Tình Yêu, Tình Dục Và Các Mối Quan Hệ Dưới Cái Nhìn Từ Cổ Chí Kim

Categories:BLOG
Vy Lan

Đây là một bài dịch dài từ cuốn sách Person to Person của nhà tâm lý học hôn nhân kiêm nhà chiêm tinh học Stephen Arroyo.

“Tình yêu là điều mà ai cũng cần phải học. Đó là cả một quá trình duy trì tính toàn vẹn cá nhân khó khăn và phức tạp bao gồm các thái cực hoàn toàn khác nhau.” – D.H.Lawrence

“Tình yêu đồng nghĩa với việc cả đời đều phải học cách thứ tha, một ánh nhìn dịu dàng lâu ngày trở thành thói quen.” – Peter Ustinov

“Chúng ta đang sống trong một xã hội phương Tây thật kì lạ, những con người được ca ngợi lên với quan điểm về “tự do” và “tri thức” nhưng lại mắc kẹt trong nỗi sợ hãi và cảm giác thiếu an toàn. Nhà phê bình hệ thống giáo dục nổi tiếng – Charles J. Sykes – đã viết: “Thay vì chỉ nhìn vào mặt tối của cuộc sống như nỗi thất vọng hoặc những mặt còn hạn chế, chúng tôi đánh giá cao người biết khao khát và ước mơ, biết hài lòng với hiện thực và khiến bản thân mình trở nên hạnh phúc hơn – tất cả những điều đó không phải là giải thưởng để chúng ta ganh đua với nhau mà nó là quyền lợi cơ bản của mỗi cá nhân.” (Dumbing Down Our Kids, 1996)

Bối cảnh xã hội cùng với nhịp sống hiện đại ngày nay, khi công nghiệp hóa phát triển mạnh đã tạo ra những con người sống với tư tưởng mơ hồ. Họ luôn gặp phải mâu thuẫn trái chiều với cảm xúc và lúc đưa ra ý kiến. Có thể nói rằng cơ thể và cảm xúc của một số người không kết nối được với nhau (điều này hoàn toàn khác với người sống hời hợt), dẫn đến việc chúng ta không thể trải nghiệm các “thái cực” như D.H.Lawrence đã nói. Thuật ngữ “thái cực”, khi ta xét nó tách rời ra khỏi tính điện và từ trong các bộ môn khoa học thì nó còn có nghĩa là đặc trưng phẩm chất và sự hòa hợp, kích thích lẫn nhau giữa nam/nữ, âm/dương, sáng tạo/tiếp nhận.

Một người Ấn Độ đã khẳng định rằng:

“Sự phân cực là cái khung nhất định mà ở đó mọi hoạt động thực tiễn đều xâu chuỗi lại với nhau.”

Nếu bất cứ ai trong chúng ta đều không thể tận hưởng trọn vẹn vũ điệu mang tên “phân cực” ấy thì có lẽ bạn đang bỏ lỡ một điều cực kì quý giá đấy.

Nếu không biết đến các thái cực đồng nghĩa với việc ta không thể trải nghiệm trọn vẹn một cuộc sống năng động. Phân cực mang đến cho chúng ta sự sáng tạo tuyệt vời, nỗi phấn khích sâu sắc và cảm giác hài lòng khi đạt được thứ gì đó. Cảm xúc này sẽ đột ngột xuất hiện khi chúng ta gặp được nhân cách bổ sung trong bất cứ mối quan hệ nào. Thái độ của mỗi người đối với tình yêu hay tình dục đều có mối liên hệ chặt chẽ với bối cảnh xã hội, điều kiện tâm lý và thể chất. Nhưng ngày nay ở xã hội phương Tây, cuộc sống trở nên bận rộn và hối hả khiến nhiều người quen sống ở đô thị lại vô tình bị “mất gốc”. Một số trào lưu cực đoan lan truyền nhanh đến chóng mặt nhờ các phương tiện truyền thông điện tử. Mỗi chúng ta đều đi tìm những trải nghiệm cơ bản (hoặc sự phân cực) mà bản chất của tình dục là phân cực nên một số người cố tìm cảm giác thỏa mãn thông qua việc sex một mình (thủ dâm). Xã hội phương Tây đang rơi vào tình trạng thiếu năng lượng tập trung và tính phân cực bởi mỗi người chỉ chăm chăm vào thỏa mãn chính mình thông qua việc quan hệ tình dục. Nhưng nếu bạn đã từng sống ở các nước châu Âu sẽ thấy họ đang bị quá tải về tình dục bởi họ làm chuyện ấy dựa trên sức mạnh bản năng khiến cho việc sống và cùng nhau xây dựng những mối quan hệ chân thành trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Stanley Keleman – một chuyên gia tâm lý ở San Francisco – đã đưa ra nhiều dự đoán về sự ảo tưởng, tự lừa dối bản thân của phần lớn người đang sống ở xã hội hiện đại ngày nay: “Có vẻ như họ đang nhầm lẫn gì đó ở thế giới thực tại. Chúng ta đang nỗ lực tạo ra một xã hội bình đẳng nhưng đôi khi, ta đang chính trị hóa và bóp méo giới tính thật. Xã hội hôm nay đang hướng tới việc xóa bỏ sự khác biệt về giới tính, mỗi người sinh ra mang giới tính như thế nào là do số mệnh an bài. Và tất cả chúng ta đều cố gắng xóa bỏ sự thật về những khác biệt giữa hai giới mà lịch sử mười ngàn năm trước đã ghi lại.”

Xóa bỏ sự khác biệt về giới tính cũng là một cách giảm bớt rủi ro khi trải nghiệm sự phân cực. Keleman lại tiếp tục:

“Suốt những năm gần đây đã có nhiều cuộc tấn công nhằm vào cảm xúc và vai trò chênh lệch giữa nam với nữ. Thế nhưng phần lớn vẫn nhất trí đồng tình với việc hai giới đều tương đồng mà không có gì khác biệt.”

Chúng ta luôn đi tìm cảm giác hài lòng để bù đắp cho những thiếu hụt trong quá khứ, tìm sự công bằng thay vì phải chấp nhận phân biệt đối xử giới tính. Con người thường muốn cảm giác hạnh phúc nhất thời hơn là cam kết chung thủy dài lâu. Bạn có biết một khu vườn thần thoại lạc quan, nơi mà phái nam và phái nữ yêu cầu quyền bình đẳng như nhau không? Bạn có bao giờ thắc mắc rằng về vấn đề tình dục, vai trò trong gia đình hay giới tính thật sự của mình không?

