Tội Lỗi

Categories:BLOG
Vy Lan

Nói về cảm xúc, mình vẫn hiểu nôm na đại khái là một dạng tín hiệu thông báo cụ thể hành vi/trạng thái hiện tại của bản thân đang không ổn ở đâu và, ờ, nếu muốn ổn hơn thì hãy tìm lỗi và sửa bớt lỗi từ trong nhận thức lẫn hành vi. Và theo quan điểm của mình, thì trạng thái vui mừng/hạnh phúc cũng là một loại cảm xúc thông báo đang có sự bất ổn, vì hai lý do: một là ở trong trạng thái đó mình rất dễ hài lòng và không còn nhu cầu tiến triển hay đổi khác trong khi cuộc đời luôn luôn biến chuyển, do đó cảm xúc thoải mái dễ khiến ta bỏ qua những tín hiệu nhỏ nhất đến từ bộ điều kiện đang thay đổi; từ đó, hai là khiến cho ta khổ sở muốn duy trì trạng thái thoải mái dễ chịu ấy mãi, trong khi, lại lần nữa, cuộc đời không tồn tại trạng thái “đóng băng vĩnh cửu” bất kì điều gì cho dù bảo quản tốt đến mấy (đến cái thân thể này tồn tại chừng trăm năm là cũng chấm dứt ý mà). Do đó, cảm xúc khó chịu hiển nhiên thông báo một vấn đề bất ổn, nhưng cảm xúc thoải mái dễ chịu cũng mang đến thông báo tương tự.

Mình chịu ảnh hưởng rõ rệt từ khái niệm good (mình thích cách thầy Bùi Văn Nam Sơn dịch là cái thiện) của Plato và điểm trung dung của Aristotle để từ đó hiểu được khái niệm sống ổn thoả (well-being) của thầy Ngô Toàn. Cái thiện của Plato hiểu sơ khởi là một phẩm tính cho thấy một hữu thể làm đúng chức năng của nó: cái dao thì đủ bén để cắt đồ, con người thì có tư duy nên cần sống có đạo đức. Điểm trung dung của Aristotles hiểu nôm na là loại trạng thái ở giữa hai thái cực, giúp ta có thể giữ được trạng thái thăng bằng và vững chãi lâu dài (giữa phẩm tính nhút nhát và liều lĩnh là sự can đảm tức là ý thức được những rủi ro nhưng vẫn dám đối diện và dấn thân vào nguy hiểm một cách cẩn trọng). Nhờ đấy mình hiểu được trạng thái sống ổn thỏa tức là một trạng thái bình ổn (không dao động mạnh giữa hai thái cực) có thể kéo dài mà không cảm thấy quá chới với, bấp bênh hay quá khổ sở để duy trì. Theo mình, dễ nhận diện thì lúc ấy, hành vi của mình không do loại cảm xúc nào chi phối (không phản ứng, không đối phó), mà đơn giản là nhờ tư duy có đạo đức đưa ra quyết định hành động đúng đắn.

Cho ví dụ dễ hình dung nhất thì window mỗi khi có lỗi gì đó lại hiển thị cái bảng thông báo, nhìn khó chịu chết đi được ý, nhưng nếu không lo tìm cách sửa lỗi ngay, mà chỉ cố gắng tắt cái bảng thông báo đó đi và giả vờ như thể hệ điều hành vẫn trơn tru lắm để tiếp tục công việc thì đến một ngày các lỗi be bé tích tiểu thành đại, kiểu gì máy tính cũng tắt ngóm và lúc ấy chúng ta thường cảm thấy ngẩn ngơ như thể “ơ kìa tao đã làm gì sai mà ra nông nỗi này?”. Chính xác là cách mà ta chạy trốn cảm xúc cũng tương tự cái cách mà một đứa gà mờ công nghệ như mình rất sợ gặp phải các bảng thông báo lỗi, và thường là mình bấm phím tắt nhanh bảng thông báo đấy (vì nó cản trở mình tiếp tục công việc) và vờ như thể không có gì xảy ra để làm tiếp việc cần làm.

