Phân Tách Rạch Ròi Mục Đích Với Phương Tiện?

Categories:BLOG
Vy Lan

Mình nhận ra là đa phần các mục tiêu mà người khác tự đặt ra cho họ, đối với mình chỉ là phương tiện. Cho nên do vậy, tâm thế của mình rất khác trong lúc thực hiện mọi công việc và dự án.

Ví dụ:

1. Thường mọi người đặt ra sự thành công, danh vọng và giàu có chính là mục tiêu để hướng đến. Riêng mình chỉ xem danh tiếng và tiền bạc là phương tiện để mình sử dụng cho mục tiêu khác đó là sẽ có thể giúp đỡ được nhiều người hơn. Vì có vẻ mọi người cảm nhận được sự tin tưởng nhiều hơn ở những cá nhân có tiền bạc và danh tiếng. 

2. Một dự án mới được hình thành hôm qua, rằng tạo ra một sản phẩm hỗ trợ việc học tập hiệu quả hơn. Thì hẳn ai cũng nghĩ mục tiêu của mình là hoàn thành sản phẩm để bán được nhiều tiền. Nhưng với mình, “hoàn thành sản phẩm” chính là phương tiện, mục đích hướng đến là trong lúc thực hiện sản phẩm, mình sẽ nghiêm túc tìm tòi, học tập có phương pháp hơn để có thể làm ra được sản phẩm hoàn thiện nhất trong khả năng => hướng đến tri thức đó mà.

3. Đối với nhiều người, việc đi xem bài Tarot là để trở thành master Tarot Reader – tức là họ lấy cái danh phận Tarot Reader chuyên nghiệp ra làm mục đích. Nhưng đối với mình, trở thành một Tarot Reader chuyên nghiệp chỉ là một phương tiện để nhiều người tin tưởng mình, tìm đến mình chia sẻ vấn đề, để từ đó mình có thể hỗ trợ họ phân tích, đưa ra hướng giải quyết, từ đó nâng cao năng lực tư duy hơn. Thật sự là nhiều người bạn của mình chỉ muốn gặp mình để xem Tarot, vì họ không tin tưởng ai để có thể chia sẻ những câu chuyện riêng tư. Nhờ vậy mà mình được lắng nghe câu chuyện của họ, và cách thức mình hỗ trợ họ tìm ra lời giải đáp thật ra là từ tư duy trong não của mình, chứ không thật sự hoàn toàn nhờ vào các lá bài. Bằng chứng là mỗi ngày mình có năng lực giải quyết vấn đề tốt hơn một tí đó.

4. Vài người chia sẻ với mình mục tiêu đi thiền của họ là để tìm kiếm cảm giác thanh thản, ổn thỏa, bình tĩnh hơn. Nhưng đối với mình (và nhiều hành giả nghiêm túc khác), cảm giác thanh thản, ổn thỏa, bình tĩnh chỉ là kết quả của thiền định, trong khi mục tiêu hướng đến phải là thiền tuệ – tức là cảm giác thoải mái mà thiền định mang đến chỉ là phương tiện cho mục đích hướng vô một tâm trí sáng rõ và tinh tuyền hơn. Do vậy mà nhiều người bị lầm tưởng, nên bị chấp vào những cảm giác thoải mái ấy, nên không thể tiến bộ trong tâm trí được.

5. Đa phần trong tình yêu, ai cũng đặt mục tiêu là có được người yêu và nhận được sự quan tâm của đối tượng mà mình yêu mến, cho nên bao nhiêu bi kịch máu chó ra đời khi tình cảm không được đáp ứng như yêu cầu (đôi lúc vô lý và quái gở) của chính mình, rồi người ta sợ yêu (vì sợ không được đáp ứng đúng mong muốn), rồi người ta hận thù, hối hận, dằn vặt, day dứt… Mình thì xem việc có người yêu và có đối tượng để yêu là một phương tiện, mục đích hướng đến là trong quá trình tương tác, va chạm, yêu thương, xung hấn hay va vấp, mình có thể hiểu chính mình hơn – vì cách mình nhìn đối phương/hành xử và phản ứng trước các dấu hiệu từ đối phương luôn phản chiếu chính tâm thức của bản thân mình. Do đó, mình sẽ không bao giờ hiểu được bản thân nếu co cụm lại một mình, mà cần phải có va chạm với người khác thì mới có thể tìm ra nhiều sự thật về tâm thức mập mờ, thiếu rõ ràng trong sâu thẳm. Nhờ mục tiêu của mình có sự khác biệt, mà tình yêu của mình có được hồi đáp hay không, người kia có đối xử với mình theo cách mình muốn hay không, đều không khiến mình quá khổ sở – thật ra vẫn có cảm giác buồn đau hay hụt hẫng chi đó, nhưng nó không chi phối cuộc đời mình trở nên nát bét đâu, vì mình nhận ra được sự thật, và do đó mục đích được hoàn thành – nên mình không ngại chi mà trải nghiệm tất cả những đau thương hay ngọt ngào bên trong tình cảm đó. Bởi vì cho đến cuối cùng, chỉ có mình là ở cạnh mình thôi, chứ ai rồi cũng sẽ chỉ đi cùng mình một quãng đường ngắn, vậy tại sao mình không đặt mục tiêu hiểu hơn về chính mình – người bạn đồng hành trung thành suốt kiếp?

Do vậy nên mình rất enjoy quá trình, và chẳng cầu mong trái quả – vì trái quả có là gì (có người yêu hay không có người yêu, có nhiều tiền hay có ít tiền, thành công hay thất bại) thì mục đích của mình vẫn được loading một phần nào đấy trong quá trình mình thực hiện kế hoạch đó mà. Nhưng đa phần kết quả thường rất mĩ mãn vì mình luôn trong tâm thế try my best (vì enjoy là trạng thái chìm đắm vào công việc đấy). Mà đã gọi là phương tiện thì đều có thể thay thế, nên khi không đạt được phương tiện này, mình có thể linh hoạt tìm kiếm loại phương tiện khác để thay thế. Ví dụ khi không thể giàu có và thành công được (một cách chiếm lấy niềm tin nhanh chóng hơn), thì mình có thể dùng sự quan tâm chân thành, chia sẻ kiến thức, hay tinh thần cởi mở để thuyết phục người khác tin tưởng ở mình, mặc dù sẽ lâu hơn nhưng rốt cục thì ai quan tâm chứ? Mục tiêu của mình kiểu gì cũng được hoàn thành thôi mà, phương tiện gì liệu có quan trọng?

Cho nên những người lẫn lộn mục đích với phương tiện thường cảm thấy khổ sở lắm, họ loay hoay lẩn quẩn mãi bởi cái mục đích của họ kì cùng chỉ là phương tiện, mà đã là phương tiện thì nó chỉ mang tính hỗ trợ chứ không thể thay thế/lấp đầy cho sự trống rỗng bên trong họ được – và nó hoàn toàn có thể trở nên vô dụng trong một vài tình huống đặc thù. Nên họ cứ có nhiều, sở hữu nhiều, nhưng càng nhiều thì càng thiếu.

Author:

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>