốn không vui vẻ hay thoải mái lắm đâu vì mình dễ lăn vào xu hướng tự chỉ trích, trách móc chính mình. Nghĩa là nếu không cẩn trọng, thì ta chỉ chuyển sự chỉ trích vào người khác sang chính ta – cũng có gì khác biệt đâu? Mấu chốt để làm được điều này là tránh việc đổ lỗi hay phán xét đối tượng, mà chỉ nên chú ý phân tích mổ xẻ hiện tượng. Nghĩa là hãy đấu tranh với cái xấu, chứ không xem ai là kẻ xấu. Vì khi cái xấu biến mất, thì người ta sẽ là người tốt thôi.

Mình suy nghĩ điều này một cách rõ ràng hơn, dù xu hướng tự động chuyển đổi khá mơ hồ trong một năm qua. Cột mốc đánh dấu cho dòng suy nghĩ này khởi sinh là khi bé út hỏi mình: “Ủa sao Hai block facebook người yêu cũ mà sau này vẫn làm bạn được hay zợ?”. Đúng là hồi đầu mình đấu tranh với tên đấy, nhưng sau mình có xu hướng chuyển qua đấu tranh với sự căng thẳng, nỗi mơ hồ, nỗi sợ hãi, sự im lặng của mối quan hệ, chứ không đấu tranh với tên đấy nữa. Do đó, hai bên dường như gắn kết với nhau hơn thông qua sự đấu tranh với cái xấu đấy, cảm giác như thể chúng ta cùng chiến tuyến vì thiệt tâm tao cũng đâu có muốn khó khăn với mày, do chúng nó gây ra hiện tượng đấy thôi. Thế là hai bên ngấm ngầm cảm thấy nếu cùng nhau nỗ lực thì mí cái khó khăn này cũng có là gì đâu, mối quan hệ này xứng đáng được đầu tư nỗ lực mà.

Dù sao thì xưa nay, đối tượng khiến mình mở lòng chỉ đếm trên đầu ngón tay dù mình khá thân thiện nhưng vẫn hay cố chấp, và tên người yêu cũ này là một trong số đó, nên có vẻ linh hồn của mình không cam tâm cắt đứt quan hệ. Khoan vội nghĩ theo lối thông thường kiểu “tình cũ không rủ cũng tới”. Dạng kết nối giữa mình với nó như thể giúp nhau cùng bơi qua một đoạn sông khấp khuỷu, khi qua được rồi thì đường ai nấy đi vì vốn định hướng từ đầu không giống nhau, chỉ là vô tình cần nhau ở một đoạn sông khó nhằn. Quãng thời gian vượt khó cùng nhau ấy như là một điểm neo trong để mỗi khi quay đầu nhìn lại quá khứ vẫn thấy những điều tốt đẹp. Gọi tắt lại là lòng biết ơn. Lòng biết ơn là dòng nước mát lành nuôi dưỡng tâm hồn ta tươi vui, mềm mại. Do đó, chỉ cần một ai có thể khiến mình nảy sinh cảm xúc ấy thì mình đều trân trọng vô cùng. Nhờ phát sinh điều này, mà các hành vi của mình sẽ luôn cố gắng xoay quanh câu hỏi “làm điều gì là không hại mình-hại người?” vì mình không thể đối xử tệ với ân nhân được. Từ đó, thay vì hành xử theo lối cố chấp bảo vệ cái tôi như trước, thì mình chịu khó lùi về một bước nghĩ ngợi cho người, nghĩ ngợi cho hoàn cảnh. Lúc đấy khổ sở lắm không đùa được đâu, nhưng kiểu gì cũng sẽ nghĩ ra cách. Ngoài việc nghĩ được cách xử lý mâu thuẫn giữa hai bên, mình còn được khuyến mãi thêm một sự thật nào đó về chính mình mà trước nay vốn còn mù mờ. Thế thật hay, đúng không? Vì cho dù người đi kẻ lại, mình vẫn ở cạnh mình đến cuối cuộc đời, thì thật xứng đáng để bỏ công tìm hiểu rốt ráo ấy chứ?

Ngày đó mình đã từng nói “Anh khiến em có đống cảm xúc tiêu cực này, nên em sẽ bỏ anh để đi tìm bình an.” hàm ý rằng cái tôi này của mình phải được bảo vệ hoàn mỹ là trên hết, tên nào dám động đến uy nghi của bà thì bà sẽ loại bỏ. Loay hoay đến một ngày thì đã có thể hạ mình nói câu “Em thà chọn bỏ đống cảm xúc này, chứ nhất quyết không bỏ anh vì em trân trọng mối quan hệ này”. Lúc này đúng sai hay danh dự chẳng còn quan trọng nữa, vì mình đã nhìn thấy nhiều giá trị xứng đáng hơn cho các quyết định của mình.

Author:

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>