LOLITA

Categories:BLOG, Sách
Vy Lan

Trước khi đọc những dòng dưới đây, mình mong các bạn hãy thử nghe bài hát này vài lần và nếu có thể, xem phim Lolita trước khi đọc.

Tác phẩm này dĩ nhiên ai cũng biết cho dù dưới hình thức nào, cái từ “lolita” đã vượt xa danh từ – biệt danh mà nhân vật nam chính trong tác phẩm đặt cho cô gái bé bỏng của mình, nó từ lâu đã trở thành tính từ – động từ .. mang rất nhiều ngụ ý về những phẩm chất đáng kinh ngạc của sự ngây thơ, đáng yêu, hồn nhiên nhưng rồ dại, phóng khoáng, tự do, tràn đầy sức sống mãnh liệt, và quỷ quyệt đến đáng sợ. 

Bao nhiêu giấy mực đã xoáy sâu vào sự gợi dục, khiêu dâm, ấu dâm.. cũng chưa đủ, nhưng ở đây mình gác góc nhìn ấy sang một bên, chỉ nêu ra những điên cuồng ám ảnh tâm trí mình sau khi trải qua tác phẩm này một lần nữa. 

Lần đầu tiên mình biết đến Lolita qua sách của NXB Nhã Nam trên kệ tủ của Fahasha Phan Thiết. Mình nhớ rõ như thế là bởi vì đó là lần đầu tiên mình biết đến sự tồn của một thế giới quan điên rồ đến như vậy. Mình ngạc nhiên, phẫn nộ và bực dọc vì những gì câu chữ đã phô bày trong cuốn sách, mình nhíu mày, cau có và không thể chấp nhận được những câu chữ mơn trớn, lả lơi, và thiếu đứng đắn như thế này. Và rồi mình không đủ kiên nhẫn tiếp tục, mình gấp sách lại sau 2 ngày kiên nhẫn tìm hiểu. Lúc ấy mình 17 tuổi, chỉ mới trải qua mối tình đầu ngây thơ cùng cậu bạn chung trường, trong sự kiềm kẹp nghiêm khắc của bố mẹ. Mình chưa hiểu thế nào là tự do, là ung dung tự tại, là tận hưởng cuộc sống. Mình bị gò bó trong những nguyên tắc luật lệ khắc khe, để rồi khi đọc những dòng chữ ấy, mình không thể chấp nhận được bất kì quan điểm nào trong đó cả – trừ việc cảm nhận được sự ngây thơ đáng yêu của cô gái nhân vật chính ở những đoạn đầu câu chuyện.

Năm 19 tuổi, khi đã bước ra khỏi gia đình, mình xem bộ phim Lolita sản xuất năm 1997, mình nhận ra bản thân đang ghen tị với tinh thần tự do mãnh liệt trong trái tim Lolita – lúc nào cũng nổ tung như thể không điều gì trên thế giới này có thể ngăn cản được. Và mình hiểu được tình yêu của ông Humbert – ông yêu nhựa sống mãnh liệt từ cô gái này, như thể hối tiếc vì tuổi trẻ của mình đã bỏ lỡ. Nhưng mình vẫn giữ định kiến cũ – chỉ nhìn thấy sự loạn luân và ấu dâm trong tác phẩm này – để rồi một lần nữa, gác lại tất cả sang bên cạnh.

Và năm nay, sau rất nhiều biến cố xảy đến, mình đã có được sự tự do cho cuộc sống riêng của mình. Mình vô tình tập trung quá mức vào bài hát Lolita của Lana Del Rey. Rất ngẫu nhiên thôi, vì bài hát này mình đã nghe nghìn lần rồi – không chút ấn tượng. Bỗng dưng hôm nay ấn tượng lạ lùng. Và rồi mình quyết định xem lại bộ phim. Và rồi, mình có cảm giác thế giới quan của mình đã thay đổi thực sự. Mình muốn phát điên vì cô gái này!

Ngày hôm nay, sự tự do mình có được đã giúp mình gạt sang bên mọi định kiến. Mình có thể cảm nhận được từng hơi thở của nhân vật, mình có thể cảm nhận được sự ám ảnh điên dại của mỗi nhân vật trong tác phẩm này.