Ngày nay, có rất nhiều người chưa thật sự hiểu rõ khái niệm cuộc sống và tình yêu. Thế thì chương này chính là chìa khóa giúp các bạn hiểu rõ hơn về tính phân cực. Bộ môn chiêm tinh học phân tích đặc trưng phẩm chất của con người đều dựa trên các cực: năng lượng Mặt trời ấm áp, Mặt trăng tươi mát dịu dàng, sao Kim hài hòa độc lập, sao Hỏa nóng nảy bốc đồng, các nguyên tố Lửa và Khí thích thể hiện trong khi Đất và Nước kín đáo, có tính tự chủ tốt. Có thể xem chiêm tinh là bộ môn khoa học/nghệ thuật về cách con người tương tác năng lượng với cuộc sống, cả bên trong lẫn bên ngoài. Chiêm tinh không chỉ là ánh sáng cho những ai đang muốn tìm hiểu về chính mình mà đó còn là một cách giúp ta tự cân bằng giữa ảo tưởng với hiện thực.

Như Keleman đã viết

“Khi chúng ta hiểu nhầm bản năng sinh sản và giới tính của mình là đã vô tình làm giảm bớt ham muốn và cảm xúc sâu nhất trong lòng. Sứ mệnh của con người là nuôi dưỡng và yêu thương trẻ em, xây dựng một thế giới nhân đạo và phát triển tiến bộ hơn cho những thế hệ tiếp sau.”

Lịch Sử Và Bối Cảnh Văn Hóa

Việc nghiên cứu nhiều nền văn hóa và lịch sử khác nhau giúp chúng ta hiểu phương thức thể hiện cảm xúc cũng như cách xây dựng các thể chế chính trị, mối quan hệ giữa nhiều giới tính, nuôi dạy con cái và ổn định xã hội. Những nghiên cứu như vậy ít nhiều đều tiết lộ cách mà con người cố tìm hiểu bí ẩn trong cuộc sống và các mối quan hệ. Người Hy Lạp cổ đại dùng 5 từ khác nhau để miêu tả tình yêu. Trong đó từ hấp dẫn nhất có lẽ là “eros” mà ngày nay sinh ra thành “erotic” – nghĩa là tình ái – một nghĩa hẹp hơn nhiều so với từ gốc.

Người Hy Lạp tin rằng chúng ta phải hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày trong tình yêu, nó thúc giục ta hướng đến hình thức cao hơn của cái đẹp, hoàn mỹ và chân lý. Họ nghĩ rằng tình dục tương đối quan trọng nhưng không nên vượt quá ngưỡng của tình yêu. Thần Eros là con của thần Ares (sao Hỏa) và nữ thần Aphrodite (sao Kim) – hai cực rõ ràng giữa phái nam và phái nữ, quyết đoán và quyến rũ. Không riêng gì người Hy Lạp mà nhiều nhà văn sau này cũng thúc đẩy chúng ta phải biết vượt qua chính bản thân mình, tạo thành một chỉnh thể thống nhất với chân lý và Thiên Chúa, như Thánh Augustino đã chỉ dạy. Tình yêu là sức mạnh thu hút tất cả chúng ta nhưng giới tính lại hỗ trợ đẩy từ phía sau. Tình yêu đề cập nhiều đến khả năng nhưng nếu bạn đi tìm sự hài lòng mang tính chất ích kỉ, chỉ biết thỏa mãn bản thân mình thì tình yêu không còn giá trị nữa. Thần thoại Hy Lạp kể với chúng ta rằng Eros như được tiếp thêm sức mạnh khi ở cùng với anh trai Anteros và trở lại hình hài của một đứa trẻ khi cách xa anh mình. Vì thế, theo quan điểm của người Hy Lạp cổ, tình yêu (Eros) sẽ không thể nào phát triển nếu không có đam mê (Anteros) hoặc cảm xúc.

Nếu bàn về sự ẩn dụ của tình yêu thì có lẽ phải nói rất lâu mới hết. Chúng bao gồm nhiều khía cạnh của cuộc sống, bị chính trị hóa và tách biệt với kinh nghiệm lịch sử của con người. Như Tiến sĩ Alice S. Rossi – một nhà nghiên cứu xã hội ở Đại học Massachusetts – đã viết:

“Xã hội hiện đại chỉ là một phần nhỏ trong lịch sử tiến hóa và thật ngây thơ khi cho rằng những thí nghiệm táo bạo ấy có thể xóa bỏ chế độ phân biệt giới tính. Điều này gần như đã xuất hiện cách đây mấy thập kỉ, dần trở thành thói quen và phong tục tập quán của nhiều dân tộc.”

Nhà trị liệu Stanley Keleman đã viết:

“Tôi cho là vai trò giới tính không mấy quan trọng đối với những người có giới tính không rõ ràng.”

Trên thực tế, việc hiểu biết phong tục truyền thống và bối cảnh lịch sử của nhiều nơi trên khắp thế giới sẽ tạo ra những quan điểm đối lập khi bàn về tình yêu hoặc giới tính. Giáo sư Zeldin đã viết:

“…lịch sử về tình yêu không phải là chuyển động nhẹ nhàng và tự do, nó giống như một dòng chảy, trước là lốc xoáy sau là thời kì bình tĩnh về lâu dài. Điều đàng ngạc nhiên là tình yêu ngày nay được đánh giá cao hơn bao giờ hết. Nhưng tình yêu lại là thứ mà trường học chưa bao giờ dạy ta lịch sử của nó, những cuộc đấu tranh đã nổi dậy và sụp đổ như thế nào, các phương pháp ngoại giao và hùng biện và nền kinh tế đạo đức giả đi kèm với nó.”

