Thế Gian Như Thể Ý Chí Và Tưởng Tượng

Categories:Sách
Vy Lan

Lần đầu tiên biết đến triết gia này là thông qua một ebook của Nhã Nam tổng hợp mang tên “Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết” do Hoàng Thiên Nguyễn dịch. Phải nói là bản ebook mình tìm được có quá nhiều lỗi chính tả, lỗi đánh máy, lỗi dàn trang… nhưng ý tưởng mà nó truyền tải khiến mình đọc liên tục từ 8h tối đến 10 sáng ngày hôm sau mà mình vẫn không chút khó chịu hay phiền hà về bất kì một lỗi nào, vì nó quá lạ kì, quá phũ phàng và quá tỉnh táo!! Nó khiến cho giấc ngủ không thể tìm tới mình. Sau đó đọc được một dòng ngắn gọn là bản dịch này được lược dịch từ 2 chương bổ sung trong gia tài đồ sộ mang tên “The World as Will and Representation” của Arthur Schopenhauer, mình liền lên Amazon đặt sách không ngần ngại. 

Và thể theo mong muốn của Schopenhauer, ông muốn người đọc hãy đọc đến dòng chữ cuối cùng trong cuốn sách của ông, mình đã vật vã đọc cho đến dòng cuối cùng. Sự vật vã này là do cơ thể mang đến, không hề do ý chí ham học hỏi phiền hà, bởi việc tập trung vào đọc một cuốn sách khủng khiếp và mới mẻ thế này khiến mình hầu như quên ăn quên ngủ, và giấc ngủ tạm bợ chỉ có thể len lỏi trong những giây phút sức lực cạn kiệt, tay chân mềm nhũn không thể cầm nổi cuốn sách nữa… Nhưng rồi trong giấc mơ vẫn còn một giọng nói thúc giục “nghỉ ngơi vừa phải thôi, hãy ngồi dậy tỉnh táo đọc nốt những phần còn lại nào!”, và thế là lại tỉnh giấc, thứ đầu tiên mình cầm lên không phải là smart phone, mà chính là tài sản tinh thần của Schopenhauer.

Ở bài viết này, bạn sẽ không tìm được một dòng nào về những phản hồi, nhận xét hay thông tin về các quan điểm triết lý của ông. Vì điều ấy đã có rất rất nhiều học giả uyên bác làm thay. Ở đây, mình với cương vị là một hậu bối non nớt vừa may mắn mò trúng một kho báu đồ sộ khủng khiếp đang khoe khoang với quý vị về kho báu ấy, mà chính bản thân chưa biết cách khai thác làm sao cho hợp lẽ, cũng chưa biết sẽ sử dụng vào mục đích gì. Nhưng hãy tin rằng, cuốn sách này chính là cuốn sách đầu tiên giúp mình đặt chân lên nền móng tư duy về bản chất thế giới – điều mà trước giờ mình chưa từng nghĩ bản thân sẽ cần phải lưu tâm đến. 

Schopenhauer đã khẳng định tác phẩm này “là một hệ thống triết học mới… là một chuỗi tư tưởng gắn bó với nhau ở mức cao có nhất mà xưa nay chưa có đầu óc nào nghĩ ra”. Để xác thực điều này, có lẽ mình chưa đủ năng lực, cũng không đủ tư cách; nhưng một điều mà mình chắc chắn thấy rõ, đó là hệ thống quan điểm của ông, chuỗi tư tưởng của ông là luồng gió mới mẻ vừa thổi ngang qua tâm trí mình, khiến nó tỉnh thức và giác ngộ. Cái chân lý mà ông mang đến thật đơn giản, thật hữu hình, mà dường như chưa bao giờ mình nhận thức được. Địa hạt mà ông mở ra trong tâm trí mình khiến nó vùng dậy khỏi giấc ngủ mơ ảo bao lâu nay, nó gào lên rằng hãy tiếp tục tìm hiểu nhiều hơn nữa những gì ông đã chia sẻ, những quan điểm của ông chưa dừng lại ở mỗi câu từ trong cuốn sách này, mà còn hơn thế nữa. Mình thực sự khổ sở trong những ngày qua, vì có cảm tưởng bộ não của mình có vi xử lý quá yếu, chưa đủ để xử lý những luồng thông tin khổng lồ như thế này, nhưng điều đó cũng khiến mình có trách nhiệm hơn với bộ não: trách nhiệm sử dụng nó nhiều hơn.

Phải nói là thật kì lạ khi cuốn sách về triết học đầu tiên mà mình ấn tượng lại chính là một cuốn sách của một con người đầy cực đoan và nghiệt ngã như Schopenhauer: Ông là người căm ghép và khinh miệt phụ nữ. Với ông, đó không phải là phái đẹp, mà chỉ là một giống người thấp bé, vai gầy, chân ngắn, phi thẩm mỹ. Chỉ có thứ đàn ông tăm tối bởi dục vọng mới ngợi ca đó là phái đẹp. Đẹp vì đâu? Đó chỉ là những sinh linh ngu dốt về âm nhạc, thi ca, nghệ thuật, chỉ thích bắt chước, thích làm đỏm, thích hoang phí và dối trá, là sinh vật nửa vời, nằm giữa đứa con nít và người đàn ông. Và cuộc đời về bản chất chỉ là một chuỗi lừa gạt triền miên giữa sinh vật này và sinh vật khác. 

Kì lạ là bởi mình vốn là con người hay mơ mộng, thích theo đuổi những điều phù phiếm và e ngại đối diện với sự thật khắc nghiệt. Và sau cuốn sách của ông, mình đã lao ngay vào tìm hiểu triết lý của Phật: tìm hiểu về Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo, về luật Nhân Quả và Luân Hồi… bởi dường như những tư tưởng của ông chịu ảnh hưởng từ triết lý nhà Phật khá sâu sắc. Và đúng thật, ông đã dành cả đời để nghiên cứu về Phật Giáo cũng như những điều liên quan. Vậy có thể nói, cuốn sách của ông là một đầu mối dẫn dắt mình đi đến con đường tìm hiểu Phật pháp. Đúng là mọi điều trên thế gian này đều cần có duyên khởi.

Author:

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>