trầm cảm
01/12/2017
trầm cảm tức là một giai đoạn cảm xúc cực kì tồi tệ, cách mình nhìn nhận mọi điều xung quanh vô cùng tiêu cực và bản thân vô cùng tệ hại. nó không phải là một ngày cả thế giới quay lưng lại với bạn khiến bạn suy sụp, mà là dù xung quanh mọi điều vẫn đang tốt đẹp, vô cùng tốt đẹp, tinh thần bạn bỗng dưng chùng một nhịp, rồi rơi hẫng, rơi mãi rơi mãi tựa như bạn không thể bấu víu vào đâu được nữa. và bạn chỉ có một cách giải quyết duy nhất trong đầu “cái chết”
ôi không đừng vội đánh giá mình. ngay buổi sáng hôm ấy mình còn lên kế hoạch cho tận 10 năm sau một cách tỉ mỉ chi tiết, mình vừa hứa hẹn những gắn kết tương lai trong tình cảm, mình vừa đồng ý với mẹ sẽ về thăm nhà vào tuần sau, mình còn gọi cho đối tác nhắc nhở họ về cuộc hẹn ngày mai bàn về một dự án béo bở, và ừ, ngày mai còn phải trả lương cho nhân viên… không hề có vấn đề gì bất thường cả. ngoại trừ bỗng đến buổi trưa, sau khi ăn uống và nằm xuống nghỉ ngơi, mình bỗng có suy nghĩ hay là thôi nằm luôn đừng ngồi dậy nữa?
mọi chuyện nó đến một cách không lường trước như vậy đó. và rồi mình ngồi thẫn người ra không muốn làm gì nữa. toàn bộ kế hoạch cuộc đời cho 10 năm sau bỗng tắt ngóm, u ám như tiền đồ của chị dậu vậy. mình thấy bản thân thật tồi tệ, cuộc sống thật tàn nhẫn khốc liệt. và mình muốn chạy trốn.
những lúc ấy thật khó để có được giấc ngủ như ý. mình nằm xuống mà đầu óc tê dại vì phải đấu tranh với chính bản thân mình. đừng chê mình yếu đuối, nằm xuống ngủ để không tự làm hại bản thân đã là điều mạnh mẽ nhất mình có thể làm lúc này. và rồi mình ngủ.
ngủ dậy thì việc đầu tiên là mình sẽ nhắn tin cho một vài người quan trọng, nhắn vớ vẩn cũng được, và rồi lại nằm nhìn lên trần nhà. tình trạng này có thể kéo dài 1 ngày. trong ngày hôm đó có bao nhiêu kế hoạch tốt đẹp đều sẽ bị hủy, vì mình chẳng thiết tha gì chúng nữa. nhưng rồi sau đó có thể mình hối hận, biết làm sao đây, lúc ấy bản ngã tiêu cực đã ngoi lên bao trùm lấy toàn bộ thân thể mình rồi, nó điều khiển chính mình, che mờ mắt mình, khiến mình không thể có hứng thú với bất kì điều gì mình đã từng thích mê. cuộc hẹn với người mà mình thích hả, hủy. quà được ai đó gửi tặng hả, kệ. ai đó gọi điện cho mình hả, cúp máy. lúc ấy thế giới chỉ có một mình mình thôi.
đọc đến đây rồi khoan vội trách mình, tình trạng này chỉ có thể kéo dài trong một ngày đã là điều kì tích đối với mình. trước kia khi căn bệnh nặng hơn, nó đã kéo dài liên miên từ ngày này sang tháng nọ, khiến mình triền miên u ám tiêu cực không kể siết, chỉ có một từ tồn tại trong đầu mình “chết”. à quan trọng là chẳng ai hiểu, chỉ chê trách mình rằng đó chính là tính cách của mình, và bệnh tình ngày một nặng hơn. vậy đó.
vì sao mình lại rơi vào trạng thái kì cục này hả? vì sức khỏe tâm lý cũng giống sức khỏe thể chất, cần được nhận thức và có kế hoạch bảo dưỡng, duy trì thường xuyên. bản thân khi đã sống lỗi mà không nhận ra lỗi thì rất có khả năng là tạo ra một loạt những hành vi kéo theo nhiều phiền phức rắc rối khác khiến cho tinh thần yếu lại càng yếu hơn. nhưng nói thiệt là bệnh về tâm lý có di truyền, nếu người trong gia đình có ai gặp vấn đề về tâm lý – tâm thần thì xác suất cao là bạn sẽ có một sức khỏe tâm lý thiếu ổn định.