Kết hôn tự nguyện vì tình yêu là một hiện tượng lịch sử tương đối mới mẻ, chủ yếu xuất phát từ phương Tây. Hầu hết các cuộc hôn nhân trên thế giới đều do cha mẹ sắp đặt vì lý do hoàn cảnh kinh tế. Ở một số nơi khác, kết hôn vì “tình yêu” lại bị cho là thiếu ý thức. Zeldin đã viết:

“Đối với lịch sử, tình yêu là mối đe dọa lớn với sự ổn định của cá nhân và cả xã hội. Bởi vì ở nhiều thời điểm, chúng ta đều nhất trí cho rằng ổn định quan trọng hơn tự do. Suốt những năm 1950, chỉ có một phần tư các cặp vợ chồng người Mỹ nói rằng họ kết hôn vì yêu nhau và tại Pháp, chưa đến một phần ba phụ nữ thừa nhận rằng mình có kinh nghiệm yêu đương. 40 năm sau, một nửa phụ nữ Pháp phàn nàn về người đàn ông mà họ cưới không hề lãng mạn chút nào. Điều mà phụ nữ cần chỉ đơn giản là câu “Anh yêu em!” mỗi ngày mà thôi. Cuộc sống tất bật hiện tại khiến đam mê tình yêu giảm sút nhưng phải thừa nhận một điều rằng thời hoàng kim của nó chưa từng tồn tại. Thậm chí một số người còn nói trong tuyệt vọng là mình yêu động vật và thể thao còn hơn cả con người. Ở Nga, ngay cả những người vừa mới kết hôn, tình yêu chỉ đứng thứ năm trong số mười tám lý do vì sao lại bước vào hôn nhân. Đam mê là một bộ môn nghệ thuật mà hầu hết chúng ta đều chưa nắm rõ. Tình yêu là cuộc cách mạng vĩnh viễn không thể hoàn thành.”

Tuy nhiên, nhà sử học và phê bình xã hội Camille Paglia đã viết:

“Mặc dù chúng ta đã trải qua rất nhiều cuộc cách mạng về tình dục và hiểu rõ khái niệm tự do nhưng phải đặt ra một câu hỏi: “Chúng ta đã học được gì? Thực tế là không gì cả. Trái ngược với tuyên bố nữ quyền, ta vẫn chưa tìm được câu trả lời cho bất cứ vấn đề tình dục nào hết. Nhưng có lẽ ta sai ở chỗ đặt câu hỏi chưa chính xác.”

Ngoài ra Paglia chỉ ra rằng hiểu biết của con người và quyền bình đẳng giữa các giới tính đã bị ức chế bởi “chế độ độc tài về chính trị”. Zeldin cũng nói rằng chúng ta không thể học được kinh nghiệm gì về tình yêu lẫn tình dục từ lớp người đi trước:

“Nhưng mọi thế hệ đều chỉ quan tâm đến sự khác biệt giữa cha mẹ với con cái mà vô tình quên đi những vấn đề tranh cãi giữa phái nam và phái nữ, quên rằng con người cứ kiên trì tự đập đầu vào cùng một bức tường.”

Mọi chủ đề liên quan đến tình yêu và tình dục hầu hết đều lý tưởng hóa vai trò của người phụ nữ. Giáo sư Zeldin cho rằng lý tưởng hóa như vậy không giúp chúng ta hiểu rõ đối phương mà chỉ đưa ra giải pháp tạm thời để xua tan nỗi cô đơn. Xu hướng lý tưởng hóa một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của tình yêu dù ở lứa tuổi nào. Trong nhiều trường hợp, tình yêu còn là sự đề cao tôn giáo, là niềm cảm hứng bất tận của thơ ca, điêu khắc và tranh vẽ. Ta có thể tìm thấy hình tượng người phụ nữ đã được lý tưởng hóa tại các nhánh của đạo Hindu, Kito và Ả Rập.

Điều này là thành tựu đáng kể suốt nhiều năm con người đấu tranh đòi quyền bình đẳng về giới tính. Nhưng ngày nay, ta vẫn gặp nhiều vấn đề về cảm xúc, lòng tự trọng quá cao hoặc một trong hai người kiên quyết đòi quyền tự do. Tuy nhiên, một vài trường hợp lý tưởng hóa lại khiến ta nhầm lẫn rằng tình yêu xuất phát từ xã hội tự nguyện và tiến bộ. Ngoài ra việc lý tưởng hóa còn đưa đến một khái niệm mới đó là “tri kỉ”. Tôi sẽ không nói nhiều về khái niệm này ngoại trừ việc so sánh hai bản đồ sao cá nhân và tìm xem họ có tương thích năng lượng với nhau hay không. Bản đồ sao tiết lộ mức độ lý tưởng hóa là yếu tố chính trong mọi mối quan hệ hoặc đấy là sự tưởng tượng lãng mạn và quyến rũ tạo cảm hứng cho cả hai (sao Hải Vương là yếu tố chính cần phải phân tích trong lĩnh vực này). Thế nhưng lý tưởng hóa ai đó quá mức lại trở thành bi kịch, ta bị ám ảnh bởi hình bóng của một người khác. Ta luôn tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra trong một mối quan hệ gần gũi đến như thế hoặc tự tôn vinh chính mình mà vô tình quên mất thực tại vẫn vô cùng khắc nghiệt. Thói quen tưởng tượng hoặc lý tưởng hóa điều gì đó giúp con người khám phá nhiều lĩnh vực ở mức độ sâu sắc hơn, làm giàu đẹp thêm vốn kiến thức và kinh nghiệm. Bài hát “Anthem” của Leonard Cohen thể hiện sự hiểu biết và nguồn năng lượng khi ta hòa hợp với một trải nghiệm thực tế nào đó. Điều này giống như một hồi chuông thức tỉnh những người trên 40 tuổi. “Hồi chuông ấy rung lên giúp bạn quên đi sự hoàn hảo của thực tại. Có một vết nứt rất sâu trên bề mặt nhưng là để ánh sáng chiếu vào dễ dàng hơn.” (trích từ album Future)

Chắc hẳn bạn đã từng đọc qua các sách viết về tâm linh ở châu Á rồi, họ thường nói rằng “tâm trí là kẻ thù của hiện thực”. Tuy nhiên đối với các mối quan hệ thì lý tưởng mới là kẻ thù của hiện thực. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi khuyến khích bạn sống không có bất kì lý tưởng nào. Chắc chắn mối quan hệ sẽ phát triển bền vững hơn nếu cả hai đều hướng đến một lý tưởng cao đẹp nào đó. Nhưng bạn cần phải nhớ một khái niệm chung rằng: tâm trí của bạn phải hoàn hảo thì mới sinh ra lý tưởng được, không nhất thiết phải kết hợp nó với thực tiễn hay suy ngẫm về khả năng tồn tại lâu dài. Với sự phân cực, hai bạn có thể xung đột với nhau nhưng vẫn duy trì được dòng năng lượng tiềm ẩn.

