Nỗi đau của Em Bé Bán Diêm

Categories:BLOG
Vy Lan

Mình đã biết đến bộ Fairytale Tarot của Lisa Hunt từ rất lâu, khoảng 5 năm trước. Lúc ấy nó vẫn còn phổ biến và được nhiều bạn ưa chuộng vì những câu chuyện cổ tích quen thuộc được lồng ghép trong các lá bài. Bộ bài này hiện tại đã Llewellyn đã ngưng xuất bản, nó chỉ còn bản quyền tại một NXB Tây Ban Nha và vì thế bộ bài được lưu hành hiện tại là tiếng Tây Ban Nha.

Mặc dù biết đến nó đã lâu, nhưng mình chỉ mới chú ý đến nó gần đây. Ngay khi vừa khui bộ bài, mình đã nghĩ ngay đến Cô Bé Bán Diêm và lục tìm lá 5 of Pentacles. Ồ, thật thất vọng là hình ảnh đặc trưng cho sự khốn khổ của lá 5 of Pen của một cô bé nghèo khổ rách rưới đứng bên ngoài ô cửa sổ của một căn nhà ấm áp đang thèm thuồng Gà Tây vào đêm giáng sinh đầy tuyết rơi đã bị cô tác giả này bỏ qua. Mình cảm thấy thất vọng quá nên cất bộ bài ấy luôn không tìm hiểu nữa. Cho đến một hôm vô tình nhìn thấy lá 3 of Swords của bộ bài này được một bạn post lên chia sẻ.

Ồ thì ra cô bé bán diêm tội nghiệp đang được mô tả ở lá 3 of Swords đây rồi. Mình hoàn toàn không đồng ý với cách mà tác giả này miêu tả nỗi đau của cô bé tại lá 3 of Swords.

Nỗi đau của 3S và 5P có một điểm khác nhau cơ bản đó là 3S không nhắc gì đến nỗi đau thể xác, nó chỉ là nỗi dằn vặt day dứt trong tâm trí không cách nào thoát ra được cho dù người ta có ở trong lụa là châu báu, nhưng nỗi đau ở 5P thì khác, nó là nỗi đau của sự thiếu an toàn, sự thiếu thốn về vật chất, sự bấp bênh trong cuộc sống không biết sẽ đi đâu về đâu, là nỗi đau của sự ghẻ lạnh mà người khác dành cho mình, nỗi đau của sự lạc lõng cô đơn lạnh lẽo băng giá mà xung quanh mang lại. Đây chẳng phải là nỗi đau của Cô Bé Bán Diêm đây sao? Nỗi đau lạc lõng giữa sự ấm cúng xung quanh từ mọi người, nỗi đau thiếu thốn đói kém và chết cóng trong giá rét.

Tác giả có lẽ đã hiểu sai về ý nghĩa cơ bản của 2 lá bài này, và hiểu sai về cách mà cô bé này hoài niệm về tuổi thơ tươi đẹp. Sự hoài niệm này có thể mô phỏng tại lá 6C chứ không thể nào là 3S được vì nó đang mang lại cho cô bé ấy niềm vui và sự ấm áp kia mà?! Em bé giữa tuyết rơi lạnh cóng vẫn thấy ấm áp và mãn nguyện vì đã được những ký ức tuổi thơ tràn về ôm ấp, ve vuốt.

Mình vẫn còn một vài điểm không đồng ý khác trong cách mà tác giả này lồng ghép truyện vào ý nghĩa lá bài, cho thấy được cách tác giả hiểu sai về ý nghĩa gốc của lá bài ấy. Có dịp mình sẽ phân tích thêm.