nếu một ai đó thực sự đang rơi vào trầm cảm, hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp nhất mà bạn đang sở hữu. lúc ấy bạn sẽ tìm được điểm neo để không đưa tâm trí rơi xuống sâu hơn. và từ từ có thể trèo lên lại. mình đã từng thử chết vài lần, dĩ nhiên thất bại vì gia đình kèm cặp rất chặt, không có thời gian ở riêng mà làm liều. em trai mình cũng đã từng làm quẩn, và rồi vẫn sống như một kì tích. vì thế hơn ai hết, có lẽ mình hiểu trầm cảm là như thế nào. hiện tại sức khỏe tinh thần mình đã ổn định hơn trước khá nhiều, nhưng vẫn còn yếu. mình tin rằng mình là cô gái đa cảm, nên mình sẽ dùng khoảng thời gian trầm cảm để trải nghiệm những cái giếng sâu nhất, để hiểu thấu hơn nỗi khổ sở của nhiều người. mình không từ chối những điều xấu xí, mà vẫn sẽ chấp nhận nó và biến nó thành những điều tốt đẹp.
[Một số câu hỏi hay trên Quora]
1. Tại sao một số người chọn sống trầm cảm hơn là sống một cuộc sống hạnh phúc, ngay cả khi họ biết hoặc nhớ cảm giác hạnh phúc là như thế nào?
Trả lời bởi:Toorja Chakraborty, từng mắc trầm cảm và OCD.
Câu hỏi này khiến tôi vừa vui mà cũng vừa khó chịu. Tôi vui vì có người cởi mở hỏi như vầy còn hơn là tự mình cho ra những lời giải thích giả thuyết về trầm cảm. Tôi khó chịu bởi vì tôi thấy vẫn còn có nhiều người giữ suy nghĩ rằng trầm cảm là thứ mà người ta có thể chọn để sống cùng.
Nếu bạn không biết thì trầm cảm là kẻ giết người thầm lặng. Nó giết chết tâm trí người khác bằng những cách rất khôn khéo và khó chơi. Một khi nó xong với tâm trí của bạn rồi, thì từ từ bạn sẽ phải đối mặt với sự suy nhược của cả tâm trí lẫn cơ thể. Tôi từng nhìn thấy một người với cơ thể vạm vỡ và nặng gần 77kg trong vòng một tháng sụt xuống còn có 55kg mà không hề trải qua bất kỳ hoạt động thể thao nào. Cơn trầm cảm nặng khiến họ không thể rời giường, thậm chí họ chẳng có động lực để uống hay ăn thứ gì cả. Trầm cảm ngăn họ, không cho họ cảm thấy khát hay đói. Những ai chưa từng trải qua cảm giác này sẽ không thể nào hiểu được những hậu quả khủng khiếp của trầm cảm. Và bây giờ thì bạn biết rồi đấy, trầm cảm chẳng phải là thứ dễ chịu hay hấp dẫn gì cả.
Vấn đề ở đây là, khi bạn mắc ung thư, bạn sẽ có rất nhiều triệu chứng thể lý. Trầm cảm là thứ mà dù bạn bị nặng cỡ nào cũng khó có thể thấy được triệu chứng rõ ràng từ bên ngoài, trừ khi người ấy suy nhược hoàn toàn hoặc tự tử. Có rất nhiều trường hợp tự tử mà người thân và bạn bè của nạn nhân không quan tâm lắm đến căn bệnh trầm cảm .Và cuối cùng thì họ nhận ra mức độ nặng nề của căn bệnh này nhưng đã quá muộn khi người đó không còn nữa.
Chỉ có những người nhạy cảm mới có thể cảm nhận được cơn giận dữ của người trầm cảm. Bởi vì nhịp điệu tâm trí của một người chỉ có thể được người khác cảm nhận bằng tâm trí của họ, đôi tay của bạn không thể làm gì được.
