Thời Trang Qua Các Thập Niên

Bài tổng hợp này được mình lấy cảm hứng từ đoạn video thời trang qua 100 năm của MODE.

 

Những năm cuối thế kỷ 19

Trang phục mà phụ nữ trong thời kỳ Belle Époque của Pháp sử dụng khá tương đồng với thời kỳ hoàng kim của nhà thiết kế Charles Worth. Vào thời điểm này, tiềm năng của ngành thời trang đã được mở rộng, một phần do lối sống ổn định và độc lập hơn của nhiều phụ nữ khá giả và nhu cầu về thời trang của thời kỳ này cũng bắt đầu tăng cao hơn. Tuy nhiên, thời trang của thời kỳ này vẫn giữ lại sự công phu, phong cách nhồi (upholstered style) từ thế kỷ 19. Lúc này, sự thay đổi trong phong cách thời trang là điều không tưởng, vì thế cách tô điểm cho phong cách cá nhân bằng những vật trang sức tỉ mỉ, cầu kì chính là cách phân biệt phong cách thời trang của thời đại này so với những thời đại khác.

4-38

Lúc này, chúng ta dễ thấy được sự tiêu xài và phung phí của các quý cô tiêu hao vào những món trang sức cầu kì tô điểm cho những bộ trang phục trở nên xa hoa, lộng lẫy. Những đường cong S-Bend được tạo thành từ những chiếc cooc-xê (corset) bó chặt những chiếc eo thon, tô điểm cho vòng ngực, vòng mông tròn trịa thịnh hành từ thời Victoria, vẫn thống trị giới thời trang cho đến năm 1908.

thời trang qua các thời kì

Cách mặc cooc-xê sẽ cần một người hầu hỗ trợ trong việc kéo chặt và thắt những sợi dây sau lưng lại cho chiếc eo càng nhỏ càng tốt.

cooc-xê

Tuy nhiên xu hướng này gây ra nhiều hậu quả về mặt sức khỏe, vì thế đã có nhiều người lên tiếng phản đối lại nhằm bảo vệ sức khỏe cho người phụ nữ. Nhưng cho đến khi Paul Poiret thực sự tạo nên xu hướng thời trang mới, với những bộ trang phục thoát khỏi những đường cong gò bó, giải phóng người phụ nữ ra khỏi giới hạn của những chiếc coóc-xê, thì thời trang mới thực sự bắt đầu thông qua việc thay đổi phong cách. 

Thập niên 10 (1910 – 1919)

Trong những năm đầu của thập niên 10, phong cách thời trang đã trở nên mềm mại, uyển chuyển và nữ tính hơn. Chính nhà thiết kế Paul Poiret đã chịu ảnh hưởng về phong cách mới từ quá trình thiết kế trang phục cho những vở diễn ba lê tại công ty The Ballets Russes của Sergei Diaghilev, người Nga. Vào thời điểm đó, cơn sốt Đông Phương tràn vào với những váy khăn lụa là uyển chuyển, những cô nữ tì, geisa dịu dàng trong lớp lụa mỏng nhẹ, khăn quấn đầu lượt là, những bộ kimono tuyệt diệu khiến Paul nảy ra cảm hứng cho những bộ váy áo mà một cô gái có thể độc lập mặc vào không cần người giúp việc hỗ trợ, giải thoát người phụ nữ hoàn toàn khỏi những chiếc coóc-xê khổ sở, nặng nề. Hơn nữa, trong thời kỳ này, phụ nữ đã bắt đầu có nhiều hoạt động mới ngoài xã hội hơn, yêu cầu bộ trang phục của họ phải đơn giản, tiện lợi hơn để phù hợp với những hoạt động ấy. Độ dài của chiếc váy từ đó cũng thay đổi, ngắn lên mắt cá chân thay vì dài lếch thếch như trước, đồng thời độ phồng của váy cũng đã bị tiết giảm, giúp bộ váy trở nên gọn gàng hơn rất nhiều.