Author:

4 Comments

  1. Thiên VũTrả lời
    7 Tháng Năm, 2017 at 1:04 sáng

    Mình cũng dùng bộ này và ban đầu mình cũng đã nghĩ là lá này đúng với 5 of pentacles hơn. Nhưng thật ra với câu chuyện Cô bé bán diêm thì mình không hoàn toàn nghĩ Andersen muốn nhấn mạnh vào sự nghèo khổ. Mà là sự thiếu thốn tình thương, sự vĩnh viễn mất đi một người yêu thương mình. Một cuộc sống chỉ toàn những đau thương như thế, có lẽ 3 kiếm cũng là phù hợp.
    Có nhiều lá, đúng là đọc câu chuyện và so sánh với ý nghĩa của Rw chuẩn thì không giống nhau. Nhưng thật ra Lisa Hunt chỉ vẽ lá bài đó, ứng với một phân cảnh nhất định trong câu chuyện thôi, chứ không phải lấy tinh thần của cả truyện để áp ý nghĩa lá bài vào.

    • 8 Tháng Năm, 2017 at 9:42 chiều

      Cảm ơn bạn đã comt, mình xin phép phản biện lại nghen

      1. Xét về nghĩa gốc của lá 3 of Swords (3oS) và 5 of Pentacles (5oP)

      – Điểm giống: Nỗi đau kéo dài, sự mất mát, đau thương, sự chịu đựng nỗi đau. Số 3 và số 5 đều là những số lẻ mang tính biến động cao, vì thế nó đều muốn hướng đến sự tĩnh lặng ở những lá số chẵn.

      – Điểm khác:

      3oS thuộc bộ Kiếm chủ về tư duy, suy nghĩ, tinh thần, sự thật.. tức là thứ gì phản logic, phản sự thực thì sẽ bị “kiếm chém” cho tơi bời. Vậy nên nỗi đau từ bộ kiếm luôn luôn là nỗi đau của việc không chấp nhận được sự thật, “sự thật mất lòng”, sự thật làm ta đau lòng. Số 3 cho thấy một sự sáp nhập, sự sáp về mặt lý trí ở đây là đầu óc chúng ta phải tiếp nhận thêm một sự thật nữa từ bên ngoài mà trước đó (2oS) chúng ta đã từ chối tiếp nhận. Vì thế mà nó khiến ta đau đớn. Đó là lý do nó mang các từ khóa như nhận ra sự phản bội, vì sự phản bội là hình ảnh tượng trưng nhất cho việc sự thật bị giấu diếm, và nay thì nó đã bị lộ ra, và sự thật ấy làm ta không chịu đựng nổi, từ đó dẫn đến sự đau đớn. Vậy nên nỗi đau ở 3oS sẽ không tồn tại nếu trước đó không có sự thật nào bị che giấu, vì không bị che giấu thì làm gì có vụ bị lộ tẩy mà khiến ta hụt hẫng?

      5oP thuộc bộ Tiền chủ về vật chất, kế hoạch, sự ổn định, thể xác, sự đầy đủ sum tụ, sự an toàn, bền vững.. vậy nên cứ hễ cảm thấy thiếu an toàn, thiếu sự đảm bảo về cuộc sống hay thậm chí là bị tổn hại về mặt thể xác thì sẽ thấy đau khổ. Vậy nên nỗi đau từ bộ tiền luôn luôn là nỗi đau từ việc thiếu thốn về vật chất, nỗi đau trực tiếp từ thể xác cũng như nỗi bấp bênh lo sợ không biết cuộc sống sẽ đi đâu về đâu vì thiếu kế hoạch. Số 5 đại diện cho thời gian và sự biến đổi mạnh mẽ, 5oP là sự biến động về vật chất từ ổn định (4oP) thành mất ổn định. Vậy nên nỗi đau ở 5oP sẽ không tồn tại nếu trước đó họ không có sự đầy đủ, nó cũng sẽ không tồn tại nếu họ biết họ vẫn an toàn trong hiện tại và cả tương lai nữa.