Bạn nên đối xử với nó như cách bạn đối xử với những căn bệnh khác. Nếu một người mắc trầm cảm nặng nhận được sự chữa trị thích hợp, họ có thể quay lại guồng quay cuộc sống bình thường.
Tôi đoán rằng bây giờ bạn thấy rõ ràng hơn rằng không ai muốn chọn sống với trầm cảm cả. Bạn có chọn ung thư hay không? Câu trả lời của bạn về câu hỏi này cũng là câu trả lời hoàn hảo cho câu hỏi bên trên của bạn.
Trả lời bởi: Geoffrey Brickley. Được chẩn đoán mắc PTSD và từng tham gia một số thí nghiệm lâm sàng
Tôi mắc PTSD. Đây không phải là sự lựa chọn. Nó là thứ mà tôi phải sống cùng, giống như bị mắc ung thư, hay chân bị tật. Đó là thứ mà tôi có thể cố gắng đấu tranh, giống như bạn có thể làm phẫu thuật chỉnh hình hoặc hoá trị ung thư. Đây không phải là chứng có thể được chữa khỏi nhanh chóng. Nó đơn thuần là một phần của tôi. Sự thay đổi cấu trúc ở hồi hải mãi hay hạch hạnh nhân mà tôi phải sống cùng. Không có sự lựa chọn nào liên quan ở đây cả.
Tương tự như thế, trầm cảm ảnh hưởng đến não bộ, đặc biệt là vùng hạch hạnh nhân, giống như chứng PTSD mà tôi mắc phải.
Đây không phải là sự lựa chọn. Đây là một chứng rối loạn có thể chữa trị được, nhưng nó không phải là quyết định “Ngày hôm nay, chân tôi sẽ không gãy. Ngày hôm nay, tôi quuyết định tôi sẽ không mắc ung thư.” Mọi thứ không xảy ra theo như logic ảo diệu của bạn. Cũng giống như tôi, những người mắc trầm cảm không có tự do chọn lựa. Đây là thứ mà bạn có thể cố gắng chữa trị, nhưng không phải là thứ mà bạn có thể quyết định thay đổi trong khoảng khắc. Ngay cả hành động cố gắng chữa trị cũng trở nên khó khăn với họ. Có những thứ ảnh hưởng đến cách bộ não vận hành. Thậm chí quyết định chữa trị có thể trở nên chẳng khả thi từ góc nhìn của bạn.
Link: >click here<
2. Triệu chứng trầm cảm kỳ lạ nhất nào mà bạn đã từng trải qua?
Trả lời bởi: Jessica Spencer. Người mắc trầm cảm kinh niên, dùng thuốc hơn 20 năm.
Một buổi chiều nọ, tôi chuẩn bị làm một cái bánh sandwich cho bữa trưa. Bản thân chuyện này cũng đủ kỳ lạ, bởi vì năm 18t tôi thường không có đủ năng lượng cũng như động lực để tự làm bữa trưa cho mình. Tôi chỉ làm khi mẹ tôi cũng muốn thứ gì đó.
Mấy tuần trước đó, tôi đã bảo mẹ tôi để bơ trong tủ thường thay vì trong tủ lạnh. Vì tủ lạnh làm cho bơ cứng lại và khó cắt, nghĩa là khi nó sẽ dính cục khi tôi cố gắng trét bơ và đôi lúc tạo thành lỗ lởm chởm trên bánh nữa. và ngày hôm đó, tôi chẳng thể tìm thấy bơ trong tủ thường. Tôi kiểm tra các ngăn tủ khác và nhanh chóng, một cơn buồn bực và hoảng loạn quét nhanh qua tôi. Tôi cảm giác nước mắt đong đầy trong khi tôi đang hoảng hốt vì chẳng thể tìm thấy bơ ở đâu.
Khi tôi mở tủ lạnh ra thì tôi tìm thấy nó. Bơ cứng như một hòn đó, tôi để nó bên ngoài vài phút cho nó mềm xuống trong khi tôi bình tĩnh lại nhưng vô ích. Bơ vẫn cứn. Tôi từ bỏ và cố gắng trét nó lên bánh nhưng được giữa chừng thì tôi sụp đổ. Tôi đứng trong bếp, khóc muốn rớt mắt ra khi tôi nhận ra rằng tôi không thể làm một việc rất đơn giản. Đó là cảm giác khi yêu cầu của tôi bị mẹ làm lơ, áp lực khi cố gắng làm thứ ăn cho bản thân, và cả nỗi khủng hoảng khi không thể làm được một cái bánh sandwich đơn giản quét qua người tôi và khiến tôi sụp đổ như một đống hỗn độn.