Lolita – một cô gái trẻ khao khát tự do, khao khát trải nghiệm và năng lượng luôn dư thừa để bung tỏa ra xung quanh – bị kiềm hãm bởi một thế giới nhàm chán, tẻ nhạt. Cô thiếu thốn hình mẫu đàn ông trưởng thành trong cuộc đời – thiếu cha. Từ đó trong lòng cô luôn khao khát có một người đàn ông trưởng thành chở che bên cạnh, cưng chiều cô, khuyến khích và cùng cô trải nghiệm bất kì điều điên rồ nào trong cuộc sống này. Phải chăng tuổi thơ của ai cũng có những bà mẹ cẩn trọng thái quá luôn ngăn cản con mình trải nghiệm cùng một người cha dễ dãi luôn khuyến khích con hãy tung cánh bay?

Vừa may sao (hay là xui?), Humbert – người thiếu khuyết hình mẫu cô gái thiếu niên trong lòng – xuất hiện. Cả hai bên đều cần nhau, và họ hút nhau như một lẽ tất yếu.

Nhưng bi kịch là gì? Cô gái trẻ cần một người cha, nhưng cô nhận ra Humbert cần ở mình sự quyến rũ. Để có thể duy trì được sự quan tâm từ người cha này, cô phải bằng mọi cách. Ánh mắt của cô là sự tinh nghịch của con gái dành cho cha, không phải người tình yêu đương say đắm. Cô vòi vĩnh Humbert như con gái vòi cha, cô tinh nghịch trêu chọc, cô nũng nịu yếu đuối như một đứa con gái nhỏ – không phải với danh nghĩa một người tình. Thực tâm mình nhận ra, cô không đi tố cáo Humbert là bởi vì tình cảm cô dành cho ông như tình cha con vậy. Dù cô hận ông – cho rằng ông chính là kẻ sát hại mẹ mình – nhưng chính cô nhận ra, ông đã cho cô thứ tình cảm cha con mà cô khao khát. Cho đến cuối phim, cô vẫn luôn miệng gọi cha, vì sâu thẳm trong tim cô vẫn luôn xem ông ấy là cha mà – và hình ảnh cô luôn duy trì trong mắt ông ấy – là sự trẻ con của một người con gái. Trong đôi mắt cha – con sẽ không bao giờ khôn lớn?!

Nhưng rồi, đó cũng chính là bi kịch đúng không? Humbert không xứng đáng làm cha của bất kì đứa trẻ nào, vì trái tim ông mang khiếm khuyết quá lớn, khiếm khuyết hình mẫu cô gái thiếu niên đang căng tràn nhựa sống. Ông chưa kịp trải qua tuổi niên thiếu bùng phát, đã phải kiềm nén lại và oằn mình vì nỗi đau. Để rồi luôn tìm kiếm hình bóng năm xưa để đắp bù. 

Mình nhìn thấy điều ấy, nhưng Humbert thì không nhìn ra. Ông điên rồi! Điên vì tình! Ông đã ỷ y rằng cô cũng dành cho ông thứ tình yêu ấy, để rồi hành hạ chính người mình yêu thương. Ông sợ mất cô, để rồi làm những hành động điên rồ khiến cô vụt khỏi tầm tay của ông vậy. Và đến cuối cùng, dẫu cho ông tìm mọi cách để đổ lỗi cho ai đó gây ra sự héo mòn của Lolita – thì chính ông mới là người mang tội lỗi lớn nhất! Nếu ông đóng tròn vai là một người cha như cô gái trẻ mong mỏi – có lẽ cô sẽ mãi mãi giữ được sự ngây thơ, vô tư lự và hồn nhiên của mình. Cô đã héo mòn vì những lo toan vật chất tầm thường mất rồi.

Ôi phải nói là cô Dominique Swain quá xuất sắc, quá xuất thần. Trái tim cô dường như sinh ra để hòa nhịp cùng nhân vật Lolita. Từng ánh mắt, từng điệu bộ, từng dáng vẻ.. ôi có thể làm sống dậy nhân vật trong cuốn sách, sinh động hơn bất cứ thủ pháp xây dựng nhân vật nào.

Màu phim đẹp, bối cảnh vintage mê người, trang phục độc đáo thời thượng. Đủ để mình có thể nhấm nháp lại tác phẩm này, một lần nữa!

Author:

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>