Người Thứ Ba với Góc Nhìn Ngây Thơ

Categories:BLOG
Vy Lan

Mình đang viết về một chủ đề nhức nhối trong một đêm mất ngủ. Bây giờ đã là 3h sáng, và mình hoàn toàn tỉnh táo khi nhận ra một vài điểm lệch lạc trong góc nhìn của những người chọn vị trí thứ ba để xen vào giữa các mối quan hệ yêu đương. Người thứ ba không bao giờ nhận thấy bản thân có lỗi lầm gì, họ luôn cho rằng tình yêu của mình là điều đẹp đẽ thiêng liêng nhất, để mà đạp lên tình cảm của kẻ khác. Dĩ nhiên là, lỗi vẫn thuộc về kẻ ngoại tình, nhưng người thứ ba vẫn luôn đáng thương và đáng trách. Vậy những khiếm khuyết nào trong thế giới quan khiến những kẻ ấy chen chân vào mối quan hệ không thuộc về mình?

1. Họ khao khát những thứ tốt đẹp không thuộc về mình

Người thứ ba không bao giờ hiểu khái niệm “trong chăn mới biết chăn có rận”, họ luôn đứng ngoài và nhìn thấy những gì đẹp đẽ, lung linh nhất mà người khác đang sở hữu để rồi thèm khát chúng. Và thay vì tự mình gầy dựng những điều đẹp đẽ cho riêng mình, họ bằng mọi cách phải chiếm đoạt thứ có sẵn từ người khác. Lẽ ra, họ nên hiểu rằng, để có thể sở hữu những kết quả tốt đẹp, bản thân chủ nhân phải nỗ lực và đánh đổi những điều gì. Và, trước khi khao khát có được điều ấy, tốt nhất họ nên cân nhắc xem, liệu bản thân có thể chấp nhận đánh đổi những điều ấy hay không?

Mình có ví dụ về loại người này:

Mình có một người quen, chị này có hai người chị gái lớn hơn, cả ba xuất phát từ gia đình bình thường ở vùng biển miền Trung nghèo khó, cả gia đình học vấn không cao, công việc không ổn định, sống nay đây mai đó. Hai người chị này đều có hai anh người yêu tài giỏi, gia đình có điều kiện và hai anh này đang làm ăn chung với nhau. Anh người yêu của chị hai đã được gia đình tặng cho căn nhà ở mặt tiền TPHCM, anh người yêu của chị ba thì vừa qua đã được gia đình cho tiền mua một căn nhà đất trong một chiếc hẻm nhỏ. Nói chung, cả hai anh đều có điều kiện thuộc dạng tốt so với mặt bằng chung hiện tại. Chị út này nhìn thấy vậy thì rất thèm khát, và vì tâm tính đơn giản nên tỏ rõ sự thèm khát ấy không giấu giếm: 

“Ước gì em tìm được người yêu giống như hai chị.”

Và quả thật là bà ấy đã mấy lần muốn phá hoại tình cảm của một anh đối tác làm chung với 2 anh rể kia, chỉ vì thấy anh này cũng có điều kiện tương tự thế. Mình đứng ngoài chỉ thấy bà ý đáng thương vì sự ngây thơ đến vậy, vì nếu bà ý có chút cảm thông với hai chị của mình, thì đã có thể nhìn thấy nỗi khổ của mỗi chị phía sau những hào nhoáng ấy.

Chị hai của bà ý trước khi đến được với chồng, đã phải trải qua sóng gió mẹ chồng nàng dâu – em dâu đanh đá – vì gia đình giàu có thường mong mỏi con trai tìm được thông gia môn đăng hộ đối, ít nhất là về học vấn, vì thế không hề hài lòng về con dâu này. Chị này cưới được chồng giàu, nhưng vẫn khổ sở triền miên mệt mỏi kéo dài vì áp lực nhà chồng đổ lên đầu.

Chị ba của bà ý dành cả tuổi thanh xuân để cống hiến công sức cho công việc của người yêu, cho đến ngưỡng tuổi kết hôn, thì mẹ của ông ý chê không hợp tuổi và một mực cấm cản. Bà ý còn dùng cả tính mạng ra hù dọa. Vì thế, hai bên nhập nhằng mãi chưa biết tương lai sẽ về đâu..