Với tôi, đó là sự kiện đó là kỳ lạ nhất mà tôi từng trải qua.
Link: >click here<
24/9/2023
Chiếc ảnh này khiến mình nhớ đến một nhân vật nữ của bác già Murakami trong một cuốn truyện nào đó mình đã đọc từ thời cấp 3. Nhân vật nữ ấy bị các cơn đau thể xác dày vò. Bất kì bộ phận nào trên cơ thể cũng bị đau theo kiểu của nó, tranh nhau giành lấy sự chú ý của cô. Mình có cảm giác cô mệt mỏi vì chẳng biết phải đưa sự chú ý vào cụ thể cơn đau nào, hơn là vì chính các cơn đau liên tục chẳng thể thuyên giảm. Và cô quyết định tự tử, như một cách giải thoát tâm trí. Hành vi không thành công, nhưng mang cô sang một chương mới của cuộc đời, khi cơ thể cô chẳng còn bất kì một cơn đau nào nữa.
Có một lời khuyên mà mình rất biết ơn vì đã đọc được từ cuốn sách nào mình cũng chẳng nhớ tên, điều quan trọng nhất khi đang chìm trong cơn trầm cảm ấy là nỗ lực không huỷ bỏ lịch trình đã thiết lập trước đó, bởi vì việc ở một mình chỉ càng khiến cơn trầm cảm thêm nghiêm trọng.
Trầm cảm là một căn bệnh không thể chữa dứt, và khi một người đã từng có kinh nghiệm chìm vào trạng thái này, rất có thể phải sống cùng nó đến cuối đời. Vì thế những lời khuyên kiểu hãy cố gắng hướng đến những điều tích cực, đừng để bản thân rơi quá sâu là có cơ sở, vì chỉ cần một lần chạm mốc trầm cảm thì tần suất lặp lại là điều dễ dàng.
Nếu ví von cảm xúc như dòng nước, những lần cơn cảm xúc ào ạt tuôn trào nhấn chìm mình chẳng khác gì cơn lũ. Lúc này, một lời khuyên hữu ích khác mà mình vẫn biết ơn sâu sắc từ vị thiền sư phụ tá tận tâm mà mình rất thành tâm hướng về, “Hãy nhớ đưa sự chú ý vào 2 lòng bàn tay, 2 lòng bàn chân và đỉnh đầu, như một cách neo giữ bản thân giữa cơn bão, đừng quên mình có sự chú tâm”
Trong nỗ lực sống chung với lũ, việc ghi nhớ những yếu tố nào có nguy cơ kích hoạt cơn trầm cảm là vô cùng quan trọng. Ví dụ như vào những ngày trước kinh nguyệt khiến ý chí của mình kém cỏi làm sao; hoặc sau những buổi vui chơi quá mức khiến tinh thần mất quân bình mà trở nên chao đảo nghiêm trọng, càng vui bao nhiêu sẽ càng chán nản sau đó bấy nhiêu, vì nó chỉ là hai thái cực của con lắc dao động. Nhưng giống như việc phá rừng gây xói mòn càng gia tăng thêm lũ, các yếu tố gây hại không phải là không đủ nghiêm trọng để suy tư, mà bản thân người bệnh không đủ ý chí để phòng tránh nghiêm túc. Hậu quả ùn ùn kéo đến thì cũng chẳng ngờ do sự dễ duôi của bản thân gây ra. Không trồng rừng phòng hộ thì lũ cuốn cũng dễ hiểu mà.
Thật khó để có thể nghĩ đến gì khác ngoài cái chân đau của mình. Nhưng nếu có thể làm được, chắc chắn cuộc sống sẽ khác đi rất nhiều.
Giờ thì mình dễ hơn rồi, chỉ cần ra ngồi trước sóng biển dữ dội, cảm thấy mọi nỗi đau đều bé tí tẹo.