Hy Sinh

Categories:BLOG
Vy Lan

Vấn đề đến từ sự hy sinh đó là tự bản thân người hy sinh không tìm được động lực trong hành vi, mà phải chờ đợi một động lực từ bên ngoài để làm cớ cho hành vi ấy, và họ nhân danh điều ấy là sự hy sinh.

Bởi vì động cơ của hành vi không đến từ bên trong, mà phụ thuộc vào bên ngoài, nên đi kèm với điều đó sẽ là sự kì vọng vào đối tượng mang đến động lực ấy. Người hy sinh sẽ luôn sẵn sàng chờ đợi một tín hiệu từ đối phương cho thấy rằng họ cần được giúp đỡ, vậy là người hy sinh sẽ sẵn sàng giúp ngay. Điều đó sẽ tốt thôi, nhưng người hy sinh trong lúc thực hiện công việc giúp đỡ đối phương, họ sẽ luôn mang cảm giác bản thân đang chịu thiệt thòi vì lợi ích của đối phương. Điều đó mang đến gánh nặng cho người nhận được sự giúp đỡ. Bản thân người nhận được sự giúp đỡ thật tâm cũng không hề cảm thấy thoải mái, khi người giúp đỡ mình luôn mang nặng tâm tư là “bản thân phải chịu thiệt thòi để hy sinh cho lợi ích của người khác”.

Vấn đề cần được sửa đổi ở đây là, bản thân người giúp đỡ phải nhận thức được rằng bất kì công việc nào mình làm là đều vì bản thân mình. Động lực hành vi nên tự tìm kiếm từ bên trong, không trông mong, không chờ đợi người khác trao động lực cho. Khi hành vi của người giúp đỡ sẵn tiện trong việc hỗ trợ người khác, thì hẵng làm, đừng bao giờ hy sinh quyền lợi của bản thân hoàn toàn chỉ để xoay quanh một người nào đó. Chỉ khi ấy, bản thân người ấy mới có thể thoát khỏi vòng lẩn quẩn về việc “mình đang thiệt hại bản thân, còn người kia thì được lợi.”

Bởi vì trong quá trình lao động, sẽ có những giây phút khủng hoảng và gặp khó khăn. Những lúc ấy, người hy sinh thường dễ phát ngôn những câu nói gây tổn thương dạng như:

  • Vì mày mà tao mới hy sinh cực khổ như vậy.
  • Nếu không phải lo cho mày thì tao đâu phải cố công kiếm tiền như vầy?

Nếu bình tĩnh mà suy xét, hãy tự hỏi bản thân thực sự nếu không phải lo lắng cho kẻ khác, thì bản thân bạn sẽ không làm hành vi đó à? Giả dụ, nếu bạn không phải nuôi con cái thì bạn sẽ không đi kiếm tiền hay sao? Hãy hiểu một điều rằng, khi bạn có phải mang trách nhiệm nuôi ai hoặc không, thì bạn vẫn sẽ luôn phải đi kiếm tiền, trước hết vì cái thân của bạn đã. Kiếm được nhiều tiền thì dễ sống, kiếm ít tiền thì khó sống hơn đó. Đó mới là động lực chính đáng khiến bạn lao đầu vào kiếm tiền, chứ không phải vì vợ con hay ai ép buộc bạn tròng cổ vô những công việc ấy cả.

Hãy dừng ngay suy nghĩ bản thân đang chịu thiệt thòi hy sinh vì kẻ khác, và lấy đó làm cớ để trút mọi nỗi bực dọc lên đầu đối phương. Hãy xác định rõ bản thân mới là đối tượng cần tập trung vào, và vì thế mọi điều bản thân làm nên vì chính mình trước hết. Điều đó sẽ khiến các mối quan hệ dễ thở và mọi người đỡ mang cảm giác tội lỗi với bạn hơn.

Điều quan trọng nhất để ngăn cảm giác bản thân đang chịu thiệt thòi, đó là hãy nghĩ đến công sức của kẻ khác cũng xứng đáng ngang hàng với công sức của bạn. Đừng cho rằng bản thân đã bỏ nhiều công sức hơn, nên bản thân thiệt thòi hơn. Con người ta lúc nào cũng thường tự đánh giá cao bản thân, nên có xu hướng đánh giá thấp công sức của kẻ khác rồi tự cho rằng bản thân thiệt thòi hơn khi đã phải làm nhiều hơn mà hưởng lợi ngang nhau. Hãy tỉnh táo trong việc đánh giá giá trị của sức lao động, đừng trở nên tự thiên vị chính mình.

Và nếu bạn phải đứng trước một công việc bản thân không hề mong muốn gánh vác, thì hãy từ chối gánh vác, và cùng những người có liên quan thảo luận về những cách thức xử lý phù hợp hơn. Đừng im lặng nhận về phần mình rồi hành động trong ấm ức, trong suy nghĩ về sự thiệt thòi mà bản thân đang phải hứng chịu. Sự nhu nhược/yếu đuối/thiếu bản lĩnh của bạn dẫn đến sự thiệt thòi ấy, không phải do bên ngoài đâu nhé.

Cuối cùng, hãy học cách đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình. Khi cảm thấy một hành động nào cần phải được đáp trả công lao xứng đáng thì hãy mạnh dạn lên tiếng. Một mối quan hệ có thể duy trì tốt đẹp chỉ có thể diễn ra khi hai bên đạt được lợi ích tương đương nhau, không bên nào phải chịu ấm ức hay thiệt thòi. Đừng im lặng chấp nhận những thỏa thuận từ bên kia, rồi đóng vai nạn nhân như thể mình bị ép buộc phải thực hiện những điều khoản ấy. Hãy học cách định giá bản thân và thỏa thuận những quyền lợi chính đáng với đối phương, không trốn tránh, không ngại ngùng. “Có qua có lại cho toại lòng nhau” nhé các người anh em của tôi ơi :))

Tác hại của sự hy sinh ngoài việc bản thân chịu ấm ức lâu ngày, thì còn gây nên tính ỷ lại cho đối phương. Tính ỷ lại này dẫn đến một đời sống lười nhác và phụ thuộc từ đối phương. Đồng nghĩa với việc ta đang dạy hư họ thông qua đức tính hy sinh vớ vẩn này. Bằng chứng thì bạn có thể thấy đàn ông VN hầu hết rất lười nhác và ỷ lại bởi đức tính hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Thói quen này vốn chẳng hề tốt đẹp như mấy ông lười nhác ca ngợi nó để người phụ nữ xem là đương nhiên phải nhận lấy sự thiệt thòi về bản thân. Đã đến lúc chúng ta thôi ngay cái trò đề cao đức tính hy sinh của người phụ nữ Á Đông, bớt nuông chiều đàn ông Việt Nam để bọn họ trở nên có ích hơn đi.

Những người mắc bệnh “hy sinh” này thường có kế đô cung 7 (không quen sống một mình nên phải nhịn người khác để được dựa vào), kế đô cung 6 (quen nhìn thái độ của người khác mà sống), chiron Cự Giải/chiron cung 4 (quen thói yêu thương có điều kiện: “tao hy sinh cho mày cái này thì mày phải hy sinh cho tao cái kia”) và la hầu Sư Tử/cung 5 (sống thiếu mục đích và thiếu động lực từ trong chính bản thân nên sẽ tìm kiếm sự thúc đẩy từ người khác, rồi khi thất bại thì đổ lỗi vì phải làm cho vừa lòng người đó nên mới ra như thế).

Author:

One Comment

  1. Duc NguyenTrả lời
    28 Tháng Tám, 2018 at 6:22 chiều

    Hay quá chị ơi. Like

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>