Một ví dụ về mối tình đầu của mình:

Mối tình đầu của mình tên là T, mình và hắn yêu nhau từ ngày nhận được giấy báo đỗ trường chuyên, mỗi đứa một lớp nhưng vẫn gặp nhau mỗi ngày giờ ra chơi. T là một tên rất biết cách tỏ ra hào hoa phong nhã, khoác trên người mác công tử giàu có, nhà mặt phố, bố lái xe hơi đưa đón mỗi ngày. Nhỏ này là bạn cùng lớp với T, từ lâu để ý mối quan hệ của mình. Có mấy lần nó chủ động bắt chuyện với mình, chỉ để ngợi ca về một mối quan hệ ngọt ngào, đáng yêu và chung thủy. Đến một ngày, mình và T có trục trặc vì những hiểu lầm do thầy cô và ba mẹ gây ra, mình thì vẫn loay hoay tìm cách giải quyết, nhưng T thì đã rời bỏ mình đi theo nhỏ đó vì nhỏ đó chủ động tấn công T, nó còn dày mặt nhắn tin cho mình là “Bà đừng làm T khổ nữa”. T vốn là công tử, nên rất nhu nhược với ba mẹ, không dám tranh cãi gì và cũng chưa bao giờ bảo vệ mình trước sự công kích của gia đình T. Mình chấp nhận buông tay.

7 năm sau thì nhỏ đó tìm đến mình, bảo rằng quá mệt mỏi với mối quan hệ này nhưng bỏ thì thương vương thì tội. T vẫn giữ thói lăng nhăng với người này kẻ kia, vẫn nhu nhược không bao giờ bảo vệ nó trước gia đình, và nhất là rất vô tâm vô tình mỗi khi hai đứa cãi nhau. Nhỏ đó nghĩ là có khi nào sau khi yêu mình xong, thì T đã chai sạn cảm xúc nên tình cảm không đẹp như tình cảm của mình ngày xưa?

Mình trả lời nó rằng, ngày xưa mình cũng trải qua những điều y hệt nó, T chưa bao giờ là người tình cảm chưa bao giờ biết nghĩ cho ai cả, T chỉ là người cố tỏ vẻ mà thôi, và nó đã bị đánh lừa bởi những hào nhoáng đó. Hơn nữa, T luôn dùng tài sản của gia đình để tô vẽ thêm vẻ ngoài hào nhoáng của bản thân, và nhỏ đó – dĩ nhiên – chưa bao giờ thoát được, vì nó vẫn mong muốn được bước chân vào nhà giàu. Mình kết thúc đoạn hội thoại bằng câu nói “Ngày xưa bà chỉ thấy được cái hào nhoáng, tui đã cho bà cơ hội trải nghiệm những khổ sở phía sau là như thế nào. Bà thấy mối tình đấy là tốt đẹp, nhưng tui chịu đựng nó đủ rồi nên nhường nó cho bà, để cho bản thân tui tìm thấy một người mới tốt hơn trăm nghìn lần. Tới bây giờ bà bảo rằng bà không thể chịu đựng nổi T nữa, nhưng vẫn không thể bỏ được vì bản thân bà không thể tìm được ai khác tốt đẹp hơn? Và bà nên nhớ rằng, T phải dựa vào tài sản của gia đình mới thu hút được tình yêu của bà, thì bà phải chấp nhận nhún nhường gia đình T thì mới có cơ hội được sờ vào tài sản đó chứ.”

Hãy nhớ rằng không có bữa trưa nào là miễn phí cả, bất kì điều gì cũng có một cái giá xứng đáng. Đừng bao giờ để bản thân ăn dưa bở về việc làm ít nhưng lại hưởng nhiều.

2. Họ không hiểu về khái niệm duy trì

Bạn sở hữu một sản phẩm tốt, và bạn mặc sức sử dụng mà không có quá trình bảo quản, thì theo thời gian, sản phẩm ấy cũng hư hao và không còn tốt như lúc ban đầu nữa. Tình yêu và người yêu cũng tương tự. Bạn đã bao giờ nghe câu “giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ” chưa? Điều này nên hiểu là, một người nếu đặt vào một kịch bản phù hợp thì hoàn toàn phát triển được tối đa tiềm năng của bản thân, chỉ là họ không may mắn tìm ra được kịch bản đó cho tới khi gặp được đối tác giỏi. Đối tác giỏi có thể đưa ra những tình huống giúp họ có những phản ứng phù hợp với bản thân, từ đó tạo ra những phẩm chất tốt. 

Người thứ ba nhìn vào nhầm tưởng bản thân người đó tốt đẹp sẵn như vậy, chỉ cần cướp về thuộc quyền sở hữu của mình thì nó vẫn sẽ auto tốt như xưa, nhưng đâu có dễ?