Các biến thể về văn hóa và lịch sử thì rất nhiều nhưng chúng ta không thể nào khám phá hết được. Tôi chỉ tập trung nghiên cứu hành vi, thái độ và hình ảnh của con người. Thu thập năng lượng chính trong các mối quan hệ là một chủ đề lớn cho những ai say mê học thuật và chiêm tinh.

Xu Hướng Xã Hội, Những Chuẩn Mực Và Thói Đạo Đức Giả

Dù cho chính phủ có cố gắng đưa ra nhiều chính sách về bình đẳng giới nhưng thực trạng ở xã hội phương Tây vẫn dấy lên nhiều tranh cãi. Một số yếu tố tạo ra nhiều thách thức cho những ai đang nuôi dạy con nhỏ. Vấn đề ly hôn vẫn đang là một thực trạng ở mức báo động và số trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi từ những cuộc hôn nhân bất hạnh ấy đã tăng gấp ba lần chỉ trong một thập kỉ. Một chuyên gia xã hội ước tính rằng 45% trẻ em ở nước Mỹ sinh ra chỉ sống với cha mẹ trong một khoảng thời gian ngắn. Và người ta đang có xu hướng trở thành những ông bố hoặc bà mẹ đơn thân sau khi hôn nhân tan vỡ. Không ai có thể đoán trước được sức ảnh hưởng của xu hướng này là gì nhưng nhiều chuyên gia lo ngại rằng sự bất ổn trong gia đình sẽ dẫn đến một xã hội mất trật tự. Albert Solnit – giám đốc trung tâm nghiên cứu về trẻ em tại Yale – đã nói:

“Ly hôn là một trong những khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng và phức tạp nhất đối với trẻ em ngày nay.”

Chiêm tinh học có thể giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng và nỗ lực cải thiện mọi mối quan hệ theo chiều hướng tốt hơn. Nhưng dù cho chính phủ có đưa ra bao nhiêu chính sách, những lý thuyết tâm lý và các sách khuyên răn thì ta vẫn phải thừa nhận rằng xu hướng này ở xã hội phương Tây không có chuyển biến gì mới cả.

Một vài nghiên cứu được công bố đã gióng lên hồi chuông báo động về xu hướng xã hội gần đây: Harry Hallow – một chuyên gia nghiên cứu về hành vi của động vật – cho biết loài khỉ vốn không sống cùng cha mẹ của chúng sẽ lớn lên với suy nghĩ và hành vi lệch lạc. Chúng có xu hướng bạo lực và rối loạn tình dục. Đặc biệt là con cái có mang sẽ trở nên cực đoan đến mức giết chết cả đứa con mình vừa sinh ra. Đối với xã hội loài người, ta cũng đã nghe qua rất nhiều câu chuyện nói về những ảnh hưởng tiêu cực khi đứa trẻ thiếu vắng hình bóng người cha trong quá trình trưởng thành. Và ta phải băn khoăn tự hỏi rằng làm thế nào để trẻ em phát triển một cách tốt nhất dù cha mẹ chúng đã ly hôn? Ở Mỹ, tỉ lệ các gia đình sống hạnh phúc bên con cái đang suy giảm một cách trầm trọng, chỉ còn khoảng 25% trên tổng số toàn dân.

Một xu hướng đáng lo ngại khác bắt nguồn từ xã hội phương Tây rồi lan sang các nước châu Á đó là các chuẩn mực hành vi cư xử của con người đang dần xuống dốc. Ở một số thời điểm nhất định, phong cách trình bày là điều thật sự đáng ngưỡng mộ và nhiều “nghệ sĩ” được biết đến hơn qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Richard Tomkins đã nhấn mạnh trong tuần báo “Financial Times” (xuất bản 26/03/2014) rằng: “Hình tượng quyến rũ sexy đang dần thấm vào nền văn hóa đại chúng, đặc biệt là giới giải trí, nhạc pop, quảng cáo và thời trang trên các phương tiện truyền thông.” Cái mà ông gọi là “sự xáo trộn” của xã hội chắc chắn gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Tomkins nói thêm rằng, bắt đầu từ những năm 1960, người ta bắt đầu khai thác và buôn bán kiếm lợi nhuận từ hình thể và “ảnh nóng”.

Một ảnh hưởng nghiêm trọng khi quảng bá hình ảnh mang tính khiêu dâm như vậy đó là sự phân ly giữa cảm xúc cá nhân và bản chất thật của tình dục. Stanley Keleman đã viết:

“Khi các phương tiện truyền thông thúc đẩy ý tưởng và hành vi của con người trở nên táo bạo hơn, tình dục vô tình trở thành một vấn nạn đáng báo động bởi nó đang bị mang ra khai thác với mục đích thương mại và không còn là hành động thiêng liêng của tình yêu nữa.”

Ông tiếp tục:

“Thay vì học hỏi kinh nghiệm theo thời gian thì chúng ta chỉ cố gắng bắt chước kẻ khác ngay lập tức. Không ai nói với ta rằng kinh nghiệm mới là điều quan trọng hơn hết thảy mà xã hội này chỉ cố gắng hướng mỗi người đi theo một hình tượng nhất định nào đó. Hầu hết mọi người đều tránh né khi ai đó đề cập đến sự lựa chọn mang tính cá nhân. Hình ảnh một xã hội bị đàn áp nay đã không còn đúng nữa. Chẳng ai đàn áp chúng ta về vấn đề tình dục cả mà là do ta tự thổi phồng nó lên quá mức mà thôi. Kích động là khủng hoảng mang tính quốc gia chứ không phải là sự đàn áp. Truyền hình, báo chí, đài phát thanh,.. – tất cả đều tranh nhau giành sự chú ý của mọi người, tìm cách tiếp cận giác quan và đời sống riêng tư của chúng ta. Có một cuộc tấn công mạnh mẽ vào não bộ, cơ thể, thậm chí là đến từng hormone trên người tôi.”

Đặc biệt nên lưu ý đến những yếu tố bên ngoài đang muốn xâm nhập mạnh mẽ vào các giác quan của chúng ta. Lý do tôi đưa ra một loạt các xu hướng xã hội và trích dẫn của các chuyên gia đó là vì trước khi tìm hiểu bộ môn chiêm tinh thì mỗi cá nhân phải nắm rõ cuộc sống và mối quan hệ hiện tại của mình trước đã. Và đây cũng là một trong những vấn đề khó khăn nhất nếu ta không nhận thức được những áp lực xã hội đang đè nặng lên tâm lý cá nhân và làm méo mó, thao túng hoặc thậm chí còn khiến ta không thể kiểm soát được hành vi. Tôi dành thời gian đưa ra một số bối cảnh thực tế như thế này không phải để làm sáng tỏ sự thật mà giúp chúng ta vượt qua những trở ngại cơ bản nếu muốn xây dựng một mối quan hệ bền vững dài lâu.