Và ờ, cảm xúc cũng thế, lúc buồn, lúc chán, ta vẫn thường chạy trốn thông báo nỗi buồn chán này bằng cách dập tắt nó (thông qua việc mua sắm, làm tình, hay tụ tập bạn bè, nơi chốn đông người) thay vì tự hỏi lỗi từ đâu ra mà lại có thông báo như thế. Và ờ, lúc cảm thấy tội lỗi, ta liền dập tắt thông báo tội lỗi này bằng cách trút lỗi lên kẻ khác cho nhanh và tỏ vẻ thanh cao thay vì tìm kiếm phần lỗi trong ý thức và hành vi tự mình. Cho đến một ngày, “hệ điều hành cảm xúc” của ta vì không được chú ý sửa chữa kịp thời nên tồn đọng quá nhiều lỗi mà tắt ngóm, ta cảm thấy trống rỗng, chán nản, cô đơn, tự kỉ, trầm cảm,… và ngẩn ngơ như thể “ơ kìa tao đã làm gì sai mà ra nông nỗi này?”. Lúc này thì bạn nhìn thấy điểm chung rồi chớ?

Nhiều người cho rằng cảm xúc thật phiền toái, như cách mà mọi người cảm thấy phiền phức khi bảng thông báo error window hiện lên khi đang làm việc hiệu suất. Không hẳn là mình đang nâng cao quan điểm, nhưng việc bảo quản hệ điều hành cảm xúc đâu khác gì bảo quản cơ thể hữu hình này đâu, vì chúng nó đang tồn tại cùng nhau và tác động lẫn nhau mà. Đó là lý do mà mình rất nỗ lực quán tâm để kịp nhận diện mọi loại thông báo gửi gắm qua cảm xúc, cố gắng không bỏ qua loại cảm xúc nào dù nó gây ra nhiều khó chịu, phiền toái và khiến mình muốn bỏ cuộc. Nhưng một vấn đề mới chớm lên thì vẫn dễ xử lý hơn là để nó tồn đọng lâu ngày, khi lúc mọi vấn đề chồng chất, đóng cặn và kết tủa cứng ngắt thì rất khó gỡ bỏ (lúc này thì mình hình dung như là một cục mụn non dễ xử lý hơn là đợi nó già cỗi và biến thành tàn nhang hay mụn thịt dị đó)

Hôm nọ mình vừa đọc xong bộ truyện tranh Inuyasha dù đã biết đến nó từ năm 2006. Giờ đọc lại cũng là hiển nhiên vì đang phải ở nhà tránh dịch, và mình cũng đã có điều kiện đủ để hiểu rõ cốt truyện này. Bộ truyện là một chuỗi mô phỏng cảm xúc thông qua hình ảnh rất thú vị và lồng ghép vào trong nó rất nhiều triết lý đạo thiền nhẹ nhàng (mà không dễ xơi tí nào haha). Mình đọc mải mê hết cả bộ truyện cho đến những trang cuối cùng, vì dường như tâm trí mình đang tìm tìm kiếm cách thức nhận diện, hiểu biết và vượt qua một chuỗi những cảm xúc khó khăn nào đó trong lòng. Và hóa ra khi vừa đọc đến trang ảnh này, lòng mình nhẹ hẳn như tìm được nút thắt đã lâu không mò thấy được. Ấy là chỉ nhẹ vì tìm ra, chứ mãi hôm nay mới hiểu được cách tháo gỡ, còn tháo được không thì… hmm chưa biết.

đây là đoạn mô phỏng rõ nét nhất cảm giác tội lỗi của Inuyasha trong xuyên suốt bộ truyện, hóa ra cả bộ truyện chỉ là hành trình của anh chàng này làm sao để giải quyết cảm xúc tội lỗi của bản thân đối với Kikyou


đây là lúc mà Inuyasha xử lý xong vấn đề của bản thân nên cảm xúc tội lỗi không còn nữa, do đó anh được giải thoát khỏi sự khống chế của Naraku – vì Naraku chỉ thao túng được các loại cảm xúc yếu đuối của con người thôi

