Đạo Đức và Luân Lý

Categories:BLOG
Vy Lan

Khái niệm

Theo khái niệm về Ethic và Morality của Hegel thì:

  • Morality là luân lý, lương tâm, những chuẩn mực đạo đức chủ quan của mỗi cá nhân.
  • Ethic là những nguyên tắc, giá trị đạo đức, quy chuẩn làm người của xã hôi, văn hóa, cộng đồng, đất nước, tập thể nơi mà mỗi cá nhân chung sống.

Từ đó mình quy chiếu qua chiêm tinh, thấy là Jupiter sẽ bao hàm Ethic (các giá trị đạo đức, làm người) để chung sống với xã hội vì những hành vi tại Jupiter thường nhận được sự ủng hộ từ những người xung quanh; Chiron sẽ chủ cho Morality (luân lý/lương tâm) để sống an ổn với tâm mình vì bản thân Chiron là nơi mỗi người phải tự suy xét và gội rửa những tội lỗi tự thân mà không thể trông đợi ai làm hộ.

Đá một xíu qua tâm lý, một hành vi gợi lên cảm giác tội lỗi (guilty) sẽ khiến một người chùn tay vì bị dằn vặt (hẳn là chỗ điểm Chiron dằn vặt họ), nhưng một hành vi gợi lên cảm giác nhục nhã (reproachful) sẽ vẫn thúc đẩy họ tiếp tục thực hiện hành vi đó miễn sao không bị người khác phát giác (hẳn là ở điểm Jupiter họ cần người khác thừa nhận họ sống có đạo đức, nếu không được thừa nhận, họ sẽ có cảm giác như mình không có giá trị làm một con người trong mắt đồng loại).

Vấn đề nằm ở chỗ, điểm Chiron mới là nơi tự thân ta biết điều gì là đúng là sai xuất phát từ lương tâm thành khẩn. Và do vậy một người khi muốn sống thanh thản và có nguyên tắc tự mình, thì thường tập trung xây dựng những nguyên tắc cá nhân nơi chiron, và từ đó nghiêm túc tự giác thực hiện theo những nguyên tắc ấy mà không cần đợi những hình thức đe dọa, trừng phạt nào từ bên ngoài. Vì lương tâm của họ chính là tòa án nghiêm khắc nhất, trông chừng họ từng phút giây ý thức vẫn tồn tại và hiện hữu. 

Còn ở điểm Jupiter, ta chỉ cần được xã hội ủng hộ, chấp nhận hành vi đạo đức – nên đôi lúc hành vi và nguyên tắc ở đó nó mang tính hình thức cao hơn là tự thân. Tức là nếu xung quanh, xã hội tạo điều kiện cho hành vi đó xảy ra thì ta sẽ rất sung sướng thực hiện nó, không cần biết đúng sai thật sự thế nào, miễn làm sao không bị phát giác và trừng phạt, nó hoàn toàn thiếu tính tự giác khi tuân thủ theo nguyên tắc Ethic. Và do đó, để duy trì hệ thống nguyên tắc chỗ Jupiter vẫn cần một hệ thống răn đe, trừng phạt để ngăn chặn một thành viên trong tổ chức phá vỡ. Trên quy mô quốc gia, ta gọi đấy là Luật Pháp.

Ví dụ

Một quan chức ăn hối lộ trong một xã hội rất nhiều người cổ xúy cho hành vi đó. Mặc dù về Ethic thì điều này là phạm luật, nhưng xã hội cho phép hành vi đó diễn ra (người đút phong bì, quan chức xung quanh nhận phong bì), thì ông ấy vẫn làm việc này – miễn sao không bị phát giác. Cho đến khi bị phanh phui hành vi trên báo chí, ông chỉ thấy nhục nhã vì bị trừng phạt, tự thân ông vì đã bỏ qua lương tâm của bản thân nên không thấy tội lỗi – chỉ thấy nhục nhã vì làm trái Pháp Luật. Điển hình nhất ông thường sẽ thốt lên câu “Sao ai cũng ăn hối lộ mà chỉ bắt mình tôi chịu lỗi?”. Do đó mà hành vi này của ông nếu không bị phát giác, thì ông vẫn sẽ tiếp tục thực hiện nó cho đến cuối đời.

Vậy thì điểm khác nhau giữa một người xây dựng nguyên tắc sống theo Ethic và một người xây dựng nguyên tắc sống theo Morality là gì?