c253279fe9f760ff30441d5d34b32a33

Vào thời gian này, phụ kiện đi kèm thường là chiếc mũ nỉ được cách điệu đơn giản hơn với lông chim, khăn xếp, hay khăn che mặt bằng vải tuyn mỏng nhẹ, thay thế các kiểu mũ cầu kì, phức tạp trong những năm của thập niên trước. Đôi găng tay ngắn vẫn được sử dụng như là một món trang sức bảo vệ đôi tay, phụ kiện cầm tay vẫn còn là những chiếc dù với lớp vải ren điệu đà. Ngoài ra, áo khoác được mặc bên ngoài áo chẽn (áo lót), được phân tách với váy nhờ điểm nhấn nhẹ ngay eo bằng vải. Hầu hết các áo khoác theo phom áo kén (cocoon) hay phom áo kimono với chiếc cổ chéo rộng phần vai và hẹp khi tới hông.

thời trang qua các thời kì

Phong trào Art Deco bắt đầu xuất hiện vào thời điểm này và ảnh hưởng của nó là hiển nhiên trong nhiều mẫu thiết kế. Đáng chú ý là buổi trình diễn thời trang đầu tiên trên thế giới cũng đã được tổ chức vào thời điểm này, bởi Jeanne Paquin, một trong những nhà thiết kế nữ đầu tiên, cũng là nhà thiết kế thời trang cao cấp (Haute Couture) ở Paris đầu tiên mở chi nhánh nước ngoài tại London, Buenos Aires, và Madrid. 

thời trang qua các thời kì

Tuy nhiên, hai trong số các nhà thiết kế thời trang có ảnh hưởng nhất của thời điểm đó là Jacques Doucet và Mariano Fortuny.

thời trang qua các thời kì

Jacques Doucet là một nhà thiết kế thời trang và nghệ thuật người Pháp. Ông được biết đến với những trang phục thanh lịch, được làm bằng vật liệu trong suốt mỏng manh trong với kỹ thuật chồng màu pastel mê hoặc. Trang phục của ông chơi đùa với ánh sáng phản xạ, tạo nên những dòng cảm xúc mượt mà không bao giờ mất trong tâm hồn của những phụ nữ xinh đẹp. Tuy nhiên, ông đã không thể đạt được nhiều thành tựu hơn bởi sự phân biệt đối với khách hàng thượng lưu, khiến trang phục của ông không thể trở nên phổ biến và dần bị quên lãng.

thời trang qua các thời kì

Mariano Fortuny là một nhân vật kỳ lạ, thời trang của ông không có nhiều điểm tương đồng đối với phong cách thời trang tại thời điểm này và trong tất cả các phong cách về sau. Trong các thiết kế của mình, ông đã nghĩ ra kĩ thuật gấp nếp đặc biệt và kỹ thuật nhuộm mới với rất nhiều nguồn nguyên liệu không giới hạn. Ông đã thiết kế một chiếc váy dài tên là Delphos với phom dáng ôm lấy cơ thể người phụ nữ, bằng chất vải silk mềm mại, mịn màng được trang trí bằng kĩ thuật đính kết đá, hạt thủy tinh Venetian, Murano cùng những sợi dây lụa mảnh mai. Trong số rất nhiều tín đồ của ông đã có Eleonora Duse, Isadora Duncan, Cléo de Mérode, Marchesa Casati, Émilienne d’Alençon, và Liane de Pougy. Ông đã được cấp nhiều bằng sáng chế cho nhiều kĩ thuật xử lý chất liệu đặc biệt này.