Khi mình đọc tới đoạn này, mình hiểu ra loại cảm xúc đang réo inh ỏi trong tâm trí mình là “tội lỗi”, nảy sinh từ những thôi thúc sửa chữa những lỗi lầm cũ trong quá khứ, trong khi năng lực thì chưa đủ để sửa chữa, từ đó cứ hễ làm gì cũng thành sai trái từ đó kéo theo các loại cảm xúc vô dụng và tự ti khác. Trước đấy, mình cũng lờ mờ đoán ra cảm giác tội lỗi này khiến mình khổ sở là vì mỗi ngày Chủ Nhật vào nhà thờ ngồi cảm nhận ké nguồn năng lượng tinh khiết bao trùm, lắng nghe những lời giảng về lòng từ bi của Chúa, mình cứ khóc suốt như thể cảm giác đang được bao dung và tha thứ cho mọi tội lỗi chất chứa vậy. Nghe đâu những giáo dân được khuyên rằng nếu cảm thấy bản thân có lỗi, thì hãy đến nhà thờ xưng tội, đừng kể về nó cho người khác, hoặc đừng mang vào lòng quá lâu. Có lẽ là do cảm giác tội lỗi này thật sự kéo chùn ý chí của ta xuống, khiến ta trở nên yếu đuối và bạc nhược khủng khiếp, khiến ta không còn cảm giác tự chủ như là một con người. Lúc này thì việc duy trì sự sống của chính ta còn cảm thấy khó khăn, chứ đừng nói đến tâm trạng quyết tâm sửa đổi – nên đây là lúc ta dễ bị xúi bậy và thao túng làm nhiều chuyện sai trái nhất. Do đó mà nhiều tôn giáo lập nên để tìm cách tắt bớt “thông báo tội lỗi” này trong tâm trí mỗi người, chứ mấy ai có đủ ý chí để đối diện và vượt qua nó.

Mà thật sự là khi đối diện với một kẻ đang mang cảm xúc tội lỗi, mình cũng khó mà chịu đựng nổi. Cảm giác như thể họ đang cố đẩy phần tội lỗi qua cho mình, hoặc chính mình cũng có liên quan đến tội lỗi của họ. Đó là lý do mà loại cảm xúc này thật sự khó xử lý, và càng khó hơn nếu muốn giúp ai đó vượt qua chúng nếu tự thân không có đủ sự cứng cỏi.

Lá bài Guilty trong bộ Mixed Emotions Cards

Nhiều người không chịu nổi cảm giác tội lỗi này. Về mặt hành vi, họ đổ lỗi cho kẻ khác hoặc tìm cách chống chế, biện minh cho hành vi sai trái của mình. Về mặt tâm thức, họ đóng chặt những kí ức liên quan đến tội lỗi này và hành xử như thể họ hoàn toàn trong sạch nên có nét gì đó cao ngạo và cho mình hơn người – vì nếu họ chấp nhận cảm giác tội lỗi này để cầu thị, thì họ sẽ có lối hành xử tôn trọng bất kì ai ở cạnh vì cho rằng ai cũng mang đến cho mình cơ hội sửa đổi. Thật sự cảm giác này rất khó chịu và khiến cho mình mất sạch tự tin để tiếp tục dấn thân tạo nên những thành tựu nhất định nào đó, nên nếu hỏi ra hẳn ai cũng sẽ ghét cảm xúc tội lỗi này, nó khiến cho ý chí lụi bại và cảm giác mình thụt lùi hơn là tiến bộ, khiến mình cảm thấy mình đang phải nhận vai “kẻ xấu” nên không tốt đẹp như mong muốn, tóm lại không bằng người khác ý :))) Do đó nhìn sơ qua bảng xếp loại tâm thức của tiến sĩ David R Hawkins, ông xếp loại cảm xúc này ở mức năng lượng gần thấp nhất và khiến một người cảm thấy áp lực, bất động và có xu hướng hủy hoại hơn là đóng góp những điều tốt đẹp; thậm chí ở một vài lúc tiêu cực, họ không còn cảm giác là một con người mà dường như chỉ như đang xuôi theo bản năng động vật. Đến lúc này thì làm sao ta có năng lượng hay ý chí sửa sai được nữa?