Một người một người xây dựng nguyên tắc sống theo Ethic dễ mất thăng bằng tâm lý vì không chú trọng Morality, bỏ lơ lương tâm cá nhân nên dễ có những hành vi sai trái với chính mình, tạo ra những sang chấn trong tiềm thức mà chính họ cũng không nhận ra. Nguyên nhân mấu chốt nằm ở chỗ những chuẩn mực, nguyên tắc của xã hội là do đám đông xây dựng nên từ một sự kiện lịch sử ngẫu nhiên nào đó, từ đó tạo thành một nền văn hóa, một truyền thống xã hội, một xu hướng, hay nhỏ hơn thì do một tổ chức lập nên thì hình thành nên pháp luật. Do đó về sâu xa, những nguyên tắc đạo đức ấy thường phục vụ cho một nhóm lợi ích cá nhân chứ không hề có lợi cho từng cá thể, vậy nên việc bám theo những nguyên tắc ấy về lâu dài dễ khiến cá nhân mất thăng bằng tâm lý là điều không thể tránh khỏi. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn có thể thử đọc chương 8 – phần 2 trong cuốn sách Sapiens – A brief history of humankind của Yuval Noah Harari – sách đã được việt ngữ dưới tên Lược sử loài người.

Một người xây dựng nguyên tắc sống theo Morality dễ tìm thấy sự ổn thoả tự thân hơn, nhưng có thể sẽ bị xã hội đánh giá/xa lánh/hắt hủi/chê bôi bởi không phải lúc nào các tiêu chuẩn đúng sai của họ phù hợp với thế giới (tỉ dụ một ông quan quyết không ăn hối lộ thì dễ bị úp sọt ))) nhất là khi điểm Chiron có góc khó với Jupiter trong Natal Chart (như mình có góc vuông chẳng hạn). Do thế mà Hegel mới gọi Morality mang tính chủ quan và khó sống với đời. Tuy nhiên, có một điểm mấu chốt cần bạn hiểu là, nếu bạn xây dựng nguyên tắc cá nhân dựa trên nguyên tắc xã hội thì việc sống ổn thỏa không có gì là khó khăn, mình sẽ bàn thêm ở phần sau.

Nguyên nhân dẫn đến một người chỉ xây dựng nguyên tắc sống theo Ethic mà bỏ qua Morality rất có thể xuất phát từ một nền văn hóa xã hội – gia đình – nhà trường với lòng tự trọng cao, chú trọng danh tiếng bề ngoài hơn thực lực cá nhân, chạy theo chỉ tiêu hơn là tự thân, bỏ qua sự an ổn của cá nhân để bảo vệ tính sĩ diện – do đó mà từ nhỏ, để đối phó với những yêu cầu/đòi hỏi từ xã hội, gia đình và nhà trường, cá nhân ấy đã phải bỏ qua những nguyên tắc lương tri, để chạy theo những thước đo xã hội rất chung chung và đôi khi không hề phù hợp với chính họ. Từ đó xảy ra nhiều hành vi lệch lạc, vì theo thời gian, sự nghiêm trọng của việc không được sống là chính mình khiến họ bị mất thăng bằng tâm lý trầm trọng. Sự dồn nén, ức chế bị tích tụ ngày càng lớn cho đến đỉnh điểm bùng nổ sẽ xảy ra những hành vi sai trái nghiêm trọng. Vì trong một thời gian dài, họ đã không có cơ hội được tự mình xây dựng các nguyên tắc đạo đức cá nhân, nên chính họ cũng không biết thế nào là đúng sai, chỉ biết sống theo các hệ thống giá trị chuẩn mực một cách máy móc như một con rối, hòng mong được chấp nhận như là một thành viên của xã hội, gia đình và nhà trường.

Ví dụ dễ hiểu, một đứa trẻ vì học hành kém cỏi nên thi không đỗ vào trường chuyên. Nếu ba mẹ là người tập trung xây dựng nguyên tắc đạo đức cá nhân theo moral, sẽ bỏ qua điều tiếng của xã hội, chấp nhận con mình sẽ trung thực học trường phổ thông bình thường theo đúng năng lực – dạy con cách tự lực và chịu trách nhiệm với kết quả mình tạo ra. Nhưng với một cặp cha mẹ là người tập trung xây dựng nguyên tắc đạo đức theo chuẩn mực xã hội là con cái phải giỏi giang theo kiểu học hành có thành tích chứng minh thực lực, thì họ sẽ bất chấp đạo đức cá nhân, dùng tiền đi mua điểm để đưa con cái vào một vị trí không hề phù hợp với năng lực của nó – từ đó dạy con cách nhận được sự chấp nhận của xã hội, đạp lên nguyên tắc làm người của riêng mình. Theo thời gian, con cái của những bậc cha mẹ chỉ biết chạy theo thành tích sẽ dần trở nên vô lương tri, không nhận ra được đâu là đúng sai, hành xử mù quáng và ngu xuẩn hệt như cha mẹ họ.