      2. Xét về bối cảnh truyện “Em bé bán diêm”

      Em bé bán diêm là một em bé bất hạnh theo như tác giả phân tích, em không bất hạnh vì bị ai lừa dối, mà bất hạnh vì từ nhỏ đã bị mất đi những người thân yêu em nhất, từ đó em không được ai lo cho ăn cho mặc, còn nhỏ xíu mà em đã phải đi bán buôn bươn chải, ngay cả trong đêm Noel (đối với các nước phương Tây, đêm Noel quan trọng như đêm giao thừa của nước mình vậy) là dịp để mọi người đoàn tụ, vui vẻ, ấm áp quây quần (hình ảnh lá 10oP) thì em lại cô đơn, lạnh lẽo bên ngoài lang thang với cái bụng đói meo. Và vì thế mà nỗi đau của em lên đến cao trào. Tác giả không phải vô tình mà chọn đêm Noel làm bối cảnh truyện, đó là ý đồ của tác giả để khắc họa rõ nét nhất nỗi đau thiếu thốn người thân, thiếu đi sự an toàn chở che từ người cha còn lại, vì trẻ em như búp trên cành (hình ảnh của bộ Pentacles) thì cần phải được nâng niu, cần phải được sống trong sự che chở bảo bọc một cách an toàn nhất để chúng yên tâm phát triển, đó chính là bài học nhân văn sâu sắc mà tác giả muốn truyền đạt lại với người lớn, rằng hãy nên có trách nhiệm với con cái của mình. Mà tính trách nhiệm thì còn bộ nào vượt qua bộ Tiền?

      Nguyên văn phân tích của bạn “Nhưng thật ra với câu chuyện Cô bé bán diêm thì mình không hoàn toàn nghĩ Andersen muốn nhấn mạnh vào sự nghèo khổ. Mà là sự thiếu thốn tình thương, sự vĩnh viễn mất đi một người yêu thương mình. Một cuộc sống chỉ toàn những đau thương như thế, có lẽ 3 kiếm cũng là phù hợp.” => “Sự thiếu thốn, sự vĩnh viễn mất đi” của bạn ở đây có phải là từ khóa của 5oP không? Vì 3oS có phải đau khổ vì bị mất đi đâu, mà là đau khổ vì phát hiện ra sự thật bị che giấu. Mà việc người thân của cô bé chết là một sự thật cô bé biết đã lâu rồi, làm gì có ai che giấu mà nay cô bé phải phát hiện mới trở nên đau đớn?

      Vậy nên mình khẳng định, bối cảnh truyện chỉ có thể phù hợp với lá 5 of Pentacles.

      3. Xét về phân cảnh em bé đốt diêm để sưởi ấm

      Theo mình hiểu thì phân cảnh này có thể được tóm tắt như sau: Em bé đốt diêm để sưởi ấm, và nhìn thấy những hình ảnh trong quá khứ với người bà của em, rồi em đắm chìm trong đấy để hồi tưởng lại những phân cảnh tươi đẹp trong khoảng thời gian ngày xưa khi bà em mang lại cho em sự ấm áp đủ đầy. Lúc này đây em không còn nhớ đến hiện tại trần trụi, khắc nghiệt nữa.

      Chúng ta nhìn lại câu phân tích ban nãy của mình để lấy từ khóa nhé: “nhìn thấy hình ảnh quá khứ tươi đẹp”, “hồi tưởng lại” – Hai từ khóa này bạn không liên tưởng đến các lá Cốc à? Chỉ có những lá bài mang nguyên tố nước mới thể hiện cho những hành động mang tính chất cảm xúc như thế này được. Các lá bài mang nguyên tố khí là những lá bài vô cùng lý trí, không thể bao hàm những cảm xúc “vui, buồn, hồi tưởng, mơ mộng” được rồi.

      Và đây là phân cảnh cuối cùng của truyện, nó mở ra một hướng đi đầy nhân văn cho cô bé, nó hướng cô bé đến sự giải thoát khỏi kiếp sống vật chất đầy bấp bênh khổ đau này. Bên châu Âu người ta vẫn quan niệm việc lên thiên đàng là một điều gì đó tốt đẹp, vậy nên một lá bài khắc nghiệt như 3oS không thể đại diện cho một khung cảnh “giải thoát bế tắc cho cô bé” đầy nhân văn như thế này được.