Bảng này mình cắt ra từ phần Phụ Lục của cuốn Power vs Force bản kindle

Đó là lý do mà ta không nên mắng nhiếc, chỉ trích, đánh đập, xua đuổi, trừng phạt hay đẩy cho ai đó đóng vai kẻ xấu, vì họ sẽ không có động lực sửa sai và tiến bộ. Mình chỉ biết con đường đó là không hợp lí để một người thoát khỏi sai lầm, còn làm cách nào để thoát khỏi bản năng thì chắc mỗi người có một con đường khác nhau. Những đứa trẻ ngày nhỏ bị bố mẹ thường xuyên đánh đập, mắng nhiếc và dùng lời lẽ tồi tệ chỉ trích nhân cách thì rất có thể đứa trẻ ấy sẽ khó có thể phát triển và có ý chí tiến bộ bằng những đứa trẻ được nâng đỡ và có lối dạy bảo khác.

Nhưng nếu tạm dời lối suy nghĩ tốt-xấu, đúng-sai, hơn-thua, được-mất,… qua một bên, thì ta có thể tự hỏi “Cảm xúc tội lỗi này là tín hiệu thông báo mình cần phải làm gì đây?” và “Cách nào là cách đúng nhất để bảng-thông-báo này được tắt đi một cách hữu hiệu?”

Trong lần tham gia khóa thiền 10 ngày đầu tiên tại Thủ Đức, mình đã được nghe chuyện Đức Phật cảm hóa tướng cướp Angulimāla. Hẳn đây là câu chuyện mà ai từng nghe đều sẽ khó mà quên được hình ảnh Angulimāla đã làm được điều tuyệt vời, chuyển đổi toàn bộ đời sống của bản thân, từ một tên cướp gây khổ đau cùng tột, là nỗi ám ảnh của nhiều người, đã trở thành một vị Thánh tăng đem lại an vui hạnh phúc cho bao người. Nhưng khi đọc đến đoạn kinh dưới đây,

Sống trong hạnh phúc giải thoát, mỗi sáng, Angulimāla thảnh thơi từng bước chân chánh niệm đi vào thành Savatthi khất thực. Angulimāla đã trở thành một con người hoàn toàn khác, với nội tâm tĩnh lặng, chan chứa tình thương yêu. Tuy nhiên, do những lỗi lầm đã gây tạo trước đó, Ngài vẫn phải chịu phẫn nộ của nhiều người. Có người ném đất, có người ném đá vào Ngài, có người lấy gậy đánh Ngài vỡ đầu, và khi về đến tinh xá, Ngài bị lỗ đầu, chảy máu, bình bát bị bể, y áo bị rách. Trong tình trạng đáng thương này, Đức Phật khuyên dạy Angulimāla rằng, “Hãy kham nhẫn. Ông đang gặt hái ngay trong hiện tại quả báo của nghiệp mà đáng lẽ ông phải chịu nấu sôi ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, thậm chí nhiều ngàn năm” (kinh Angulimāla, Trung bộ kinh số 86)”

mình đã sửng sốt vì không hiểu tại sao ngài có thể không phát sinh cảm xúc tội lỗi khi đứng trước những “nạn nhân” của những hành vi sai trái ngày trước mà mình gây ra? Thậm chí ngài còn thấy họ khổ và chỉ phát tâm từ bi mong sao họ có thể thoát khổ được như ngài. Vậy hóa ra loại cảm xúc “tội lỗi” này không do điều kiện ngoại cảnh hình thành, mà vẫn đến từ tâm trí của chính ta. Vì nếu một đứa không tu tập nghiêm chỉnh như mình rơi vào hoàn cảnh đó, mình không chết vì bị ném đá, mà chết vì tự kết liễu đời mình vì không thể chịu nổi cảm giác ray rứt, tội lỗi và tồi tệ – mình thậm chí còn không cho phép bản thân được sửa sai.