Với một xã hội mà ý chí tự do vô cùng kém cỏi, áp lực từ những người xung quanh dễ khiến ta đánh mất nguyên tắc cá nhân để đạt được những hư danh vinh ảo. Ta đuổi theo sự chấp nhận của xã hội một cách điên cuồng cho đến một lúc nhận ra lương tri của ta đã tắt tiếng từ lâu, trái tim ta nguội lạnh, tinh thần ta nghèo nàn và chông chênh vô cùng.

Ta đáng thương nhưng cũng thật đáng trách.

Giải pháp

Thật có lỗi khi mình chỉ bới móc ra những vấn đề nhức nhối mà không kèm theo giải pháp. Tuy nhiên, chính bản thân mình cũng đang tìm kiếm và thực hành những nguyên tắc cá nhân một cách rốt ráo hơn. 

1. Cần thiết xây dựng một hệ thống nguyên tắc cá nhân (morality)

Cho dù là dùng phương tiện gì để giải quyết vấn đề này, thì điểm mấu chốt vẫn là phải chú trọng xây dựng nguyên tắc đạo đức cá nhân phù hợp với hệ thống tiêu chí chuẩn mực của xã hội. Mặc dầu triết học đạo đức vẫn hằng ngày tranh cãi những tình huống vô cùng éo le, giằng co giữa nguyên tắc đạo đức cá nhân và xã hội căng như dây đàn, nhưng việc xây dựng sẵn những chuẩn mực đạo đức tự thân sẽ khiến bạn vượt qua những hoàn cảnh ấy một cách dễ dàng hơn là khi bạn chẳng có nguyên tắc cá nhân nào cả. Bởi vì điều ấy mang lại cho bạn sự tự tin và ý chí mạnh mẽ để đưa ra quyết định dứt khoát và có đủ khả năng chịu trách nhiệm hơn.

Một bí quyết để sống khỏe, sống dễ dàng đó là nâng cao yêu cầu của bản thân vượt lên trên yêu cầu của xã hội, vì khi yêu cầu (chuẩn mực đạo đức) của cá nhân cao hơn xã hội thì dễ sống hơn là thấp hơn hay ngang bằng. Vì khi đó, bạn mới có thể hướng đến những phương pháp tối ưu và toàn diện hơn cho các vấn đề của bản thân, thậm chí bạn còn có thể giải quyết vấn đề của những người xung quanh chỉ với các nguyên tắc của riêng bạn. Khi đó, bạn sẽ nhận được sự tín nhiệm cao hơn trong cộng đồng, lời nói của bạn có sức mạnh hơn, và sự ủng hộ của người khác dành cho bạn lớn hơn, điều kiện hỗ trợ bạn phát triển sẽ vô cùng rộng mở.

Ví dụ xã hội yêu cầu “mày phải có nhiều tiền mới gọi là thành công”, thì yêu cầu ngang hoặc thấp hơn là “tau làm chi cũng dc miễn sao có nhiều tiền như xã hội yêu cầu thôi”, nhưng yêu cầu cao hơn sẽ là “phải làm sao kiếm dc nhiều tiền nhưng vẫn ko làm hại người khác”, thậm chí cao hơn nữa là “vừa kiếm dc tiền mà vừa giúp đỡ, thúc đẩy xã hội tiến bộ hơn”. Nếu một công ty xây dựng sứ mệnh thúc đẩy xã hội tiến bộ, thay vì chỉ chăm chăm lợi nhuận cá nhân, thì hẳn là công ty đó sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn, và dễ dàng phát triển hơn.

Vì sao cần phải chú ý xây dựng nguyên tắc sống theo lương tri của mình?

Có hai nguyên nhân chính

  1. Bạn sẽ tự tin và mạnh dạn dấn thân hơn khi biết rõ bản thân nên hay không nên thực hiện một hành vi nào đó.
  2. Bạn sẽ vững vàng hơn khi có sự chú ý rõ ràng trong hành vi, từ đó không thực hiện những hành vi gây hại cho chính mình và gây hại cho sinh vật khác.