Keleman cho rằng những xu hướng này đang làm giảm đi tính nhạy cảm và lý tưởng của mỗi cá nhân: “Trong một xã hội mà con người thoải mái quan hệ tình dục với nhau bừa bãi thì thông điệp về giới tính mà chúng tôi cố chứng minh hoặc sự thỏa mãn với hai tâm hồn đồng điệu chắc chắn sẽ mất đi. Tình dục trở thành một hoạt động bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài. Chúng ta sẽ nhận thức điều này rõ hơn nếu nhìn vào nền văn hóa hiện tại đang cổ xúy cho nó, khi sử dụng tình dục như một công cụ để chứng tỏ mức độ trưởng thành. Tình dục vốn dĩ tự nó luôn tìm kiếm những điều đa dạng, kĩ thuật mới để nâng cao cảm xúc và sự thỏa mãn. Mối quan hệ này hay thậm chí là tương lai chung của cả hai cũng không còn quan trọng. Chỉ chú trọng vấn đề tình dục mà thôi. Đây không phải là cái tự do mà chúng ta đang tìm kiếm, con người đang sử dụng nó sai mục đích và cũng không quan tâm đến việc tránh thai.”

Một loạt các cuộc xung đột phát sinh từ những xu hướng này. Một là mâu thuẫn giữa quyền được bình đẳng của phái nữ với cách ăn mặc, hành vi và cả hình ảnh của họ trong mắt công chúng. Đàn ông dễ dàng nhận ra mâu thuẫn này nhưng tự phái nữ thì lại không thừa nhận. Emma Jung – vợ của nhà tâm lý học nổi tiếng  C. G. Jung cho rằng:

“Người phụ nữ có sức ảnh hưởng kì diệu đối với đàn ông. Một nét quyến rũ đặc biệt xâm lấn cả tâm hồn người đàn ông. Bởi cô ấy nhận thấy điều này là sức mạnh bản năng của phụ nữ và không muốn mất nó nên cô ấy thường chống cự để duy trì đến cùng.”

Thực tế rõ ràng là đàn ông thường sẽ thấy hưng phấn nếu gặp phụ nữ ăn mặc quá hở hang và quyến rũ. Một vài người quá khích còn dẫn đến hành vi quấy rối tình dục công cộng. Rất nhiều đàn ông đã đệ đơn kiến nghị chính phủ quy định lại cách ăn mặc và hành vi của phụ nữ khi ra đường. Và như Stanley Keleman đã nói:

“Có vẻ như chúng ta đang nhầm lẫn nghiêm trọng về thời trang có tính khiêu dâm. Màn trình diễn khêu gợi có nghĩa là muốn người khác nhìn và bày tỏ sự ngưỡng mộ nhưng không được chạm vào. Quần áo cũng hở ở những nơi gợi cảm hứng sexy nhất. Chúng ta vẫn cho phép bản thân mình trở nên kích động nhưng đồng thời phải tuân thủ chuẩn mực xã hội bằng cách kiềm chế bản thân lại. Và cũng đừng hỏi tại sao một xã hội tự do lại phải chứng kiến quá nhiều tệ nạn xã hội có liên quan đến bạo lực.”

Sự Thật Về Vai Trò Của Giới Tính Và Xã Hội

Người thầy mà tôi tôn trọng và ngưỡng mộ nhất trong cuộc đời đã từng nói:

“Nơi nào có tình yêu chân thành thì chẳng có ai đòi hỏi gì về quyền lợi và sự công bằng cả.”

Tôi không biết tại sao mọi người vẫn chưa hoàn toàn áp dụng tư tưởng ấy vào các mối quan hệ, dù chắc rằng sẽ có người chê cười tôi là thằng ngốc hay vọng tưởng. Nhưng tôi vẫn xem nó là một lý tưởng. Là người thuộc chòm sao Thiên Bình (dấu hiệu của sự cân bằng), tôi đánh giá cao sự cân đối của các thành tố có liên quan đến giới tính. Và tôi thật sự bị lôi cuốn bởi lý tưởng về sự hòa hợp và cân bằng giữa các mối quan hệ, tôi rất mong rằng sẽ có nhiều người cũng say mê lĩnh vực này như mình. Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần kiểm tra lại một số xu hướng và quan điểm của xã hội hiện đại khi mọi người không còn hướng đến lối sống hài hòa như vậy nữa. Nhưng điều quan trọng nhất là cần phải thừa nhận vai trò của giới tính một cách rộng rãi và thực tế nhất.

Khi nỗ lực để cân bằng lại các chức năng với nhau, tôi vẫn nhấn mạnh đầy đủ quan điểm của một số người đàn ông đã tham gia phỏng vấn chứ không cố tình che giấu như những nhà tâm lý học nam khác. Tôi thấy mọi người đang thiên vị cho phụ nữ quá nhiều và điều đó quả thật chẳng công bằng với đàn ông chút nào, chưa kể đến thói đạo đức giả của một số phụ nữ khi sử dụng thuật ngữ “làm chị em”, “nạn nhân” và “trao quyền”. Hầu hết phụ nữ đều cho rằng đàn ông nên chấp nhận vị trí của họ trong xã hội nhưng họ không biết chính mình đang xuyên tạc bản chất thật sự của đàn ông. Thuật ngữ “nữ quyền” đã được công bố rộng rãi và làm dấy lên một làn sóng ồn ào. Dĩ nhiên khi cái gì đó mới mẽ xuất hiện đều sẽ gây ra nhiều tranh cãi như vậy nhưng nó đã nhanh chóng chấm dứt tại xã hội phương Tây.

Nhà tâm thần học Eleanor Bertine đã viết về phiên bản cực đoan của chủ nghĩa nữ quyền trong quyển “Jung’s Contribution to Our Time” như sau:

“Chúng ta có thể tha thứ cho cái nhìn phiến diện của họ nhưng mọi phong trào nổ ra đều cần sự đánh giá như vậy để đạt hiệu quả. Tuy nhiên, việc nỗ lực xóa bỏ đặc trưng phẩm chất của đàn ông để nâng cao người phụ nữ lên cũng chẳng khiến họ vui hơn được bao nhiêu. Về mặt tâm lý, thỏa mãn thật sự là khai thác tối đa tiềm năng vốn có của chính mình chứ không phải ép bản thân biến dạng để trở thành bản sao của ai đó.”