Ví dụ, một người đàn ông đã có gia đình được vợ chăm sóc cho hằng ngày, vì thế có phần chỉn chu và đạo mạo hơn những tên độc thân lông bông ngoài kia. Các cô gái mới lớn nhìn vào cứ gọi là ngưỡng mộ vì sự chỉn chu đấy. Nhưng khi cô ấy cướp người đàn ông đấy về, mà không chăm sóc cho hắn như người vợ cũ, thì dần dần hắn trở nên tiều tụy, xơ xác, nhếch nhác và mất đi vẻ phong độ ngày xưa. Bạn nghĩ xem? Bạn chỉ có thể cướp được ông chồng, chứ làm sao cướp được bà vợ về gây dựng cho ông đấy hình ảnh mà bạn yêu thích tiếp tục. Vậy, như một bông hoa bị ngắt khỏi chậu, liệu bông hoa ấy có thể tươi tắn được trong bao lâu?

Hay một ví dụ khác, bạn nữ trên kia sau khi đã cướp người yêu của mình thành công, bèn quay lại mắng vốn sao tên đấy không cư xử ngọt ngào đáng yêu như hồi còn ở bên mình. Mình chỉ đặt ra vài câu hỏi ngắn gọn là hiểu ngay vấn đề: “Ủa bà có năn nỉ nũng nịu với nó không?” – “Không, nghĩ sao vậy?” ; “Ủa, bà có lớn tiếng với nó không?” – “Có! Nó làm tui cáu!” … Ừ vậy thì hiểu rồi hén, cách hành xử của bà tạo nên phản ứng của đối tác, khi bà ngọt ngào với họ thì họ sẽ đáp trả lại bà như vậy, còn khi bà tỏ ra cộc cằn lạnh lùng thì họ cũng sẽ đáp trả y hệt. Đàn ông họ đơn giản mà, y hệt đứa con nít, bà muốn họ cư xử thế nào thì phải đưa cho họ một kịch bản phù hợp với cách cư xử như thế chứ, làm gì có thằng nào dịu dàng trong một kịch bản căng thẳng như thế được?

Và nhất là, khi một người chấp nhận rời bỏ tình yêu của mình để đến với kẻ thứ ba, thì liệu rằng nhân cách của họ có đủ chung thủy để bạn tin rằng họ không lặp lại điều ấy một lần nữa, và bạn chính là kẻ bị bỏ đi?

3. Họ nghĩ bản thân xứng đáng hơn người trong cuộc

Có một tình huống, bà chị đối tác của người yêu mình trong lúc nghỉ ngơi đã hỏi “Em không biết nấu ăn à?” – mình đáp dửng dưng “Vâng”. Bà ý dè bĩu, chê bai rồi có ý thể hiện ta đây nấu ăn rất tài tình nhằm thu hút sự chú ý của người yêu mình. Thật tiếc cho bà ý là người yêu mình không có nhu cầu tìm người yêu nấu ăn giỏi vì ông ấy nấu ăn giỏi nhất trần đời rồi, ông ý chỉ cần tìm người yêu có trí tưởng tượng phong phú (như mình chẳng hạn keke) để biến cuộc sống tẻ nhạt của ông ấy trở nên nhiều sắc màu hơn. Nhưng vấn đề là, bà ý vẫn tự tin nghĩ bản thân xứng đáng có được ông ấy hơn mình, nên nhiều lần lộ liễu tỏ rõ ưu thế chiếm lấy thứ không thuộc về mình, cho đến khi người yêu mình dứt khoát tỏ rõ sự lạnh nhạt. Sau đấy thì.. không có sau đấy nữa.

Mình chỉ muốn các bạn thứ ba hiểu rằng, khi hai người đến với nhau, tức là họ đã hài lòng về nhau ở những điểm nào đấy. Bạn không có cơ sở nào để cho rằng bản thân xứng đáng hơn người kia đâu. Cho dù giữa hai người ấy đang có mâu thuẫn, bạn cũng không có tư cách để chen vào và cho rằng bản thân tốt đẹp đâu, vì mối quan hệ nào mà chẳng có xích mích? Bạn cứ để yên cho họ tự giải quyết với nhau để gắn bó với nhau hơn chứ.

Hãy tự xây dựng cho bản thân hình mẫu tốt nhất trong giới hạn cho phép, rồi tìm kiếm những người FA phù hợp. Ngoài kia vẫn còn đầy rẫy con người mà, sao lại phải đâm đầu vào cướp lấy những gì thuộc về người khác thế?

Author:

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>