Khi có được sự tự tin và vững vàng, hẳn nhiên bạn hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh ở bất kì nơi nào với bất kì ai, và có đủ năng lực để vượt qua mọi đảo điên trong đời sống.

Vậy thì ngược lại, nếu bỏ qua việc xây dựng nguyên tắc sống theo morality thì sẽ xảy ra điều gì?

  1. Không có sự tự tin vì không biết mình nên làm gì mới phải lẽ, cứ đợi người khác chỉ trỏ những điều đúng đắn (mà chưa chắc phù hợp với mình), từ đó sinh ra mặc cảm tự ti, mà thói tự ti nó sinh ra nhiều thói tật kinh dị nào là tự tôn, sĩ diện hão, ý chí kém, nhút nhát, rụt rè, không dám dấn thân, ghen tị, dễ bị xúi giục phá hoại…
  2. Không có vững vàng thì là dễ bị dao động, ai nói gì nghe nấy, không tin những điều đúng đắn tốt đẹp, mà có xu hướng tin những gì bóng bẩy ngụy tạo, hay theo xu hướng đám đông. Từ đó không làm những điều tốt đẹp cần làm, dẫn đến cuộc sống cứ tụt dần vào những hành vi sai trái.

2. Các phẩm chất cần có để xây dựng hệ thống nguyên tắc cá nhân

Phẩm chất đầu tiên không thể thiếu đó là xây dựng tư duy độc lập. Giả sử bạn sinh ra với một nền văn hóa xã hội, gia đình và nhà trường chạy theo thành tích, bước đầu hẳn là cứ mặc kệ những lời thúc giục thành tích từ những người xung quanh. Bước tiếp theo hẳn là học cách phân biệt những lời chê trách có bản chất sâu xa là gì, từ đó dễ dàng bỏ qua những lời chê bai kiểu như “Học hành kiểu gì mà không có bằng khen giải thưởng chi hết vậy?”. Sau đó bắt đầu học cách nâng cao ý chí tự do hơn chỉ với duy nhất một hướng đó là bổ sung tri thức cho bản thân. Một người có hiểu biết đúng đắn sẽ không dễ gì bị lôi kéo bởi những ngu ngốc từ ý chí đám đông, và có thể bình tĩnh đưa ra quyết định có lợi nhất cho chính mình. Sau đó mới có thể xây dựng một hệ thống các nguyên tắc cá nhân vững vàng mà không bị lung lay phân vân bởi các yếu tố bên ngoài: tỉ dụ như nếu mình không uống bia sẽ bị đám bạn tẩy chay xa lánh, nếu mình không có người yêu sẽ bị đánh giá là lạnh lùng kì cục, nếu mình không mua sắm hàng hiệu để chứng tỏ giá trị bản thân thì sẽ bị đánh giá là rẻ mạt vô giá trị,… 

Bạn có thể thử tìm hiểu triết học đạo đức, tâm lý hành vi để có những nền tảng ban đầu xây dựng tư duy độc lập.

Sau rốt, một phẩm chất không thể bỏ qua đó là lòng trắc ẩn/lòng từ bi (compassion) bởi nó đi kèm với sự tỉnh thức (mindfulness) trong từng giây phút. Bạn phải tỉnh táo nhận diện được bản chất của vạn vật xung quanh mà không kèm theo sự đánh giá chủ quan, thì khi ấy bạn mới có được những nhận định chính xác và những quyết định đúng đắn không bị chi phối bởi những yếu tố gây nhiễu. Vấn đề này đã được phân tích rốt ráo trong cuốn sách vô cùng hay ho là The Compassionate Mind (Compassion Focused Therapy) của tiến sĩ tâm lý Paul Gilbert, hôm nào có thời gian, mình sẽ review chi tiết cuốn sách này. May mắn là ở Việt Nam, loại tài liệu hướng đến phẩm chất này là vô cùng phong phú và đầy đủ, đó là Kinh Phật. Bằng cách xoay quanh Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, Phật Tổ đã xây dựng cho chúng ta một hệ thống đầy đủ và chi tiết từng bước một xây dựng phẩm chất này như thế nào. Do đó, mình vẫn chủ quan cho rằng, đây là con đường nhanh nhất có thể tiến tới đạt được phẩm chất (dĩ nhiên còn nhiều con đường khác, tùy vào mỗi người).

Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có những ý niệm đầu tiên trong việc xây dựng những nền tảng đầu tiên cho sức khỏe tinh thần ổn định hơn. Mình sẽ cố gắng chia sẻ những bài viết liên quan đến lĩnh vực như thế này từng ngày một.
Author:

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>