Câu cuối cùng của trích dẫn này lại một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng việc tự biểu hiện bản thân đang bị bóp méo và rập khuôn bởi những quy tắc xã hội xưa cũ, như suốt thế kỉ 20 ta đều thấy rất nhiều cá nhân sợ hãi và thu mình lại. Nhưng xã hội theo tổng thể rồi cũng phải trả giá vì đã không thỏa mãn nhu cầu của từng giới nhất định. Châu Âu mới thật sự là nơi sẽ phân tích kĩ lưỡng kết quả cũng như thay đổi suy nghĩ hạn hẹp và nông cạn của các nhà hoạt động vì quyền bình đẳng giới. Xã hội đã phải chịu nhiều hao tổn về mặt pháp lý, kinh tế và cả tình cảm khi thờ ơ với việc nữ quyền cực đoan. Sarah McCarthy – một nữ doanh nhân nổi tiếng – đã phát biểu trên tạp chí Forbes rằng “chủ nghĩa văn hóa cực đoan” đang góp phần làm dịu đi làn sóng nữ quyền ồn ào này. Cách tiếp cận cực đoan như vậy khiến cả đàn ông và phụ nữ đều có ý thức hơn vì sợ các cáo buộc quấy rối. Những trò đùa tưởng chừng như vô hại để xóa bỏ không khí căng thẳng ở công sở lại có thể biến bạn thành tội phạm ngay lập tức. Một điểm quan trọng khác trong phát biểu này:

“Tôi là một người hoạt động về nữ quyền nhưng chính luật pháp lại khiến tôi sợ khi thuê phụ nữ vào làm việc. Nếu một trong những đầu bếp hoặc quản lý của tôi xúc phạm ai đó, tôi có thể phải bồi thường hơn 100,000 đô la cho các chi phí pháp lý. Nhưng với tư cách là một người bảo vệ nữ quyền thì tôi phải nói: Bạn đang làm hại đến danh dự của phụ nữ. Vì thế tôi thật sự rất sợ hãi môi trường có cả đàn ông và phụ nữ làm việc cùng nhau.” (Theo Tạp chí Forbes, 09/12/1991)

Một trong những nghiên cứu sâu sắc nhất của chuyên gia trị liệu Stanley Keleman là: “Tầm quan trọng của vai trò đó là dẫn lối cho bản năng tự nhiên mà tạo hóa sắp đặt.” Việc chối bỏ vai trò của giới tính trong xã hội là đang phủ nhận một phần thực tiễn của loài người. Thậm chí, nó tác động vào chúng ta nhiều đến mức không thể tưởng tượng nổi. Trước đây, ta mất rất nhiều thời gian để chấp nhận thực tế cho đến khi xã hội phương Tây cố gắng hướng mình theo một lối suy nghĩ khác về “con người”.

Keleman lại một lần nữa làm sáng tỏ vấn đề này:

“Giới tính là thành phần quyết định các mối quan hệ và nó đang bị thách thức bởi khái niệm “con người” ở hiện đại. Con người được cho là phi giới tính – một trạng thái bản ngã lý tưởng nhưng lại không đầy đủ về mặt sinh học và không có cảm xúc. Khái niệm này đi sâu vào các lĩnh vực chính trị, pháp lý – nơi mà mọi người đối xử với nhau bình đẳng và không có chuyện phân biệt đối xử vì giới tính.”

Ý tưởng này được giải thích bằng thuyết sinh học rằng cả nam và nữ đều là những sinh vật giống nhau, tình cảm như nhau. Chúng ta nên tưởng tượng ra một người không có giới tính và cũng không bị ràng buộc gì về mặt sinh học mà được cấu thành nên từ chính trị, pháp lý và cả tình dục. Do vô tình ủng hộ những giáo điều cực đoan mà chúng ta ngày càng hiểu lầm sâu sắc về cả hai giới. Khi phụ nữ tiếp thu những ý kiến trái chiều từ các nhà hoạt động xã hội, họ buộc mình phải xây dựng những phẩm chất như phái mạnh mà cố phủ nhận, chối bỏ thiên tính tự nhiên mà tạo hóa dành cho họ. Trong khi nhiều phụ nữ ở phương Tây đã vượt ra khỏi những định kiến khắt khe của xã hội thì đàn ông chỉ vừa mới bắt đầu cuộc chiến và dĩ nhiên chẳng ai trợ giúp cho họ. Nhiều nghiên cứu cho thấy đàn ông cũng đang bị áp bức về mặt thể chất, tâm lý và xã hội khi vai trò của giới tính đã thay đổi ở một số quốc gia. Nếu bạn đã đọc cuốn “The Myth of Male Power” của Tiến sĩ Warren Farrell thì chắc hẳn bạn sẽ tìm thấy những sự thật vô cùng bất ngờ. Tác giả là cựu thành viên của Tổ chức hoạt động vì phụ nữ ở thành phố New York nhưng ông đã sớm rời đi vì cho rằng chế độ nữ quyền là một hình thức của đảng phái chính trị.

Những ý tưởng hay cáo buộc ra đời dưới chế độ này buộc những người đàn ông phải chiến đấu nếu không muốn ảnh hưởng đến suy nghĩ và các mối quan hệ. Nói một cách thẳng thắn thì phần lớn đàn ông đều không muốn đôi co hay cạnh tranh với phụ nữ. Họ cần phụ nữ theo cách riêng và ở một mức độ mà phái nữ chẳng thể nào hiểu được. Nhưng sau khi vô tình rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan và cứ phải giả vờ lịch thiệp thì họ phải thốt lên câu “Đủ rồi!”