      4. Xét về ý nghĩa lá 6 of Cups

      6 of Cups là một lá bài mang nguyên tố nước, đại diện cho những cảm xúc, cảm nhận, ký ức, các mối quan hệ… Số 6 là số của sự tĩnh lặng sau cơn bão của lá số 5. Có một đặc điểm thú vị trong cảm xúc mà tâm lý học vẫn thường nói đến, là khi cảm xúc của chúng ta trong hiện tại không được như ý, chúng ta vẫn thường hướng về những cảm xúc, ký ức đẹp đẽ của quá khứ để làm cảm xúc của chúng ta dịu lại. Và hình ảnh của 6oC chính là như vậy, sau sự không hài lòng ở lá 5oC thì sang 6oC chúng ta có một cách làm tĩnh lặng cảm xúc đó là nhớ về quá khứ. Vậy nên chúng ta sẽ không đắm chìm vào ký ức của quá khứ để làm gì nếu trong hiện tại quá hài lòng, quá thỏa mãn. Vậy thì nền tảng của sự mất mát trong lá số 5 sẽ rất thuận lợi cho hành động ở lá 6oC này diễn ra.
      Vì thế mình suy ra, phân cảnh nhẹ nhàng ở cuối truyện Em bé bán diêm sẽ phù hợp với một lá bài nhẹ nhàng, cảm xúc như 6 of Cups! Ngoài ra lá 6 of Cups còn đại diện cho những ngây thơ trẻ em, nếu có thể lồng ghép vào hình ảnh Em bé bán diêm nữa thì còn gì tuyệt đẹp hơn?  

      Cảm ơn bạn đã tranh luận, chờ ý kiến phản hồi từ bạn.

  2. Tuệ AnTrả lời
    21 Tháng Năm, 2017 at 4:18 sáng

    Truyện Cô Bé Bán Diêm là lên án sự vô tâm, lạnh lẽo của người đời, nó phản ánh 1 sự thật đau lòng của “hiện thực trần trụi”, giống như 3 of Swords vậy, chả có lý do gì phải quan tâm đến nỗi đau của người ngoài, tồi tệ hơn, chính người cha của cô còn là 1 kẻ tàn nhẫn, táng tận lương tâm, không có một chút khái niệm nào về tình thâm. Và đây chính là chi tiết mình thấy Cô Bé Bán Diêm không phải là câu chuyện của 5 of Pen – sự thiếu thốn cùng cực về vật chất, vì rõ ràng cô còn có 1 chốn để quay về, 1 chiếc giường nhỏ để tránh cái lạnh và quên đi cái đói, nhưng chính sự lạnh lùng, tàn ác của ông bố mới là thứ ngăn cản cô trở về.
    Và 1 điều nữa là 5 of Pen là sự thiếu thốn về “ý thức tinh thần”, là sự tắc ghẽn của chính bản thân đến với những yếu tố tinh thần bên ngoài, trong khi Cô Bé Bán Diêm không phải thế. Chính Cô Bé đã tự biết dùng trí tưởng tượng của mình để sưởi ấm bản thân, vậy nên mình thấy 5 of Pen chỉ là 1 thanh kiếm “chặn đứng 1 đường” trong hiện thực tàn nhẫn của câu chuyện thôi.

    • 25 Tháng Năm, 2017 at 3:57 chiều

      Cảm ơn bạn vì ý kiến rất hay đến từ khía cạnh người cha tàn nhẫn ạ. Nhưng theo mình thì phân cảnh này đang được khắc họa thông qua hình ảnh cô bé tự sưởi ấm bản thân bằng cách hồi tưởng lại ký ức mà, có phải là nó phù hợp với 6 of Cups không ạ? Nếu để khắc họa nỗi đau cô bé phải chịu đựng từ người cha của mình thì có lẽ họa sĩ nên chọn phân cảnh nào lột tả được sự tàn bạo ấy thì vẫn hơn chứ ạ ^_^ Bạn nghĩ thế nào về ý kiến này ạ?

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>