Thập niên 20 (1920 – 1929)

Thời gian giữa hai cuộc thế chiến, thường được coi là kỷ nguyên vàng trong lịch sử thời trang Pháp nói riêng và cả thế giới nói chung, đây là một trong những giai đoạn thay đổi lớn và cải cách. Xe đẩy được thay thế bằng xe hơi, hoàng tử và công chúa bị mất vương miện, và các nhà mốt haute couture tìm khách hàng mới trong hàng ngũ của diễn viên điện ảnh, ca sĩ Mỹ, hoặc những người vợ và con gái đến từ những người kinh doanh giàu có.

1925-nancy-spence-2

Ngay khi chiến tranh thế giới thứ Nhất kết thúc, ngành thời trang có một sự thay đổi triệt để về hầu hết mọi khía cạnh. Kiểu tóc phồng Bouffant nhường chỗ cho tóc Bob đầy cá tính, váy dài quét đất nhường chỗ cho váy ngắn trên đầu gối hoặc quần. Áo nịt ngực bị bỏ qua và phụ nữ có thể mượn quần áo từ tủ đồ của nam giới nếu muốn thử phong cách mạnh mẽ, cá tính hơn. Mặc dù lúc đầu, nhiều nhà mốt đã miễn cưỡng để chấp nhận phong cách nữ tính mới, nhưng họ đã ứng dụng triệt để từ năm 1925. Vòng ngực, vòng eo được nhấn nhá nhẹ nhàng hơn bởi khăn choàng lông, ren, hình thêu và phụ kiện sặc sỡ. 

1925_aug_mccalls_outlookdresses1

Phong cách Flapper đã trở thành rất phổ biến ở phụ nữ trẻ. Đây là phong cách xuất phát từ những người mặc váy ngắn, uốn xoăn mái tóc của mình, nghe nhạc jazz, và tỏ thái độ khinh khi, bất cần của mình đối với xung quanh. Những người theo phong cách này sẽ bị xem là thô lỗ vì trang điểm đậm, uống nhiều chất kích thích, sử dụng tình dục như một cách giản dị, hút thuốc lá, lái xe ô tô, và coi thường các chuẩn mực xã hội và tình dục. Phong cách này xuất phát từ giai đoạn tự do của the Roaring Twenties, đây là một thuật ngữ cho xã hội phương Tây và văn hóa trong thập niên 20. Đó là một thời kỳ thịnh vượng, kinh tế bền vững với một khía cạnh văn hóa đặc biệt tại Hoa Kỳ, Canada và Tây Âu, đặc biệt là ở các thành phố lớn như New York, Montreal, Chicago, Detroit, Paris, Berlin, London và Los Angeles. Tại Pháp và Quebec, nó đã được biết đến như là “années Folles” (“Crazy Years”), nhấn mạnh tính năng động trong các khía cạnh xã hội, nghệ thuật và văn hóa của thời đại: Nhạc Jazz nở rộ, phong cách flapper định nghĩa lại phái nữ hiện đại, Art Deco lên đến đỉnh điểm, và trong sự trỗi dậy của chủ nghĩa yêu nước siêu cường sau Thế chiến thứ nhất.

flapper

Chiếc nón hình chuông (cloche) xuất hiện ở khắp nơi và trang phục thể thao đã trở nên phổ biến với cả nam giới và nữ giới trong suốt thập kỷ, với thiết kế nổi bật của Jean Patou và Coco Chanel.

1920s-fashion-cloche-hats-and-cropped-hairstyles

Các nhà thiết kế cao cấp như Coco Chanel là một nhân vật gây dấu ấn quan trọng trong giới thời trang vào thời điểm đó. Chanel đã giúp phổ biến các kiểu tóc bob, những chiếc váy đen nhỏ, và việc sử dụng vải dệt kim cho quần áo của phụ nữ và cũng nâng giá trị của cả đồ trang sức và hàng dệt kim.

lịch sử thời trang

Hai nhà thiết kế nổi tiếng khác của Pháp vào những năm của thập niên 20 là Jeanne Lanvin và Jean Patou.

 (còn tiếp…)

Author:

Trả lời

Name*
Email*
Url
Your message*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>