Thế nào là “tiến thoái lưỡng nan”? Tôi sẽ liệt kê một vài trường hợp sau:

  • Người phụ nữ “hiện đại” nói rằng họ muốn đàn ông phải cư xử mềm mại, nhẹ nhàng và dịu dàng hơn nhưng phái nam nghĩ rằng họ cần phải mạnh mẽ để kiểm soát mọi thứ thì phụ nữ mới tôn trọng họ.
  • Theo nhiều nghiên cứu cho rằng những gia đình có chồng làm giám đốc thì thường muốn vợ mình ở nhà nội trợ và quản lý con cái nhưng nếu nhà nào có vợ làm giám đốc thì chồng cũng phải đi làm toàn thời gian. Và hãy nghĩ xem người vợ có tôn trọng chồng không nếu anh ta ở nhà và không làm gì cả?
  • Họ sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng khác khi cố gắng trở thành người đàn ông “toàn diện” trong thời đại doanh nghiệp đầy biến động như thế này, họ chỉ mãi chạy theo cuộc đua mà vô tình bỏ qua nhu cầu cá nhân và cảm xúc của mình. (Phụ nữ tham gia vào “thế giới” ấy chứ không cố gắng thay đổi nó và họ nhanh chóng thích ứng với phong thái làm việc điển hình của phái nam, chẳng hạn như làm việc liên tục nhiều giờ.)
  • Nhiều người đàn ông đã không còn giữ tư tưởng xem tình dục như một trò chơi chinh phục thì ngày càng có nhiều phụ nữ không muốn nghiêm túc trong các mối quan hệ và mang tình dục ra làm phép thử cho tình yêu.
  • Phái nam không khéo léo trong việc giao tiếp hay hỗ trợ lẫn nhau. Khác với mạng lưới xã hội của phụ nữ, đàn ông luôn cảm thấy khó khăn khi tìm một người bạn thật sự. Ngay cả những người nghĩ rằng mình có một người bạn thân chân chính cũng thừa nhận rằng họ vẫn không tự nhiên khi thảo luận về đời tư của nhau.
  • Nhiều người hỏi phái nữ rằng họ muốn tình yêu hay là tình bạn thật sự trong một mối quan hệ thì lại tiết lộ được rất nhiều động cơ khác như tiền bạc, sự an toàn, con cái, tình dục,… Những người đàn ông lãng mạn thường bị vỡ mộng khi thấy hành vi hai mặt như vậy. (Việc phụ nữ chấp nhận bất cứ điều kiện nào để thỏa mãn nhu cầu về tình dục cũng tương tự như hành vi của đàn ông trước đây mà thôi!)
  • Khi hai giới tính đều được đối xử bình đẳng thì nhiều phụ nữ bắt đầu thử sức với những lĩnh vực khác nhau nhưng đàn ông vẫn cho rằng phái nữ chưa thật sự trung thực với ham muốn của họ. Hầu hết phụ nữ đều chờ đàn ông chủ động trong chuyện chăn gối và để họ tự đoán xem nên làm gì để lấy lòng mình. Nếu người đàn ông quá thẳng thắn trong chuyện này thì phái nữ lại cho rằng họ không trân trọng mình. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý đã nghe nhiều về việc phụ nữ không đạt đến khoái cảm vì người đàn ông của họ chưa đủ “mạnh mẽ”.

Vai trò của nam giới đang bị hạn chế làm tác động đến nhiều mặt khác. Theo nhiều nghiên cứu thì phụ nữ lại mở ra những trải nghiệm mới về con người, giác quan và cả nhiều điều bí ẩn không thể nào khám phá. Chiêm tinh học được nghiên cứu và ứng dụng lên phái nữ – những người có trực giác nhạy bén hơn nam giới. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong nét văn hóa tổng thể có liên quan đến vai trò xã hội. Ví dụ như ở các nước châu Á, nam giới lại là những sinh viên chăm chỉ và nghiêm túc nhất với bộ môn chiêm tinh. Nhưng đối với các nước phương Tây thì vai trò của nam giới có liên quan đến “phân tích” và “khoa học” theo đúng nghĩa đen chứ không khách quan lắm. Điều này khiến họ sợ những điều “vô lý”, từ đó giới hạn khả năng khám phá các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Không những vậy nó cũng hạn chế khả năng và thiên phú của chính bản thân họ. Nhiều nam giới ở phương Tây không có cái gọi là “trực giác” – khả năng nhận biết và phán đoán trước tình huống cũng như bản năng tự nhiên tin tưởng vào chính mình ngay cả với những manh mối không thể nhìn thấy được. Đây chính là thời điểm phái nam cần phải thoát ra sự kiềm hãm ấy vì nó không chỉ ảnh hưởng đến các mối quan hệ mà còn làm thui chột khả năng sáng tạo, trí tuệ, việc biểu hiện cảm xúc và cả sức mạnh về thể chất.

Nam Giới Thường Đánh Giá Thấp Nhu Cầu Của Phụ Nữ

Số tài liệu nói về vai trò của nam giới và phụ nữ cho đến nay chắc đã lấp đầy được một thư viện khổng lồ. Tuy nhiên lại có rất ít nghiên cứu hoặc trích dẫn nói về cách mà hai giới cố gắng hiểu nhu cầu của nhau. Ví dụ như chẳng có bao nhiêu người phụ nữ hiểu rằng đàn ông thật sự cần được họ hậu thuẫn từ phía sau và dám lên tiếng đòi nữ quyền bình đẳng.

Một vài người hiểu và thậm chí còn thấy bản thân bị cuốn hút bởi xu hướng bạo dâm của đàn ông – cường độ, tính chiếm hữu và bản chất tự nhiên của nó. Thực tế cuộc sống biểu hiện rất rõ ràng không chỉ qua kì vọng và phát ngôn có vẻ ngây thơ của xã hội (bao gồm cả những nhà hoạt động nữ quyền) mà còn ảnh hưởng đến phong cách ăn mặc của người phụ nữ. Robert A. Johnson đã viết:

“Rất ít người phụ nữ hiểu được sự tuyệt vời từ tính nữ mà họ đang sở hữu có thể làm mê đắm bất cứ người đàn ông nào.” (Trích “Understanding Feminine Psychology”)

Cách đây hơn hai trăm năm, nhà văn người Pháp Montaigne đã đưa ra nhận xét thẳng thắn:

“Nỗi khát vọng thôi thúc chúng ta tìm kiếm cảm giác ấy trên người phái nữ nhưng để xua tan cái đau đớn, dằn vặt trong người vì ham muốn thì chỉ có cách tự mỗi người kiềm chế bản thân mình lại.”