Mình đã đặt ra câu hỏi này và bị ám ảnh suốt hai năm vừa qua, cho tới khi đọc xong bộ truyện Inuyasha. Toàn bộ câu chuyện là sự giãy giụa của tên tiểu yêu giữa cảm giác muốn vượt thoát khỏi bản năng yêu quái để làm người tốt, nhưng đang bị níu chân vào mớ cảm xúc tội lỗi vì đã hại chết người yêu cũ Kikyou của mình. Bộ truyện máu chó đúng kiểu khi chính tâm trạng tội lỗi đó khiến Kagome là người hiện tại cũng bị tổn thương và khổ sở theo – vì anh chàng không lo sửa sai trong chính mình, mà cứ bám theo Kikyou để cố gắng vớt vát hình ảnh tốt đẹp trong lòng cô nàng =))) kiểu anh muốn bảo vệ hình ảnh là người tốt hơn là sửa sai trong ý thức hành vi tự mình, do đó toàn bộ câu chuyện là dù anh yêu Kagome, nhưng anh cứ bám theo Kikyou để sửa chữa hình ảnh của bản thân, nhưng đồng thời hành vi cũ vẫn lặp lại khiến cho cả Kagome cũng tổn thương như cách mà Kikyou đã từng.. Do đó, khi Inuyasha phát hiện ra mình còn một cơ hội để sửa sai, cái sai ở đây là trong chính mình, không phải là sửa sai với Kikyou, thì khi ấy anh mới thoát hẳn khỏi cảm giác tội lỗi (mà chính xác là cảm giác này níu chân anh về quá khứ) để sống trong hiện tại một cách tỉnh thức và có nghị lực hơn. Ở mấy trang cuối, mình mới cảm nhận được bản lĩnh của tên cẩu yêu này, chứ còn cả bộ truyện chỉ thấy sự yếu đuối, bạc nhược của anh khi anh cho phép cảm xúc tội lỗi dẫn dắt – mà sự yếu đuối ấy đã khiến anh chẳng thể bảo vệ được ai cho dù sức mạnh thể chất thì ngày một tăng mạnh.

Mình đọc truyện và nhận ra cảm xúc tội lỗi chính là tín hiệu cho thấy tinh thần hướng thượng trong lòng mỗi người. Điều ấy thật thiện lành. Chính bởi vì mong muốn càng ngày càng tốt đẹp hơn đã thôi thúc hệ thống cảm xúc phát ra tín hiệu mỗi khi nhận diện thấy sai sót trong ý thức và hành vi của chủ nhân nó. Do đó, thay vì chối bỏ hay tìm mọi cách chuộc lỗi với “nạn nhân” để bảo vệ hình tượng “người tốt”, thì hãy tìm xem quán tính trong mình và sửa chữa nó. Ngay khi bản thân không còn lặp lại hành vi sai trái đó, cảm xúc tội lỗi tự động chấm dứt, hệt như đám mây mù tan biến ngay khi mặt trời lên đỉnh.

Và ngay khi viết bài viết này, sư phụ đã giảng một câu rằng có những con đường không nên tiếp tục vì đã sai từ đầu, có đi mãi cũng không đến đúng đích. Mình hiểu ở đây mong muốn của mình chỉ là tắt “thông báo của cảm xúc tội lỗi” này đi, nhưng càng thực hiện hành vì nào đó mà càng cảm thấy tội lỗi nghĩa là cách làm đấy đã sai, nên đổi cách làm khác/con đường khác. Ngày trước mình cũng nghĩ là mình nên đi chuộc lỗi để tắt đi cảm xúc tội lỗi, nhưng càng chuộc lỗi càng thấy tội lỗi chồng chất, nên nay mình sẽ thử tìm con đường khác, tự sửa hành vi sai trái ở chính mình chẳng hạn.

Mình có ý thức rằng cách viết của mình có thể sẽ mang đến cảm giác khẳng định và áp đặt như thể là đúng hoàn toàn, nhưng mình luôn hoài nghi vào logic của bản thân nên rất vui nếu nhận được phản biện, góp ý hoặc gợi ý cho mình một giải pháp nào đó cho vấn đề được nêu ra trong bài viết này. Thật vui vì có thể viết ra suy nghĩ, và càng vui hơn nữa khi vẫn có người chịu đọc bài viết rất dài dòng, lan man này. Cảm ơn bạn đã đọc đến dòng cuối cùng.

Author:

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>