Đây là một trong những khía cạnh đen tối nhất của xã hội hiện đại. Nhu cầu và áp lực cuộc sống khiến mọi người, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ đều phải đứng lên và đấu tranh. Nhưng phụ nữ mạnh mẽ quá sẽ trấn áp đàn ông mà bản tính của đàn ông lại muốn phụ nữ dựa dẫm vào mình. Cần có những cuộc đối thoại sâu sắc hơn giữa hai giới để hiểu biết và trao đổi nhu cầu lẫn nhau. Như Nathaniel Branden đã viết:

“Theo kinh nghiệm của tôi, phần lớn các cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới là vì cảm giác sợ hãi, mất mát hoặc bị bỏ rơi. Thường thì các bạn ít khi nào thừa nhận rằng mình thật sự rất cần đối phương và tầm quan trọng của việc chia sẻ, cùng hưởng thụ cuộc sống chung để hoàn thiện tính nam hoặc tính nữ của mình hơn. Và cuối cùng, mỗi người đều cần đời sống tình dục nhiều hơn chúng ta nghĩ.” (The Psychology of Romantic Love)

Thấu Đáo Và Ngờ Nghệch: Cách Chúng Ta Hiểu Về Tình Dục, Tình Yêu Và Các Mối Quan Hệ Thời Nay

Suốt nhiều năm nay, hầu hết các nghiên cứu ở lĩnh vực này đều thiếu chiều sâu và chưa kết nối được với kinh nghiệm thực tiễn của con người. Rất nhiều hệ thống lý thuyết, các bài nghiên cứu hoặc khảo sát đưa ra những khẳng định hết sức trừu tượng. Họ cho tôi cái cảm giác rằng họ đang nói về một xã hội tương lai nào đó chỉ có robot hoặc zombie không cảm xúc nhưng vẫn bị ràng buộc bởi truyền thống và các giá trị tôn giáo. Những mô tả như vậy khiến chúng ta khó chịu bởi nó hoàn toàn sai lệch. Khi một số chuẩn mực đời tư cá nhân, tình dục hoặc cuộc sống gia đình rơi vào trong tay những linh mục và chính quyền, mọi người thường đến để xin lời khuyên từ họ. Đó rõ ràng là một loại hạn chế nhưng thực chất chúng ta vẫn mong đợi nó! Xã hội hiện đại nhìn vào các vị thầy tu hoặc linh mục với một niềm tin bất diệt cùng “khoa học” đã trở thành hình thức hạn chế. Và dường như ta đang bỏ qua quá nhiều tài nguyên của cuộc sống chỉ với một vài lời hứa hẹn vào tương lai hạnh phúc trọn vẹn. Mãi cho tới gần đây chúng ta mới nhận ra mặt hạn chế của những phương pháp này và tìm cách bù đắp cho nó bằng cách lơ đi các bảng quảng cáo trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng.

Keleman đã viết:

“Các nhà trị liệu tâm lý thường bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm này bằng cách khuyến khích quan hệ tình dục phi giới tính và cho rằng tình dục chỉ là để thỏa mãn nhu cầu của con người. Rất ít người trong số chúng ta nói về giá trị hay sức mạnh thật sự của tình dục, thậm chí là những cuộc đấu tranh liên quan đến tình dục. Các mối quan hệ về lâu dài sẽ sinh ra cảm giác ngột ngạt và nhàm chán. Số lượng ông bố và bà mẹ đơn thân gia tăng nhanh chóng là bằng chứng cho sự tự do của xã hội hiện đại. Các mô hình tình dục khác giới đang gặp phải rất nhiều thất bại. Và cũng như bao nền văn hóa khác, muốn duy trì tương tác tình dục giữa hai người khác giới thì ta phải học cách đưa nó tiến xa hơn bản chất thật sự mà nó vốn dĩ.”

Các phương tiện truyền thông ngày nay đều đưa ra rất nhiều khảo sát mang tính “khoa học” nhưng chất lượng và cơ sở lý thuyết của họ thì không ai nắm rõ cả. Những người đồng ý dành ra thời gian để trả lời câu hỏi về bất cứ chủ đề nào rõ ràng là chỉ tập trung vào cái nhìn phiến diện ở chủ đề đó. Còn những người tự nguyện tham gia khảo sát là vì chủ đề đó có liên quan trực tiếp đến cuộc sống cá nhân của họ. Hơn nữa, họ không ngại tiết lộ chuyện riêng tư của mình trước đám đông để chứng tỏ mình không phải là một người “bình thường”. Trên thực tế, tôi thấy những người như vậy cũng không hề tầm thường chút nào.

Các bảng khảo sát đều đưa ra cùng một cách tiếp cận cứ như thể mọi người đều chung một khuôn khổ nhất định mà không hề có sự khác biệt gì về cảm xúc, nhu cầu hay thị hiếu. Thật ngớ ngẩn! Keleman lại tiếp:

“Có rất nhiều tài liệu mang tính chuyên môn nói rằng tình dục là một chức năng cơ học chứ không phản ứng lại với những kích thích. Họ làm như con người quan hệ tình dục với nhau giống những cỗ máy dây chuyền nhất định. Họ luôn nghĩ rằng tình dục tách khỏi sự phát triển tinh thần của mỗi cá nhân. Nhiều nghiên cứu còn tập trung vào kĩ thuật và hiệu suất, mô tả tình dục như lập trình cơ học, chỉ chú trọng vào cực khoái hoặc thỏa mãn chính mình.”

Quyển sách của Shere Hites cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin và khảo sát hữu ích nhưng vẫn không thể nào làm rõ một số điều được như bộ môn chiêm tinh học, bao gồm:

  • Hiểu biết về tính tương thích ở các mức độ cụ thể
  • Xác định người có nguồn năng lượng bổ sung với mình
  • Cái nhìn sâu sắc hơn về suy nghĩ và cảm xúc của con người

Khi tìm dữ liệu để viết quyển sách này, tôi nhận thức rất rõ những điều vừa kể trên. Những người thích tìm hiểu về các mối quan hệ là đối tượng đã trả lời khảo sát giúp tôi hoàn thành quyển sách này (Tôi gọi họ là tuýp người sao Thủy theo chiêm tinh). Nhưng tôi chỉ chọn lọc một số câu trả lời đặc sắc nhất và đưa vào từng chương cho phù hợp. Thực tế, tôi cảm thấy mình đang cố tình tra hỏi rất nhiều người mà một vài người còn tỏ ra khó chịu khi tôi hỏi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy vô cùng thoải mái khi trích dẫn trực tiếp một số câu trả lời trong các chương sau của sách và xem chúng như những đóng góp giá trị vào kết luận chung tổng thể.

Author:

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>